Sau khi giảm xuống mức thấp nhất trong một thập niên qua vào năm 2016, xuất khẩu gạo Việt Nam năm nay tiếp tục được đánh giá là sẽ gặp nhiều khó khăn khi nhiều quốc gia chuyển sang chính sách tự cung tự cấp lương thực. Tuy nhiên, đến thời điểm hiện tại, hạt gạo Việt Nam vẫn được cho là có một năm khởi sắc với nhiều bất ngờ.

Hai 'ông lớn' Vinafood 1, Vinafood 2 đang tồn kho bao nhiêu nghìn tấn gạo?

tuyetnhung | 17/12/2017, 12:53

Sau khi giảm xuống mức thấp nhất trong một thập niên qua vào năm 2016, xuất khẩu gạo Việt Nam năm nay tiếp tục được đánh giá là sẽ gặp nhiều khó khăn khi nhiều quốc gia chuyển sang chính sách tự cung tự cấp lương thực. Tuy nhiên, đến thời điểm hiện tại, hạt gạo Việt Nam vẫn được cho là có một năm khởi sắc với nhiều bất ngờ.

          

Trong báo cáo gửi Bộ Công Thương mới đây, Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA) cho biết tính đến ngày 30.11.2017, Tổng Công ty Lương thực Miền Nam (Vinafood 2) còn tồn kho 216.953 tấn gạo; Tổng Công ty Lương thực Miền Bắc (Vinafood 1) còn tồn 85.000 tấn gạo; các doanh nghiệp hội viên khác còn tồn 509.594 tấn gạo trong kho. Tổng cộng cả nước tồn kho 811.547 tấn gạo.

Về tình hình xuất khẩu gạo trong tháng 11.2017, VFA cho biết lượng gạo xuất khẩu là 371.218 tấn, với trị giá khoảng gần 180 triệu USD. So với cùng kỳ năm trước, xuất khẩu đã giảm 0,59% về số lượng và tăng khoảng 7%-9% về trị giá. Lũy kế từ đầu năm đến hết tháng 11.2017, tổng lượng gạo đã xuất khẩu được là 5,196 triệu tấn với trị giá khoảng 2,3 tỉ USD.

Trong khi đó, thống kê mới nhất của Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) cho thấy xuất khẩu gạo của Việt Nam trong 11 tháng năm 2017 đã thắng lớn khi cán mốc 2,49 tỉ USD, sản lượng đạt 5,52 triệu tấn, tăng 24,9% về trị giá và 24,1% về lượng so với cùng kỳ năm ngoái.

Theo dự báo, trong tháng cuối cùng của năm 2017 xuất khẩu gạo của nước ta sẽ đạt khoảng 400 - 450 nghìn tấn, qua đó đưa tổng khối lượng gạo xuất khẩu trong năm 2017 lên mức 5,9 - 6 triệu tấn gạo, tăng 1,1 - 1,2 triệu tấn gạo so với năm 2016.

VFA cho biết xuất khẩu gạo năm nay đã tăng cả về số lượng và trị giá so với cùng kỳ năm 2016 do sự tăng trưởng xuất khẩu sang các thị trường truyền thống như: Trung Quốc, Malaysia, Philippines, Bangladesh, theo cả hợp đồng tập trung và hợp đồng thương mại. Cụ thể, tại thị trường Malaysia, các doanh nghiệp đã ký được các hợp đồng tập trung với tổng khối lượng 150 nghìn tấn; tại thị trường Bangladesh ký được các hợp đồng tập trung với tổng khối lượng 250 nghìn tấn; tại Philippines, bốn thương nhân Việt Nam đã trúng thầu cung cấp 175 nghìn tấn gạo... Các thị trường mới, còn nhiều tiềm năng như Australia và một số thị trường thuộc Tây Á cũng có sự tăng trưởng mạnh.

Dự báo thời gian tới, mặt hàng gạo sẽ còn gia tăng kim ngạch xuất khẩu khi mới đây, Bộ Lương thực Bangladesh thông báo mời thầu mua 50 nghìn tấn gạo đồ Non-Basmati. Nếu trúng gói thầu sẽ giúp thị trường gạo tiếp tục được cải thiện tốt hơn.

Ngoài Bangladesh, Philippines cũng mở hạn ngạch nhập khẩu gạo theo cơ chế MAV (cơ chế tiếp cận thị trường tối thiểu) 2017-2018. Theo đó, lượng gạo sẽ nhập từ Việt Nam theo cơ chế MAV là 293.100 tấn (tương đương với Thái Lan).

Trung Quốc cũng được dự kiến là sẽ tiếp tục nhập khẩu gạo từ Việt Nam trong những tháng cuối năm với các loại gạo nếp, gạo trắng, gạo thơm, tấm… để phục vụ cho nhu cầu những tháng cuối năm. Trước những diễn biến trên, Hiệp hội Lương thực Việt Nam đã nâng mục tiêu xuất khẩu gạo lên 5,6 triệu tấn thay vì mục tiêu 5,2 triệu tấn trước đó.

Tuyết Nhung

   
Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Thủ tướng đề nghị Mỹ xem xét công nhận Việt Nam có nền kinh tế thị trường
Sáng 27.11, tại Hội nghị Thượng đỉnh Kinh doanh Việt Nam – Mỹ, Thủ tướng Phạm Minh Chính đề nghị doanh nghiệp Hoa Kỳ tiếp tục tăng cường hợp tác, đầu tư vào Việt Nam, đồng thời đề nghị phía Mỹ khẩn trương xem xét công nhận Việt Nam có nền kinh tế thị trường.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Hai 'ông lớn' Vinafood 1, Vinafood 2 đang tồn kho bao nhiêu nghìn tấn gạo?