Việc TPP có thể không được phê chuẩn trong thời gian còn lại của ông Obama trên cương vị tổng thống cũng đồng nghĩa với việc hiệp định thương mại này có thể sẽ bị loại bỏ, khi cả hai ứng cử viên chính cho vị trí tổng thống nhiệm kỳ tiếp theo đều phản đối hiệp định này. Điều tương tự cũng đang xảy ra với một hiệp định thương mại khác TTIP.

Hai hiệp định thương mại lớn nhất thế giới đang lâm nguy

Nhàn Đàm | 31/08/2016, 11:29

Việc TPP có thể không được phê chuẩn trong thời gian còn lại của ông Obama trên cương vị tổng thống cũng đồng nghĩa với việc hiệp định thương mại này có thể sẽ bị loại bỏ, khi cả hai ứng cử viên chính cho vị trí tổng thống nhiệm kỳ tiếp theo đều phản đối hiệp định này. Điều tương tự cũng đang xảy ra với một hiệp định thương mại khác TTIP.

Năm 2016 có lẽ không phải là một năm tốt lành cho các nhà lãnh đạo hàng đầu thế giới về phương diện kinh tế. Không chỉ do việc nền kinh tế toàn cầu vẫn đang tiếp tục trì trệ, mà đã có ít nhất một nhà lãnh đạo quyền lực nhất phải ra đi vì một vấn đề kinh tế - Thủ tướng Anh David Cameron sau Brexit. Tổng thống Mỹ Barack Obama có lẽ sẽ là nạn nhân tiếp theo, khi nguy cơ ông Obama sẽ phải rời Nhà Trắng mà không thể khiến Quốc hội Mỹ phê chuẩn Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) đang là rất lớn.

Việc TPP không thể được phê chuẩn trong thời gian còn lại của ông Obama trên cương vị tổng thống cũng gần như đồng nghĩa với việc hiệp định thương mại này có thể sẽ bịloại bỏ, khi cả hai ứng cử viên chính cho vị trí tổng thống nhiệm kỳ tiếp theo đều phản đối dữ dội hiệp định này. Nhưng, đó vẫn chưa phải là tin xấu nhất. Người anh em với TPP là Hiệp định Đối tác xuyên Đại Tây Dương (TTIP) giữa Mỹ và Liên minh châu Âu (EU) cũng đang đứng trước nguy cơ đổ bể.

Những ngày cuối cùng của tháng 8 có lẽ làmột cơn ác mộng với những người ủng hộ tự do thương mại trên khắp thế giới khi các tin tức xung quanh hai hiệp định thương mại có quy mô lớn nhất thế giới là TPP và TTIP đều rất tiêu cực. Bình luận sau một cuộc đàm phán giữa Mỹ và EU về Hiệp định Đối tác xuyên Đại Tây Dương (TTIP) cách đây vài ngày, Phó thủ tướng Đức Sigmar Gabriel tuyên bố thẳng thừng: “Cuộc đàm phán đã thất bạidù không ai thực sự thừa nhận điều đó”. Vị Phó thủ tướng kiêm Bộ trưởng Kinh tế Đức cho rằng, các khúc mắc chính trong cuộc đàm phán hiện nay sẽ không thể giải quyết ở thời điểm hiện tại, mà ít nhất phải chờ đến năm sau khi cả Mỹ lẫn EU đều có những nhà lãnh đạo mới và chính phủ mới. Ý ông Sigmar Gabriel muốn nhắc tới cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ hiện nay, cũng như cuộc tổng tuyển cử tại Đức và Pháp vào năm tới.

Lời tuyên bố thẳng thừng của Phó thủ tướng Đức Sigmar Gabriel có lẽ là một tin sét đánh với Tổng thống Mỹ Barack Obama, khi điều này cũng đồng nghĩa với việc, rất có thể cả hai hiệp định thương mại tự do lớn nhất thế giới do ông Obama chủ trì sẽ không được thông qua trước khi vị tổng thống da màu của Mỹ rời nhiệm sở vào tháng 1.2017. Trước khi Phó thủ tướng Đức Sigmar Gabriel đưa ra tuyên bố về thời hạn nối lại cuộc đàm phán giữa Mỹ và EU về TTIP vào năm sau, thì các diễn biến tại Quốc hội Mỹ cách đó một tuần cũng cho thấy khả năng Tổng thống Obama có thể vận động Quốc hội thông qua TPP trước khi năm 2016 kết thúc là rất nhỏ. Trong tuần qua, lần lượt cả chủ tịch Hạ viện lẫn Thượng viện Mỹ đều tuyên bố sẽ có rất ít khả năng hai viện trong Quốc hội Mỹ bỏ phiếu thông qua TPP trong kỳ họp vào tháng 11 tới.

Về lý thuyết, chỉ còn duy nhất một cơ hội cuối cùng để Tổng thống Barack Obama có thể vận động Quốc hội thông qua TPP, đó là kỳ họp của Quốc hội sau cuộc tổng tuyển cử ngày 8.11tới đây, và khi đó TPP sẽ được đưa ra để biểu quyết. Tuy nhiên, khả năng thành công là rất mong manh khi cả chủ tịch Hạ viện lẫn Thượng viện đều là người của đảng Cộng hòa, và cả hai đều không có ý định để bất cứ cuộc bỏ phiếu nào diễn ra ở cả hai viện. Chủ tịch Hạ viện Paul Ryan thì tuyên bố sẽ không có cuộc bỏ phiếu nào diễn ra ở Hạ viện để phê chuẩn các hiệp định thương mại cho đến khi tổng thống mới của Mỹ tuyên thệ nhậm chức vào cuối tháng 1.2017. Còn Chủ tịch Thượng viện Mitch McConell cũng cho biết dự định sẽ để các vấn đề thương mại lại đến nhiệm kỳ tổng thống mới. Nói cách khác, nếu ông Obama không thể đảo ngược tình hình vào kỳ họp Quốc hội vào tháng 11 tới, thì sẽ chẳng còn cơ hội nào khác để làm điều đó.

Điều này có nghĩa lànhiều khả năng cả TPP lẫn TTIP đều sẽ chết yểu, vì hiện tại chỉ có Tổng thống Obama là người duy nhất có thế lực ủng hộ hai hiệp định thương mại này, trong khi cả hai ứng cử viên chính cho vị trí kế nhiệm ông là Donald Trump và Hillary Clinton đều phản đối rất gay gắt các hiệp định thương mại mà TPP là điển hình. Kể cả là ông Trump hay bà Hillary giành chiến thắng thì nhiều khả năng TPP cũng sẽ vẫn bị bác bỏ, dù đúng là các tổng thống sau khi nhậm chức có thể đảo ngược lại những vấn đề về chính sách mà họ đã phản đối trong thời gian tranh cử, nhưng khả năng đó là rất hiếm.

Cơ hội để Tổng thống Obama có thể đảo ngược tình hình trong cuộc họp Quốc hội tháng 11 tới được đánh giá là rất mong manh, do tâm lý chống các hiệp định thương mại đang ngày càng lan rộng trong xã hội Mỹ, trong khi hai đảng Dân chủ và Cộng hòa thì đang chia rẽ nghiêm trọng về vấn đề này. Sự phản đối không chỉ từ phía người lao động vốn được đánh giá là sẽ bị ảnh hưởng lớn từ các hiệp định thương mại về các vấn đề như việc làm, mà còn đang đến từ các nhà kinh tế vốn được xem là có xu hướng ủng hộ tự do thương mại.

Nhà kinh tế học nổi tiếng đã từng giành giải Nobel là Joseph Stiglitz mới đây đã tuyên bốrằng TPP sẽ chỉ đem lại lợi ích cho các tập đoàn lớn thay vì cho người dân Mỹ. Ông nói việc Quốc hội Mỹ thông qua TPP sẽ là một sai lầm không thể cứu vãn. Không chỉ ở Mỹ, mà người dân các nước châu Âu cũng đang có xu hướng phản đối các hiệp định thương mại, điển hình như ở Đức khi kết quả khảo sát cho thấy 59% người dân đánh giá tiêu cực về vấn đề tự do thương mại.

Nếu TPP không được Quốc hội Mỹ thông qua, và có thể kéo theo việc TTIP chết yểu từ trong trứng nước, đó sẽ là một thất bại lớn của Tổng thống Obama trong hai nhiệm kỳ của mình. Kỳ vọng của vị tổng thống da màu đầu tiên của Mỹ là sẽ tạo ra một bước ngoặt lớn trong lịch sử kinh tế Mỹ, bằng cách tạo ra hai khu vực thương mại có quy mô lớn nhất thế giới trong đó lấy Mỹ làm trung tâm, đó là TPP có quy mô chiếm 30% thương mại toàn cầu kết nối Mỹ với các nền kinh tế hai bờ Thái Bình Dương, và TTIP có quy mô chiếm 40% thương mại thế giới trong đó sẽ nối Mỹ với nền kinh tế EU. Đó có thể xem là một tham vọng lớn lao của ông Obama, và nếu thành công nó có thể sẽ thay đổi hoàn toàn bộ mặt và trật tự kinh tế - thương mại trên toàn thế giới ít nhất là trong thế kỷ 21. Nhưngở thời điểm hiện tại, có lẽ nó sẽ chỉ dừng lại ở việc là hai tập hồ sơ sẽ bị vị tổng thống Mỹ kế tiếp cho vào ngăn kéo mà thôi.

Nhàn Đàm (theo Bloomberg)
Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Thủ tướng: Cơ chế, chính sách phù hợp sẽ nhân đôi, nhân ba sức mạnh
9 giờ trước Sự kiện
Trong chương trình kỳ họp thứ 8, sáng 23.11, các đại biểu Quốc hội thảo luận tại tổ về dự án Luật Quản lý và đầu tư vốn Nhà nước tại doanh nghiệp và dự án Luật Công nghiệp công nghệ số. Thủ tướng Phạm Minh Chính tham gia thảo luận tại tổ 8, gồm đại biểu Quốc hội các địa phương Vĩnh Long, Điện Biên, Kon Tum, Cần Thơ.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Hai hiệp định thương mại lớn nhất thế giới đang lâm nguy