Hai công trình xây dựng không phép, xâm hại rừng phòng hộ tại Đà Lạt vừa bị cơ quan chức năng yêu cầu tháo dỡ.

Hai công trình xâm hại rừng phòng hộ tại Đà Lạt bị yêu cầu xử lý, tháo dỡ

23/03/2020, 11:24

Hai công trình xây dựng không phép, xâm hại rừng phòng hộ tại Đà Lạt vừa bị cơ quan chức năng yêu cầu tháo dỡ.

Cầu treo đáy kính tại Lâm Đồng

Xây dựng cầu đáy kính không phép, xâm hại rừng phòng hộ

Vừa qua, UBND TP. Đà Lạt (Lâm Đồng) đã có thông báo về việc buộc tháo dỡ công trình cầu treo đáy kính không phép tại khu du lịch (KDL) Thung lũng Tình yêu (đường Mai Anh Đào, phường 8, TP. Đà Lạt).

Công trình này do Công ty CP du lịch Thành Thành Công Lâm Đồng (công ty TTC Lâm Đồng) làm chủ đầu tư.

Theo văn bản của UBND TP. Đà Lạt, đã quá hạn 60 ngày kể từ ngày lập biên bản vi phạm hành chính, chủ đầu tư vẫn không xuất trình được giấy phép xây dựng theo quy định. Do đó, UBND TP. Đà Lạt yêu cầu trong hạn 15 ngày, công ty TTC Lâm Đồng phải thực hiện biện pháp buộc tháo dỡ công trình vi phạm. Hết thời hạn này, nếu không chấp hành sẽ bị cưỡng chế theo quy định pháp luật.

Công trình cầu đáy kính không phép của công ty Thành Thành Công Lâm Đồng vừa bị cơ quan chức năng yêu cầu tháo dỡ

Trước đó, tại KDL Thung lũng Tình yêu, chủ đầu tư đã cho xây dựng công trình cầu treo đáy kính 7D có tổng chiều dài 255m, rộng hơn 2,96m, cao từ 20 đến 28m. Hiện công trình đã kéo dây neo và dây đáy kính.

Trong quá trình thực hiện dự án, công ty TTC Lâm Đồng đã sử dụng trái phép 27 lao động Trung Quốc để xây dựng. Khi Sở Lao động - Thương binh và xã hội tỉnh Lâm Đồng kiểm tra, các lao động trái phép này đã về nước.

Không những thế, khi UBND Phường 8 (TP. Đà Lạt) và kiểm lâm địa bàn kiểm tra còn phát hiện chủ đầu tư dù chưa chuyển mục đích sử dụng đất, chưa bồi thường tài nguyên rừng và chưa có giấy phép xây dựng nhưng chủ đầu tư vẫn tự ý cho xây dựng công trình. Đáng chú ý hơn, chủ đầu tư còn cho đốn hạ trái phép 6 cây thông làm thiệt hại 270m2 rừng phòng hộ. Các cây thông có đường kính từ 20-35 cm, phần thân, lá cây bị cắt lìa và tiêu hủy.

Ngày 15.1, UBND TP Đà Lạt ra quyết định tạm đình chỉ thi công công trình cầu đáy kính. Đồng thời xử phạt hành chính Công ty TTC Lâm Đồng số tiền 40 triệu đồng về hành vi xây dựng cầu đáy kính khi chưa có giấy phép. Đến thời điểm này đã quá hạn 60 ngày nhưng chủ đầu tư vẫn không xuất trình được giấy phép liên quan.

"Vườn thượng uyển bay" "mọc" trên đất quy hoạch rừng phòng hộ

Bên cạnh cầu đáy kính, công trình du lịch “Vườn thượng uyển bay” cũng được chủ đầu tư cho xây dựng khi chưa có giấy phép. Công trình này có diện tích hơn 3.500m2 và ngang nhiên “mọc” trên khu đất thuộc diện quy hoạch đất rừng phòng hộ, gây bức xúc trong dư luận.

Trước thực trạng được phản ánh, ngày 16.3, Văn phòng Chính phủ đã có văn bản chỉ đạo gửi UBND tỉnh Lâm Đồng, nội dung truyền đạt ý kiến chỉ đạo của Phó Thủ tướng Thường trực Trương Hòa Bình. Qua đó, yêu cầu UBND tỉnh Lâm Đồng kiểm tra phản ánh của một số cơ quan báo chí về công trình du lịch canh nông Vườn thượng uyển bay có quy mô đồ sộ, hoành tráng, rộng hàng nghìn mét vuông xây dựng và khai thác không phép trên đất quy hoạch rừng phòng hộ tại Phường 10, TP. Đà Lạt. Đồng thời xử lý theo đúng quy định của pháp luật.

Công trình Vườn thượng uyển bay xây dựng trên đất quy hoạch rừng phòng hộ

Theo tìm hiểu, công trình không phép Vườn thượng uyển bay do chủ đất là bà Vũ Thị Ái (SN 1976, trú phường 8, TP. Đà Lạt) xây dựng. Tháng 4.2019, bà Ái chuyển nhượng quyền sử dụng hơn 1,7 ha đất nông nghiệp thuộc các thửa 43, 44, 45, mặt tiền Quốc lộ 20 (đoạn qua đèo Mimosa).

Sau đó, bà Ái xây dựng hàng loạt công trình chui để kinh doanh như: san ủi đất phân lô, nền; xây dựng các công trình kiên cố, tiểu cảnh, nhà bán hàng, văn phòng làm việc, phòng bán vé, kinh doanh giải khát; đặc biệt là 26 phòng, buồng lưu trú quy mô lớn...

Phát hiện sự việc trên, UBND phường 10 và UBND TP. Đà Lạt đã ra các quyết định xử phạt vi phạm hành chính, yêu cầu tháo dỡ công trình. Đồng thời, UBND phường 10 cũng đã cắm biển để cảnh báo người dân rằng khu vực này được quy hoạch đất rừng phòng hộ.

Để tiếp tục kinh doanh, bà Ái chuyển sang lập hồ sơ đăng ký thành lập hợp tác xã (HTX) Du lịch canh nông tổng hợp Xuân Ái Hùng rồi lập báo cáo đề xuất thực hiện dự án đầu tư Điểm du lịch canh nông Vườn thượng uyển bay .

Sau đó, dù vẫn chưa được sự đồng ý của cơ quan chức năng, nhưng HTX Xuân Ái Hùng đã tự ý cho triển khai xây dựng hàng loạt hạng mục công trình không phép trên khu đất nông nghiệp. Đến nay, diện tích xây dựng trái phép đã lên đến hơn 3.500m2, bao gồm nhiều hạng mục phục vụ cho mục đích kinh doanh.

Trước sai phạm trên, UBND TP. Đà Lạt ban hành quyết định đình chỉ thi công, cấm bán vé để xử lý công trình vi phạm này. Đồng thời có quyết định cưỡng chế, buộc tháo dỡ toàn bộ các công trình vi phạm.

Cũng theo tìm hiểu, tại báo cáo số 312/BC-SXD ngày 27.2.2020 của Sở xây dựng tỉnh Lâm Đồng báo cáo UBND tỉnh, HTX Xuân Ái Hùng (do bà Ái làm chủ đầu tư) vẫn chưa làm các thủ tục về đất đai (đăng ký quyền sử dụng đất, chuyển mục đích sử dụng đất..) để triển khai thực hiện dự án đã được UBND tỉnh chấp thuận chủ trương đầu tư.

Nghinh Phong

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Bước tiến mới cho Internet Việt Nam - Bứt phá với DC, Cloud, 5G và AI
1 giờ trước Khoa học - công nghệ
Hội thảo, Triển lãm Internet Day 2024 diễn ra tại Hà Nội với chủ đề “Bước tiến mới cho Internet Việt Nam - Bứt phá với DC, Cloud, 5G và AI”.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Hai công trình xâm hại rừng phòng hộ tại Đà Lạt bị yêu cầu xử lý, tháo dỡ