Trong chương trình khảo sát điền dã của Bảo tàng tỉnh Hà Tĩnh tại huyện Nghi Xuân, các nhà nghiên cứu đã phát hiện 4 hiện vật là đồ gốm cổ có niên đại thời Lý – Trần.

Hà Tĩnh phát hiện nhóm cổ vật bên ngôi mộ cổ

11/07/2018, 18:15

Trong chương trình khảo sát điền dã của Bảo tàng tỉnh Hà Tĩnh tại huyện Nghi Xuân, các nhà nghiên cứu đã phát hiện 4 hiện vật là đồ gốm cổ có niên đại thời Lý – Trần.

Nhóm cổ vật vừa được phát hiện ở xã Xuân Trường - Ảnh: BTHT

Ngày 11.7, thông tin từ Bảo tàng tỉnh Hà Tĩnh cho biết, các hiện vật trên được phát hiện tại vườn nhà ông Lê Đình Tý (xóm Trường Thanh, xã Xuân Trường, huyện Nghi Xuân).

Các hiện vật được phát hiện gồm có hai hũ gốm sành, một đĩa và một bát bằng gốm sứ, được xác định là có niên đại thời Lý – Trần.

Hai hũ gốm có kích thước bằng nhau, cao 19 cm, đường kính miệng 9 cm, đường kính đáy 8cm, đường kính thân 15 cm. Hũ sành có hình thân phình, miệng và đáy thóp, trên vành có trang trí gờ nổi đường tròn bao quanh, toàn thân màu da lươn, trang trí hoa văn khắc vạch kéo dài từ miệng đến đáy. Hũ có đế tròn, chân cao hình chân voi nên thường được gọi là hũ chân voi.

Chiếc hũ sành chân voi - Ảnh: BTHT

Cùng trong số này là chiếc đĩa gốm sứ có miệng tròn đường kính 15 cm, đáy nhỏ đường kính 5,5 cm, chiều cao 4 cm; lòng bát trang trí hoa văn chìm đường tròn đồng tâm và các chấm tròn bao quanh miệng bát, có hình bông hoa cúc 19 cánh bằng nhau. Chính giữa bát trang trí nhánh hoa cúc mờ. Mặt ngoài đĩa để trơn, cũng được tráng men ngọc (celadon) như mặt trong.

Hiện vật còn lại là chiếc bát gốm sứ cũng được tráng men ngọc, miệng loe, đáy thóp,đế thô. Đường kính miệng 17 cm, đường kính đế 4,5 cm, cao 5 cm. Lòng bát trang trí nhiều hoa cúc và lá cúc.

Chiếc đĩa tráng men ngọc - Ảnh: BTHT

Chiếc bát loe tráng men ngọc - Ảnh: BTHT

Theo cán bộ thuộc Bảo tàng tỉnh Hà Tĩnh, tất cả hiện vật trên được chủ nhà tìm thấy cách mặt đất 50cm, gần ngôi mộ tổ họ Lê Văn mà hậu duệ là Lê Văn Xướng đã đỗ Hoàng giáp khoa Ất Sửu chế khoa (1565) dưới thời vua Lê Anh Tông.

Các hiện vật được phát hiện trong đợt khảo sát này giúp các nhà nghiên cứu lịch sử và khảo cổ có thêm tư liệu về quá trình tụ cư của người Việt thời Lý – Trần ở xã Xuân Trường và huyện Nghi Xuân.

Quang Cường

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Vui buồn nghề muối Bạc Liêu - Bài 2: Ứng dụng kỹ thuật, công nghệ mới
một giờ trước Kinh tế - đầu tư - dự án
Để làm giàu trên chính đồng muối của gia đình, nhiều diêm dân ở Bạc Liêu đã mạnh dạn đầu tư vật tư, thiết bị cơ giới hóa để sản xuất muối theo hướng công nghệ cao. Hướng đi mới đã khẳng định được hiệu quả, góp phần nâng cao sản lượng lẫn chất lượng hạt muối.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Hà Tĩnh phát hiện nhóm cổ vật bên ngôi mộ cổ