Theo báo cáo của VCCI, lý do lớn nhất khiến các doanh nghiệp không lựa chọn biện pháp tư pháp là thời gian, tiếp theo là tình trạng chạy án. Đặc biệt là các doanh nghiệp đã từng vướng kiện tụng luôn đánh giá thấp hơn so với doanh nghiệp chưa từng.

Hà Nội và TP.HCM ít chuyển biến tích cực về thủ tục thuế

20/11/2018, 12:27

Theo báo cáo của VCCI, lý do lớn nhất khiến các doanh nghiệp không lựa chọn biện pháp tư pháp là thời gian, tiếp theo là tình trạng chạy án. Đặc biệt là các doanh nghiệp đã từng vướng kiện tụng luôn đánh giá thấp hơn so với doanh nghiệp chưa từng.

Doanh nghiệp ít tin tưởng hơn vào tòa án từ vụ thứ 2 - Ảnh minh họa

Sáng 20.11, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) đã tổ chức Hội thảo Báo cáo thực hiện Nghị quyết 19 và 35 về cải cách môi trường kinh doanh và phát triển doanh nghiệp - Góc nhìn từ doanh nghiệp.

Doanh nghiệp là thước đo của cải cách

Ông Vũ Tiến Lộc - Chủ tịch VCCI cho biết sau 30 năm đổi mới, giai đoạn 2012 - 2014 nền kinh tế Việt Nam có dấu hiệu chững lại. Tốc độ tăng trưởng dưới 6%/năm, mức thấp kỷ lục chỉ sau các năm khủng hoảng kinh tế toàn cầu. Việt Nam mới chỉ lấy lại được tốc độ tăng trưởng nhanh trên 6% từ năm 2015 trở lại đây.

Có được kết quả đó phải kể đến các nỗ lực tái cơ cấu nền kinh tế, trong đó có việc thay đổi mô hình tăng trưởng từ chỗ phụ thuộc vào đầu tư công, doanh nghiệp nhà nước và tăng trưởng tín dụng sang coi kinh tế tư nhân là động lực quan trọng của nền kinh tế.

Để phát triển kinh tế tư nhân, vai trò của Nhà nước trong nền kinh tế sẽ chuyển từ người chèo đò sang người lái đò. Nói cách khác, Nhà nước thay vì điều hành các doanh nghiệp bằng mệnh lệnh thì chuyển sang điều hành bằng pháp luật và các biện pháp hỗ trợ doanh nghiệp. Đây cũng là 2 chức năng kinh tế quan trọng nhất của một nhà nước kiến tạo phát triển, tạo lập thể chế kinh tế thị trường và hỗ trợ phát triển doanh nghiệp.

Đã gần 5 năm kể từ khi Nghị quyết 19 ban hành, môi trường kinh doanh đã có những chuyển biến rõ nét. Tuy nhiên thời gian qua, giữa các bộ ngành và địa phương có mức độ thực hiện chưa đồng đều. Nhiều bộ ngành ít chuyển biến, còn thực hiện đối phó.

Doanh nghiệp chưa tiếp xúc với tòa án có niềm tin cao hơn

Số liệu thống kê của VCCI cho thấy, các doanh nghiệp chưa bao giờ tiếp xúc với toà án có niềm tin vào hệ thống tư pháp cao hơn so với những doanh nghiệp đã từng tiếp xúc.

Theo điều tra, đối với những doanh nghiệp chưa bao giờ tiếp xúc, vẫn có 81% tin tưởng rằng quyền lợi chính đáng và hợp pháp của mình sẽ được toà án và cơ quan thi hành án dân sự bảo vệ, trong khi chỉ có 70% doanh nghiệp từng tiếp xúc với hệ thống tư pháp có niềm tin này.

Lý do lớn nhất để các doanh nghiệp không lựa chọn biện pháp tư pháp là thời gian, tiếp theo là tình trạng chạy án. Đặc biệt là các doanh nghiệp đã từng vướng kiện tụng luôn đánh giá thấp hơn so với doanh nghiệp chưa từng vướng kiện tụng.

Về mặt thủ tục, mặc dù có đến hàng nghìn thủ tục kiểm tra chuyên ngành đối với các loại hàng hoá, nhưng tính đến tháng 9.2018 mới chỉ có 68 thủ tục có thể thực hiện được trên Cổng thông tin điện tử một cửa quốc gia. Dự kiến đến năm 2020 sẽ có 284 thủ tục.

Tuy nhiên, trong 68 thủ tục này thì chỉ có duy nhất một thủ tục khai báo hoá chất là thực hiện điện tử hoàn toàn. Các thủ tục khác thì dù doanh nghiệp có nộp hồ sơ điện tử thì vẫn phải nộp thêm một bản giấy. Như vậy, mức độ cải cách rất chậm.

Đa số các doanh nghiệp được hỏi cho biết hài lòng về thủ tục đăng ký kinh doanh. Đây là lĩnh vực được các doanh nghiệp đánh giá là có mức độ cải thiện lớn nhất trong 11 lĩnh vực của Nghị quyết 19. Các tỉnh được đánh giá tốt nhất về cải thiện chỉ số đăng ký kinh doanh gồm Trà Vinh, Bạc Liêu, Đà Nẵng, An Giang, Bình Định, Long An, Phú Yên, Quảng Ninh, Tây Ninh…

Một số doanh nghiệp khu vực miền Nam được hỏi cho biết trước đây, họ thường bị gây khó dễ, thậm chí bị vòi vĩnh khi làm thủ tục thay đổi đăng ký kinh doanh. Nhưng hiện tượng này hiện nay đã giảm. Mặc dù vậy, vẫn còn tình trạng cứng nhắc khi một số cán bộ xử lý hồ sơ khiến doanh nghiệp mất thời gian.

Bên cạnh đó, hiện có một nghịch lý về ứng dụng công nghệ thông tin trong thủ tục đăng ký doanh nghiệp. Theo đó, có đến 60% doanh nghiệp trả lời điều tra PCI cho biết họ đánh giá tốt việc ứng dụng công nghệ thông tin của cơ quan đăng ký kinh doanh, nhưng mới chỉ có 13% các doanh nghiệp thực hiện thủ tục đăng ký kinh doanh qua phương thức trực tuyến.

Cá biệt có một số địa phương không có một doanh nghiệp nào trong số các doanh nghiệp được hỏi từng làm thủ tục đăng ký kinh doanh qua mạng.

Hà Nội và TP.HCM ít chuyển biến thủ tục thuế

Khi đánh giá về sự chuyển biến tích cực trong lĩnh vực thủ tục hành chính thuế, doanh nghiệp tại các địa phương có mức độ cảm nhận khác nhau. Hầu hết các tỉnh thành phố ở khu vực miền Nam đều được đánh giá tốt. Khu vực duyên hải Nam Trung Bộ cũng được nhiều doanh nghiệp ghi nhận sự chuyển biến về thủ tục hành chính thuế.

Đáng chú ý, hai thành phố có nhiều doanh nghiệp nhất là Hà Nội và TP.HCM đều nằm trong nhóm ít chuyển biến.

Cũng theo báo cáo, tất cả các luật sư được hỏi đều cho biết việc giải quyết tranh chấp kinh doanh thương mại và phá sản vẫn mất rất nhiều thời gian mà hiệu quả không cao. Nguyên nhân của thực trạng này nằm ở cả toà án và cơ quan thi hành án.

Cụ thể, đối với thủ tục nhận và thụ lý đơn khởi kiện hiện nay, tình trạng hướng dẫn bằng lời nói (không có văn bản), trả lại đơn không rõ lý do, không viết phiếu hẹn diễn ra phổ biến.

Tình trạng vi phạm thời hạn tố tụng hoặc đình chỉ, tạm đình chỉ án vì những lý do cứng nhắc, thậm chí nhũng nhiễu tiêu cực vẫn diễn ra thường xuyên. Kể cả sau khi đã có bản án thì công tác thi hành án cũng rất chậm và không có cải thiện so với trước đây.

Lam Thanh

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Thủ tướng: Khởi nghiệp sáng tạo có khả năng tạo ra những thay đổi đột phá
3 giờ trước Khoa học - công nghệ
Thủ tướng Phạm Minh Chính cho biết khởi nghiệp sáng tạo góp phần nâng cao năng suất, chất lượng… và cũng có khả năng tạo ra những thay đổi đột phá.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Hà Nội và TP.HCM ít chuyển biến tích cực về thủ tục thuế