Ban Chỉ đạo phòng chống tham nhũng TP Hà Nội do Bí thư Thành ủy Đinh Tiến Dũng làm trưởng ban, ngoài ra còn có 5 phó trưởng ban.

Hà Nội lập BCĐ phòng chống tham nhũng, tiêu cực, ông Đinh Tiến Dũng làm trưởng ban

Lam Thanh | 13/05/2022, 19:06

Ban Chỉ đạo phòng chống tham nhũng TP Hà Nội do Bí thư Thành ủy Đinh Tiến Dũng làm trưởng ban, ngoài ra còn có 5 phó trưởng ban.

Ban Thường vụ Thành ủy Hà Nội vừa ban hành quyết định thành lập Ban Chỉ đạo Thành ủy về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực.

Đây là địa phương đầu tiên cụ thể hóa chỉ đạo của Ban Chấp hành Trung ương tại Hội nghị lần thứ năm về việc thành lập Ban Chỉ đạo phòng, chống tham nhũng, tiêu cực cấp tỉnh.

dtd.jpg
Bí thư Thành ủy Hà Nội Đinh Tiến Dũng làm Trưởng ban chỉ đạo phòng chống tham nhũng, tiêu cực Hà Nội

Ban Chỉ đạo gồm 15 thành viên. Ông Đinh Tiến Dũng, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy Hà Nội, Trưởng đoàn ĐBQH thành phố làm Trưởng ban Chỉ đạo; Ban Nội chính Thành uỷ là Cơ quan thường trực Ban Chỉ đạo.

5 Phó Trưởng ban Chỉ đạo gồm các ông, bà: Nguyễn Thị Tuyến, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó bí thư Thường trực Thành ủy; Nguyễn Quang Đức, Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy, Trưởng ban Nội Chính Thành ủy (Phó trưởng ban Thường trực); Vũ Đức Bảo, Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy, Trưởng ban Tổ chức Thành ủy; Hoàng Trọng Quyết, Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy, Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Thành ủy; Nguyễn Hải Trung, Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy, Trung tướng - Giám đốc Công an thành phố.

Theo quyết định, chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, chế độ làm việc, quan hệ công tác của Ban Chỉ đạo Thành ủy về Phòng chống tham nhũng, tiêu cực thực hiện theo quy định của Ban Bí thư; đồng thời thay thế và thực hiện chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của Ban Chỉ đạo Chương trình số 10-CTr/TU ngày 17-3-2021 của Thành ủy Hà Nội về “Nâng cao hiệu quả công tác phòng, chống tham nhũng; thực hành tiết kiệm, chống lãng phi giai đoạn 2021 – 2025”.

Trưởng Ban Chỉ đạo phân công nhiệm vụ cụ thể đối với các thành viên Ban Chỉ đạo. Ban Chỉ đạo ban hành quy chế làm việc; quy định về công tác kiểm tra, giám sát; xây dựng các chương trình, kế hoạch công tác. Ban Chỉ đạo được sử dụng con dấu riêng để chỉ đạo thực hiện nhiệm vụ; kinh phí hoạt động do ngân sách thành phố cấp theo quy định.

Trước đó, chiều 10.5, phát biểu bế mạc hội nghị lần thứ năm Ban Chấp hành Trung ương Đảng khoá 13, Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng cho biết, Ban Chấp hành Trung ương đã bàn và thống nhất rất cao về chủ trương thành lập Ban Chỉ đạo cấp tỉnh về phòng chống tham nhũng, tiêu cực, coi đây là việc làm cần thiết, đúng đắn, phù hợp với tình hình thực tế hiện nay.

Theo Tổng bí thư, nghiêm túc tổ chức, hoạt động theo đúng chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn như nêu trong Đề án chắc chắn sẽ góp phần tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo triển khai thực hiện quyết liệt, đồng bộ từ Trung ương đến địa phương, tạo sự chuyển biến tích cực, mạnh mẽ hơn nữa, hiệu lực, hiệu quả cao hơn nữa trong công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta theo đúng tinh thần: "Trên dưới đồng lòng, dọc ngang thông suốt!".

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Thủ tướng: Cơ chế, chính sách phù hợp sẽ nhân đôi, nhân ba sức mạnh
3 giờ trước Sự kiện
Trong chương trình kỳ họp thứ 8, sáng 23.11, các đại biểu Quốc hội thảo luận tại tổ về dự án Luật Quản lý và đầu tư vốn Nhà nước tại doanh nghiệp và dự án Luật Công nghiệp công nghệ số. Thủ tướng Phạm Minh Chính tham gia thảo luận tại tổ 8, gồm đại biểu Quốc hội các địa phương Vĩnh Long, Điện Biên, Kon Tum, Cần Thơ.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Hà Nội lập BCĐ phòng chống tham nhũng, tiêu cực, ông Đinh Tiến Dũng làm trưởng ban