Trong khi các trẻ mầm non trên cả nước gần như đã quay trở lại trường để học trực tiếp thì chỉ còn mỗi Hà Nội vẫn "án binh bất động".

Hà Nội cho trẻ mầm non 'trốn dịch' đến bao giờ?

Dạ Thảo - Ảnh: Thành Chung | 05/04/2022, 12:57

Trong khi các trẻ mầm non trên cả nước gần như đã quay trở lại trường để học trực tiếp thì chỉ còn mỗi Hà Nội vẫn "án binh bất động".

Trẻ mầm non tại Hà Nội là đối tượng duy nhất hiện nay vẫn phải ở nhà, chưa được đến trường học trực tiếp do ảnh hưởng dịch bệnh COVID-19, có một số đơn vị vẫn cho trẻ mầm non học trực tuyến tuy nhiên điều này khiến nhiều trẻ cũng như phụ huynh không hào hứng hay ủng hộ.

Hà Nội cho trẻ mầm non "trốn dịch" đến bao giờ?

Nhiều phụ huynh cho biết, gia đình có 2 con gồm 1 trẻ học tiểu học và 1 trẻ mầm non nên rất mong trường mầm non cũng mở cửa để bé được trở lại trường. Chị Hà Nhi, có 1 bé 4 tuổi đang ở độ tuổi mầm non và 1 bé đang học lớp 3 trường tiểu học Dịch Vọng, Cầu Giấy, Hà Nội cho biết do ảnh hưởng dịch trước đây thì cả 2 cháu ở nhà, chị đã phải xin làm việc online để trông con. "Nhưng nay đứa đầu đi học, mà nhà trường vẫn chưa tổ chức bữa ăn bán trú, trong khi đó đứa thứ 2 lại chưa được đi học tại trường mầm non, dù tôi có xin nghỉ làm ở nhà cũng khó có thể xoay sở kịp vừa đón đứa lớn, vừa trông đứa nhỏ. Nếu cứ đóng cửa kéo dài như thế này thì công việc đã không được đảm bảo mà ngay đến cả tiền sinh hoạt cũng không còn để lo nổi cho gia đình khi mà một trong 2 cháu chưa được đến trường".

Trong khi đó, đứng ở góc độ quản lý trường, một hiệu trưởng của một trường mầm non ở quận Đống Đa cho biết, hơn 1 năm nay nhà trường chật vật với đủ các khoản chi tiêu mà không hề có nguồn thu. "Các cô giáo cũng đã thay vì đứng dạy lớp thì nhận trông 2-3 bé tại nhà, có người chuyển sang bán hàng online, thậm chí nhận lời làm giúp việc nhà cho người khác để đủ chi tiêu. Còn với nhà trường thì ngoài việc phải thuê bảo vệ thỉnh thoảng vừa trông trường vừa dọn dẹp vệ sinh thì cũng phải vay thêm các nguồn ở ngoài để vệ sinh đồ dùng và máy móc, chờ ngày các con đến trường mà cơ sở vật chất vẫn đảm bảo". 

yen-lop-mam-non-11.jpg
Học sinh mầm non trên địa bàn Hà Nội vẫn chưa được đến trường

Hiện nay, hầu hết các gia đình có con ở độ tuổi tiểu học và con ở bậc mầm non đều mong khi các học sinh tiểu học được đến trường, tiếp theo sẽ là trẻ mầm non. Mở cửa trường mầm non là mong muốn của đại đa số phụ huynh học sinh cũng như các nhà trường sau gần 1 năm đóng cửa vì đại dịch.

Ông Trần Thế Cương, Giám đốc Sở GD-ĐT Hà Nội cho biết, ngay sau khi học sinh khối 1-6 đi học trở lại Sở sẽ cho lấy ý kiến phụ huynh, làm căn cứ để có phương án đề xuất UBND TP cho trẻ mầm non đi học trở lại. Khi nắm được nguyện vọng, mong muốn của phụ huynh, Hà Nội sẽ tính phương án mở cửa trường học,ngay sau đó cho trẻ tới trường. “Tuy nhiên, các trường mầm non dừng hoạt động kéo dài, cần thời gian rà soát lại toàn bộ cơ sở vật chất, khu vui chơi nhằm đảm bảo an toàn cho trẻ. Ngoài ra, các nhà trường cũng lau dọn, vệ sinh khử khuẩn phòng học, bàn ghế, đồ dùng học tập, lên các phương án đón trẻ đảm bảo an toàn phòng chống dịch để dạy học trực tiếp bền vững", ông Cương nói.

Trong khi đó, khi đưa vấn đề này ra để thảo luận, PGS.TS Hoàng Minh Sơn - Thứ trưởng Bộ GD-ĐT cho biết hiện có 62/63 địa phương cho các cháu đến trường, chỉ trừ Hà Nội chưa cho phép. Nhìn tổng thể thì đến nay các địa phương đã có biện pháp, thực hiện tốt việc cho các cháu đến trường dù mỗi nơi tình hình dịch bệnh có sự khác nhau. "Hiện chỉ còn Hà Nội chưa có kế hoạch cụ thể cho trẻ mầm non đến trường, cho nên lãnh đạo Hà Nội phải quyết định việc này"- Thứ trưởng  Sơn Bộ GD-ĐT nhấn mạnh.

Không nhất thiết phải "quá an toàn" hay đợi tiêm đủ vắc xin

Dưới góc độ chuyên gia, PGS.TS. Trần Đắc Phu - Nguyên Cục trưởng Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) cho rằng, việc cho trẻ đi học trở lại là vô cùng cần thiết, đặc biệt là ở lứa tuổi mầm non, phụ huynh không nên chờ tiêm vắc xin mới cho trẻ đến trường. Việc trẻ em không được đến trường trong một thời gian dài sẽ gây ra các khiếm khuyết về cả thể chất lẫn tinh thần khi các em không được tương tác với bạn bè, thầy cô, từ đó ảnh hưởng tới sự phát triển lâu dài, thậm chí khiến trẻ mắc bệnh trầm cảm...

"Phần lớn trẻ em nhiễm COVID-19 thường có triệu chứng nhẹ, nếu so sánh giữa lợi ích và rủi ro thì cần cho trẻ đi học. Vừa qua, trẻ em ở nhà dương tính rất nhiều vì chúng ta nới lỏng các hoạt động, số ca nhiễm trong cộng đồng nhiều, khi người lớn mắc bệnh lây cho trẻ. Nếu ở trường làm các biện pháp phòng dịch tốt, có tổ chức, nguy cơ lây nhiễm chưa chắc cao hơn ở nhà", PGS.TS. Trần Đắc Phu cho biết. Và lý do "phải tiêm được vắc xin mới yên tâm đưa trẻ đến trường" của Hà Nội liệu có cứng nhắc không khi thời gian của năm học 2021-2022 không còn nhiều.

yen-lop-mam-non-12.jpg
Nhiều chuyên gia cho rằng trẻ mầm non cần được quay trở lại trường

Đồng quan điểm, Tiến sĩ Tâm lý Nguyễn Thị Nga, Trung tâm nghiên cứu tâm lý vị thành niên Hà Nội cảnh báo, trẻ ở nhà quá lâu sẽ gặp nhiều rào cản như: mất kỹ năng, nề nếp do ở nhà lâu, không có động cơ tham gia được vào bất cứ hoạt động nào khi đi học... Thậm chí, một số em hành vi, cảm xúc mất kiểm soát là hệ quả của tổn thương sức khỏe tâm thần. Do đó, cần cho trẻ hòa nhập cộng đồng, được vui đùa đúng với sở thích, năng lượng vốn có như trước đây. Hầu hết các địa phương trên cả nước đều cho trẻ từ 5-11 tuổi đi học dù chưa được tiêm vắc xin COVID-19, trong đó có cả TP.HCM - địa phương trước đây bị ảnh hưởng dịch nặng nề nhất.

"Việc Hà Nội chưa quyết định thời gian cho trẻ mầm non đến trường với lý do chờ tiêm vắc xin hoặc "vãn dịch cho an toàn" là không thuyết phục và quá thận trọng. Vì khi trẻ không được đến trường không chỉ mình trẻ bị ảnh hưởng mà ngay cả phụ huynh cũng bị ảnh hưởng theo. Chưa kể nhiều trường mầm non tư thục cũng lao đao, kiệt quệ vì dịch bệnh rồi lâm vào cảnh rao bán, "sang nhượng" cơ sở. Nhiều giáo viên mầm non rơi vào stress, suy nhược, thậm chí có người đã bỏ nghề vì không thể chờ ngày quay lại" - bà Nga chia sẻ.

Một số chuyên gia giáo dục cũng khẳng định, hiện nay, nếu Hà Nội cứ rụt rè mãi thì làm sao để cho người dân "quay trở lại cuộc sống bình thường mới" được. "Mà chưa chắc khi bố mẹ, anh chị của các cháu mầm non đi học, đi làm mà không lây nhiễm bệnh, về nhà không lây sang các cháu mầm non. Trong khi đó các khu vui chơi đã mở cửa hết, bố mẹ đã cho các con ra ngoài đi chơi, du lịch... nhưng duy nhất việc cho trẻ mầm non quay trở lại trường thì lại chưa thực hiện. Thực tế là tôi thấy các là trường mầm non chưa đi học nhưng các nhóm trông trẻ tự phát mọc lên nhất nhiều, một số lớp mầm non tư thục cũng đóng cửa trông trẻ chui vì nhu cầu gửi con là rất lớn. Vậy sao không cho mở lại trường mầm non cho các con đi học?" - một chuyên gia giáo dục khẳng định.

Theo bác sĩ, chuyên gia dịch tễ Đặng Lê Hồng Phương, Bệnh viên Bạch Mai (Hà Nội) tâm lý bất an khi con đi học của phụ huynh là điều dễ hiểu. Dù F0 tăng nhưng số ca tử vong lại không cao, dịch vẫn ở trong tầm kiểm soát. Và trẻ em khi nhiễm bệnh đều có hệ miễn dịch tốt, tỷ lệ nhiễm bệnh ở trẻ thấp hơn người lớn rất nhiều, khi nhiễm triệu chứng thường nhẹ, nhanh khỏi và không để lại các biến chứng hậu COVID-19 như người lớn.

"Chúng ta mở cửa trường đồng nghĩa với chấp nhận rủi ro giáo viên, học sinh sẽ bị nhiễm. Phụ huynh không nên quá lo lắng, mà thay vào đó là phối hợp tốt với nhà trường, các cơ sở y tế cùng giúp con biết và có đủ kỹ năng phòng tránh, giảm nguy cơ lây nhiễm. Việc gửi trẻ mầm non đến trường hay không là quyết định của chính các bậc phụ huynh, nếu gia đình nào vẫn có đầy đủ ông bà trông giúp hoặc có giúp việc, có người nhà thì vẫn có thể cho học sinh mầm non ở nhà. Còn các phụ huynh khác thì có thể gửi con khi không có điều kiện " - bác sĩ Phương cho hay.

Trong khi đó, không ít phụ huynh ủng hộ quyết định tạm hoãn mở cửa của Hà Nội. Anh Hoàng Thế Lực (Cầu Giấy, Hà Nội) cho biết nhà anh vẫn có 2 cháu đang ở độ tuổi mầm non, nhưng anh vẫn muốn các cháu ở nhà cho hết đợt hè này rồi sang năm đi học sau để Hà Nội qua đỉnh dịch.

"Tôi cũng hiểu những hạn chế của việc để trẻ ở nhà lâu hay học trực tuyến, tuy nhiên Hà Nội vẫn có hơn 4 nghìn ca nhiễm bệnh mỗi ngày. Khi không may các cháu lây bệnh sẽ ảnh hưởng tới sức khỏe sau này của các cháu rất nhiều. Các con còn quá nhỏ, ý thức phòng dịch chưa tốt, nhu cầu giao tiếp lớn, sĩ số lớp học lại quá đông, nguy cơ lây nhiễm rất cao. Vì thế, theo tôi việc chưa cho trẻ mầm non đến trường thời gian này là quyết định đúng đắn", anh Lực nêu ý kiến.

Bài liên quan
Hà Nội công bố tình huống khẩn cấp sạt lở trên các tuyến đê bờ sông Bùi
TP.Hà Nội vừa công bố tình huống khẩn cấp các sạt lở trên các tuyến đê, sạt lở bờ sông Bùi tại huyện Chương Mỹ.

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Tạo nền tảng vững chắc cho sự phát triển mạnh mẽ, bền vững Việt Nam-Malaysia
8 giờ trước Sự kiện
Phó thủ tướng, Chủ tịch đảng UMNO, Dr. Ahmad Zahid Hamidimong muốn hai bên tiếp tục đẩy mạnh hơn nữa quan hệ trên cả kênh nhà nước và kênh đảng trong năm 2025 khi Malaysia là Chủ tịch ASEAN.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Hà Nội cho trẻ mầm non 'trốn dịch' đến bao giờ?