Liesje Schreinemacher, Bộ trưởng Thương mại Hà Lan, cho biết nước này sẽ không chấp nhận những hạn chế mới của Mỹ với việc xuất khẩu công nghệ sản xuất chip sang Trung Quốc và đang tham khảo ý kiến của các đồng minh châu Âu lẫn châu Á.

'Hà Lan không đồng tình với Mỹ về các hạn chế xuất khẩu công nghệ làm chip đến Trung Quốc'

Sơn Vân | 17/01/2023, 11:27

Liesje Schreinemacher, Bộ trưởng Thương mại Hà Lan, cho biết nước này sẽ không chấp nhận những hạn chế mới của Mỹ với việc xuất khẩu công nghệ sản xuất chip sang Trung Quốc và đang tham khảo ý kiến của các đồng minh châu Âu lẫn châu Á.

Bà Liesje Schreinemacher đã phát biểu như vậy trên chương trình truyền hình Buitenhof trước chuyến thăm Mỹ của Thủ tướng Hà Lan - Mark Rutte hôm 17.1. Tại Nhà Trắng, ông Mark Rutte dự kiến ​​sẽ thảo luận về chính sách xuất khẩu chip với Tổng thống Mỹ - Joe Biden.

Công ty lớn nhất Hà Lan là ASML, độc quyền toàn cầu trong việc cung cấp các hệ thống in thạch bản cực tím. Đó là những chiếc máy lớn có giá từ 160 triệu USD/cái và được sử dụng bởi TSMC (nhà sản xuất chip theo hợp đồng lớn nhất thế giới), Samsung Electronics, Intel... để tạo ra mạch của chip. Vì thế, ASML trở thành trọng tâm của Mỹ trong nỗ lực hạn chế Trung Quốc phát triển chip tiên tiến.

Chính phủ Hà Lan từng từ chối cho phép ASML vận chuyển những máy móc tiên tiến nhất sang Trung Quốc kể từ năm 2019 sau chiến dịch gây áp lực của chính quyền Trump. Thế nhưng, ASML đã bán số máy cũ trị giá 2 tỉ euro cho Trung Quốc vào năm 2021.

Hồi tháng 10.2022, Mỹ đã thông qua các biện pháp nhằm cản trở khả năng sản xuất chip của Trung Quốc. Vào thời điểm đó, các quan chức thương mại Mỹ cho biết mong đợi Hà Lan và Nhật Bản sẽ sớm thực hiện các quy tắc tương tự.

ASML nói rằng các quy tắc của Mỹ có thể ảnh hưởng đến khoảng 5% doanh số bán hàng của họ.

Bộ trưởng Thương mại Liesje Schreinemacher thừa nhận Mỹ có những lo lắng chính đáng về việc phụ thuộc quá nhiều vào châu Á, nơi sản xuất 80% chip tiên tiến, và mối đe dọa là chip có thể được đưa vào một ứng dụng quân sự hoặc được sử dụng để chống lại Hà Lan.

Chúng tôi đã nói chuyện với người Mỹ trong một thời gian dài, nhưng họ đã đưa ra các quy tắc mới vào tháng 10.2022, nên điều đó sẽ thay đổi sân chơi. Vì vậy, bạn không thể nói rằng họ đã gây áp lực cho chúng tôi trong 2 năm và bây giờ chúng tôi phải ký vào thỏa thuận. Chúng tôi sẽ không làm điều đó”, bà Liesje Schreinemacher nói.

Bà Liesje Schreinemacher cho biết Hà Lan cũng đang đàm phán với Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan, Đức và Pháp.

Bộ trưởng Thương mại Hà Lan nhấn mạnh rằng Đức có lợi ích kinh tế vì là nhà cung cấp chính cho ASML và để “đảm bảo rằng nếu chúng tôi đưa một công nghệ nhất định vào danh sách các sản phẩm không thể xuất khẩu dễ dàng thì các quốc gia khác cũng vậy”.

Hôm 22.11.2022, Bộ trưởng Ngoại thương Hà Lan - Liesje Schreinemacher nói rằng Hà Lan sẽ đưa ra quyết định của riêng mình liên quan đến việc bán thiết bị sản xuất chip từ ASML cho Trung Quốc trong bối cảnh các cuộc đàm phán về quy tắc thương mại với Mỹ và các đồng minh khác.

Điều quan trọng là chúng ta phải bảo vệ lợi ích của chính mình - an toàn quốc gia, nhưng cũng là lợi ích kinh tế của chúng ta. Nếu chúng tôi đưa thứ đó vào một giỏ hàng của Liên minh châu Âu rồi đàm phán với Mỹ, cuối cùng hóa ra chúng tôi cung cấp máy in thạch bản cực tím sâu cho Mỹ, chúng tôi còn tệ hơn”, Liesje Schreinemacher nói với các nhà làm luật tại Quốc hội ở thành phố The Hague (Hà Lan).

Phát ngôn từ Liesje Schreinemacher dường như cho thấy sự phản đối của Hà Lan với việc Mỹ kêu gọi nước này hợp tác về kiểm soát xuất khẩu nhằm làm suy yếu tham vọng của Trung Quốc trong việc xây dựng ngành công nghiệp chip trong nước và cải thiện khả năng quân sự.

Kể từ năm 2019, ASML không thể vận chuyển máy in thạch bản cực tím cho Trung Quốc bởi nhiều hạn chế xuất khẩu mà Hà Lan áp đặt.

Mỹ lo ngại nếu ASML cung cấp thiết bị cho Trung Quốc, các nhà sản xuất của cường quốc châu Á có thể chế tạo nhiều chip tiên tiến với ứng dụng trí tuệ nhân tạo (AI) và quân sự rộng rãi.

Mỹ bắt đầu gây sức ép với Hà Lan từ năm 2018, khi ông Donald Trump còn nắm quyền tổng thống. Năm 2020, Reuters từng đưa tin chính phủ Hà Lan đã rút giấy phép xuất khẩu máy in thạch bản cực tím sang Trung Quốc của ASML.

Dưới thời ông Trump, Mỹ phát động cuộc chiến thương mại với Trung Quốc. Thương chiến sau đó dần trở thành cạnh tranh giành ưu thế công nghệ. Trong đó, Mỹ tìm mọi cách cắt đứt nguồn cung công nghệ quan trọng cho Trung Quốc.

Đối mặt với hàng loạt hạn chế, hãng công nghệ khổng lồ Huawei (Trung Quốc) không có đủ chip để sản xuất smartphone công nghệ tiên tiến, khiến hoạt động kinh doanh mảng này gần như tê liệt. SMIC (nhà sản xuất chip số 1 Trung Quốc) cũng chịu tác động lớn từ các lệnh trừng phạt của Mỹ.

Vào tháng 10.2022, Cục Công nghiệp và An ninh thuộc Bộ Thương mại Mỹ ra quy định cấm người Mỹ tham gia vào các cơ sở chip tiên tiến ở Trung Quốc. Không lâu sau đó, ASML đã yêu cầu nhân viên Mỹ của mình, bao gồm cả những người có thẻ xanh, không được phục vụ trực tiếp hoặc gián tiếp cho khách hàng ở Trung Quốc cho đến khi có thông báo mới.

Nhà phân tích Pranay Kotasthane (Viện Takshashila) cho biết loạt hạn chế đơn phương Mỹ áp đặt sẽ trở nên vô ích nếu Trung Quốc vẫn mua được thiết bị từ Tokyo Electron (Nhật Bản) và ASML (Hà Lan), hai nhà cung cấp thiết bị sản xuất chip hàng đầu. Đó là lý do Mỹ muốn biến hạn chế đơn phương thành đa phương bằng cách kêu gọi thêm nhiều quốc gia như Hàn Quốc, Nhật Bản, Hà Lan hưởng ứng.

ha-lan-khong-dong-y-voi-my-ve-cac-han-che-xuat-khau-cong-cu-san-xuat-chip-den-trung-quoc.jpg
ASML trở thành trọng tâm của Mỹ trong nỗ lực hạn chế Trung Quốc phát triển chip tiên tiến - Ảnh: Internet

Lần đầu tiên trong gần hai thập kỷ, nhập khẩu IC (mạch tích hợp) của Trung Quốc đã giảm vào năm 2022. Nhập khẩu IC đã giảm 15% xuống 538,4 tỉ chiếc từ 635,6 tỉ chiếc vào 2021, theo dữ liệu từ Tổng cục Hải quan Trung Quốc. Đó là mức giảm hàng năm đầu tiên kể từ năm 2004 khi trang Bloomberg bắt đầu theo dõi dữ liệu. Nhập khẩu IC tăng 17% vào năm 2021, tăng 22% vào 2020 và tăng 6,6% vào 2019.

Sự sụt giảm xảy ra vào thời điểm Mỹ đang thắt chặt kiểm soát với việc bán chip tiên tiến cho Trung Quốc. Năm ngoái, Mỹ đã áp đặt các hạn chế với việc xuất khẩu một số loại chất bán dẫn được sử dụng trong trí tuệ nhân tạo (AI) và siêu máy tính, nhằm ngăn chặn nỗ lực của Trung Quốc trong việc phát triển ngành công nghiệp chip của riêng mình và nâng cao năng lực quân sự.

Việc Trung Quốc mua máy móc để sản xuất chip gần đây đã bị thu hẹp trong bối cảnh nhu cầu điện tử suy yếu và các hạn chế xuất khẩu từ Mỹ. Trung Quốc cũng đang tạm dừng các khoản đầu tư lớn nhằm xây dựng ngành công nghiệp chip để cạnh tranh với Mỹ, khi sự bùng phát dịch trở lại trên toàn quốc đang gây căng thẳng cho nền kinh tế số 2 thế giới.

Vào tháng 10.2022, chính quyền Biden đã công bố hàng loạt biện pháp kiểm soát xuất khẩu sâu rộng với Trung Quốc như một phần trong nỗ lực làm chậm những tiến bộ về công nghệ và quân sự của cường quốc châu Á. Trong đó có biện pháp hạn chế chặt chẽ việc Trung Quốc tiếp cận công nghệ sản xuất chip của Mỹ. Thế nhưng, Mỹ vẫn chưa thuyết phục được các đồng minh quan trọng đưa ra các hạn chế thiết bị tương tự, được coi là cần thiết để biện pháp trừng phạt Trung Quốc có hiệu quả.

Ngoài một số nhà cung cấp thiết bị của Mỹ như Applied Materials Inc, Lam Research Corp và KLA Corp, Tokyo Electron và ASML là hai bên tham gia quan trọng cần thiết để các biện pháp trừng phạt có hiệu quả.

Mỹ đã lôi kéo các đồng minh gồm Đài Loan, Nhật Bản và Hàn Quốc thành lập Liên minh Chip 4, một động thái mà Bắc Kinh coi là nỗ lực nhằm loại bỏ vai trò của Trung Quốc trong chuỗi cung ứng toàn cầu.

Bài liên quan
Doanh thu quý của nhà sản xuất chip số 1 thế giới không được như kỳ vọng
Doanh thu quý 4/2022 của TSMC không đạt ước tính từ các nhà phân tích, báo hiệu sự suy giảm toàn cầu về nhu cầu điện tử đang ảnh hưởng đến nhà sản xuất chip theo hợp đồng lớn nhất thế giới.

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Thủ tướng: Cơ chế, chính sách phù hợp sẽ nhân đôi, nhân ba sức mạnh
5 giờ trước Sự kiện
Trong chương trình kỳ họp thứ 8, sáng 23.11, các đại biểu Quốc hội thảo luận tại tổ về dự án Luật Quản lý và đầu tư vốn Nhà nước tại doanh nghiệp và dự án Luật Công nghiệp công nghệ số. Thủ tướng Phạm Minh Chính tham gia thảo luận tại tổ 8, gồm đại biểu Quốc hội các địa phương Vĩnh Long, Điện Biên, Kon Tum, Cần Thơ.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
'Hà Lan không đồng tình với Mỹ về các hạn chế xuất khẩu công nghệ làm chip đến Trung Quốc'