Tại hội thảo "Những thay đổi của thế giới: Cơ hội, thách thức và giải pháp thích ứng đối với doanh nghiệp Việt Nam", GS - TSKH Nguyễn Mại cho rằng phải coi chuyển đổi số như vắc xin của doanh nghiệp, và các nhà quản trị doanh nghiệp phải coi chuyển đổi số là yếu tố sống còn.

GS - TSKH Nguyễn Mại: Chuyển đổi số như vắc xin của các doanh nghiệp

Lam Thanh | 18/11/2021, 17:06

Tại hội thảo "Những thay đổi của thế giới: Cơ hội, thách thức và giải pháp thích ứng đối với doanh nghiệp Việt Nam", GS - TSKH Nguyễn Mại cho rằng phải coi chuyển đổi số như vắc xin của doanh nghiệp, và các nhà quản trị doanh nghiệp phải coi chuyển đổi số là yếu tố sống còn.

Chuyển đổi số như vắc xin của doanh nghiệp

GS - TSKH Nguyễn Mại, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp đầu tư nước ngoài (VAFIE) cho rằng chỉ tiêu định hướng hiện nay đều xây dựng từ năm 2019 và được thông qua vào đầu năm 2021, lúc đó Việt Nam đang là điển hình của công tác phòng chống dịch bệnh. Tuy nhiên từ tháng 4 trở đi tình trạng không đã không như trước, vì vậy những quyết định tại Đại hội 13 không phù hợp với tình trang sau đại dịch.

“Thách thức lớn nhưng cơ hội vẫn có. Cần phải coi chuyển đổi số như vắc xin của các doanh nghiệp. Đề nghị về Chính phủ cần nhanh chóng xây dựng nền tảng kỹ thuật số để cho người dân và doanh nghiệp thực hiện”, ông Mại nêu.

nm.jpeg
GS - TSKH Nguyễn Mại, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp đầu tư nước ngoài (VAFIE) - Ảnh: Nhadautu

Theo GS - TSKH Nguyễn Mại, các nhà quản trị doanh nghiệp phải coi chuyển đổi số là yếu tố sống còn của doanh nghiệp. Vai trò của các tập đoàn kinh tế lớn là rất quan trọng và cần đi đầu trong phát triển, còn các doanh nghiệp vừa và nhỏ cần chủ động kết nối với các tập đoàn lớn khi chuyển đổi số. Đồng thời, chuyển đổi số doanh nghiệp cần gắn với xã hội số để cộng đồng dân cư có thể tham gia.

Ông Vũ Quốc Huy, Giám đốc Trung tâm Đổi mới sáng tạo quốc gia (NIC) cho rằng, đại dịch COVID-19 đã kích hoạt việc thúc đẩy đổi mới sáng tạo trong nước. Dù vậy, không phải đợi đến COVID, chúng ta mới nhận thức được đổi mới sáng tạo. Từ cuộc cách mạng 4.0, Việt Nam đã thúc đẩy xu hướng này từ rất sớm.

Theo đó, cơ quan này chú trọng vào hỗ trợ doanh nghiệp đổi mới sáng tạo, lấy doanh nghiệp làm trung tâm. Ngoài ra, kết nối các quỹ đầu tư trong và ngoài nước để thúc đẩy các chương trình chuyển đổi sáng tạo.

Dù vậy, ông Huy cho biết một thách thức cần lưu ý chính là thể chế, chính sách. Đổi mới sáng tạo phải gắn với các ý tưởng đột phát. Tuy nhiên, điều này sẽ vướng đến luật. Việt Nam hiện thiếu nhiều cơ chế để hỗ trợ chuyển đổi số sáng tạo. Vì vậy, cần có quy định 1 khung thí điểm để quyết định các vấn đề mới mang tính đột phá, sau đó cụ thể hóa thành luật. Đối với lĩnh vực khởi nghiệp, Việt Nam hiện cũng thiếu các cơ chế ươm mầm startup.

Đang hình thành một nền kinh tế mới, một lối sống mới…

Nguyên Phó thủ tướng Vũ Khoan cho rằng các mối đe dọa phi truyền thống đa dạng về hình thức, nghiêm trọng về mức độ, gần đây nhất là đại dịch COVID-19 và biến đổi khí hậu. Các mối đe dọa này tác động đến thế giới toàn diện về mọi mặt, từ kinh tế, xã hội đến an ninh.

"Dịch COVID-19 thì loài người "đã chịu thua rồi", hầu hết các nước trên thế giới đều đã trở về trạng thái bình thường mới, dù thực tế cũng không thể "bình thường" thực sự được. Việc hồi phục kinh tế sẽ phụ thuộc vào sự diễn biến của dịch bệnh (hiện chưa thể dự đoán), mức độ ảnh hưởng, năng lực quản trị của các quốc gia, sự hợp tác quốc tế thế nào", ông Vũ Khoan nêu.

ht-2.jpg
Nguyên Phó thủ tướng Vũ Khoan phát biểu

Một mối lo nữa là về tài chính - tiền tệ. Theo ông Vũ Khoan, kinh tế thế giới đang phải đối mặt với hai xu hướng trái chiều nhau: Một mặt lạm phát cao do chuỗi sản xuất ngắt quãng, hàng hóa khan hiếm khiến giá cả tăng, trong đó nổi lên là nhiên liệu. Ngoài ra, các gói hỗ trợ các quốc gia tung ra rất lớn. Tình trạng này như một "quả bom nổ chậm". Mặt khác, lại xuất hiện những biểu hiện đình trệ do “cầu” giảm vì thu nhập của phần lớn các tầng lớp dân cư thuyên giảm đáng kể.

"Không loại trừ khả năng bùng phát khủng hoảng tài chính - tiền tệ. Tuy hiện chưa ai đề cập vấn đề này một cách trực diện", ông Vũ Khoan nêu.

Ông Vũ Khoan cũng cho rằng, đại dịch cũng làm bộc lộ những yếu kém của các quốc gia. Các mối đe dọa phi truyền thống vô hình trung càng thúc đẩy mạnh mẽ quá trình chuyển dịch cơ cấu kinh tế và cả lao động cũng như lối sinh sống, làm ăn, học hành theo hướng kinh tế số và kinh tế xanh gia tăng mạnh mẽ…

“Có thể nói, chúng ta đang chứng kiến quá trình hình thành một nền kinh tế mới, một lối sống, một phương thức làm ăn, lẫn quản lý xã hội và cả phương thức chiến tranh mới”, ông Vũ Khoan nhấn mạnh.

Ngoài ra, ông Vũ Khoan cũng nhìn nhận, đại họa vô hình trung đã làm sống lại chủ nghĩa đa phương mà những sự kiện lớn vừa diễn ra như G-20, COP26, APEC… là những biểu hiện. Các chuỗi sản xuất và cung ứng toàn cầu sẽ từng bước được nối lại với những sự điều chỉnh tùy theo lợi thế so sánh mới và sự tập hợp lực lượng mới.

Bắt nhịp xu hướng kinh tế số, kinh tế xanh

Nguyên Phó thủ tướng Vũ Khoan cho rằng nước ta cũng đang dần chuyển sang trạng thái mới theo tinh thần vừa tiếp tục đối phó với dịch bệnh vừa khôi phục hoạt động bình thường an toàn linh hoạt.

Ông cho rằng, chương trình tổng thể nên linh hoạt với các kịch bản khác nhau chứ không thể chỉ có một phương án cứng nhắc, vì tình hình bấp bênh. "Tôi có đề xuất với Thủ tướng và Thủ tướng cũng rất tán thành", ông Vũ Khoan nêu.

Ngoài ra, cần gắn chặt cái trước mắt và lâu dài. Đây là cơ hội để thay đổi cơ cấu kinh tế của chúng ta. Nếu không tận dụng được thì kinh tế chúng ta không bắt nhịp được.

Ông Vũ Khoan cũng hy vọng rằng lĩnh vực "xã hội" theo nghĩa rộng sẽ được đề cập đậm nét hơn bình thường vì tác động của các mối đe dọa phi truyền thống đối với lĩnh vực này rất nặng nề và lâu dài có thể ảnh hưởng ngược lại về chính trị an ninh và kinh tế - tài chính.

ht-1.jpg
Toàn cảnh hội thảo

Ông cũng cho rằng, việc xử lý những vấn đề ngắn hạn trong vài ba năm sắp tới cần được gắn bó chặt chẽ với chủ trương rất cơ bản và lâu dài về tái cấu trúc nền kinh tế nước ta. Đại dịch COVID-19 và tình trạng biến đổi khí hậu càng thúc đẩy mạnh mẽ thêm kinh tế số, kinh tế xanh cũng như các lĩnh vực liên quan tới bảo vệ sức khỏe con người.

"Chúng ta rất cần bắt nhịp và tận dụng những xu hướng này. Các mối đe dọa phi truyền thống đồng thời cũng bộc lộ rõ thêm những điểm yếu của mọi quốc gia, kể cả Việt Nam", nguyên Phó thủ tướng nhấn mạnh.

Nguyên Phó thủ tướng Vũ Khoan nhận định, một trong những nét nổi bật trong quan hệ quốc tế hiện nay là sự cạnh tranh chiến lược giữa các nước lớn. Trước mắt và trong những thập kỷ tới cuộc cạnh tranh này vẫn sẽ tiếp diễn như dòng chảy chủ yếu. Cục diện trên đặt ra rất nhiều khó khăn đối với mọi nước trên thế giới, trong đó có ASEAN và nước ta. Trong bối cảnh đó, nước ta vừa đứng trước nhiều cơ hội, vừa phải ứng phó với những thách thức không nhỏ.

Bài liên quan
TP.HCM: Hơn 3.000 trẻ từ 6 đến 9 tháng tuổi được tiêm vắc xin phòng sởi
Chỉ hơn 1 tuần triển khai tiêm phòng vắc xin sởi cho trẻ từ 6 đến 9 tháng tuổi, TP.HCM đã tiêm được cho hơn 3.000 trẻ. Đây là biện pháp chống dịch tăng cường trước tình hình trẻ mắc sởi ở độ tuổi trên tăng cao.

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Thủ tướng: Cơ chế, chính sách phù hợp sẽ nhân đôi, nhân ba sức mạnh
7 giờ trước Sự kiện
Trong chương trình kỳ họp thứ 8, sáng 23.11, các đại biểu Quốc hội thảo luận tại tổ về dự án Luật Quản lý và đầu tư vốn Nhà nước tại doanh nghiệp và dự án Luật Công nghiệp công nghệ số. Thủ tướng Phạm Minh Chính tham gia thảo luận tại tổ 8, gồm đại biểu Quốc hội các địa phương Vĩnh Long, Điện Biên, Kon Tum, Cần Thơ.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
GS - TSKH Nguyễn Mại: Chuyển đổi số như vắc xin của các doanh nghiệp