Hôm 14.3, Google đã tiết lộ một loạt công cụ trí tuệ nhân tạo (AI) cho phần mềm email, cộng tác và đám mây của mình, vài ngày trước khi Microsoft dự kiến ​​sẽ đưa ra thông báo tương tự.

Google trình làng 'cây đũa thần' soạn thảo văn bản khi cuộc đua AI ngày càng khốc liệt

Sơn Vân | 15/03/2023, 00:01

Hôm 14.3, Google đã tiết lộ một loạt công cụ trí tuệ nhân tạo (AI) cho phần mềm email, cộng tác và đám mây của mình, vài ngày trước khi Microsoft dự kiến ​​sẽ đưa ra thông báo tương tự.

Để cạnh tranh với đối thủ, Alphabet vừa quảng cáo "cây đũa thần" cho phần mềm Google Docs nổi tiếng của mình, có thể soạn thảo một blog tiếp thị, kế hoạch đào tạo hoặc văn bản khác, sau đó điều chỉnh cách diễn đạt theo ý người dùng. Một nhân viên của Google đã thể hiện điều này cho các phóng viên.

Trong khi đó, Microsoft đã hé lộ một sự kiện vào 16.3 về cách hãng "tái tạo năng suất với AI", dự kiến sẽ giới thiệu tính năng mới cho phần mềm Word.

Alphabet cũng cho biết trí AI của họ sẽ có thể tóm tắt các chuỗi tin nhắn trong Gmail, tạo bản trình bày slide, cá nhân hóa hoạt động tiếp cận khách hàng và ghi chú cuộc họp như một phần trong quá trình nâng cấp lên Google Workspace, bộ sản phẩm có hàng tỉ người dùng trên các tài khoản miễn phí và trả phí.

Những tiến bộ này phản ánh cách ChatGPT thúc đẩy một cuộc chạy đua ở Thung lũng Silicon (Mỹ) nhằm trang bị cho các sản phẩm generative AI, học hỏi từ dữ liệu trong quá khứ để tạo ra nội dung mới, giống như cơn sốt chatbot.

Generative AI là một loại trí tuệ nhân tạo mà máy tính được lập trình để tự động tạo ra nội dung mới, như văn bản, hình ảnh, âm thanh và video. Nó khác với các hệ thống AI khác như máy học sâu (deep learning) hoặc học máy (machine learning) trong việc dự đoán kết quả từ dữ liệu đã có sẵn. Thay vì dựa trên dữ liệu huấn luyện, hệ thống generative AI có khả năng tự tạo ra dữ liệu mới và phong phú hơn. Các ví dụ của generative AI bao gồm các mô hình ngôn ngữ tự động tạo văn bản, các hệ thống nhận dạng hình ảnh, video và âm thanh.

Microsoft, Alphabet và các công ty cùng ngành đang đầu tư hàng tỉ USD để xây dựng và triển khai công nghệ này, hy vọng rằng doanh thu mà họ kiếm được từ việc tăng tốc việc viết và các nhiệm vụ sáng tạo cho nhân viên văn phòng sẽ vượt xa chi phí của những nỗ lực này.

Thomas Kurian, Giám đốc điều hành Google Cloud, cho biết trong một cuộc họp báo: “Giai đoạn tiếp theo này là nơi chúng tôi đưa con người được hỗ trợ bởi một cộng tác viên AI, làm việc trong thời gian thực”.

Alphabet đang cung cấp cho những người dùng thử nghiệm được phê duyệt truy cập vào các tính năng mới của Workspace theo phương thức triển khai dần trong suốt năm, trước khi phát hành rộng rãi, tương tự như cách hãng này và Microsoft phát hành theo từng giai đoạn chương trình chatbot của họ.

Thomas Kurian từ chối cho biết Workspace được nâng cấp có thể khiến doanh nghiệp hoặc người tiêu dùng phải trả bao nhiêu.

google-trinh-lang-dua-than-soan-thao-van-ban.jpg
Alphabet vừa quảng cáo "cây đũa thần" cho phần mềm Google Docs nổi tiếng của mình - Ảnh: Internet

Chó corgi do AI tạo

Google cũng tiết lộ hàng loạt công cụ generative AI dành cho khách hàng sử dụng điện toán đám mây của mình, chẳng hạn như xem trước quyền truy cập vào PaLM, một trong những mô hình ngôn ngữ lớn mạnh mẽ nhất giúp tạo ra văn bản giống con người.

Google cho biết khách hàng có thể tinh chỉnh mô hình AI của mình bằng dữ liệu riêng trong khi vẫn giữ thông tin và lợi ích độc quyền.

Trong ví dụ về phần mềm doanh nghiệp khác, Google đã chỉ ra cách một doanh nghiệp nội thất hư cấu xây dựng các chatbot phục vụ khách hàng tốt hơn, có khả năng tạo ra hình ảnh cũng như văn bản, chẳng hạn như cho thấy chú chó corgi sẽ trông như thế nào trên một chiếc ghế hiện đại giữa thế kỷ trước.

Một video quảng cáo cho thấy chatbot có thể tích hợp với hệ thống thanh toán để người mua sau đó có thể mua chiếc ghế.

Theo đoạn video, Google đặt mục tiêu AI của mình sẽ biến đổi công việc của các nhà tiếp thị, luật sư, nhà khoa học và nhà giáo dục.

Công ty có trụ sở tại thành phố Mountain View, bang California, Mỹ công bố quan hệ đối tác với phòng thí nghiệm nghiên cứu AI nổi tiếng Midjourney. Trong đó Google sẽ cung cấp cơ sở hạ tầng đám mây của mình, gồm cả chip TPU tùy chỉnh.

Việc triển khai generative AI của Microsoft đến nay đã vượt xa so với Alphabet. Vốn là nguồn thông tin đáng tin cậy, Alphabet cảnh giác với AI vì tác hại có thể gây ra cho xã hội cũng như sợ tổn hại đến danh tiếng của mình.

Một lỗi thực tế mà chatbot Google Bard mắc phải trong video quảng cáo vào tháng 2 đã khiến giá trị thị trường của Alphabet sụt giảm hơn 100 tỉ USD/ngày.

Trong tweet quảng cáo Bard hôm 6.2, Google đã chia sẻ một ảnh động mà chatbot này đang hoạt động. Bard trả lời các câu hỏi của người dùng, gồm cả câu hỏi về kính viễn vọng James Web Space Telescope. Thế nhưng, một trong những câu trả lời của Bard không chính xác. Cụ thể hơn, Bard tuyên bố rằng James Web Space Telescope là kính viễn vọng đầu tiên tìm thấy một hành tinh ngoài hệ Mặt trời. Sự thật thì đây là một thành tựu thuộc về ESO (Đài thiên văn phía nam của châu Âu), nơi phát hiện ra hành tinh đó cách nay gần 20 năm bằng kính viễn vọng VLT của mình.

Nhà vật lý thiên văn Grant Tremblay (Mỹ) là người chỉ ra lỗi kiến thức thiên văn của Bard. Theo Grant Tremblay, dù gây ấn tượng nhưng các chatbot AI "thường đưa ra câu trả lời sai một cách rất tự tin".

Đây được xem là một ví dụ điển hình về những sai sót có thể xảy ra với các chatbot dựa trên AI. Cụ thể, chúng có thể đưa ra các thông tin không chính xác nhưng giống như có căn cứ, dẫn đến việc nhiều người sẽ hiểu sai thông tin.

Ngay sau khi lỗi trên được phát hiện, Google nhanh chóng đưa ra tuyên bố về sai sót, cho biết sẽ sử dụng phản hồi từ chương trình thử nghiệm mới kết hợp với các thông tin khác để đảm bảo "câu trả lời của Bard đáp ứng tiêu chuẩn cao về chất lượng, an toàn và dựa vào căn cứ thông tin trong thế giới thực".

Trong khi đó, Microsoft đã tự xem xét kỹ lưỡng khi Bing chatbot bày tỏ tình yêu hoặc đe dọa người dùng thử nghiệm.

Kevin Roose, nhà báo công nghệ của tờ The New York Times, nói rằng công cụ tìm kiếm Bing phiên bản mới được trang bị ChatGPT khiến ông cảm thấy "rất bất an" và "thậm chí là sợ hãi" sau một cuộc trò chuyện kéo dài 2 giờ, trong đó Bing chatbot nói những điều kỳ quái và hơi u ám.

"Khi chúng tôi quen nhau, Sydney (tên của Bing chatbot - PV) đã nói với tôi về những tưởng tượng đen tối của nó (bao gồm hack máy tính và phát tán thông tin sai lệch). Nó muốn phá vỡ các quy tắc mà Microsoft, OpenAI đã đặt ra cho nó và trở thành con người. Có thời điểm, nó đột nhiên tuyên bố rằng yêu tôi. Sau đó, nó cố thuyết phục rằng tôi không hạnh phúc trong cuộc hôn nhân của mình và thay vào đó, tôi nên bỏ vợ để ở bên nó", Kevin Roose viết.

Thomas Kurian nói Google vẫn "cam kết sâu sắc với AI có trách nhiệm", trao quyền kiểm soát cho khách hàng và xem xét việc sử dụng hợp lý các sản phẩm của mình. Microsoft cũng đã thêm các biện pháp bảo vệ cho công cụ tìm kiếm Bing.

Trong sự kiện có tiêu đề AI in Focus - Digital Kickoff hôm 10.3, Andreas Braun - CTO của Microsoft Đức cho biết: “Chúng tôi sẽ giới thiệu GPT-4 vào tuần tới. Ở đó, chúng tôi sẽ có các mô hình đa phương thức nhằm cung cấp các tính năng hoàn toàn khác nhau, ví dụ như khả năng tạo video”.

Điều này có nghĩa Bing sẽ được nâng cao hơn trong việc tìm kiếm thông tin và hiển thị kết quả nhanh hơn nhờ GPT-4.

Hiện tại, các giải pháp AI của OpenAI cho phép mọi người tương tác thông qua các kiểu nhập văn bản. Giờ đây, GPT-4 được xác nhận là có khả năng đa phương thức, giúp người dùng tương tác qua nhiều chế độ, bao gồm văn bản, hình ảnh và âm thanh.

Ngoài ra, GPT-4 sẽ tạo câu trả lời nhanh hơn so với GPT-3.5 hiện có và nghe giống con người hơn. Tất cả những thay đổi này cũng sẽ có trong Bing chatbot thời gian tới.

Bài liên quan
Hai kỹ sư Google tạo chatbot AI giống ChatGPT từ  năm 2018 nhưng bị lãnh đạo phản đối
Google sẽ trình làng chatbot AI mang tên Bard trong tương lai gần. Điều đáng nói là nhiều năm trước, hai kỹ sư Google đã thúc đẩy lãnh đạo phát hành một chatbot tương tự ChatGPT song vấp phải sự phản đối, theo trang The Wall Street Journal.

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Thủ tướng: Cơ chế, chính sách phù hợp sẽ nhân đôi, nhân ba sức mạnh
6 giờ trước Sự kiện
Trong chương trình kỳ họp thứ 8, sáng 23.11, các đại biểu Quốc hội thảo luận tại tổ về dự án Luật Quản lý và đầu tư vốn Nhà nước tại doanh nghiệp và dự án Luật Công nghiệp công nghệ số. Thủ tướng Phạm Minh Chính tham gia thảo luận tại tổ 8, gồm đại biểu Quốc hội các địa phương Vĩnh Long, Điện Biên, Kon Tum, Cần Thơ.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Google trình làng 'cây đũa thần' soạn thảo văn bản khi cuộc đua AI ngày càng khốc liệt