Google sẽ trình làng chatbot AI mang tên Bard trong tương lai gần. Điều đáng nói là nhiều năm trước, hai kỹ sư Google đã thúc đẩy lãnh đạo phát hành một chatbot tương tự ChatGPT song vấp phải sự phản đối, theo trang The Wall Street Journal.

Hai kỹ sư Google tạo chatbot AI giống ChatGPT từ năm 2018 nhưng bị lãnh đạo phản đối

Sơn Vân | 08/03/2023, 19:45

Google sẽ trình làng chatbot AI mang tên Bard trong tương lai gần. Điều đáng nói là nhiều năm trước, hai kỹ sư Google đã thúc đẩy lãnh đạo phát hành một chatbot tương tự ChatGPT song vấp phải sự phản đối, theo trang The Wall Street Journal.

Vào khoảng năm 2018, Daniel De Freitas, từng là kỹ sư nghiên cứu tại Google, bắt đầu làm việc trong một dự án phụ về AI với mục tiêu tạo ra một chatbot đàm thoại bắt chước cách con người nói. Các đồng nghiệp cũ của Daniel De Freitas quen thuộc về vấn đề tiết lộ thông tin này với The Wall Street Journal.

Noam Shazeer, kỹ sư phần mềm thuộc đơn vị nghiên cứu AI của Google, sau đó đã tham gia dự án.

Theo The Wall Street Journal, Daniel De Freitas và Noam Shazeer đã có thể xây dựng một chatbot mang tên Meena, có thể tranh luận về triết học, nói chuyện bình thường về các chương trình tivi, tạo ra các câu nói đùa.... Daniel De Freitas và Noam Shazeer tin rằng Meena có thể thay đổi hoàn toàn cách mọi người tìm kiếm trực tuyến, theo các đồng nghiệp cũ của họ.

Thế nhưng, những nỗ lực của Daniel De Freitas và Noam Shazeer để khởi chạy chatbot (sau này đổi tên thành LaMDA, mô hình ngôn ngữ đằng sau Bard) đã đi vào bế tắc khi các lãnh đạo Google cho biết chatbot không tuân thủ các tiêu chuẩn công bằng và an toàn AI của công ty. Các lãnh đạo Google đã cản trở nhiều nỗ lực của hai kỹ sư này nhằm gửi chatbot cho nhà nghiên cứu bên ngoài, thêm tính năng trò chuyện vào trợ lý Google và tung bản demo ra công chúng, The Wall Street Journal đưa tin.

Chán nản với phản hồi của lãnh đạo, Daniel De Freitas và Noam Shazeer rời Google vào gần cuối năm 2021 để thành lập công ty riêng Character Technologies Inc, dù đích thân Giám đốc điều hành Sundar Pichai đề nghị họ ở lại và tiếp tục làm việc trên chatbot, theo The Wall Street Journal.

Character Technologies Inc, hiện có tên là Character.ai, sau đó đã phát hành một chatbot có thể nhập vai thành những nhân vật như Elon Musk hay Mario (của Nintendo).

"Nó đã gây ra một chút chấn động bên trong Google, nhưng cuối cùng chúng tôi nghĩ rằng có lẽ sẽ gặp nhiều may mắn hơn khi tung ra những thứ như vậy từ một công ty khởi nghiệp", Noam Shazeer thổ lộ trong cuộc phỏng vấn với nhà đầu tư Aarthi Ramamurthy và Sriram Krishnan vào tháng trước.

Daniel De Freitas và Noam Shazeer không trả lời câu hỏi từ trang Insider. Google cũng không phản hồi Insider.

2-ky-su-google-tao-chatbot-giong-chatgpt-tu-nam-2018.jpg
Năm 2018, hai kỹ sư Google đã thúc đẩy lãnh đạo phát hành một chatbot tương tự ChatGPT ra công chúng song đã vấp phải sự phản đối

Google cản trở các nỗ lực AI của mình kể từ năm 2012

Việc Google do dự phát hành các công cụ AI của mình không có gì mới. Vào năm 2012, Google đã thuê nhà khoa học máy tính Ray Kurzweil để làm việc trên các mô hình xử lý ngôn ngữ của mình, trang TechCrunch đưa tin. Khoảng một năm sau, Google đã mua công ty AI DeepMind (Anh) nhằm mục đích tạo ra generative AI, theo TechCrunch.

Generative AI là một loại trí tuệ nhân tạo mà máy tính được lập trình để tự động tạo ra nội dung mới, như văn bản, hình ảnh, âm thanh và video. Nó khác với các hệ thống AI khác như máy học sâu (deep learning) hoặc học máy (machine learning) trong việc dự đoán kết quả từ dữ liệu đã có sẵn. Thay vì dựa trên dữ liệu huấn luyện, hệ thống generative AI có khả năng tự tạo ra dữ liệu mới và phong phú hơn. Các ví dụ của generative AI bao gồm các mô hình ngôn ngữ tự động tạo văn bản, các hệ thống nhận dạng hình ảnh, video và âm thanh.

Tuy nhiên, các học giả và chuyên gia đã từ chối sử dụng công nghệ này do những lo ngại về đạo đức xung quanh việc giám sát hàng loạt, dẫn đến việc Google cam kết hạn chế cách thức sử dụng AI. Vào năm 2018, Google đã kết thúc dự án sử dụng công nghệ AI của mình trong vũ khí quân sự để đối phó với phản ứng dữ dội từ nhân viên.

Song các kế hoạch AI của Google giờ đây cuối cùng cũng được đưa ra ánh sáng, ngay cả khi các cuộc thảo luận xung quanh việc liệu chatbot của công ty có thể được khởi chạy một cách có trách nhiệm không. Google Bard sẽ xuất hiện sau khi Microsoft (có cổ phiếu đang tăng) phát hành chatbot của riêng mình thông qua Bing.

Sau khi Bard mắc lỗi thực tế trong bản demo công khai đầu tiên vào tháng trước khiến vốn hóa thị trường Alphabet (công ty mẹ của Google) bốc hơi hơn 100 tỉ USD, các nhân viên Google đã nhanh chóng gọi việc thông báo này là "vội vàng" và "không thành công". Chủ tịch Alphabet - John Hennessy đồng ý rằng Bard chưa "thực sự sẵn sàng trở thành một sản phẩm".

Trong một tweet quảng cáo Bard hôm 6.2, Google đã chia sẻ một ảnh động mà chatbot này đang hoạt động. Bard đang trả lời các câu hỏi của người dùng, gồm cả câu hỏi về kính viễn vọng James Web Space Telescope. Thế nhưng, một trong những câu trả lời của Bard không chính xác. Cụ thể hơn, Bard tuyên bố rằng James Web Space Telescope là kính viễn vọng đầu tiên tìm thấy một hành tinh ngoài hệ Mặt trời. Sự thật thì đây là một thành tựu thuộc về ESO (Đài thiên văn phía nam của châu Âu), nơi phát hiện ra hành tinh đó cách nay gần 20 năm bằng kính viễn vọng VLT của mình.

Nhà vật lý thiên văn Grant Tremblay (Mỹ) là người chỉ ra lỗi kiến thức thiên văn của Bard. Theo Grant Tremblay, dù gây ấn tượng nhưng các chatbot AI "thường đưa ra câu trả lời sai một cách rất tự tin".

Đây được xem là một ví dụ điển hình về những sai sót có thể xảy ra với các chatbot dựa trên AI. Cụ thể, chúng có thể đưa ra các thông tin không chính xác nhưng giống như có căn cứ, dẫn đến việc nhiều người sẽ hiểu sai thông tin.

Ngay sau khi lỗi trên được phát hiện, Google nhanh chóng đưa ra tuyên bố về sai sót, cho biết sẽ sử dụng phản hồi từ chương trình thử nghiệm mới kết hợp với các thông tin khác để đảm bảo "câu trả lời của Bard đáp ứng tiêu chuẩn cao về chất lượng, an toàn và dựa vào căn cứ thông tin trong thế giới thực".

Giám đốc điều hành Alphabet - Sundar Pichai yêu cầu tất cả nhân viên Google dành 2 đến 4 giờ giúp thử nghiệm sản phẩm để chatbot này có thể sẵn sàng ra mắt.

"Tôi biết thời điểm này rất thú vị và đó là điều được mong đợi: Công nghệ cơ bản đang phát triển nhanh chóng với rất nhiều tiềm năng. Điều quan trọng nhất chúng tôi có thể làm lúc này là tập trung vào việc xây dựng một sản phẩm tuyệt vời và phát triển nó một cách có trách nhiệm”, Sundar Pichai viết cho nhân viên Google trong một bản ghi nhớ hồi tháng 2.

Hôm 2.3, tân Giám đốc điều hành Neal Mohan cho biết YouTube (thuộc Google) sẽ thêm các công cụ được trang bị trí tuê nhân tạo (AI) cho người tạo video.

YouTube sẽ kết hợp các tính năng generative AI mới vào nền tảng chia sẻ video của mình, khi gấp rút theo kịp các đối thủ như OpenAI và Microsoft.

"Khả năng của AI đang bắt đầu hiện diện một cách đầy tiềm năng, từ đó sẽ tái tạo lại video và biến những điều bất khả thi trở thành có thể", Neal Mohan viết trong bức thư đầu tiên gửi đến cộng đồng YouTube kể từ khi ông nhậm chức Giám đốc điều hành YouTube vào tháng 2.

Neal Mohan giải thích rằng các nhà sáng tạo nội dung trên YouTube sẽ sớm có thể hoán đổi trang phục ảo trong video hoặc tạo ra "cảnh quay phim huyền diệu" thông qua khả năng AI trong những tháng sắp tới.

Google đang chịu áp lực ngày càng tăng trong việc phát hành các sản phẩm generative AI. Dù Google từ lâu đã được coi là tiên phong trong lĩnh vực nghiên cứu AI nhưng một số nhà phê bình cho rằng công ty quá chậm chạp trong việc tung ra các công cụ và dịch vụ của riêng mình để sẵn sàng cho công chúng sử dụng.

Trong khi đó, các đối thủ những tháng gần đây đã phát hành sản phẩm cực kỳ phổ biến, gồm cả ChatGPT của OpenAI và Bing chatbot của Microsoft, nhận được sự ủng hộ rộng rãi bất chấp những lo ngại rằng các cuộc hội thoại mà chúng tạo ra đôi khi có thể không chính xác, hiếu chiến hoặc kỳ quặc.

Bài liên quan
Nữ sinh viên nhờ ChatGPT để vượt qua các thử thách học tập vì chứng khó đọc
Nhiều học sinh, sinh viên sử dụng ChatGPT để đạo văn và gian lận khiến nhiều trường cấm chatbot của OpenAI (Mỹ). Song, ít nhất một sinh viên đại học đang tận dụng ChatGPT để khắc phục chứng khó đọc ảnh hưởng đến việc học của mình.

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Thủ tướng: Cơ chế, chính sách phù hợp sẽ nhân đôi, nhân ba sức mạnh
7 giờ trước Sự kiện
Trong chương trình kỳ họp thứ 8, sáng 23.11, các đại biểu Quốc hội thảo luận tại tổ về dự án Luật Quản lý và đầu tư vốn Nhà nước tại doanh nghiệp và dự án Luật Công nghiệp công nghệ số. Thủ tướng Phạm Minh Chính tham gia thảo luận tại tổ 8, gồm đại biểu Quốc hội các địa phương Vĩnh Long, Điện Biên, Kon Tum, Cần Thơ.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Hai kỹ sư Google tạo chatbot AI giống ChatGPT từ năm 2018 nhưng bị lãnh đạo phản đối