Theo một quan chức Mỹ, Google sẽ triển khai các tuyến cáp dưới biển để cung cấp khả năng truy cập internet tới ít nhất 8 quốc gia xa xôi ở Thái Bình Dương theo một thỏa thuận chung giữa Mỹ và Úc sẽ được công bố hôm 25.10.

Google triển khai các tuyến cáp dưới biển mang internet tới nhiều nước Thái Bình Dương xa xôi

Sơn Vân | 25/10/2023, 22:40

Theo một quan chức Mỹ, Google sẽ triển khai các tuyến cáp dưới biển để cung cấp khả năng truy cập internet tới ít nhất 8 quốc gia xa xôi ở Thái Bình Dương theo một thỏa thuận chung giữa Mỹ và Úc sẽ được công bố hôm 25.10.

Thỏa thuận này sẽ mở rộng một dự án thương mại hiện có của Google trong khu vực tới các quốc gia Micronesia, Kiribati, Quần đảo Marshall, Papua New Guinea, Quần đảo Solomon, Timor-Leste, Tuvalu và Vanuatu.

Theo Reuters, thỏa thuận dự kiến sẽ được công bố trong chuyến thăm chính thức Thủ tướng Úc Anthony Albanese tới Mỹ, nhưng chưa được báo cáo trước đó có sự đóng góp của cả hai chính phủ này. Úc sẽ đóng góp 50 triệu USD và Mỹ sẽ đóng góp thêm 15 triệu USD, Reuters đưa tin.

Các quốc gia nhỏ bé và đôi khi bị cô lập ở Thái Bình Dương đã trở thành khu vực được chú ý nhiều những năm gần đây, khi cả Trung Quốc và Mỹ đều ve vãn họ bằng việc phát triển cơ sở hạ tầng và quan hệ đối tác quân sự.

Tổng thống Joe Biden cũng đã thúc đẩy sự thống trị của Mỹ trong các dịch vụ viễn thông, coi ngành này là một vấn đề an ninh quốc gia quan trọng do có khả năng kiểm soát các luồng thông tin trên toàn thế giới.

Google đang nghiên cứu tuyến cáp quang nối Đài Loan, Philippines và Mỹ.

Là một phần của dự án trên các hòn đảo Thái Bình Dương, Mỹ sẽ hợp tác với các quốc gia trong việc tăng cường khả năng bảo mật mạng, giúp họ sao lưu thông tin quan trọng lên các mạng đám mây toàn cầu.

google-trien-khai-tuyen-cap-duoi-bien-mang-internet-toi-nhieu-nuoc-thai-binh-duong.jpg
Google sẽ triển khai các tuyến cáp dưới biển để mang internet tới ít nhất 8 quốc gia xa xôi ở Thái Bình Dương theo một thỏa thuận chung giữa Mỹ và Úc - Ảnh: Internet

Nhiều nước tăng cường đầu tư, bảo vệ các tuyến cáp quang biển do tầm quan trọng ngày càng gia tăng về kinh tế và an ninh.

Các công ty viễn thông Trung Quốc thuộc sở hữu của chính phủ đang phát triển mạng cáp quang dưới biển trị giá 500 triệu USD, kết nối châu Á, Trung Đông và châu Âu để cạnh tranh với dự án tương tự được Mỹ hậu thuẫn, bốn người liên quan đến thỏa thuận tiết lộ với Reuters.

Kế hoạch này là một dấu hiệu cho thấy cuộc chiến công nghệ ngày càng gay gắt giữa Trung Quốc và Mỹ có nguy cơ xé toạc cấu trúc của internet.

Ba nhà mạng chính của Trung Quốc gồm China Telecom, China Mobile Limited và China United Network Communications Group Co Ltd (China Unicom) đã vẽ bản đồ cho một trong những mạng cáp quang dưới biển tiên tiến và có tầm ảnh hưởng nhất trên thế giới, theo Reuters

Được gọi là EMA (châu Âu - Trung Đông - châu Á), tuyến cáp quang dưới biển này dự định sẽ nối Hồng Kông với tỉnh đảo Hải Nam của Trung Quốc, trước khi chạy dài đến Singapore, Pakistan, Ả Rập Saudi, Ai Cập và Pháp.

Tuyến cáp quang dưới biển này có chi phí hoàn thành khoảng 500 triệu USD, sẽ được sản xuất và lắp đặt bởi HMN Technologies Co Ltd, hãng đang phát triển nhanh có công ty tiền thân được gã khổng lồ viễn thông Huawei sở hữu đa số. Hengtong Optic-Electric Co Ltd sở hữu đa số HMN Technologies Co Ltd và được niêm yết ở thành phố Thượng Hải. HMN Technologies Co Ltd sẽ nhận được trợ cấp từ chính phủ Trung Quốc để xây dựng tuyến cáp quang EMA.

Chính phủ Mỹ từng thành công trong việc ngăn chặn một số dự án cáp quang dưới biển của Trung Quốc ở nước ngoài trong vòng 4 năm qua, do lo ngại về việc Bắc Kinh nghe trộm dữ liệu internet. Mỹ cũng đã chặn các giấy phép cho các tuyến cáp dưới biển tư nhân được lên kế hoạch để kết nối nước này với lãnh thổ Hồng Kông của Trung Quốc, bao gồm các dự án do Google, Meta Platforms và Amazon dẫn đầu.

Cáp quang biển mang hơn 95% lưu lượng truy cập internet quốc tế. Những đường dẫn tốc độ cao này trong nhiều thập kỷ đã thuộc sở hữu của các nhóm công ty viễn thông và công nghệ cùng tập hợp nguồn lực để xây dựng những mạng lưới rộng lớn này để dữ liệu có thể di chuyển liên tục trên khắp thế giới.

Thế nhưng, những tuyến cáp quang này, dễ bị gián điệp và phá hoại, đã trở thành vũ khí gây ảnh hưởng trong cuộc cạnh tranh ngày càng leo thang giữa Mỹ và Trung Quốc. Hai cường quốc này đang chiến đấu để thống trị các công nghệ tiên tiến có thể xác định uy thế kinh tế và quân sự trong những thập kỷ tới.

Dự án EMA do Trung Quốc hậu thuẫn cạnh tranh trực tiếp với tuyến cáp quang dưới biển khác có tên SeaMeWe-6 (Đông Nam Á - Trung Đông - Tây Âu - 6) đang được xây dựng bởi công ty SubCom LLC (Mỹ). SeaMeWe-6 cũng sẽ kết nối Singapore với Pháp, qua Pakistan, Ả Rập Saudi, Ai Cập và nửa tá quốc gia khác dọc theo tuyến đường.

Ban đầu HMN Technologies Co Ltd được chọn để xây dựng tuyến cáp SeaMeWe-6 với sự hậu thuẫn của China Mobile, China Telecom, China Unicom và các nhà mạng viễn thông từ một số quốc gia khác. Song một chiến dịch gây áp lực thành công của chính phủ Mỹ đã chuyển hợp đồng sang SubCom LLC vào năm ngoái.

Chiến dịch chớp nhoáng của Mỹ gồm cả việc trao hàng triệu USD tài trợ đào tạo cho các công ty viễn thông nước ngoài để đổi lấy việc họ chọn SubCom LLC thay vì HMN Technologies Co Ltd.

Bộ Thương mại Mỹ cũng áp dụng các biện pháp trừng phạt với HMN Technologies Co Ltd vào tháng 12.2021, cáo buộc công ty này có ý định mua công nghệ của Mỹ để giúp hiện đại hóa quân đội Trung Quốc.

China Telecom, China Mobile đã rút khỏi dự án sau khi SubCom LLC giành được hợp đồng vào năm ngoái và cùng với China Unicom bắt đầu lên kế hoạch cho tuyến cáp EMA, Reuters đưa tin. Ba công ty viễn thông thuộc sở hữu của chính phủ Trung Quốc dự kiến sẽ sở hữu hơn một nửa mạng lưới mới, nhưng cũng đang thương lượng các thỏa thuận với đối tác nước ngoài.

3 nhà mạng Trung Quốc năm nay đã ký các biên bản ghi nhớ riêng với 4 công ty viễn thông: Orange SA (Pháp), Pakistan Telecommunication Company Ltd (PTCL), Telecom Egypt và Zain Saudi Arabia - đơn vị của Mobile Telecommunications Company KSCP (Kuwait).

Ngoài ra, 3 nhà mạng Trung Quốc cũng tổ chức các cuộc đàm phán với Singapore Telecommunications Limited (công ty do chính phủ Singapore kiểm soát thường được gọi là Singtel), trong khi các quốc gia khác ở châu Á, châu Phi và Trung Đông cũng đang được tiếp cận để tham gia vào liên minh này, những người liên quan cho biết.

Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ cho biết nước này hỗ trợ một mạng internet miễn phí, cởi mở và an toàn. Người này nói các quốc gia nên ưu tiên bảo mật và quyền riêng tư bằng cách “loại trừ hoàn toàn các nhà cung cấp không đáng tin cậy” khỏi mạng không dây, cáp mặt đất và cáp biển, vệ tinh, dịch vụ đám mây và trung tâm dữ liệu mà không đề cập đến HMN Technologies Co Ltd hay Trung Quốc.

Bộ Ngoại giao Mỹ đã không trả lời các câu hỏi về việc liệu họ có thực hiện chiến dịch thuyết phục các công ty viễn thông nước ngoài không tham gia vào dự án cáp EMA hay không.

Các dự án cáp biển lớn thường mất ít nhất 3 năm để chuyển từ ý tưởng sang triển khai. Các công ty Trung Quốc hy vọng sẽ hoàn tất hợp đồng vào cuối năm nay và đưa tuyến cáp EMA trực tuyến vào cuối năm 2025.

Một trong những người tham gia vào thỏa thuận nói với Reuters rằng tuyến cáp EMA sẽ mang lại cho Trung Quốc những lợi ích chiến lược trong cuộc chiến với Mỹ.

Đầu tiên, EMA sẽ tạo ra một kết nối mới siêu nhanh giữa Hồng Kông, Trung Quốc và phần lớn phần còn lại của thế giới, điều mà Mỹ muốn tránh. Thứ hai, nó mang lại cho các nhà mạng viễn thông thuộc sở hữu của chính phủ Trung Quốc khả năng tiếp cận và bảo vệ lớn hơn trong trường hợp họ bị loại khỏi các tuyến cáp do Mỹ hậu thuẫn trong tương lai.

“Giống như mỗi bên đang tự trang bị băng thông cho mình”, một lãnh đạo trong ngành viễn thông làm việc trong thỏa thuận này nói.

Việc xây dựng cùng lúc hai tuyến cáp kết nối châu Á với châu Âu do Mỹ và Trung Quốc hậu thuẫn là chưa từng có. Hai nhà phân tích bảo mật nói với Reuters rằng đây là dấu hiệu ban đầu cho thấy cơ sở hạ tầng internet toàn cầu, bao gồm cáp, trung tâm dữ liệu và mạng điện thoại di động, có thể bị chia rẽ trong thập kỷ tới.

Các quốc gia cũng có thể bị buộc phải lựa chọn giữa việc sử dụng thiết bị internet do Trung Quốc phê chuẩn hoặc mạng do Mỹ hậu thuẫn, gây chia rẽ trên toàn thế giới và tạo ra các công cụ thúc đẩy nền kinh tế toàn cầu (như ngân hàng trực tuyến và hệ thống vệ tinh định vị toàn cầu) chậm hơn và kém tin cậy hơn, theo Timothy Heath, nhà nghiên cứu quốc phòng tại Viện chính sách RAND Corporation có trụ sở tại Mỹ.

Timothy Heath nói: “Có vẻ như chúng ta đang đi đến một con đường sẽ có internet do Mỹ dẫn đầu và hệ sinh thái internet do Trung Quốc dẫn đầu. Mỹ và Trung Quốc càng tách rời nhau trong lĩnh vực công nghệ thông tin thì việc thực hiện các chức năng cơ bản và thương mại toàn cầu càng trở nên khó khăn hơn”.

Antonia Hmaidi, nhà phân tích tại Mercator Institute for China Studies (viện nghiên cứu có trụ sở tại Berlin, thủ đô Đức), cho biết internet hoạt động tốt nhờ dữ liệu cần đi đến đâu thì có thể truyền đi trên nhiều đường truyền khác nhau trong thời gian ngắn. Theo Antonia Hmaidi, nếu dữ liệu phải đi theo các lộ trình đã được phê duyệt ở Mỹ và Trung Quốc thì hai nước này sẽ dễ dàng thao túng và theo dõi dữ liệu đó hơn; người dùng internet sẽ bị suy giảm chất lượng dịch vụ; việc tương tác hoặc kinh doanh với mọi người trên khắp thế giới sẽ trở nên khó khăn hơn.

Bài liên quan
Nhiều nhân viên bất bình vì Google đổ tài nguyên vào Bard để cạnh tranh với ChatGPT
Một số nhân viên Google đang đặt ra những câu hỏi hóc búa với lãnh đạo về chatbot trí tuệ nhân tạo (AI) Bard, đối thủ của ChatGPT.

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Thủ tướng: Cơ chế, chính sách phù hợp sẽ nhân đôi, nhân ba sức mạnh
3 giờ trước Sự kiện
Trong chương trình kỳ họp thứ 8, sáng 23.11, các đại biểu Quốc hội thảo luận tại tổ về dự án Luật Quản lý và đầu tư vốn Nhà nước tại doanh nghiệp và dự án Luật Công nghiệp công nghệ số. Thủ tướng Phạm Minh Chính tham gia thảo luận tại tổ 8, gồm đại biểu Quốc hội các địa phương Vĩnh Long, Điện Biên, Kon Tum, Cần Thơ.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Google triển khai các tuyến cáp dưới biển mang internet tới nhiều nước Thái Bình Dương xa xôi