Khoảng ba tuần trở lại đây, làn sóng tăng lãi suất tiền gửi đang diễn ra tại các ngân hàng thương mại cổ phần. Đây là dịp để ngân hàng “đón sóng” các khoản tiền trong dân như tiền lương, thưởng, kiều hối…
Cụ thể, tại Sacombank, tiền gửi kỳ hạn 2 tháng đã tăng từ 4,9% lên 5%/năm; kỳ hạn 6 - 11 tháng tăng từ 5,9% lên 6%/năm. Các kỳ hạn dài từ 15 tháng trở lên được Sacombank áp dụng lãi suất 7%/năm. Riêng sản phẩm tiết kiệm tích tài, ngân hàng tăng lãi suất 6 tháng và 9 tháng từ 5,2 – 5,3% lên 5,5%/năm.
Theo biểu lãi suất huy động vừa được công bố đầu tháng 12 của ngân hàng VIB, lãi suất huy động đều tăng ở kỳ hạn ngắn lẫn kỳ hạn dài. Kỳ hạn ngắn tăng 0,5%, lần lượt là kỳ hạn 1 tháng tăng lên 4,9%, kỳ hạn 2 tháng tăng 0,65% lên 4,9%; 3-5 tháng hiện là 5,1%, 6-11 tháng tăng lên 5,6%. Lãi suất huy động các kỳ hạn dài 24-36 tháng được VIB điều chỉnh tăng 0,8% từ 6,2% lên 7%.
PVcomBank mới đây cũng công bố tăng lãi suất huy động, trong đó lãi suất kỳ hạn 12 tháng tại ngân hàng này tăng 0,2% lên 7,5%. Trước đó, VPBank cũng đã điều chỉnh tăng lãi suất huy động kỳ hạn 1 tháng tăng từ 4,9% lên 5,2%/năm, kỳ hạn 12 và 13 tháng tăng từ 6,5% lên 6,9%/năm. Một số ngân hàng như Eximbank, Techcombank, TPBank cũng tăng thêm lãi suất từ 0,1 – 0,3%/năm ở một số kỳ hạn.
Hiện tại, mặt bằng lãi suất huy động VND phổ biến ở mức 0,8-1%/năm đối với tiền gửi không kỳ hạn và có kỳ hạn dưới 1 tháng; 4,5-5,4%/năm đối với tiền gửi có kỳ hạn từ 1 tháng đến dưới 6 tháng; 5,4-6,5%/năm đối với tiền gửi có kỳ hạn từ 6 tháng đến dưới 12 tháng; kỳ hạn trên 12 tháng ở mức 6,4-7,2%/năm.
Một số chuyên gia cho rằng xu hướng tăng lãi suất tại các ngân hàng vào dịp cuối năm chủ yếu do yếu tố mùa vụ. Sát tết, nhu cầu thanh toán, dự phòng chi trả sẽ tăng lên nên nhiều ngân hàng đã có sự điều chỉnh tăng cho tất cả các kỳ hạn.
Trong khi đó, Công ty chứng khoán Bảo Việt (BVSC) nhận định việc lãi suất huy động đang tăng phản ánh tình trạng thanh khoản của hệ thống ngân hàng tại thời điểm hiện tại đã bớt dư thừa hơn so với quý 3/2016. Tín dụng tăng tốc mạnh trong khi nhu cầu thanh toán của doanh nghiệp và nhu cầu chi tiêu của người dân tăng cao đã khiến cán cân vốn có xu hướng nghiêng về phía cầu trong tháng cuối năm.
Với yếu tố mùa vụ, BVSC cho rằng nhiều khả năng mặt bằng lãi suất trên thị trường sẽ tiếp tục neo ở mức cao từ nay đến hết Tết Nguyên Đán. Tuy nhiên, sau thời điểm Tết Nguyên Đán, dòng tiền sẽ sớm quay trở lại hệ thống, giúp hạ nhiệt lãi suất huy động. Do vậy, công ty này dự báo mặt bằng lãi suất có thể sẽ giảm nhẹ và ổn định trong khoảng thời gian nửa cuối quý 1/2017.
Báo cáo của Ủy ban Giám sát Tài chính Quốc gia lại cho thấy từ cuối tháng 9, lãi suất huy động điều chỉnh giảm 0,3-0,5% ở các kỳ hạn ngắn, lãi suất cho vay cũng đã ghi nhận giảm ở một số ngân hàng với mức lãi suất giảm từ 0,2- 0,5% ở các kỳ hạn. Đặc biệt, các Ngân hàng thương mại Nhà nước lớn đã giảm lãi suất cho vay ngắn hạn 0,5% - 1%/năm đối với các lĩnh vực ưu tiên, khuyến khích đầu tư và khởi nghiệp, lãi suất đối với 5 khu vực ưu tiên về sát mức 6%/năm.
Tuy nhiên, mặc dù thanh khoản trên thị trường 2 (thị trường liên ngân hàng) khá dồi dào, lãi suất có tín hiệu giảm nhưng mặt bằng lãi suất vẫn chưa được như kỳ vọng. Lãi suất huy động và cho vay bình quân toàn thị trường 2 cuối năm giảm so với những tháng trước nhưng vẫn tăng nhẹ so với đầu năm 2015.
Nguyên nhân chủ yếu là do dư thừa thanh khoản trên thị trường chỉ là ngắn hạn trong khi cơ cấu cho vay chủ yếu là trung, dài hạn. Thị trường có sự phân hóa trong khả năng huy động vốn trên thị trường 2 giữa các tổ chức tín dụng.
Một số tổ chức tín dụng yếu kém gặp khó khăn trong việc vay vốn trên thị trường 2 do thiếu tín nhiệm và không đủ tài sản đảm bảo để thực hiện vay đối ứng. Tỷ trọng vốn vay liên ngân hàng, tổng nguồn vốn của các tổ chức tín dụng này rất thấp (dưới 3%). Lãi suất vay tái chiết khấu (4,5%/năm) hoặc tái cấp vốn (6,5%/năm) cũng cao hơn nhiều lãi suất trên thị trường liên ngân hàng.
Do đó, các ngân hàng này phải huy động tiền gửi từ người dân trên thị trường 1 (thị trường giao dịch giữa ngân hàng với người dân) với lãi suất cao hơn các ngân hàng thương mại lớn từ 1,5 % đến 2%/năm, dẫn đến tăng mặt bằng lãi suất bình quân toàn thị trường. Tình trạng này phần nào ảnh hưởng đến cơ chế truyền dẫn của chính sách tiền tệ.
Phan Diệu