Theo báo cáo của Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia, thị trường ngoại hối khá ổn định trong suốt cả năm 2016. Nhờ đó, Ngân hàng Nhà nước đã bổ sung được dự trữ ngoại hối lên mức cao kỷ lục là 40 tỉ USD.
Thị trường ngoại hối ổn định
Báo cáo của Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia cho biết trong năm 2016thị trường ngoại hối khá ổn định suốt cả năm, chỉ có biến động nhẹ vào cuối năm do yếu tố mùa vụ và ảnh hưởng tâm lý của việc USD tăng giá trên thị trường thế giới sau kết quả bầu Tổng thống Mỹ.
Tỷ giá trung tâm tính đến cuối tháng 11 tăng khoảng hơn 1% so với đầu năm. Tỷ giá ngân hàng thương mại và thị trường phi chính thức cũng tăng trở lại, phổ biến ở mức 22.700 đồng/USD vào cuối tháng 11, tăng khoảng 0,22% so với đầu năm.
Nguyên nhân khiến tỷ giá tăng vào thời điểm cuối năm chủ yếu do đồng đô la Mỹ liên tục lên giá so với các đồng tiền chủ chốt, đặc biệt sau khi có kết quả chính thức của cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ vừa qua.
Ngoài ra, nhu cầu ngoại tệ tăng trở lại theo yếu tố mùa vụ nhằm đáp ứng nhu cầu thanh toán về cuối năm và đón đầu khả năng Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) tăng lãi suất vào tháng 12. Cụ thể, cầu ngoại tệ đã tăng lên, thể hiện ở kim ngạch nhập khẩu hàng hóa đã chấm dứt xu hướng giảm so với năm trước và bắt đầu tăng trở lại kể từ tháng 9; nhu cầu mua ngoại tệ để trả nợ USD trước hạn cũng tăng lên do lo ngại tỷ giá có biến động sau bầu cử Tổng thống Mỹ.
Tuy nhiên, nguồn cung ngoại tệ hiện đang khá dồi dào do có sự hỗ trợ tích cực từ cán cân thương mại thặng dư, FDI tăng khá. Bên cạnh đó, niềm tin vào VNĐvà sự ổn định vĩ mô ngày càng được nâng cao giúp cho khoản mục lỗi và sai sót trong cán cân thanh toán tổng thể giảm so với cùng kỳ.
Nhờ đó, Ngân hàng Nhà nước đã bổ sung được dự trữ ngoại hối lên mức cao kỷ lục là 40 tỉ USD. Mặc dù vậy, Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia cho rằng chính sách tỷ giá thời gian tới cần tính đến một số yếu tố như Fed tăng lãi suất vào tháng 12; một số đồng tiền chủ chốt trong giỏ tính tỷ giá giảm giá mạnh so với USD, đặc biệt là đồng nhân dân tệ, eurovà lạm phát có chiều hướng tăng.
Cuối năm, lãi suất liên ngân hàng tăng ở hầu hết các kỳ hạn
Trong khi đó, trên thị trường liên ngân hàng, theo báo cáo của các tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài qua hệ thống báo cáo thống kê, tổng doanh số giao dịch trên thị trường liên ngân hàng trong kỳ cuối tháng 12 bằng VNĐđạt xấp xỉ 123.163 tỉ đồng, giảm 7.795 tỉ đồng so với thời điểm giữa tháng; bằng USD quy đổi ra VNĐđạt 58.651 tỉ đồng, giảm 1.105 tỉ đồng so với tuần trước đó.
Theo kỳ hạn, các giao dịch VNĐchủ yếu tập trung vào kỳ hạn qua đêm (45% tổng doanh số giao dịch VNĐ) và kỳ hạn 1 tuần (28% tổng doanh số giao dịch VNĐ). Đối với giao dịch USD, các kỳ hạn có doanh số lớn nhất là kỳ hạn qua đêm và 1 tuần với tỷ trọng lần lượt là 43% và 15%.
Về lãi suất, đối với các giao dịch bằng VNĐ, lãi suất bình quân trên thị trường liên ngân hàng có xu hướng tăng ở hầu hết các kỳ hạn chủ chốt dưới 1 tháng. Cụ thể, lãi suất bình quân liên ngân hàng kỳ hạn qua đêm, 1 tuần và 1 tháng lãi suất bình quân tăng lần lượt 1,51%/năm; 1,05%/năm và 0,66%/năm, lên mức 4,57%/năm; 4,86%/năm và 4,85%/năm.
Đối với các giao dịch USD, lãi suất bình quân liên ngân hàng trong tuần có xu hướng tăng ở các kỳ hạn chủ chốt dưới 1 tháng. Cụ thể, lãi suất bình quân liên ngân hàng kỳ hạn qua đêm, 1 tuần và 1 tháng tăng lần lượt lên mức 0,63%/năm; 0,70%/năm và 1,1%/năm.
Mặc dù lãi suất liên ngân hàng tăng trong tháng cuối năm, nhưng báo cáo của Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia cho thấy trong năm 2016, thanh khoản của hệ thống ngân hàng được đảm bảo, lãi suất liên ngân hàng giảm so với năm 2015. Việc này đã tạo điều kiện sớm hoàn thành kế hoạch phát hành trái phiếu chính phủ.
Thanh khoản của hệ thống ngân hàng được đảm bảo nhờ vào sự huy động tăng khá hơn năm trước và tăng cao hơn tín dụng. Năm 2016, tăng trưởng huy động ước đạt khoảng 19% cao hơn khoảng 1 điểm % so với tăng trưởng tín dụng. Tỷ lệ dư nợ trên vốn huy động toàn hệ thống xấp xỉ 85%, giảm 0,7 điểm % so với cuối năm 2015.
Ngoài ra, cung tiền tăng cao, dự báo tăng hơn 3 điểm phần trămso với năm ngoái, đạt khoảng 19-20%. Năm 2016, Ngân hàng Nhà nước cung ứng tiền chủ yếu thông qua việc mua ngoại tệ và mới hút ròng được khoảng hơn 60% tổng lượng tiền cung ứng thông qua thị trường mở.
Phan Diệu