Một cuộc điều tra của trang The Financial Times cho thấy Facebook, YouTube, Twitter và Snapchat đã mất khoảng 9,85 tỉ USD doanh thu sau những thay đổi của Apple với các tính năng về quyền riêng tư của mình.

Facebook, YouTube, Twitter, Snapchat mất gần 10 tỉ USD vì tính năng về quyền riêng tư của Apple

Sơn Vân | 01/11/2021, 11:37

Một cuộc điều tra của trang The Financial Times cho thấy Facebook, YouTube, Twitter và Snapchat đã mất khoảng 9,85 tỉ USD doanh thu sau những thay đổi của Apple với các tính năng về quyền riêng tư của mình.

Năm ngoái, Apple đã công bố chính sách Minh bạch theo dõi ứng dụng (App Tracking Transparency) yêu cầu các ứng dụng phải xin phép nếu muốn theo dõi dữ liệu của người dùng. Chính sách này có hiệu lực vào tháng 4.2021, cấm các ứng dụng theo dõi người dùng nếu họ không cho phép.

Facebook đã chỉ trích động thái này của Apple và nhờ báo cáo từ The Financial Times, giờ chúng ta đã biết lý do tại sao các nhà lãnh đạo công ty lại thất vọng như vậy. Theo báo cáo, Facebook mất nhiều tiền nhất khi so sánh với các nền tảng xã hội khác do quy mô khổng lồ của nó.

Trong khi Snap “được cho là tồi tệ nhất theo tỷ lệ phần trăm hoạt động kinh doanh” vì quảng cáo của họ chủ yếu gắn liền với smartphone, điều này có ý nghĩa với một sản phẩm không có phiên bản dành cho máy tính.

Một số nền tảng bị ảnh hưởng nhiều nhất nhưng đặc biệt là Facebook - phải xây dựng lại bộ máy của họ từ đầu do ảnh hưởng bởi App Tracking Transparency. Tôi tin rằng phải mất ít nhất một năm để xây dựng cơ sở hạ tầng mới. Các công cụ và khuôn khổ mới cần được phát triển từ đầu và thử nghiệm rộng rãi trước khi triển khai cho một số lượng lớn người dùng”, cố vấn tiếp thị kỹ thuật số Eric Seufert nói với The Financial Times.

Chính sách mới từ Apple sẽ buộc các nền tảng xã hội và các ứng dụng khác phải sáng tạo hơn với quảng cáo của họ. Dù điều này có nghĩa là tập trung vào các thiết bị Android hay đầu tư vào mảng kinh doanh quảng cáo của Apple, họ sẽ phải tìm ra một nguồn doanh thu khác mà không liên quan đến việc theo dõi mọi người trên iPhone.

facebook-youtube-twitter-snap-mat-gan-10-ti-usd1.jpg
Facebook, YouTube, Twitter, Snapchat mất gần 10 tỉ USD vì tính năng Minh bạch theo dõi ứng dụng của Apple

Sáng 29.10, Mark Zuckerberg bóng gió bày tỏ sự bất bình với Apple và hệ sinh thái ứng dụng nói chung khi trình bày chi tiết kế hoạch cho metaverse (vũ trụ ảo) trong bài phát biểu quan trọng tại sự kiện Facebook Connect 2021.

Cụ thể, Mark Zuckerberg - Giám đốc điều hành Meta (tên mới công ty Facebook) gọi các nền tảng ứng dụng và các khoản phí liên quan của chúng "ngăn cản sự đổi mới", đồng thời biện minh cho kế hoạch của Meta để giữ một số khoản phí cao hơn khi đầu tư thêm vào hệ sinh thái VR (thực tế ảo) đang phát triển và Oculus Quest Store của mình.

Mark Zuckerberg ám chỉ những thay đổi về quyền riêng tư với ứng dụng gần đây từ Apple đã gây ảnh hưởng đến hoạt động kinh doanh quảng cáo của Facebook. Với việc phát hành tính năng Minh bạch theo dõi ứng dụng, Apple hiện giúp người tiêu dùng tránh bị theo dõi trên các ứng dụng và trang web khác. Sự thay đổi này đã kéo doanh thu của Facebook đi xuống, công ty thừa nhận.

Giờ đây, Facebook nhận thấy tiềm năng trong việc xây dựng nền tảng ứng dụng của riêng mình với Oculus Quest Store để tạo ra một dòng doanh thu mới mà nó trở thành nền tảng mang về lợi nhuận thay vì nhà phát triển phải trả tiền hoa hồng. Đây là nột nơi mà hoạt động kinh doanh của Facebook không thể bị phá hủy theo ý muốn do sự thay đổi chiến lược của một công ty khác.

Mark Zuckerberg thừa nhận rằng đã đến lúc phải thực hiện thay đổi này, nói rằng trong những năm gần đây ông học được rằng "xây dựng sản phẩm là chưa đủ".

"Chúng tôi cũng cần giúp xây dựng hệ sinh thái để hàng triệu người có thể có cổ phần trong tương lai, có thể được thưởng cho công việc và lợi ích của họ khi cổ phiếu dâng lên - không chỉ với tư cách là người tiêu dùng, mà còn là những người sáng tạo và nhà phát triển. Giai đoạn này thật đáng buồn, bởi là một công ty lớn như chúng tôi, chúng tôi cũng đã học được cách xây dựng cho các nền tảng khác như thế nào. Việc sống theo các quy tắc của họ (Apple, Google - PV) đã định hình sâu sắc quan điểm của tôi về ngành công nghệ. Trên hết, tôi tin rằng việc thiếu sự lựa chọn và mức phí cao đang kìm hãm sự đổi mới, ngăn cản mọi người xây dựng những thứ mới và kìm hãm toàn bộ nền kinh tế internet", Mark Zuckerberg nói.

Những bình luận này dường như nhắm vào Apple và Google, hai nền tảng mà các sản phẩm chính của Facebook chỉ là nhà phát triển.

Facebook phải trả phí cho App Store, Google Play Store khi có người mua sản phẩm hoặc dịch vụ từ trong ứng dụng. Dù Apple và Google đều giảm tiền hoa hồng cho các doanh nghiệp nhỏ hơn, các nhà cung cấp phương tiện truyền thông và các ứng dụng cung cấp dịch vụ đăng ký để sử dụng, mức phân chia tiêu chuẩn vẫn là 70/30 (nền tảng/nhà phát triển).

Các quy tắc của App Store cũng đã ngăn Facebook xây dựng các sản phẩm khác mà họ có thể tăng doanh thu như với dịch vụ game mới của mình.

Ví dụ, công ty đã chỉ trích các chính sách của Apple vào năm ngoái khi tung ra Facebook Gaming trên iOS nhưng không thể cung cấp game cho người. Facebook đã tích hợp tính năng mini game trong ứng dụng nhưng đã phải loại bỏ vì Apple từ chối.

Apple không cho phép các ứng dụng có chứa các ứng dụng hoặc game khác, vì điều đó sẽ làm giảm khả năng tạo doanh thu từ các nhà phát triển bên thứ ba. Thay vì có thể chơi các mini game như trên thiết bị Android, người dùng iPhone, iPad mở Facebook Gaming chỉ có thể xem các streamer chơi game.

Tuy nhiên, mối quan tâm thực sự với tương lai Facebook là nơi mà doanh thu quảng cáo của nó bị đe dọa bởi những thay đổi về chính sách nền tảng ngoài tầm kiểm soát.

Những nguồn doanh thu đó trong những năm qua đã cho phép Facebook đầu tư vào các lĩnh vực khác, ngoài việc giữ cho các ứng dụng của mình miễn phí, Mark Zuckerberg lưu ý.

"Chúng tôi cung cấp các công cụ dành cho người sáng tạo và thương mại của mình với chi phí thấp hoặc mức phí khiêm tốn để cho phép sáng tạo và thương mại nhiều nhất có thể. Nó đã hoạt động hiệu quả. Hàng tỉ người yêu thích sản phẩm của chúng tôi. Chúng tôi có hàng trăm triệu doanh nghiệp trên nền tảng của mình", Mark Zuckerberg quảng cáo.

Mark Zuckerberg cho biết hiện công ty có kế hoạch thực hiện cách tiếp cận tương tự để xây dựng hệ sinh thái metaverse, bằng cách trợ giá thiết bị hoặc bán chúng với giá gốc, để cung cấp cho người tiêu dùng rộng rãi hơn. Không giống App Store của Apple, Facebook cho biết có kế hoạch hỗ trợ truyền tải và liên kết với PC để cung cấp cho người tiêu dùng và nhà phát triển sự lựa chọn, thay vì khóa họ vào nền tảng của mình. Tất nhiên, nhiều nhà phát triển sẽ chọn khởi chạy trên Quest Store vì lợi ích của việc khám phá, đó là lý do tại sao Facebook biết có thể thực hiện lời hứa này.

Mark Zuckerberg cũng nói rằng Facebook sẽ giữ phí dịch vụ dành cho nhà phát triển và người sáng tạo ở mức thấp, khi có thể. Tuy nhiên, Mark Zuckerberg - đang phác thảo mô hình kinh doanh tiếp theo của công ty - cảnh báo rằng điều đó sẽ không phải lúc nào cũng đúng như vậy. Với quy mô đầu tư vào hệ sinh thái mới này, một số khoản phí sẽ vẫn cao hơn, ông nói.

Mark Zuckerberg giải thích: "Để tiếp tục đầu tư trong tương lai này, chúng tôi sẽ cần giữ một số khoản phí cao hơn trong một thời gian để đảm bảo rằng chúng tôi không mất quá nhiều tiền cho chương trình này.

Xét cho cùng, trong khi ngày càng nhiều nhà phát triển đã có lãi, chúng tôi dự kiến sẽ đầu tư nhiều tỉ USD trong nhiều năm tới trước khi metaverse đạt được quy mô. Tuy nhiên, hy vọng của chúng tôi là nếu tất cả chúng ta đều làm việc tại đó trong vòng một thập kỷ tới, metaverse sẽ tiếp cận 1 tỉ người, giao dịch hàng trăm tỉ USD thương mại kỹ thuật số, hỗ trợ việc làm cho hàng triệu người sáng tạo và nhà phát triển".

Nói cách khác, kế hoạch của Meta là trở nên giống Apple hơn bằng cách khai thác doanh thu của các nhà phát triển trên quy mô lớn và đưa ra các quy tắc riêng.

Bài liên quan
Bấm 'tức giận' có giá trị gấp 5 lần 'thích': Thuật toán Facebook thúc đẩy cơn thịnh nộ và tin tức sai lệch thế nào?
Cách đây 5 năm, Facebook cung cấp cho người dùng 5 cách mới để phản ứng với một bài đăng ngoài biểu tượng thích, gồm yêu thích, haha, wow, buồn và tức giận (phẫn nộ). Đằng sau hậu trường, Facebook đã lập trình thuật toán quyết định những gì mọi người nhìn thấy trong news feed của họ để phản ứng với biểu tượng cảm xúc làm tín hiệu đẩy nội dung khiêu khích và xúc động hơn, bao gồm cả nội dung có khả năng khiến họ tức giận.

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Thủ tướng: Cơ chế, chính sách phù hợp sẽ nhân đôi, nhân ba sức mạnh
7 giờ trước Sự kiện
Trong chương trình kỳ họp thứ 8, sáng 23.11, các đại biểu Quốc hội thảo luận tại tổ về dự án Luật Quản lý và đầu tư vốn Nhà nước tại doanh nghiệp và dự án Luật Công nghiệp công nghệ số. Thủ tướng Phạm Minh Chính tham gia thảo luận tại tổ 8, gồm đại biểu Quốc hội các địa phương Vĩnh Long, Điện Biên, Kon Tum, Cần Thơ.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Facebook, YouTube, Twitter, Snapchat mất gần 10 tỉ USD vì tính năng về quyền riêng tư của Apple