Mark Zuckerberg cho biết thật nực cười khi mọi người nghĩ rằng ông đổi tên công ty Facebook thành Meta vì làn sóng phản ứng dữ dội gần đây.

Mark Zuckerberg phủ nhận đổi thương hiệu Facebook thành Meta để che đậy cái tên bị hoen ố

Sơn Vân | 29/10/2021, 15:31

Mark Zuckerberg cho biết thật nực cười khi mọi người nghĩ rằng ông đổi tên công ty Facebook thành Meta vì làn sóng phản ứng dữ dội gần đây.

Ngay sau khi công bố đổi tên công ty Facebook thành Meta, Giám đốc điều hành Mark Zuckerberg nói với trang The Verge rằng làn sóng tin tức hiện tại không ảnh hưởng đến quyết định của ông.

"Dù một số người có thể muốn tạo sự liên hệ giữa 2 chuyện này, nhưng tôi nghĩ đó là một điều nực cười. Nếu có, tôi nghĩ rằng đây không phải là môi trường mà bạn muốn giới thiệu một thương hiệu mới", Mark Zuckerberg nói.

Facebook đã bị rung chuyển những tuần gần đây bởi một loạt các tài liệu nội bộ mà Frances Haugen - cựu nhân viên công ty đã chia sẻ với báo chí cũng như với Ủy ban Chứng khoán và Giao dịch Mỹ. Được gọi là hồ sơ Facebook, tài liệu bao gồm mối quan tâm của nhân viên về hành vi của Facebook và cho rằng công ty chọn lợi nhuận hơn sự an toàn của người dùng.

Đầu tuần này, Mark Zuckerberg nói rằng các tài liệu đã được sử dụng để vẽ một "bức tranh giả" về công ty.

Ông cho biết: “Những lời chỉ trích có thiện chí giúp chúng tôi trở nên tốt hơn, nhưng quan điểm của tôi là họ đang nỗ lực phối hợp sử dụng có chọn lọc các tài liệu bị rò rỉ để vẽ nên một bức tranh sai lệch về công ty của chúng tôi. Thực tế là chúng tôi có một nền văn hóa cởi mở khuyến khích thảo luận và nghiên cứu về công việc của mình để có thể đạt được tiến bộ trong nhiều vấn đề phức tạp không chỉ dành riêng cho chúng tôi".

Mark Zuckerberg nói đã cân nhắc việc đổi thương hiệu từ khoảng năm 2014, khi Facebook mua lại Instagram và WhatsApp. Đầu năm nay, Mark Zuckerberg quyết định rằng đã đến lúc chuyển đổi.

Sự thay đổi tên công ty được kỳ vọng sẽ phản ánh việc đẩy mạnh metaverse, một vũ trụ ảo mà trong đó mọi người có thể tương tác với nhau đa chiều hơn và đắm mình vào các nội dung kỹ thuật số thay vì chỉ xem.

Mark Zuckerberg đã chứng minh điều đó có thể trông như thế nào trong sự kiện Oculus Connect sáng nay, hiển thị các ví dụ về cách metaverse có thể ảnh hưởng đến cuộc sống xã hội và công việc của chúng ta.

Dù các chuyên gia trước đây nói rằng nhấn mạnh metaverse là một động thái tiếp thị "thiên tài", công ty không tránh khỏi phản ứng dữ dội của công chúng. Việc thay đổi tên không đủ để cứu công ty của Mark Zuckerberg khỏi làn sóng chỉ trích, các chuyên gia nói với trang Insider.

Thế nhưng, Ashley Cooksley, Giám đốc điều hành khu vực Bắc Mỹ tại Social Element, trước đó đã nói rằng việc đổi tên Facebook có thể cứu các dự án khác của nó - như Horizon - khỏi bị liên kết với thông tin bất lợi trên báo chí.

"Việc chỉ đổi tên công ty mẹ có lẽ nhằm tách công ty mẹ khỏi sản phẩm Facebook, qua đó mọi độc tính của Facebook chỉ nằm trong một sản phẩm đó, thay vì lây nhiễm cho các thương hiệu khác", Ashley Cooksley nhận định.

mark-zuckerberg-phu-nhan-doi-ten-facebook-de-che-day-cai-ten-bi-hoen-o1.jpg
Mark Zuckerberg: ‘Thật nực cười khi nói tôi đổi tên Facebook vì làn sóng phản đối gần đây’

Facebook nay được gọi là Meta, cái tên mới phản ánh sự tập trung của Mark Zuckerberg vào việc tạo ra thực tế ảo mới dựa trên trải nghiệm sống động. Ngày nay, việc đổi tên thương hiệu chủ yếu được áp dụng để che đậy một cái tên đã bị hoen ố.

Việc cung cấp nhiều công nghệ cần thiết cho tầm nhìn của Mark Zuckerberg về metaverse, mà ông đưa ra trong bài thuyết trình sáng nay, sẽ mất hàng thập kỷ. Hơn nữa, chi phí sẽ phát sinh khá nhanh. Meta đang thành lập một bộ phận mới có tên Reality Labs với khoản đầu tư vào đó sẽ làm giảm lợi nhuận hoạt động công ty khoảng 10 tỉ USD trong năm nay. Công ty tính toán rằng metaverse thuyết phục sẽ cần những tiến bộ to lớn trong hơn 10 lĩnh vực, bao gồm cả màn hình, theo dõi mắt, cảm biến và trí tuệ nhân tạo...

Từ Meta gợi ý một lớp trừu tượng giữa công ty và sản phẩm mạng xã hội cùng tên, vẫn sẽ được gọi là Facebook. Điều đó hơi giống với việc thành lập Alphabet, công ty sở hữu bộ máy tìm kiếm Google. Đó là một ý tưởng hay, khi mạng xã hội Facebook phải đối mặt với những lời chỉ trích từ các chính trị gia và những người tố cáo về tác động đôi khi có hại của nó với cá nhân lẫn xã hội. Cựu nhân viên Facebook - Frances Haugen đã so sánh nền tảng này với các chất gây nghiện như thuốc lá hoặc opioid khi cô phát biểu trước Quốc hội Anh hôm 25.10.

Thuốc lá cũng có thể là một sự so sánh phù hợp theo những cách khác, trong đó thương hiệu của Facebook có liên hệ với Altria, chủ sở hữu của thuốc lá Marlboro. Công ty đó đã đổi tên từ Philip Morris thành Altria vào năm 2003, một phần để thoát khỏi liên kết với thuốc lá. Gần hai thập kỷ sau, nó vẫn thu được phần lớn doanh thu và lợi nhuận từ việc hút thuốc lá. Đôi khi một cái tên chỉ là một cái tên.

Meta sẽ giao dịch với mã chứng khoán mới có tên MVRS từ ngày 1.12. Cấu trúc công ty sẽ không thay đổi do việc đổi thương hiệu. Bắt đầu từ kết quả tài chính quý 4/2021, Meta dự kiến ​​báo cáo thêm về hai mảng hoạt động: Family of Apps và Reality Labs.

Bài liên quan
Hồ sơ Facebook bị rò rỉ hé lộ những bí mật đáng sợ
Các tài liệu mới bị rò rỉ đang làm rõ hơn các vấn đề của Facebook, củng cố tuyên bố từ người tố cáo rằng nền tảng này đã thu lợi từ việc lan truyền thông tin sai lệch và dựa vào một thuật toán thúc đẩy tin tức giả giống như thuốc.

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Thủ tướng: Cơ chế, chính sách phù hợp sẽ nhân đôi, nhân ba sức mạnh
5 giờ trước Sự kiện
Trong chương trình kỳ họp thứ 8, sáng 23.11, các đại biểu Quốc hội thảo luận tại tổ về dự án Luật Quản lý và đầu tư vốn Nhà nước tại doanh nghiệp và dự án Luật Công nghiệp công nghệ số. Thủ tướng Phạm Minh Chính tham gia thảo luận tại tổ 8, gồm đại biểu Quốc hội các địa phương Vĩnh Long, Điện Biên, Kon Tum, Cần Thơ.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Mark Zuckerberg phủ nhận đổi thương hiệu Facebook thành Meta để che đậy cái tên bị hoen ố