Không lộng lẫy, hoành tráng như những gallery ở đường Nguyễn Huệ hay Đồng Khởi, chuỗi phòng tranh trên đoạn đường Nam Kỳ Khởi Nghĩa (Quận 3) vẫn thu hút những tâm hồn ưa chuộng mỹ thuật. Từ những tay chơi tranh chuyên nghiệp cho đến những người họa sĩ đi tìm sự đồng điệu tâm hồn, hay có những người đơn thuần chỉ đến tìm vài bức treo cho vui nhà vui cửa. Ở ngay giữa con đường tấp nập bậc nhất Sài Gòn, có một khu phố tranh bình lặng mà nhiệt thành đã tồn tại gần hai mươi năm nay.

Êm ả những con đường tranh

21/06/2017, 21:20

Không lộng lẫy, hoành tráng như những gallery ở đường Nguyễn Huệ hay Đồng Khởi, chuỗi phòng tranh trên đoạn đường Nam Kỳ Khởi Nghĩa (Quận 3) vẫn thu hút những tâm hồn ưa chuộng mỹ thuật. Từ những tay chơi tranh chuyên nghiệp cho đến những người họa sĩ đi tìm sự đồng điệu tâm hồn, hay có những người đơn thuần chỉ đến tìm vài bức treo cho vui nhà vui cửa. Ở ngay giữa con đường tấp nập bậc nhất Sài Gòn, có một khu phố tranh bình lặng mà nhiệt thành đã tồn tại gần hai mươi năm nay.

Dạo đường tranh

Trên đường Nam Kỳ Khởi Nghĩa, cách chùa Vĩnh Nghiêm khoảng 300m có một đoạn đường dài với những phòng tranh nằm san sát nhau. Đa phần các phòng tranh đều bán cả tranh sáng tác lẫn tranh sao chép với chất liệu sơn dầu, một vài chỗ có thêm cả tranh thêu, đá quý hay sơn mài. Người mua có thể dễ dàng tìm thấy những bức tĩnh vật hay tranh phong cảnh nhẹ nhàng, thanh lịch với hoa cỏ, chim muông. Oách hơn thì có cả những bức họa nổi tiếng thế giới như “Nàng Mona Lisa” của Da Vinci hay bức “Nụ hôn” của Gustav Klimt được sao chép rất tinh tế từ tranh gốc. Đối với những người không chuyên trong lĩnh vực hội họa thì khá khó để nhận ra sự khác biệt. Đặc sắc nhất là những tác phẩm do chính các họa sĩ ở đây vẽ nên, mỗi người một phong cách riêng biệt. Đa phần, chủ của các cửa hàng tranh đều là họa sĩ. Một trong những người mở gallery sớm nhất ở khu Nam Kỳ Khởi Nghĩa, họa sĩ Trần Hữu Tài, chủ Gallery Kim Thạch cho biết khu buôn bán tranh này đã hình thành được gần hai mươi năm, bán cho cả người trong nước lẫn khách ngoại quốc. Tùy thuộc vào loại tranh và kích thước mà giá tiền khác nhau. Tranh sáng tác giá có thể lên đến 1.000-2.000 USD, tranh chép từ vài trăm nghìn cho đến vài triệu đồng đều có

Tranh đa dạng với nhiều phong cách, chất liệu

Khúc phố không vội vàng

Nhịp thở ở khu phố này rất chậm, nhẹ và sâu. Chậm từ cách người ta xem, mua và bán hàng. Hiển nhiên, bán tranh thì không thể chào mời vồn vã. Nhưng điều muốn nói đến ở đây là cái tinh tế, ý nhị của cả người mua lẫn người bán. Mọi người cứ thong dong vào ra cửa hàng, có thể nán lại đến vài chục phút chỉ để chăm chăm vào một bức tranh. Không vừa ý cũng thong thả ra về. Người bán sẵn lòng trả lời mọi thắc mắc và cũng nhẹ nhàng tiễn khách ra cửa nếu khách không muốn mua. Cảm quan về cái đẹp là thứ mà người ta không thể ép nhau được. Và những cuộc mua bán, thong dong như buổi trò chuyện của những người bạn. Giọng nói của người họa sĩ với khách hàng, cách họ chấm cọ vào pallete màu, cái kiểu gác chân đầy tự tại của họ khi vẽ, đều nhẹ. Tôi được tiếp chuyện trong một không gian như thế, để rồi được nghe những chiêm nghiệm rất sâu về đời, về nghề họa sĩ và cái tâm thành đối với nghệ thuật của những con người nơi đây.

Tranh chép từ bức họa The Kiss nổi tiếng

Chuyện những người họa sĩ

Họa sĩ Hữu Tài căng tranh cho khách hàng

“Thời trẻ chả bao giờ anh nghĩ mình phải đi chép tranh. Thế mà bây giờ…”, anh Dũng Hà – chủ gallery Nguyễn Hà suýt soa khi kể cho tôi nghe về những ngày anh còn học vẽ ngoài Bắc. Quê anh ở Thái Bình, vào Sài Gòn lập nghiệp từ năm 2003. Nhưng rồi anh lại cười sảng khoái: “Mà suy cho cùng thì họa sĩ nào chả bắt đầu từ con đường chép tranh em nhỉ”. Anh bộc bạch về cái tôi bản ngã rất lớn thời còn trẻ tuổi, đã từng chê cười bạn bè cùng lứa mang tranh chép đi triển lãm. Anh để tóc dài đến vai, cột một nửa, hàng ria “bụi” và chiếc áo sơ mi xắn cao tay không cài nút cổ, tự nhận mình ngông cuồng. Anh bùi ngùi kể về thời trẻ ham chơi, làm bao nhiêu tiền, tiêu hết bấy nhiêu. Đã từng có thời vẽ một bức tranh chỉ trong hai tiếng mà được vài chục triệu, nhưng cái tâm không đặt vào đó. Vì vậy lâu dài, khách hàng không muốn làm việc với anh nữa, anh cho đó là điều đáng hối tiếc lớn trong cuộc đời mình. Người đàn ông đó bây giờ là ông bố của hai bé gái, biết dành dụm tiền, mở một gallery tranh mang tên hai vợ chồng - “Nguyễn Hà”. Anh bảo ngồi đây tù túng, nhưng đời còn nhiều thứ phải lo. Anh vẫn tự tin ngẩng mặt nhìn lên bức tranh của mình và tự hào rằng tranh của anh có chiều sâu, nhưng gần đây hình như anh lại hết cảm hứng sáng tác mất rồi... Cũng là một họa sĩ trẻ, anh Lam Trần đã sớm mở cho mình một gallery trên con đường này, hoạt động đã 2 năm. Anh nói lúc trước còn đi đó đây nhiều nhưng có tiệm rồi thì ràng buộc hơn. Vừa nói chuyện anh vừa từ tốn chép nốt bức tranh phong cảnh của mình, thỉnh thoảng quay sang cười rồi nói: “Nghề của anh là vậy, ngồi có một chỗ à”. Anh họa sĩ làm tôi khó quên khi khẳng định rằng: “Anh học vẽ ngoài quê, chứ không phải dưới quê!”.

Họa sĩ Hữu Tài đang dặm màu cho bức tranh

Ở tuổi trung niên, họa sĩ Hữu Tài dường như có nhiều trăn trở hơn về nghề. Ông cứ buồn người ta hay nói tranh chép giết chết nghệ thuật. Bỏ cây cọ đang vẽ xuống, ông nhìn thẳng vào mắt tôi như cố thuyết phục: “Đâu phải ai mê mỹ thuật cũng có đủ tiền mua tranh gốc treo trong nhà đâu con. Ngày xưa chú có bà chị mê vẽ, thời đói nghèo chỉ cần có được bản in những bức họa của Van Gogh, Picasso treo lên thôi là đủ vui đi khoe khắp rồi. Mình không giả mạo tranh, không ký tên lên thì chép đâu có gì sai”. Người họa sĩ có những niềm tự hào giản đơn. Hữu Tài nói từng muốn khóc khi có người mỗi ngày đi ngang phòng tranh ngắm nghía bức tranh của ông nhưng không đủ tiền mua, chỉ dám ngỏ lời xin để dành đừng bán đi. Hữu Tài nói lúc đó cảm động lắm, vì có người hiểu tranh của mình. Mỗi người có một nỗi niềm, họ bảo làm nghề này giàu không nổi, nhưng lại chẳng có ai muốn làm gì khác ngoài việc được vẽ tranh. Có những người đặt hết tâm cho nghề vì đam mê, nhưng cũng có người do dòng đời đưa đẩy. Như chị Huệ, thợ vẽ phụ của họa sĩ Hữu Tài, từng là sinh viên khoa Ngữ văn Đức, nhưng vì một tai nạn chấn thương mà không thể đi xe và thuyết trình như bao người hướng dẫn viên khác. Từ đó, chị chuyển sang học vẽ và “có duyên” được làm việc ở đây. Hỏi chị buồn không, chị chỉ cười thật nhẹ.

Chị Huệ bên bức tranh đang vẽ dở

Chân dung Nam Phương Hoàng Hậu tại phòng tranh Lam Trần

Mỗi bức tranh là một câu chuyện, và mỗi con người cũng có một câu chuyện. Ai không thích chiêm ngưỡng cái đẹp? Và cái đẹp trên con đường này không chỉ đến từ những bức tranh, mà còn đến từ tấm lòng mộ điệu của những con người khao khát được tìm thấy và tạo nên vẻ đẹp cho cuộc sống. Lúc tôi ra về, tiếng còi xe vang inh ỏi ngoài phố đông, họa sĩ Hữu Tài vẫn đưa một đường cọ mượt và êm ru, mặt không hề biến sắc. Thật khéo giữ cái tâm tĩnh tại giữa những bộn bề, quay quắt.

Quỳnh Như/Duyên dáng Việt Nam

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Vui buồn nghề muối Bạc Liêu - Bài 2: Ứng dụng kỹ thuật, công nghệ mới
Để làm giàu trên chính đồng muối của gia đình, nhiều diêm dân ở Bạc Liêu đã mạnh dạn đầu tư vật tư, thiết bị cơ giới hóa để sản xuất muối theo hướng công nghệ cao. Hướng đi mới đã khẳng định được hiệu quả, góp phần nâng cao sản lượng lẫn chất lượng hạt muối.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Êm ả những con đường tranh