Sáng 15.6, nghe Nguyễn Duy nói chuyện tại đường sách. Tiếng anh đọc bài thơ Nghe Tắc Kè Kêu Trong Thành Phố không chỉ là tiếng vọng của rừng núi chiến khu, mà còn là tiếng vọng của những kỷ niệm của riêng tôi một thời.

Sắp về, sắp về... tiếng vọng của lòng ai?

20/06/2017, 17:31

Sáng 15.6, nghe Nguyễn Duy nói chuyện tại đường sách. Tiếng anh đọc bài thơ Nghe Tắc Kè Kêu Trong Thành Phố không chỉ là tiếng vọng của rừng núi chiến khu, mà còn là tiếng vọng của những kỷ niệm của riêng tôi một thời.

(Kính tặng nhà thơ Nguyễn Duy)

Tôi có người hai người anh tham gia chiến tranh từ thời chín năm cho tới 1975. Một anh ra Bắc rồi đi B, một anh bám trụ miền Nam. Hai anh tôi đi học trong nhà trường thời Pháp nên những đức tính như tinh thần kỷ luật, nếp sống lịch sự, tính trung thực, trách nhiệm với xã hội vẫn được các anh gìn giữ sau mấy mươi năm sống trong chiến khu, căn cứ…

Sau năm 1975, người anh bám trụ miền Nam về Sài Gòn làm việc, vị trí không nhỏ. Lúc đó tôi đang là sinh viên. Vai em nhưng tuổi tôi trạc tuổi con anh, anh thương tôi, lo cho tôi và chắc cũng bực mình về thằng em được dưỡng dục trong lòng Sài Gòn. Tôi thương, kính trọng anh, nhưng cũng có những điểm bất đồng, nhất là kể từ năm 1976-1977 trở đi…

Nhớ những ngày tháng 5.1975, hai anh em ngồi bên nhau, tôi tròn mắt nghe anh kể chuyện chiến khu, khâm phục một cách chân thành. Anh kể chuyện đoạn hầm Củ Chi nơi anh trú ẩn bị sụp một nửa dưới bánh xích xe tăng giết chết hai đồng đội; chuyện nửa đêm lội sông Sài Gòn từ Củ Chi qua Bình Dương công tác… Rồi anh kết luận: từ nay đất nước hòa bình, dân chúng giàu mạnh, ấm no, các em sống trong hòa bình, được cách mạng chăm sóc, phát triển… Lòng tôi lúc đó trộn lẫn cảm động, yêu kính, biết ơn…

Sau đó không lâu xảy ra các biến chuyển thời cuộc lớn như bắt sĩ quan và viên chức miền Nam đi học tập cải tạo, đánh tư sản mại bản, cải tạo công thương nghiệp, ngăn sông cấm chợ… Có những ngày tôi rụt rè nêu ý kiến, anh nghe tôi nói, rồi hai anh em tranh luận và anh giận dữ. Tuy nhiên, dù cho rằng tôi cứng đầu, quá khích, cực đoan, tôi biết trong thâm tâm anh vẫn cho lập luận của tôi có mấy phần hợp lý. Và nhất là rất trong sáng. Thời đó, cách nay 40 năm, có tuổi hai mươi nào không tràn đầy lý tưởng trong sáng như nắng mai? Còn tôi, tôi rất thương anh. Anh đã bỏ tương lai một học sinh trường Collège Cần Thơ, chấp nhận gian khổ lao vào máu lửa năm 17 tuổi khi mà khẩu súng trường anh mang có vẻ quá dài so với chiều cao của anh (trong những năm chiến tranh, Mẹ tôi vẫn khóc mỗi khi nhớ lại lần thăm anh năm ấy). Ba mươi năm theo cuộc trường chinh quá gian khổ và ác liệt với ước mơ và lý tưởng đem lại độc lập, tự do, ấm no cho dân tộc! Thực tại không biết có khiến anh ít nhiều buồn lòng!

Khoảng cuối thập niên 70, đầu thập niên 80, lúc này tôi đang làm cán bộ giảng dạy đại học, anh thường nói chuyện văn chương với tôi, và qua anh mà tôi quen được các thần tượng thi ca tiền chiến của mình như Lưu Trọng Lư, Xuân Diệu, Hoài Thanh… Ngày kia, anh đưa tôi bài thơ biểu đọc, bài Nghe Tắc Kè Kêu Trong Thành Phố của Nguyễn Duy. Sau cơm chiều, tôi đọc và ghi lại cảm nhận như sau:

1) Người Giải Phóng Quân, trong những ngày chiến đấu gian khổ, mang ước mơ giản dị: thắng trận, thanh bình trở về thành phố. Con tắc-kè kêu lên ước mơ trong tiềm thức “Sắp Về, Sắp Về”

2) Thắng trận, có người về, có người không về.

3) Người còn sống trở về, thấy thành phố hiền hòa đẹp đẽ. Khi anh về:

các binh đoàn tràn vào thành phố
đang mùa thay lá những hàng me

Lá me vàng lăn tăn trải thảm phố hè
chồi xanh lăn tăn nơi đầu cành run rẩy
cơn gió thoảng chút hương rừng đâu đấy
hạt mưa đầu mùa trong suốt giữa lòng tay

4) Thấy cuộc sống trong thành phố tươi đẹp như vậy, anh lính chắc cũng băn khoăn. Anh nhớ bạn bè, đồng đội đã mất trong cuộc chiến. Con tắc-kè ngày xưa kêu “Sắp Về, Sắp Về”, con tắc-kè bây giờ kêu gì đây?

Anh tôi có vẻ không vui khi tôi nói cảm nhận của mình. Nhưng anh không rầy, cũng không giận. Anh chỉ khuyên: “Em nên cẩn thận và cân nhắc thật kỹ trước khi nhận xét hay phê bình. Đứng ngoài nhận xét thì dễ, vào vòng và làm mới khó”. Và anh nói: “Em tán thêm ý của Nguyễn Duy nhiều quá!” Và anh lại nói thêm: “Cái quá khứ này, cái cuộc chiến này lớn lắm…”.

Từ đó, anh ít bàn luận thời sự với tôi. Rồi hai anh em chia tay nhau trong gần chục năm. Khi gặp lại, anh tôi không còn nhanh nhẹn. Lớn tuổi, anh hay uống một hai chung rượu mỗi buổi cơm. Tôi còn nhớ hình ảnh bên cái bàn nhỏ với những chiếc ghế nhỏ màu xanh, trong căn bếp giản dị, ông già ngồi bó gối, nhắm một chút rượu rồi cười cười biểu: “Em uống một chút thử coi. Cũng thú vị lắm”. Thường anh và tôi nói chuyện đời thường, bà con, tình người… Có một lần anh hỏi: “Em còn nhớ bài con tắc-kè của Nguyễn Duy không?”. Tôi giật mình vì đã mười mấy năm rồi, và nói có, bài thơ hay. Anh tôi nói bây giờ thành phố nhộn nhịp, tắc-kè không còn chỗ sống. “Mà tắc-kè còn được bao nhiêu, bò sát chỉ còn rắn rít luồn lách lên cao”. Ngừng một chút, anh tiếp: “Nói vậy chớ người tốt còn nhiều. Nếu người tốt ngoài Đảng hợp tác với người tốt trong Đảng thì nước mình mới phát triển nổi”.

Dạo đó, anh hay rủ tôi lên nhà ăn cơm, nhắm rượu. Rất thương anh, nhưng tôi thường né. Phải chăng tâm lý, truyền thống tôn trọng người lớn quá mức của gia đình khiến tôi ít gần anh?

Sau đó anh bị bệnh nằm một chỗ. Một đêm kia, tôi ghé bóp tay, chân cho anh. Anh cầm tay tôi, nhìn vào mắt tôi mệt mỏi nói: “Em sống tốt, đàng hoàng. Em vô Đảng nghe, để có tiếng nói, để phục vụ. Anh nói sẽ có người giới thiệu và kết nạp em, Có những người muốn giới thiệu em”. Tôi biết thời gian tôi còn thấy anh không nhiều. Tôi cũng cầm tay anh, nhìn sâu lại vào mắt anh, cảm xúc trào ra... Anh tôi, giờ phút này, còn nghĩ tới công việc, tới phục vụ. Anh tận tụy, và anh thương tôi…

Đã mười năm anh mất. Lòng kính trọng và thương yêu anh lúc nào cũng âm ỉ trong tôi. Không chỉ đối với anh tôi, mà đối với cả thế hệ đầy hoài bão cao đẹp cho dân tộc, phơi phới lao vào hy sinh bất chấp rất nhiều thiệt thòi về mặt hưởng thụ…

Con tắc-kè vẫn hồn nhiên kêu trong rừng chiến khu xưa, trong những công viên thành phố. Nhưng trong giọng đọc thơ của Nguyễn Duy sáng nay, tiếng kêu của con tắc-kè nghe đồng vọng bao nỗi suy tư suốt bốn mươi năm kể từ buổi nó về thành phố…

Lê Học Lãnh Vân

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Thủ tướng: Khởi nghiệp sáng tạo có khả năng tạo ra những thay đổi đột phá
8 giờ trước Khoa học - công nghệ
Thủ tướng Phạm Minh Chính cho biết khởi nghiệp sáng tạo góp phần nâng cao năng suất, chất lượng… và cũng có khả năng tạo ra những thay đổi đột phá.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Sắp về, sắp về... tiếng vọng của lòng ai?