Không biết, sau khi bước qua cánh cửa hỏa ngục đó, họ có đến được chỗ hẹn nơi cổng Thiên Đường, không trễ giờ, trễ ngày, trễ tháng, trễ năm, lệch niên đại, sai kỷ nguyên với những gì từng khao khát?”.

‘Cuộc hẹn nơi cổng Thiên Đường’ với nhà văn Hòa Bình

21/06/2017, 06:39

Không biết, sau khi bước qua cánh cửa hỏa ngục đó, họ có đến được chỗ hẹn nơi cổng Thiên Đường, không trễ giờ, trễ ngày, trễ tháng, trễ năm, lệch niên đại, sai kỷ nguyên với những gì từng khao khát?”.

Dường như tác giả có chủ ý gửi gắm trong con số 12 truyện ngắn là tương đương với 12 tháng của một năm. Và theo trình tự thời gian của bốn mùa xuân - hạ - thu - đông, tập truyện được mở đầu bằng Bộ mặt bên trong bộ mặt với cảm xúc tràn trề của một cô gái thanh xuân, một kỳ nghỉ Tết nhiều ấn tượng, lang thang trong ký ức tình yêu đẹp lộng lẫy và quý giá không gì đánh đổi được. Rơi vào xoáy nước cũng là một dạng biểu tượng thanh xuân với tình yêu và nét đẹp xuân sắc được đặt trong bối cảnh rất lạ của thành phố ngàn hoa Đà Lạt.

Mùa hạ tràn ngập với những mùi hương tinh tế, những cảm nhận mong manh mang độc giả phiêu du trong các truyện Cuộc hẹn nơi cổng Thiên Đường, Chuyện tình bên bờ Vô Cực... cùng với nỗi ám ảnh về những khoảnh khắc yêu sẽ dễ dàng vụt qua cuộc đời của bất cứ ai.

Mùa thu lãng mạn se se lạnh trên đôi má hồng của những cô thiếu nữ trôi nổi trong cơn lũ Đứt kết nối. Mùa thu cũng đặc biệt bí ẩn trong tình yêu trôi qua nhiều kiếp và những bản nhạc quyến rũ từ cây vĩ cầm ám mùi nhựa thông của cô gái trẻ bị Bức tử hiện tại.

Mùa đông cũng không kém hấp dẫn khi mà giữa tiết trời lạnh giá, con người trong thời buổi hiện đại chúng ta hầu như ai cũng cực kỳ thiếu vắng những vòng tay nồng ấm. Nhưng cũng như các mùa khác, mùa đông đã được khắc họa chữ “tình” nóng bỏng, vượt qua mọi khoảng cách, mọi biên giới, kể cả ranh giới sống - chết với Một nơi nào đó trong trái timTuyết Liên Hoa

Nhà văn Hòa Bình và tác phẩm

Nhà phê bình văn học Nguyễn Chí Hoan nhận định về hành trình văn học của tác giả Hoà Bình: “Mỗi nhà văn thường chọn cho mình một chủ đề chính yếu, nhiều khi mang tính chất một nền tảng chung chạy suốt các câu chuyện nhà văn đó đã kể và sẽ kể. Dĩ nhiên, các ý niệm cốt lõi cho chủ đề văn học không có quá nhiều, đại loại chỉ như bảy nốt nhạc, hay như “thất tình”, “hỉ nộ ái ố bi ai lạc”, nhưng có lẽ chính vì thế mà khoảng tự do cho người viết kiến tạo những dạng thức tổ hợp của chúng lại trải đến mênh mông.

Tiểu thuyết đầu tay của Hòa Bình, cuốn Gọi con người công bố năm 2009, dường như đã xác nhận dáng vóc chủ đề văn học mà tác giả này quan tâm và gắn bó hơn cả. Trong tiểu thuyết đó, ba nhân vật người cha/chồng, người mẹ/vợ và đứa con của họ lần lượt giữ vai chính, và từ những đứt gãy bên trong cái tam giác linh động huyền ảo của quan hệ con người cội rễ và mật thiết nhất ấy, nữ tác giả nghe thấy tiếng “Gọi” thầm lặng ở phía những bất toàn nhân cách - thể xác của “con người” - bởi những sự khiếm khuyết, sự không hoàn thiện là cái khiến người ta mơ ước đến hoàn thiện, rồi đến lượt những mơ và ước đẩy người ta lệch nhau, xa nhau, mà thường là bất giác.

Cách lý giải bí ẩn số phận từ góc độ những bất toàn nhân cách - thể xác như thế tiếp tục dẫn dắt chủ đề văn học của Hòa Bình trong tập truyện nổi bật Cocktail café, kem và mặt trời năm 2015. Nữ tác giả khai thác chủ đề của mình trên một bảng màu rực rỡ hơn: bảng màu của bốn mùa thiên nhiên với nhịp điệu của lối sống tiêu thụ đô thị lớn. Thiên nhiên, với tính cách là bối cảnh tự nhiên đồng thời là cái phần bản năng sống, sức sống bên trong thôi thúc con người - cái thiên nhiên như thế luôn luôn ở vào chỗ của các bè đối âm (counterpoint) đối với những quan hệ “nhân tạo” mang tính cơ cấu của cõi người kiểu như quan hệ lợi ích, quan hệ “sếp” với “nhân viên”, “giàu” với “nghèo”, “cổ cồn” với “chân dài”… Nhưng, tinh tế như chính cuộc đời, các đối vị đó xoắn xuýt bện vào nhau đan vào nhau hành tiến; và nhà văn nghe thấy ở đó rất nhiều những hòa âm gắt gỏng, cho dù người viết hướng cho chúng một khuynh hướng khác, pha vào màu sắc triết luận Phật đạo êm thấm và hướng thiện.

Ở tập truyện mới Cuộc hẹn nơi cổng Thiên Đường cũng vậy. Nữ tác giả tiếp tục tìm lối khám phá nỗi cô đơn, cảm giác lẻ loi thậm chí cô độc của những cư dân đô thị trung niên và còn trẻ. Tình trạng bất toàn hay khiếm khuyết nhân cách - thân thể giờ đây có một xuất phát điểm xa hơn về phía bất ổn: hầu như không còn hình bóng cái được gọi là “gia đình hạt nhân” như ở Gọi con người, thay vào đó dàn nhân vật mà những câu chuyện kể này xoay quanh đều là những cá nhân đơn độc, hay đúng hơn là những “đơn tử” theo cách gọi của Michel Houellebecq…”.

Nói về tác phẩm của Hòa Bình, nhà văn Trần Nhã Thụy nhận xét: “Bất hạnh và hạnh phúc đều nằm trong những bước sải chân. Đó là những bước chân Đi về phía vô cùng. Đó là một truyện mà tôi rất thích của Hòa Bình. Tôi thích không phải vì cũng là đàn ông và chia sẻ “căn bệnh thời đại” này. Tôi thích bởi cách chọn điểm rơi của nhà văn. Và khi đọc hết tập bản thảo này, tôi thấy đây là tập truyện của những điểm rơi. Những tình tiết, sự kiện, nhân vật… dường như được giản lược đến hết cỡ, chỉ chọn và chờ những điểm rơi để bung ra, thả xuống”.

Vũ Y Nguyên

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Vui buồn nghề muối Bạc Liêu - Bài 2: Ứng dụng kỹ thuật, công nghệ mới
một giờ trước Kinh tế - đầu tư - dự án
Để làm giàu trên chính đồng muối của gia đình, nhiều diêm dân ở Bạc Liêu đã mạnh dạn đầu tư vật tư, thiết bị cơ giới hóa để sản xuất muối theo hướng công nghệ cao. Hướng đi mới đã khẳng định được hiệu quả, góp phần nâng cao sản lượng lẫn chất lượng hạt muối.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
‘Cuộc hẹn nơi cổng Thiên Đường’ với nhà văn Hòa Bình