Ngày 28.8, kênh truyền hình BFMTP (Pháp) đưa tin Ecuador bắt ‘tàu ma’ Trung Quốc câu trộm 6.623 cá mập gồm nhiều loại cá bị đe dọa tuyệt chủng như loài cá mập búa…
Theo Phó đô đốc Darwin Jarrin, tư lệnh hải quân Ecuador, tàu Fu Yuan Yu Leng 999, đây là vụ câu trộm lớn nhất trong vùng Bảo tồn biển Galapagos.
Tất cả các loài động-thực vật trong quần đảo đều được chính phủ Ecuador bảo vệ trong khu bảo tồn biển lớn nhất thế giới này (138.000 km2).Đây là một địa chỉ Di sản Thế giới được UNESCO công nhận, nổi tiếng có nhiều cá mập nhất thế giới.
Quần đảo Galapagos cách bờ biển phía tây Ecuador 960 km, với khu Bảo tồn biển Galapagos nằm trên một hành lang biển trải từ phía đông Thái Bình Dương đến quần đảo Coco ở Costa Rica.
Nhiều loài cá mập di trú theo hành lang biển nàyvà dễ bị lọt vào tay của những tàu đánh cá “phục kích” sát vùng biển được bảo vệ.
Việc đánh cá mập ráo riết đã khiến nhiều loài như cá mập búa sắp bị tuyệt chủng, theo nhà sinh vật hải dương Gener Golfin người Costa Rica: “Thị trường vi cá mập vẫn tiếp tục phát triển, nhằm thỏa mãn thị hiếu ăn món vi cá mập đắt tiền”.
Chiếc tàu Trung Quốc bị bắt thật ra chỉ là tàu vận chuyển
Tổ chức Công viên quốc gia của Ecuador cho biết số cá mập bị tàu Trung Quốc câu trộm trong quần đảo Galapagos.
20 thành viên của tàu Fu Yuan Yu Leng 999 cũng bị tạm giam và có thể bị tuyên án từ 1 đến 3 năm tù vì tội xâm phạm thảm động-thực vật, theo luật pháp Ecuador.
Chiếc tàu dài 98 mét bị bắt ngày 13.8, gần đảo San Cristobal, trong lúc nó xâm nhập trái phép vùng biển của quần đảo Galapagos, nơi được đặt theo tên loài rùa biển khổng lồ sống quanh vùng biển Ecuador. Chiếc tàu dự tính đi qua khu bảo tồn để đến Peru trước khi trở về Trung Quốc.
Những ngày gần đây, cư dân Galapagos phản đối sự hiện diện của 300 tàu Trung Quốc trong vùng hải phận quốc tế đối diện quần đảo Galapagos.
Theo tổ chức Công viên quốc gia, tàu Trung Quốc nhận lô hàng cá mập từ hai tàu Đài Loan vào các ngày 5 và 7.8, ở vị trí cách phía đông bắc Galapagos khoảng hơn 1.000 km.
Theo trang Quartz, chiếc Fu Yuan Yu Leng 999 không phải tàu đánh cá, những thành viên của tàu không phải ngư dân. Vì để đánh bắt một số lượng lớn cá mập, người ta cần hàng chục ngàn mét dây câu dày, dây tời gắn động cơ, thật nhiều móc mà mỗi cái phải bằng một ngón tay người lớn. Vậy mà những công cụ này không có trên tàu Fu Yuan Yu Leng 999.
Đúng hơn, nó là một tàu vận chuyển của Trung Quốc, có nhiệm vụ gom số cá mà các tàu cá đánh bắt trái phép rồi chở nước.
Chiếc 'tàu ma' Fu Yuan Yu Leng 999
Gọi là 'tàu ma' vì chủ tàu chối, không dám nhận là của mình
Vụ bắt được chiếc Fu Yuan Yu Leng 999 giúp soi rọi vào hoạt động mờ ám của “những bóng ma câu trộm” vẫn chưa bị bắt.
Chiếc Fu Yuan Yu Leng 999 thuộc công ty Fuzhou Honglong Ocean Fishing (trụ sở ở Trung Quốc) theo tài liệu của Tổ chức Hàng hải quốc tế.
Năm 2013, công ty này bán 46 tàu và cho thuê 20 chiếc khác cho công ty Pingtan Marine Enterprises. Tổng giám đốc và là cổ đông chính của Pingtan là Xinrong Zhuo, và vợ ông ta là Ping Lin cũng là cổ đông chính của Hong Long.
Trang web của Pingtan lập danh sách hơn 140 tàu mua hoặc thuê của Hong Long, nhưng chiếc chiếc Fu Yuan Yu Leng 999 không có trên danh sách này. Đại diện Pingtan chối không làm chủ chiếc tàu, Hong Long không là công ty liên quan.
Hồi tháng 5, công ty tư vấn Aurelius Value khẳng định chiếc Pingtan dính líu hoạt động buôn người và câu trộm cá mập ở Đông Timor, lem nhem về tài chính.
Dù bất kỳ ai là chủ chiếc Fu Yuan Yu Leng 999, chính quyền Ecuador nói vụ bắt tàu là một ví dụ cho thế giới thấy rằng họ có khả năng bắt những chiếc tàu ma câu trộm cá mập:
“Ecuador là quốc gia đầu tiên tuyên bố bảo vệ quyền lợi tự nhiên, trong Hiến pháp 2008. Nên chúng tôi bắt buộc phải bảo vệ sự sống của loài cá này”.
Bảo Vĩnh (theo BFMTV)