Một dự án nuôi dế làm thức ăn cho người đang được triển khai tại một ngôi làng nhỏ phía đông bắc Thái Lan. Đây là nỗ lực nhằm nâng cao mức thu nhập ở khu vực còn nghèo khó này.
Côn trùng đang được quan tâm như nguồn protein bền vững khi dân số thế giới lẫn nhu cầu tiêu thụ thịt không ngừng tăng. Vì vậy mà ngôi làng trên địa bàn tỉnh Buriram hy vọng dế có thể biến thành tiền.
Dẫn dắt dự án là cựu quan chức Mechai Viravaidya - nhân vật nổi tiếng với chiến dịch quảng bá bao cao su giúp Thái Lan kiểm soát dân số và bệnh AIDS.
Nằm trong khuôn viên trung tâm nghiên cứu ở huyện Khok Klang, trang trại có rất nhiều hộp nhựa chứa trứng cùng dế. Nuôi dế mất khoảng 2 tháng/vụ thu hoạch.
Người chăm sóc dế Peerawat Khan-Ngern cho biết: “Tôi rất vui khi được tham gia dự án. Tôi hy vọng dế sẽ giúp người dân tăng thu nhập dù chỉ là chút ít”.
Thái Lan là nền kinh tế lớn thứ 2 Hiệp hội Các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) nhưng khoảng cách thu nhập giữa thành thị với nông thôn vẫn còn rất lớn. Đông Bắc là khu vực nghèo nhất nước với nông nghiệp là hoạt động kinh tế chính, GDP bình quân đầu người năm 2018 đạt 2.670 USD, chưa bằng 1/5 GDP bình quân đầu người thủ đô Bangkok.
Liên Hợp Quốc ước tính dân số thế giới sẽ đạt 10 tỉ người vào năm 2050, sản lượng thực phẩm phải tăng hơn 50% so với mức năm 2010 mới giải quyết được vấn đề thức ăn. Nuôi gia súc và gia cầm truyền thống đang tạo ra gánh nặng cho môi trường, còn nuôi dế đòi hỏi ít không gian, nước, thức ăn hơn, lại tạo ít khí thải hơn.
Dế thường được gọi là nguồn protein của tương lai. Ông Mechai tin tưởng côn trùng, đặc biệt là dế, sẽ trở thành nguồn cung thực phẩm bền vững tốt cho môi trường.
Ăn côn trùng là chuyện bình thường tại Thái Lan. Người dân Buriram trước đây cũng thử nuôi dế nhưng không thành công do thiếu kênh tiêu thụ.
Ông Mechai khẳng định lần này sẽ khác, ông nhờ công ty chuyên kinh doanh thức ăn từ côn trùng Global Bugs Asia (liên doanh Thái Lan - Thụy Điển) hỗ trợ. Đơn vị này cung cấp trứng cùng thức ăn, cũng như tư vấn nuôi dế cho dự án.
Global Bugs Asia sản xuất thực phẩm từ dế xay thành bộ. Sản phẩm của họ không chỉ được ưa chuộng tại Thái Lan, Nhật Bản mà còn xuất đi nhiều quốc gia khác.
Đáp ứng tiêu chuẩn vệ sinh cao chính là mấu chốt giúp tiêu thụ dế. Dù chỉ mới ở giai đoạn thí điểm nhưng nếu tiếp tục hợp tác với Global Bugs Asia, dự án có thể mở rộng quy mô sản xuất.
Ông Mechai mong dự án nuôi dế sẽ tạo công ăn việc làm cho dân làng khó khăn - đặc biệt là người già, người tàn tật, phụ nữ mất việc do đại dịch - và tốt hơn nữa là tăng mức thu nhập của địa phương.