Các nhà hoạt động ủng hộ dân chủ ở Myanmar không đồng tình thỏa thuận giữa người đứng đầu quân đội nước này với các nhà lãnh đạo ASEAN nhằm chấm dứt cuộc khủng hoảng bạo lực hậu đảo chính và tuyên bố sẽ tiếp tục chiến dịch phản đối của họ.

'Người Myanmar tiếp tục biểu tình, đình công đến khi chế độ quân sự thất bại sau hội nghị ASEAN'

Nhân Hoàng | 25/04/2021, 18:20

Các nhà hoạt động ủng hộ dân chủ ở Myanmar không đồng tình thỏa thuận giữa người đứng đầu quân đội nước này với các nhà lãnh đạo ASEAN nhằm chấm dứt cuộc khủng hoảng bạo lực hậu đảo chính và tuyên bố sẽ tiếp tục chiến dịch phản đối của họ.

Một số cuộc biểu tình hòa bình rải rác đã diễn ra tại các thành phố lớn Myanmar hôm 25.4, một ngày sau cuộc họp của Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) với Thượng tướng Min Aung Hlaing tại Thủ đô Jakarta, Indonesia, đạt được đồng thuận nhằm chấm dứt bạo lực ở nước này nhưng không đưa ra mốc thời gian.

"Cho dù đó là ASEAN hay Liên Hợp Quốc, họ sẽ chỉ nói từ bên ngoài rằng đừng chiến đấu mà hãy đàm phán và giải quyết các vấn đề. Nhưng điều đó không phản ánh tình hình cơ bản của Myanmar" là chia sẻ của Khin Sandar từ nhóm phản đối có tên là Ủy ban Hợp tác Tổng đình công.

"Chúng tôi sẽ tiếp tục các cuộc biểu tình. Chúng tôi có kế hoạch làm như vậy", cô nói với Reuters qua điện thoại.

Theo tuyên bố của Chủ tịch ASEAN 2021 – Brunei được đưa ra sau cuộc họp, 5 điểm được các nhà lãnh đạo hoặc đại diện của họ nhất trí với sự đồng ý của Min Aung Hlaing gồm:

1. Bạo lực ở Myanmar sẽ phải chấm dứt ngay lập tức và tất cả các bên phải hết sức kiềm chế.

2. Đối thoại mang tính xây dựng giữa tất cả các bên liên quan sẽ bắt đầu để tìm kiếm một giải pháp hòa bình vì lợi ích của người dân.

3. Đặc phái viên của Chủ tịch ASEAN sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho việc hòa giải tiến trình đối thoại, với sự hỗ trợ của Tổng thư ký ASEAN (Lim Jock Hoi. người Brunei).

4. ASEAN sẽ cung cấp hỗ trợ nhân đạo thông qua Trung tâm AHA (Trung tâm Điều phối ASEAN về Hỗ trợ nhân đạo và Quản lý thảm họa).

5. Đặc phái viên và phái đoàn sẽ thăm Myanmar để gặp gỡ tất cả các bên liên quan.

Sự đồng thuận 5 điểm không đề cập đến các tù nhân chính trị, dù tuyên bố của Chủ tịch ASEAN cho biết cuộc họp "đã nghe thấy những lời kêu gọi" trả tự do cho họ.

Các nhà lãnh đạo ASEAN đã muốn có một cam kết từ Min Aung Hlaing để kiềm chế lực lượng an ninh của ông ta, mà Hiệp hội Hỗ trợ Tù nhân Chính trị (AAPP) cho biết đã giết chết 748 người kể từ khi phong trào bất tuân dân sự lớn nổ ra để thách thức cuộc đảo chính ngày 1.2 lật đổ chính phủ được bầu của bà Aung San Suu Kyi.

Là nhóm hoạt động ở Myanmar, AAPP cho biết hơn 3.300 người đang bị giam giữ.

Wai Aung, một người tổ chức cuộc biểu tình ở thành phố Yangon, nói: “Chúng tôi nhận ra rằng bất kể kết quả của cuộc họp ASEAN là gì, nó sẽ không phản ánh những gì mọi người muốn. Chúng tôi sẽ tiếp tục các cuộc biểu tình và đình công cho đến khi chế độ quân sự thất bại hoàn toàn".

nguoi-myanmar-tiep-tuc-bieu-tinh-dinh-cong-den-khi-che-do-quan-su-that-bai.jpg
Các nhà hoạt động tham gia cuộc biểu tình mang tên 'Đạp xe vì dân chủ' ngày 24.4 ở Jakarta, Indonesia chống lại cuộc đảo chính tại Myanmar

Một số người đã lên mạng xã hội để chỉ trích thỏa thuận này.

"Tuyên bố của ASEAN là một cái tát vào mặt những người bị quân đội ngược đãi, giết hại và khủng bố. Chúng tôi không cần sự giúp đỡ của bạn với tư duy và cách tiếp cận đó", người dùng Facebook có tên Mawchi Tun viết.

Aaron Htwe, người dùng Facebook khác, viết: "Ai sẽ phải trả giá cho hơn 700 sinh mạng vô tội".

Phil Robertson, Phó giám đốc châu Á của Tổ chức Theo dõi Nhân quyền, cho rằng thật đáng tiếc khi chỉ có lãnh đạo quân đội đại diện cho Myanmar tại cuộc họp.

Hội nghị ASEAN là nỗ lực quốc tế phối hợp đầu tiên nhằm xoa dịu cuộc khủng hoảng ở Myanmar, quốc gia nghèo khó là láng giềng của Trung Quốc, Ấn Độ, Thái Lan và luôn rơi vào tình trạng hỗn loạn kể từ sau cuộc đảo chính. Bên cạnh các cuộc biểu tình, tử vong và bắt giữ, việc đình công trên toàn quốc đã làm tê liệt hoạt động kinh tế.

Chính phủ Thống nhất Quốc gia (NUG), bao gồm các nhân vật ủng hộ dân chủ, tàn dư chính quyền bị lật đổ của bà Suu Kyi và đại diện của các nhóm sắc tộc vũ trang, cho biết họ hoan nghênh sự đồng thuận đã đạt được nhưng nói thêm rằng chính quyền quân sự phải tuân theo lời hứa của mình.

Tiến sĩ Sasa, phát ngôn viên của NUG, nói: “Chúng tôi mong muốn ASEAN có hành động kiên quyết để tuân theo các quyết định của mình và khôi phục nền dân chủ của chúng tôi”.

Ngoài tổng tư lệnh quân đội Min Aung Hlaing, các nhà lãnh đạo Indonesia, Việt Nam, Singapore, Malaysia, Campuchia và Brunei đã có mặt tại cuộc họp, cùng với Bộ trưởng ngoại giao Lào, Thái Lan và Philippines. NUG không được mời nhưng đã nói chuyện riêng với một số nước tham gia trước cuộc họp.

Trong cuộc phỏng vấn từ một địa điểm không được tiết lộ, Tiến sĩ Sasa cho biết sẽ không có cơ hội đối thoại trừ khi chính quyền quân sự đồng ý với 4 điều kiện.

Không có thỏa hiệp, chúng tôi đã đặt ra 4 điều kiện của mình. Không phải tôi, đó là người dân Myanmar, chúng tôi không thể hợp pháp hóa việc giết người”, ông nói.

NUG đã yêu cầu chính quyền khôi phục các nhà lãnh đạo và nghị sĩ được bầu một cách dân chủ của Myanmar từ cuộc bầu cử tháng 11.2020, bao gồm cả người đứng đầu thực tế của đất nước là bà Aung San Suu Kyi. Các yêu cầu khác là chấm dứt bạo lực với dân thường, loại bỏ binh lính khỏi đường phố và trả tự do cho các tù nhân chính trị.

Quân đội Myanmar tuyên bố cuộc bầu cử có gian lận sau khi các đảng mà họ ủng hộ gặp khó khăn trong các cuộc thăm dò và sử dụng cáo buộc này để biện minh cho việc đảo chính hôm 1.2.2021.

Tiến sĩ Sasa cho biết: “Dù chúng tôi hoan nghênh các tuyên bố, điều này sẽ được đo lường bằng mức độ hành động của họ. Chúng ta phải chờ xem họ có rút lực lượng hay không”.

Hiện không rõ ai sẽ thay mặt cho Ủy ban đại diện cho Hạ viện Myanmar (CRPH), nhóm các nhà lập pháp bị lật đổ, và NUG trong bất kỳ cuộc đối thoại nào với chính quyền quân sự Myanmar, vì nhiều thành viên đang lẩn trốn hoặc bị bỏ tù sau khi hai nhóm này bị cho là bất hợp pháp.

Trong dấu hiệu có thể xảy ra rằng các nhà lãnh đạo ASEAN dường như vẫn chưa quyết định sẽ đứng về phía nào trong cuộc khủng hoảng ở Myanmar, một số điều kiện của NUG gây thêm căng thẳng sau hội nghị thượng đỉnh hôm 24.4.

Bài liên quan
Cảnh sát Indonesia chặn cuộc biểu tình khi lãnh đạo quân đội Myanmar tới dự hội nghị ASEAN
Cảnh sát ngăn chặn cuộc biểu tình phản đối lãnh đạo quân đội Myanmar - Min Aung Hlaing khi ông đáp chuyến bay xuống Indonesia dự hội nghị thượng đỉnh ASEAN.

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Thủ tướng: Cơ chế, chính sách phù hợp sẽ nhân đôi, nhân ba sức mạnh
3 giờ trước Sự kiện
Trong chương trình kỳ họp thứ 8, sáng 23.11, các đại biểu Quốc hội thảo luận tại tổ về dự án Luật Quản lý và đầu tư vốn Nhà nước tại doanh nghiệp và dự án Luật Công nghiệp công nghệ số. Thủ tướng Phạm Minh Chính tham gia thảo luận tại tổ 8, gồm đại biểu Quốc hội các địa phương Vĩnh Long, Điện Biên, Kon Tum, Cần Thơ.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
'Người Myanmar tiếp tục biểu tình, đình công đến khi chế độ quân sự thất bại sau hội nghị ASEAN'