Từ năm 2020 có một đợt cúm gia cầm H5N1 bùng phát đến mức kỷ lục. Vi rút biến đổi về mặt di truyền lây lan cực nhanh.
Các loài chim hoang dã bị mắc bệnh và lây cho gia cầm được thuần hóa rồi sang nhiều động vật có vú như lửng, gấu, chồn, lợn, gấu trúc, thậm chí con người.
H5N1 đã tồn tại vài chục năm, chưa có dấu hiệu vi rút có thể lây từ người sang người. Tuy nhiên vẫn có khả năng vi rút tiến hóa hơn nữa gây nên đại dịch như COVID-19.
Cúm gia cầm lan rộng
Trung tâm Kiểm soát - Phòng ngừa Dịch bệnh Mỹ (CDC) cho biết, tính từ tháng 1.2022, cúm gia cầm tại nước này đã ảnh hưởng đến gần 60 triệu con gia cầm - tính cả gia cầm nuôi lẫn hoang dã.
Khoảng thời gian tháng 10.2021 đến tháng 9.2022, 36 quốc gia châu Âu phải tiêu hủy 50 triệu con chim. Tại Anh có đến 10 báo cáo về trường hợp mắc bệnh là động vật hoang dã không phải chim kể từ đầu năm 2022, trong đó có cáo đỏ, rái cá Á - Âu, hải cẩu.
Nguy cơ với con người
Tổ chức Y tế thế giới (WHO) xác định từ năm 2020 đến 2022 chỉ có 9 người mắc cúm gia cầm. Tháng 1 và tháng 2.2023 lần lượt ghi nhận thêm trường hợp ở Ecuador và Campuchia.
Đa số ca nhiễm là người tiếp xúc trực tiếp với chim mắc bệnh. Theo CDC, vi rút đang lưu hành không có những thay đổi di truyền trước đây có liên quan đến việc lây nhiễm sang người dễ dàng hơn hoặc gây ra bệnh nặng.
Ngay cả trong đợt bùng phát ở một trang trại nuôi chồn Tây Ban Nha năm ngoái với hơn 50.000 con vật bị tiêu hủy, hàng chục lao động đều không mắc bệnh.
Cả WHO lẫn Cơ quan An toàn thực phẩm châu Âu đều đánh giá nguy cơ đối với con người hiện vẫn ở mức thấp, kêu gọi tiếp tục theo dõi chặt chẽ.
Điều gì đáng lo ngại?
Điều đáng lo ngại là chủng cúm ở gia cầm có thể kết hợp với chủng ở người tạo ra chủng mới dễ dàng lây từ người sang người. Hiện chưa thấy bằng chứng xuất hiện H5N1 lây từ người sang người, nhưng đã có vài dấu hiệu cúm gia cầm lây lan giữa các loài động vật có vú.
Một báo cáo sau đợt bùng phát ở một trang trại nuôi chồn chỉ ra động vật có vú có thể đóng vai trò “vật chủ pha trộn” tiềm năng để truyền bệnh giữa các loài. Một dấu hiệu khác nữa chính là việc hơn 500 con sư tử biển ở Peru chết vì H5N1 đầu năm nay. Tỷ lệ mắc bệnh ở động vật có vú gia tăng dễ khiến con người mắc bệnh hơn.
Dù số ca nhiễm là người hiện rất hiếm, nhưng số liệu trước đó cho thấy tỷ lệ tử vong rất cao: 457 trên tổng số 868 ca nhiễm trong khoảng thời gian 2003-2019 không qua khỏi. Vì ca nhiễm thường không được phát hiện cho đến khi bệnh nhân thể hiện rõ triệu chứng nên trường hợp bệnh nhẹ có thể bị bỏ sót, từ đó làm sai lệch tỷ lệ tử vong.
Triệu chứng mắc bệnh
Vịt không có triệu chứng rõ ràng. Gà sẽ bị suy đa tạng, tỷ lệ tử vong 100%.
Trường hợp động vật có vú lại có vài triệu chứng không ngờ đến. Ba con gấu xám mắc bệnh tại bang Montana (Mỹ) đã chết vào năm ngoái sau khi chúng bị mất khả năng định hướng và bị mù. Sư tử biển mắc bệnh ở Peru bị co giật, bơi lội khó khăn. Chồn mắc bệnh ở Tây Ban Nha chán ăn, trầm cảm, mõm chảy máu, đi lại khó khăn, run rẩy.
Ở người, H5N1 gây ra nhiều triệu chứng từ nhiễm trùng mắt nhẹ, nhiễm trùng đường hô hấp nhẹ cho đến viêm phổi nặng.