“Chúng ta đã kiên quyết, kiên trì đấu tranh bảo vệ chủ quyền, quyền chủ quyền ở Biển Đông; gửi công hàm tới Liên Hợp Quốc khẳng định rõ lập trường của ta”, Phó thủ tướng, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Phạm Bình Minh nhấn mạnh.

Đối ngoại 2020: Việt Nam kiên quyết đấu tranh bảo vệ chủ quyền Biển Đông

Lam Thanh | 01/01/2021, 11:52

“Chúng ta đã kiên quyết, kiên trì đấu tranh bảo vệ chủ quyền, quyền chủ quyền ở Biển Đông; gửi công hàm tới Liên Hợp Quốc khẳng định rõ lập trường của ta”, Phó thủ tướng, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Phạm Bình Minh nhấn mạnh.

Đại dịch COVID-19 phủ gam màu xám lên nhiều lĩnh vực

Phó thủ tướng, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Phạm Bình Minh vừa có bài viết về thành tựu đối ngoại của Việt Nam trong năm 2020 với tựa đề: "Đối ngoại Việt Nam 2020: Bản lĩnh và tâm thế mới".

pham-binh-minh.jpg
Phó thủ tướng, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Phạm Bình Minh - Ảnh: VGP

Phó thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao nêu rõ, năm 2020 vừa qua đi với nhiều biến động to lớn, chưa từng có, với hệ lụy và tác động đa chiều, đa lĩnh vực, ở tầm toàn cầu và có thể còn kéo dài trong nhiều năm tới.

Theo đó, đại dịch COVID-19 đã tác động nghiêm trọng, sâu rộng đến tình hình kinh tế, chính trị, xã hội ở mỗi quốc gia, khu vực và toàn cầu. Kinh tế thế giới rơi vào suy thoái, cạnh tranh chiến lược giữa các nước lớn quyết liệt chưa từng có kể từ sau chiến tranh lạnh. Các trào lưu chống toàn cầu hóa, dân túy, bảo hộ vốn xuất hiện từ trước lại càng có điều kiện phát triển mạnh mẽ.

“Tình hình Biển Đông có nhiều phức tạp mới, tiềm ẩn nguy cơ đối với hòa bình, ổn định ở khu vực. Bên cạnh dịch bệnh, các thách thức an ninh phi truyền thống khác nổi lên gay gắt, trong đó có vấn đề an ninh nguồn nước, thiên tai, lũ lụt tác động mạnh đến khu vực Đông Nam Á, trong đó có Việt Nam”, Phó thủ tướng nêu.

Mặc dù vậy, Phó thủ tướng cho rằng điểm sáng trong bức tranh thế giới năm qua là hòa bình, hợp tác và phát triển vẫn là xu thế lớn và là khát vọng cháy bỏng của nhân dân thế giới. Châu Á-Thái Bình Dương vẫn tiếp tục khẳng định là khu vực phát triển kinh tế năng động, là động lực của tăng trưởng và liên kết toàn cầu và có tầm ảnh hưởng về chính trị ngày càng gia tăng.

ASEAN củng cố đoàn kết, thích ứng nhanh với nhiều biến động mạnh của tình hình quốc tế, đặc biệt là tác động của đại dịch và cạnh tranh chiến lược giữa các nước lớn, tiếp tục giữ vững vai trò trung tâm ở khu vực và nỗ lực xây dựng Cộng đồng đoàn kết, tự cường và thịnh vượng, hướng về người dân và lấy người dân làm trung tâm để vững bước tiến lên với tầm nhìn mới sau 2025 về một khu vực hòa bình, an ninh, ổn định, phát triển bền vững, tăng trưởng bao trùm và tiến bộ xã hội.

Nhiều dấu ấn đặc biệt trong đối ngoại

Theo Phó thủ tướng, trong bối cảnh môi trường quốc tế, khu vực có nhiều bất ổn, công tác đối ngoại được triển khai chủ động, tích cực, linh hoạt, sáng tạo. Quan hệ hợp tác của ta với các nước, nhất là đối với các nước láng giềng, các đối tác quan trọng tiếp tục được củng cố, thúc đẩy. Trong đó, lãnh đạo cấp cao ta đã tiến hành 34 cuộc điện đàm, trao đổi trực tuyến song phương với lãnh đạo các nước.

Việt Nam cũng đã phát huy tinh thần đoàn kết và hợp tác quốc tế, hỗ trợ khẩu trang, vật tư y tế, tài chính cho 51 quốc gia và tổ chức quốc tế ứng phó với đại dịch COVID-19. Việt Nam cũng tranh thủ được sự hỗ trợ về tài chính và trang thiết bị y tế từ nhiều quốc gia và tổ chức quốc tế phục vụ kiểm soát dịch bệnh trong nước. Mô hình chống dịch hiệu quả đã được bạn bè quốc tế đánh giá cao.

Phó thủ tướng cũng cho rằng năm 2020 để lại dấu ấn đặc biệt quan trọng trong đẩy mạnh và nâng tầm đối ngoại đa phương Việt Nam. Việt Nam đã đảm nhiệm thành công cùng lúc nhiều trọng trách quốc tế: Chủ tịch ASEAN 2020 và AIPA 41, Ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an (HĐBA)/Liên Hợp quốc (LHQ) trong năm đầu của nhiệm kỳ 2020-2021…

Những dấu ấn riêng rất cụ thể như lần đầu tiên thúc đẩy HĐBA thông qua một Tuyên bố Chủ tịch về tuân thủ Hiến chương LHQ; tổ chức đối thoại ASEAN-LHQ, qua HĐBA nâng tầm ASEAN và qua ASEAN cụ thể hoá nhiều nội dung hợp tác ở cấp độ toàn cầu.

Việt Nam cũng đã lần đầu tiên đề xuất và thúc đẩy nghị quyết của Đại hội đồng LHQ thông qua lấy ngày 27.12 hàng năm là Ngày quốc tế phòng chống dịch bệnh với số nước đồng bảo trợ kỷ lục 112 nước.

Tham gia của Việt Nam trong hoạt động gìn giữ hòa bình của LHQ tiếp tục được tăng cường. Nhiều sáng kiến, đóng góp của Việt Nam tại các diễn đàn quốc tế, khu vực khác như ASEM, APEC, G20, WEF, các cơ chế Tiểu vùng Mekong… được các nước ủng hộ, đánh giá cao.

Cùng với đó, hội nhập kinh tế quốc tế đạt được những tiến triển có tính đột phá, tạo động lực mới cho tăng trưởng kinh tế nhanh và bền vững. Bên cạnh thực hiện hiệu quả Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP), Việt Nam đã ký kết và phê chuẩn Hiệp định Thương mại tự do (EVFTA, có hiệu lực từ tháng 8.2020) và Hiệp định bảo hộ đầu tư (EVIPA) với Liên minh châu Âu, thúc đẩy ký FTA với Anh và Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực (RCEP) trong năm Chủ tịch ASEAN của Việt Nam, góp phần quan trọng để Việt Nam duy trì tăng trưởng thuộc nhóm cao nhất thế giới.

Kiên quyết đấu tranh bảo vệ chủ quyền

Công tác biên giới lãnh thổ có nhiều kết quả tích cực. Việt Nam và Campuchia đã trao đổi văn kiện phê chuẩn 2 văn kiện pháp lý công nhận 84% thành quả phân giới cắm mốc, chính thức đưa các văn kiện này có hiệu lực. Việt Nam và Trung Quốc kỷ niệm 20 năm ký Hiệp ước biên giới trên đất liền và 10 năm thực hiện 3 văn kiện pháp lý về biên giới trên đất liền.

“Chúng ta đã kiên quyết, kiên trì đấu tranh bảo vệ chủ quyền, quyền chủ quyền ở Biển Đông; gửi công hàm tới LHQ khẳng định rõ lập trường của ta; chủ động, tích cực cùng các nước ASEAN và các đối tác liên quan thúc đẩy hòa bình, hợp tác, thượng tôn pháp luật, giải quyết hòa bình tranh chấp trên biển.

ASEAN tiếp tục khẳng định lập trường nguyên tắc về Biển Đông trong các văn kiện liên quan của ASEAN và giữa ASEAN với các đối tác, nhấn mạnh Công ước LHQ về Luật Biển năm 1982 (UNCLOS 1982) là cơ sở xác định các quyền và lợi ích hợp pháp của các bên và là khuôn khổ điều chỉnh các hoạt động trên biển. ASEAN cũng thể hiện rõ quyết tâm xây dựng Bộ Quy tắc ứng xử ở Biển Đông (COC) hiệu quả, thực chất và phù hợp với luật pháp quốc tế, nhất là UNCLOS 1982”, Phó thủ tướng nhấn mạnh.

Về công tác đối với người Việt Nam ở nước ngoài và bảo hộ công dân Việt Nam,Phó thủ tướng cho biết đã được triển khai kịp thời; hỗ trợ hiệu quả kiều bào ta ở nước ngoài vượt qua khó khăn do đại dịch COVID-19; triển khai công tác bảo hộ công dân trên phạm vi rộng chưa từng có, tổ chức hơn 280 chuyến bay, đưa gần 80.000 công dân từ hơn 59 quốc gia/vùng lãnh thổ về nước an toàn; đồng thời tiếp tục tiến hành công tác bảo hộ đối với ngư dân và tàu cá của ta ở nước ngoài.

Thứ sáu, công tác ngoại giao văn hóa, trong năm qua, UNESCO đã công nhận công viên địa chất Đắk Nông là công viên địa chất toàn cầu; Vinh (Nghệ An) và Sa Đéc (Đồng Tháp) là thành phố học tập toàn cầu.

Bạn bè quốc tế ngày càng biết đến Việt Nam không chỉ là một quốc gia hòa bình, ổn định, an toàn, nhiều tiềm năng hợp tác kinh tế mà còn có khả năng tự cường, thích ứng và xử lý hiệu quả các thách thức như đã thể hiện trong thành công chống dịch bệnh.

Theo Phó thủ tướng, nhiệm vụ trọng tâm của đối ngoại Việt Nam năm 2021 là tổ chức triển khai đường lối đối ngoại của Đại hội 13 của Đảng, tiếp tục hội nhập quốc tế sâu rộng, làm sâu sắc quan hệ với các nước, bảo vệ vững chắc chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ, góp phần củng cố môi trường hòa bình, huy động các nguồn lực bên ngoài phục vụ phát triển, nâng cao vị thế của đất nước.

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Thủ tướng: Cơ chế, chính sách phù hợp sẽ nhân đôi, nhân ba sức mạnh
6 giờ trước Sự kiện
Trong chương trình kỳ họp thứ 8, sáng 23.11, các đại biểu Quốc hội thảo luận tại tổ về dự án Luật Quản lý và đầu tư vốn Nhà nước tại doanh nghiệp và dự án Luật Công nghiệp công nghệ số. Thủ tướng Phạm Minh Chính tham gia thảo luận tại tổ 8, gồm đại biểu Quốc hội các địa phương Vĩnh Long, Điện Biên, Kon Tum, Cần Thơ.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Đối ngoại 2020: Việt Nam kiên quyết đấu tranh bảo vệ chủ quyền Biển Đông