Ông Lê Minh Thiện, Chủ tịch Hiệp hội Gỗ Bình Định cho hay toàn ngành gỗ nói chung và các doanh nghiệp gỗ nói riêng đang vướng mắc rất nhiều về PCCC, đặc biệt là Nghị định 136/2020/NĐ-CP và Quy chuẩn 06022 của Bộ Xây dựng.

Doanh nghiệp than khó về quy định phòng cháy chữa cháy

Hoài Lam | 14/04/2023, 13:00

Ông Lê Minh Thiện, Chủ tịch Hiệp hội Gỗ Bình Định cho hay toàn ngành gỗ nói chung và các doanh nghiệp gỗ nói riêng đang vướng mắc rất nhiều về PCCC, đặc biệt là Nghị định 136/2020/NĐ-CP và Quy chuẩn 06022 của Bộ Xây dựng.

Doanh nghiệp than khó về quy định PCCC

Theo phản ánh của doanh nghiệp, quy định về điều kiện đảm bảo phòng cháy chữa cháy (PCCC) chưa khoa học; chưa phân loại theo mức độ rủi ro của ngành nghề sản xuất, kinh doanh… Điều này làm tăng chi phí quá mức cho doanh nghiệp, nhiều doanh nghiệp đã và đang sản xuất, kinh doanh nhiều năm buộc phải tạm dừng hoạt động do không đáp ứng được các yêu cầu về PCCC. 

Trao đổi với phóng viên Một Thế Giới, TS Nguyễn Quốc Việt, Phó viện trưởng Viện Nghiên cứu kinh tế và chính sách (VEPR) cho biết, qua các con số thống kê có thể thấy rõ hiện doanh nghiệp Việt Nam đang rất khó khăn, biên lợi nhuận bị bào mòn cho chi phí tăng cao, dẫn đến giải thể hàng loạt. Ngoài các nguyên nhân vĩ mô thì việc chậm cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, điều kiện chuyên ngành ngặt nghèo, như quy định PCCC, cũng khiến doanh nghiệp nản lòng, khó khăn.

Ông Lê Minh Thiện, Chủ tịch Hiệp hội Gỗ Bình Định cho hay toàn ngành gỗ nói chung và các doanh nghiệp gỗ nói riêng đang vướng mắc rất nhiều về PCCC, đặc biệt là Nghị định 136/2020/NĐ-CP và Quy chuẩn 06022 của Bộ Xây dựng.

Qua tổng kiểm tra của Bộ Công an, có rất nhiều doanh nghiệp bị phạt về PCCC. Ngoài mức xử phạt hành chính từ 80 - 90 triệu đồng/cơ sở, với những lỗi liên quan đến PCCC trong đầu tư xây dựng thì doanh nghiệp bị áp dụng biện pháp tạm đình chỉ hoạt động nhà máy. Đặc biệt việc xuất hàng sang thị trường Mỹ, châu Âu, Nhật Bản, Úc cần phải có các chứng chỉ, trong đó ngoài tác động môi trường thì PCCC là một tiêu chí.

Trước tình trạng khó khăn của ngành gỗ, ông Thiện đề nghị rà soát các tiêu chuẩn PCCC đã ban hành từ lâu, không còn phù hợp, tiếp tục rà soát QCVN 0622 của Bộ Xây dựng và đề nghị Bộ Xây dựng sửa đổi, bổ sung các quy định về PCCC theo hướng phù hợp với năng lực và điều kiện của đa số doanh nghiệp quy mô vừa và nhỏ trong điều kiện nền kinh tế đang phát triển, chuyển đổi sản xuất từ tiểu thủ công nghiệp sang hiện đại.

thien.jpg
Ông Lê Minh Thiện, Chủ tịch Hiệp hội Gỗ Bình Định có ý kiến về PCCC

Ngoài ra, một số công trình đã xây dựng và đưa vào hoạt động theo diện thu hút đầu tư của nhà nước, hiện hầu hết các công trình này không thể đáp ứng quy định tiêu chuẩn hiện hành về khoảng cách an toàn chữa cháy, khoảng cách đường ranh giới khu đất. Như vậy, doanh nghiệp khó có thể đáp ứng theo tiêu chuẩn và quy chuẩn.

“Nếu yêu cầu chủ doanh nghiệp khắc phục các tồn tại theo kiến nghị của cơ quan công an để duy trì đảm bảo theo tiêu chuẩn, quy chuẩn tại thời điểm cơ sở được thẩm duyệt, nghiệm thu về PCCC và đưa vào hoạt động, như thiếu hệ thống, phương tiện PCCC, hệ thống nhà xưởng, kiến trúc trước đây, giờ bắt chỉnh sửa lại theo yêu cầu mới là không thể làm được”, ông Thiện nói.

Ông Trịnh Xuân Lâm, Chủ tịch Hiệp hội Dệt may Thanh Hóa cho rằng chỉ nên áp dụng các quy định mới về PCCC đối với các công trình xây dựng thời gian gần đây. Còn đối với các công trình cũ, cần phải có lộ trình để doanh nghiệp khắc phục. Lý do là nếu dừng đột ngột thì hàng nghìn doanh nghiệp sẽ dừng hoạt động, thiệt hại hàng trăm nghìn tỉ đồng, người lao động sẽ mất việc làm, ngân sách nhà nước thất thu.

Theo phản ánh của Hiệp hội Doanh nghiệp Hàn Quốc tại Việt Nam, các doanh nghiệp thành viên của họ cũng gặp vướng mắc với việc thay đổi quy định về PCCC khi mở rộng nhà máy đang hoạt động. Giấy phép PCCC và giấy phép hoàn công đã được cấp khi xây dựng nhà máy ban đầu khác biệt với quy định hiện hành.

Theo đó, khi mở rộng nhà máy, doanh nghiệp phải thực hiện quy định hiện hành đối với cả nhà máy đã xây dựng trước đây (vẫn đang trong quá trình vận hành). Những vướng mắc này dẫn đến tăng chi phí và kéo dài thời gian cấp phép cho doanh nghiệp.

Quy định về PCCC chưa khoa học

TS Nguyễn Minh Thảo, Trưởng ban Môi trường kinh doanh và năng lực cạnh tranh (Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế trung ương) cho hay, theo phản ánh của cộng đồng doanh nghiệp, quy định về điều kiện đảm bảo PCCC chưa khoa học; áp đặt điều kiện quá mức cần thiết và làm tăng đáng kể chi phí của doanh nghiệp.

“Chẳng hạn yêu cầu công trình nhà xưởng phải được sơn chống cháy khiến một doanh nghiệp đầu tư 2,8 tỉ đồng xây nhà kho phục vụ hoạt động logistics, nhưng chỉ riêng chi phí cho PCCC đã lên tới 1 tỉ đồng (hơn 1/3 giá trị công trình). Sự khảo sát ở một số địa phương cho thấy các doanh nghiệp sản xuất, trung bình việc đầu tư sơn để PCCC làm tăng 20% giá thành nhà xưởng”, bà Thảo nêu.

Mặt khác, theo bà Thảo, trong một thời gian dài, công tác kiểm tra về PCCC mang nặng tính hình thức, chiếu lệ, nên khi có vụ việc xảy ra thì cơ quan quản lý phản ứng theo chiều hướng cực đoan. Gần đây, công an thực hiện kiểm tra PCCC liên tục; nhiều doanh nghiệp đã và đang sản xuất, kinh doanh nhiều năm buộc phải tạm dừng hoạt động do không thể đáp ứng được các yêu cầu ngặt nghèo về PCCC.

“Thực trạng này ảnh hưởng xấu tới cơ hội sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp, việc làm của người lao động và gây ra các hệ lụy xã hội khác”, bà Thảo nói.

pc.jpg
Doanh nghiệp than khó về quy định phòng cháy, chữa cháy

Trước đó, Trưởng ban Dân nguyện của Quốc hội Dương Thanh Bình cho hay gần đây cử tri quan tâm và phản ánh còn nhiều điều kiện kinh doanh quy định chung chung, thiếu minh bạch, bất hợp lý, trong đó có tình trạng công tác PCCC được siết chặt đối với hàng loạt ngành nghề sản xuất, kinh doanh.

Giải trình về nội dung này, trung tướng Lê Quốc Hùng, Thứ trưởng Bộ Công an nói hiện nay có rất nhiều thông tin, kiến nghị liên quan đến lĩnh vực này, tuy nhiên áp dụng vào các quy định pháp luật hiện nay thì cần phải nâng cao trách nhiệm của các doanh nghiệp, nhất là các doanh nghiệp kinh doanh có điều kiện về an ninh trật tự phải chấp hành nghiêm quy định về PCCC.

"Nếu chúng ta hạ mức quy định về PCCC thì hậu quả liên quan đến an ninh trật tự rất lớn và liên quan đến tính mạng, tài sản của người dân", trung tướng Hùng nói.

Thứ trưởng Bộ Công an nêu rõ trong trường hợp cụ thể, bộ xin tiếp thu và sẽ có nghiên cứu để đề xuất với các cấp có thẩm quyền có thể thay đổi, điều chỉnh cho phù hợp.

"Vấn đề ở đây là phải tăng cường tính tự giác trong việc chấp hành, tuân thủ các quy định về PCCC. Người đứng đầu các cơ sở trọng điểm, kinh tế, chính trị, văn hóa, xã hội và các hộ kinh doanh cá thể phải thường xuyên có ý thức tổ chức, kiểm tra các điều kiện an toàn về PCCC", ông Hùng nói.

Sang năm 2023, nhiều tổ chức quốc tế dự báo kinh tế nước ta bên cạnh những thuận lợi thì sẽ đối mặt với nhiều khó khăn và thách thức hơn. Vì thế, những giải pháp cải thiện môi trường kinh doanh, đảm bảo môi trường chính sách an toàn cho doanh nghiệp cần được coi là một trong những nhiệm vụ trọng tâm của các bộ ngành, địa phương và nỗ lực thực thi cần mạnh mẽ hơn.

Tiến trình cải cách môi trường kinh doanh đang đối mặt với nhiều lực cản vì chạm đến những vấn đề khó, mang tính liên ngành. Mỗi chính sách cần được đánh giá tác động nghiêm túc, khoa học thay vì chỉ mang tính hình thức, chiếu lệ. Cần thiết phải có sự tham gia của đại diện các tổ chức nghiên cứu độc lập, hiệp hội, doanh nghiệp, chuyên gia trong quá trình thẩm định; xây dựng cơ chế rõ ràng, minh bạch và trách nhiệm giải trình trong tiếp nhận ý kiến và phản hồi ý kiến.

TS Nguyễn Minh Thảo, Trưởng ban Môi trường kinh doanh và năng lực cạnh tranh (CIEM)

Bài liên quan
Dự án chính quyền số TP.Hải Phòng: Gia tăng sự hài lòng của người dân, doanh nghiệp
UBND TP.Hải Phòng vừa khai trương Dự án Chính quyền số TP.Hải Phòng - một trong những dự án quan trọng trong phát triển kinh tế số, xã hội số.

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Thủ tướng: Cơ chế, chính sách phù hợp sẽ nhân đôi, nhân ba sức mạnh
một giờ trước Sự kiện
Trong chương trình kỳ họp thứ 8, sáng 23.11, các đại biểu Quốc hội thảo luận tại tổ về dự án Luật Quản lý và đầu tư vốn Nhà nước tại doanh nghiệp và dự án Luật Công nghiệp công nghệ số. Thủ tướng Phạm Minh Chính tham gia thảo luận tại tổ 8, gồm đại biểu Quốc hội các địa phương Vĩnh Long, Điện Biên, Kon Tum, Cần Thơ.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Doanh nghiệp than khó về quy định phòng cháy chữa cháy