Việt Nam đang có những bước đi sâu vào quá trình hội nhập quốc tế trên nhiều lĩnh vực, trong đó sôi động nhất có lẽ là hội nhập về kinh tế.

Doanh nghiệp phải gồng mình, vượt qua vỏ non yếu để lột xác vươn lên

DDVN | 07/11/2016, 07:36

Việt Nam đang có những bước đi sâu vào quá trình hội nhập quốc tế trên nhiều lĩnh vực, trong đó sôi động nhất có lẽ là hội nhập về kinh tế.

Hội nhập là xu thế tất yếu, đem đến nhiều cơ hội cho Việt Nam về vốn, thị trường, công nghệ, nguồn nguyên nhiên, vật liệu, cách thức tổ chức và quản lý, quản trị sản xuất hiện đại, cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao khả năng cạnh tranh của doanh nghiệp… Tuy nhiên, hội nhập cũng đem đến nhiều thách thức, cạnh tranh giữa các doanh nghiệp nước ngoài với doanh nghiệp nội và nhất là nguy cơ về sự phụ thuộc của chúng ta đối với các nền kinh tế lớn trên thế giới. Dù quá trình cạnh tranh này là cần thiết và có tác động tích cực trong dài hạn, giúp chọn lọc, nâng cao chất lượng doanh nghiệp.

Như vậy, hội nhập đem đến nhiều cơ hội phát triển nhưng nếu không có lộ trình và tính toán phù hợp, hội nhập cũng đem đến không ít rủi ro. Vấn đề độc lập, tự chủ về kinh tế trong quá trình hội nhập cũng luôn là vấn đề lớn và cần phải ghi nhớ. Trong các Nghị quyết Đại hội Đảng cũng nhấn mạnh đến vấn đề này. Ví dụ, ngay từ Đại hội VII, là lần đầu tiên đưa khái niệm “hội nhập” vào, Đảng đã nhấn mạnh rằng “Giữ vững độc lập tự chủ đi đôi với mở rộng hợp tác quốc tế, đa phương hóa, đa dạng hóa quan hệ đối ngoại. Dựa vào nguồn lực trong nước là chính đi đôi với tranh thủ tối đa nguồn lực bên ngoài. Xây dựng một nền kinh tế mở, hội nhập khu vực và thế giới, hướng mạnh về xuất khẩu, đồng thời thay thế nhập khẩu bằng những sản phẩm trong nước sản xuất có hiệu quả”.

Bên cạnh đó, “Điều chỉnh cơ cấu thị trường để vừa hội nhập khu vực vừa hội nhập toàn cầu, xử lý đúng đắn lợi ích giữa ta và các đối tác. Chủ động tham gia thương mại thế giới, các diễn đàn, các tổ chức, các định chế quốc tế một cách có chọn lọc, với bước đi thích hợp”. Tuy nhiên, nếu không cẩn trọng, trong quá trình hội nhập sâu rộng vào hàng loạt các Hiệp định thương mại tự do sắp tới, chúng ta dễ phải bị động. Khi đó, chúng ta mở cửa cạnh tranh, các tập đoàn mạnh của nước ngoài xông vào với hệ thống phân phối, tiềm lực mạnh, sản phẩm chất lượng cao, giá rẻ sẽ đè bẹp các doanh nghiệp nội. Bởi vì Việt Nam hiện nay chỉ có 2% là doanh nghiệp lớn, còn tới 98% là doanh nghiệp vừa và nhỏ. Hơn nữa, các doanh nghiệp của chúng ta khá yếu trong nhiều vấn đề, từ quản trị đến đầu tư khoa học kĩ thuật, đến phân phối thị trường, xuất khẩu… Xuất khẩu của Việt Nam chủ yếu đến từ các doanh nghiệp FDI chứ không phải từ các doanh nghiệp nội.

Muốn độc lập trong hội nhập, Việt Nam cần phải nâng cao được nội lực của mình và cải cách ở nhiều mặt. Nghị quyết 19/2015 của Chính phủ cũng đã đề ra, mục tiêu cần tập trung thực hiện có hiệu quả 3 đột phá chiến lược gắn với cơ cấu lại nền kinh tế, đổi mới mô hình tăng trưởng, nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả và năng lực cạnh tranh, phấn đấu cải thiện điểm số và vị trí xếp hạng về môi trường kinh doanh và năng lực cạnh tranh quốc gia. Bên cạnh đó, việc bảo đảm các loại thị trường hàng hóa, lao động, chứng khoán, bất động sản, khoa học công nghệ... vận hành đầy đủ, thông suốt ngày càng trở thành yếu tố quyết định trong huy động và phân bố các nguồn lực cho phát triển. Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong các ngành, lĩnh vực sản xuất kinh doanh và đời sống, coi đây là phương thức phát triển mới để đổi mới quy trình quản lý, sản xuất kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh của sản phẩm, doanh nghiệp, của quốc gia… Còn giải pháp cụ thể thì đó là nhiệm vụ của các cơ quan thực hiện.

Tuy nhiên, cần phải có cơ chế giám sát chặt chẽ để tránh xảy ra tình trạng thờ ơ, vô trách nhiệm với công việc, kéo dài thời gian thực hiện. Rõ ràng là hội nhập sẽ đặt các doanh nghiệp trước áp lực cạnh tranh rất lớn. Đây là thách thức nhưng cũng chính là cơ hội cho các doanh nghiệp Việt gồng mình lên phát triển, vượt qua cái vỏ non yếu của mình để mà lột xác vươn lên. Nhất là các quy định về nới “room” khiến cho doanh nghiệp nước ngoài có nhiều cơ hội thâu tóm doanh nghiệp Việt Nam hơn. Do đó, doanh nghiệp Việt Nam cần nâng cao nội lực của mình. Phải thay đổi sách lược quản trị, có chiến lược kinh doanh đúng đắn, có tầm nhìn. Doanh nghiệp cần có chính sách đào tạo nhân sự đàng hoàng và đạt chất lượng thật sự. Chính sách sản phẩm là “xương sống” của chiến lược kinh doanh của doanh nghiệp.

Cạnh tranh càng gay gắt thì vai trò của chất lượng sản phẩm càng trở nên quan trọng và đây là điểm cốt yếu nhất để cạnh tranh. Chiến lược thị trường cần gắn kết chặt chẽ với chiến lược sản phẩm và xúc tiến quảng bá sản phẩm nhằm nâng cao vị thế và uy tín của sản phẩm hàng hóa trong nước. Muốn có được sản phẩm chất lượng cao, giảm đầu vào thì các doanh nghiệp cần đầu tư khoa học - kỹthuật, hoàn thiện dây chuyền sản xuất hiện đại, bắt kịp với công nghệ thế giới. Bởi vì trình độ công nghệ của phần lớn các doanh nghiệp nước ta đang sử dụng công nghệ tụt hậu so với mức trung bình của thế giới từ 2 - 3 thế hệ; có 76% máy móc, dây chuyền công nghệ nhập thuộc thế hệ những năm 1960 - 1970; 75% số thiết bị đã hết khấu hao; 50% thiết bị là đồ tân trang…

Cần phải cải thiện năng suất lao động bởi năng suất lao động của Việt Nam quá thấp, đồng vốn sử dụng ít hiệu quả, năng lực của các doanh nghiệp Việt chưa đáp ứng được nhu cầu các sản phẩm phụ trợ của các doanh nghiệp nước ngoài. Tỉ lệ nội địa hóa trong các sản phẩm của doanh nghiệp Việt cũng rất thấp. Các doanh nghiệp cần phải khắc phục được những điều này, muốn làm được cần có sự chung tay của cơ quan quản lý trong việc cải thiện môi trường kinh doanh, ban hành luật phù hợp, thuận lợi, kích thích doanh nghiệp phát triển.

TS Bùi Kiến Thành / Duyên dáng Việt Nam
Bài liên quan
Một số tồn tại, vi phạm trong tái cơ cấu, cổ phần hóa doanh nghiệp tại Bộ Giao thông vận tải
Thanh tra Chính phủ vừa có thông báo kết luận thanh tra việc tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước, việc chuyển đổi mục đích sử dụng đất từ đất sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp nhà nước, doanh nghiệp cổ phần hóa sang kinh doanh đất, xây dựng nhà ở giai đoạn 2011 - 2021 tại Bộ Giao thông vận tải.

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Thủ tướng: Khởi nghiệp sáng tạo có khả năng tạo ra những thay đổi đột phá
6 giờ trước Khoa học - công nghệ
Thủ tướng Phạm Minh Chính cho biết khởi nghiệp sáng tạo góp phần nâng cao năng suất, chất lượng… và cũng có khả năng tạo ra những thay đổi đột phá.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Doanh nghiệp phải gồng mình, vượt qua vỏ non yếu để lột xác vươn lên