Thực hiện ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính tại Thông báo kết luận số 92/TB-VPCP ngày 3.5.2021 của Văn phòng Chính phủ, Bộ GT-VT đang lấy ý kiến góp ý dự thảo đề án Phân cấp tổ chức và quản lý vận tải cho địa phương trong các lĩnh vực vận tải.

Doanh nghiệp góp ý về dự thảo đề án Phân cấp quản lý vận tải

Thanh Ngọc | 06/09/2021, 15:22

Thực hiện ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính tại Thông báo kết luận số 92/TB-VPCP ngày 3.5.2021 của Văn phòng Chính phủ, Bộ GT-VT đang lấy ý kiến góp ý dự thảo đề án Phân cấp tổ chức và quản lý vận tải cho địa phương trong các lĩnh vực vận tải.

“Là doanh nghiệp có bề dày hơn 10 năm hoạt động trong lĩnh vực vận tải thủy nội địa từ bờ ra đảo, có số lượng phà biển vận tải hành khách và hàng hóa, tàu nội địa lớn nhất Việt Nam, chúng tôi xác định bản thân là đối tượng điều chỉnh trực tiếp của quản lý hành chính trong lĩnh vực giao thông thủy nội địa từ bờ ra đảo.

20210630_112423.jpg
Phà khách của Công ty một thành viên Thạnh Thới đang được khai thác - Ảnh: Thanh Ngọc

Do vậy, việc đóng góp ý kiến cho dự thảo đề án, cụ thể trong lĩnh vực giao thông thủy nội địa, là cơ hội cho chúng tôi gửi tới quý Bộ tiếng nói phản ánh đời sống thực tế chịu tác động từ thay đổi trong quản lý hành chính nhà nước”, ông Nguyễn Ngọc Thới, Giám đốc Công ty TNHH một thành viên Thạnh Thới (trụ sở ở KP.1, P.Tô Châu, TP.Hà Tiên, tỉnh Kiên Giang) cho biết.

Hiện công ty này đang làm chủ 14 phà khách cấp VR-SB và cấp biển hạn chế II chạy tuyến cố định Hà Tiên - Phú Quốc, Rạch Giá - Phú Quốc và ngược lại. Công ty đồng thời đang vận hành 5 bến thủy nội địa được Sở GTVT tỉnh Kiên Giang cấp phép tại TP.Hà Tiên và TP.Phú Quốc, tỉnh Kiên Giang.

Bị quản lý chồng chéo

Theo ông Thới, dự thảo đề án lần này có đề cập về những tồn tại trong tổ chức vận tải trong giao thông thủy nội địa từ bờ ra đảo. Cụ thể: “… Một số khu vực vùng nước cảng biển có một số bến thủy nội địa hoạt động, để thống nhất một vùng nước chỉ có một cơ quan quản lý nhằm tránh chồng chéo, Bộ GT-VT đã giao việc quản lý cấp phép phương tiện thủy ra vào bến thủy nằm trong vùng nước cảng biển về Cảng vụ Hàng hải thực hiện. Điều này tạo điều kiện thuận lợi rất nhiều cho doanh nghiệp. Tuy nhiên trên thực tế thì bến thủy đó vẫn có 2 cơ quan quản lý nhà nước của hàng hải và thủy nội địa quản lý…”.

Ông Thới cho biết Công ty TNHH một thành viên Thạnh Thới hiện vận hành 5 bến thủy nội địa do Sở GTVT tỉnh Kiên Giang cấp phép, trong đó tại TP.Hà Tiên có 3 bến. Bến của công ty phần lớn tiếp nhận các phà SB, SI, SII (khoảng 80%) và tiếp nhận 10 phà biển của công ty hoạt động tuyến từ bờ ra đảo (khoảng 20%). Tàu sông cập bến thủy nội địa của công ty thường xuyên xuôi ngược các vùng ĐBSCL để thu gom nông sản, tiếp nhận vật tư, hàng hóa tại những bến nhỏ không được công bố, nên việc cảng vụ hàng hải quản lý bến và cấp phép cho các phương tiện này chồng chéo và không rõ ràng.

Phà biển của công ty vào sâu trong nội thủy tại ấp Ngã Tư, xã Thuận Yên, TP.Hà Tiên theo định kỳ lên đà duy tu sửa chữa hằng năm, nhưng Cảng vụ Hàng hải Kiên Giang không đồng ý quản lý và cấp phép cho tàu cập và rời bến. Công ty Thạnh Thới phải gửi yêu cầu Cảng vụ Đường thủy nội địa Kiên Giang tiếp nhận và làm thủ tục từng trường hợp cụ thể tốn rất nhiều thời gian, giấy tờ. Theo phía Cảng vụ Hàng hải Kiên Giang, đây là quy định lâu nay và Cảng vụ phải thực hiện đúng.

Cũng theo ông Thới, phà biển của công ty chạy tuyến cố định Hà Tiên - Phú Quốc theo quy định phải dừng hoạt động khi diễn biến thủy văn phức tạp, mưa bão. Khi phà được phép hoạt động trở lại, phương tiện và hành khách ùn ứ trên bến, hoặc dịp nghỉ lễ tết, lượng di chuyển tăng đột biến nhưng Cảng vụ Hàng hải Kiên Giang chỉ giải quyết cấp phép cho số phà có thời gian đăng ký giờ chạy còn lại trong ngày. Trong khi đó lực lượng phà còn trống vòng tua không được chạy do đã qua giờ chạy đăng ký trong ngày dẫn đến hành khách, hàng hóa và phương tiện ùn ứ trên bến, hàng hóa hư hỏng, thiệt hại tài sản cho người dân.

Kế hoạch đăng ký tăng chuyến chỉ được hồi đáp trong vòng 3 ngày làm việc, sau khi Cảng vụ tiếp nhận hồ sơ bản chính. Thời điểm cuối tuần, ngày nghỉ lễ tết hoặc di chuyển từ Hà Tiên tới Rạch Giá (nơi đặt trụ sở Cảng vụ Hàng hải Kiên Giang) gặp trở ngại dẫn đến việc phê duyệt hồ sơ không kịp đáp ứng thay đổi của tình hình giao thông tại chỗ, gây rất nhiều phản cảm từ hành khách. Do đó, ông Thới mong muốn đề án sắp tới khắc phục được những điều này.

Quy định tuyến vận tải phải rõ ràng

“Góp ý thứ hai của tôi, là nội dung dự kiến sửa đổi Thông tư số 16/2013/TT-BGTVT ngày 30.7.2013. “… Bổ sung 1 điều mới dự kiến: Giải thích từ ngữ: Tuyến vận tải thủy từ bờ ra đảo gồm tuyến vận tải thủy từ bờ ra đảo hàng hải và tuyến vận tải thủy từ bờ ra đảo thủy nội địa…”.

Khái niệm đảo hàng hải/đảo thủy nội địa lần đầu tiên được đề cập trong một văn bản pháp lý Việt Nam. Lâu nay, khái niệm đảo chỉ có một, việc phân biệt đảo hàng hải/đảo thủy nội địa chắc chắn sẽ là ngòi nổ cho rất nhiều tranh luận. Các tiêu chí phân biệt, giải thích đảo hàng hải/đảo thủy nội địa phải chăng cần nhiều hơn một mục trong Thông tư 16 sửa đổi hướng dẫn? Việc đánh giá tác động truyền thông khi công bố khái niệm mới trong thông tư sửa đổi cũng nên được cân nhắc, thăm dò”, ông Thới nói.

Theo ông, dẫn giải thực tiễn nếu coi Phú Quốc đủ điều kiện đảo hàng hải, vậy nhu cầu thiết yếu đi lại với đất liền của dân cư tại các đảo thuộc quần đảo An Thới như Hòn Thơm, Hòn Dăm… và các đảo thuộc quần đảo Hải Tặc, Hòn Nghệ, Hòn Tre… nơi chưa đủ điều kiện đón tiếp phương tiện tàu biển cấp III sẽ được hướng dẫn và quản lý như thế nào? Việc quản lý tuyến vận tải ra các đảo hàng hải không đủ điều kiện tiếp nhận tàu biển hạn chế III hoặc các bến thủy nội địa nằm trong vùng nước cảng biển liệu có tiếp tục chồng chéo trong quản lý giữa Cảng vụ Hàng hải và Cảng vụ Đường thủy nội địa?

Hiện nay Cảng vụ Đường thủy nội địa một số địa phương đã thực hiện theo Thông tư 16/2013/TT-BGTVT quản lý bến thủy nội địa, cảng thủy nội địa làm thủ tục cấp phép cho tàu vào và rời bến như: tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu tuyến Vũng Tàu-Côn Đảo là tuyến từ bờ ra đảo theo phụ lục 1 Thông tư 16/2013/TT-BGTVT. Như vậy, Côn Đảo được coi là đảo thủy nội địa hay đảo hàng hải?

“Chúng tôi nhận thấy việc phân cấp quản lý tuyến hàng hải và tuyến thủy nội địa qua sự khác biệt “tuyến mà phương tiện hoạt động trên tuyến yêu cầu là tàu biển hạn chế III”đã thể hiện đầy đủ tinh thần của dự thảo đề án là phân cấp, ủy quyền trong quản lý hành chính nhằm nâng cao hiệu quả hoạt động và trách nhiệm của các cấp hành chính, bảo đảm sự quản lý tập trung, thống nhất của Chính phủ. Phát huy tính tự chủ, tự chịu trách nhiệm của chính quyền địa phương, khai thác tối đa tiềm năng, lợi thế, nguồn lực của các địa phương nhằm nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước đối với lĩnh vực hàng hải”, ông Thới góp ý.

Ông Thới cũng mong muốn bổ sung phạm vi điều chỉnh của Thông tư 16 theo tinh thần chỉ thị 37/CT-TTg ngày 29.9.2020 của Thủ tướng chính phủ về thúc đẩy phát triển vận tải thủy nội địa giữa các đảo có tiềm năng khai thác vận tải. Như xã đảo Tiên Hải trực thuộc TP.Hà Tiên có vị trí tiền tiêu chiến lược đặc biệt về kinh tế, quốc phòng và an ninh của tỉnh Kiên Giang nói riêng và Việt Nam nói chung. Từ ngày 8.1.2020, huyện đảo Phú Quốc chính thức trở thành thành phố biển đảo theo Nghị quyết số 1109/NQ-UBTVQH14 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội Việt Nam. Với sự phát triển kinh tế của tỉnh Kiên Giang nói chung và TP.Hà Tiên nói riêng trong thời gian qua, nhu cầu đi lại vận chuyển hàng hóa của người dân cũng như của khách du lịch giữa TP.Hà Tiên/Phú Quốc và xã đảo Tiên Hải tăng trưởng vượt bậc.

Nằm ở vị trí giữa 2 thành phố Hà Tiên (cách 13 hải lý) và Phú Quốc (12 hải lý), nhưng hiện tại người dân và khách du lịch đi tới xã đảo Tiên Hải có nhu cầu đi tiếp tới TP.Phú Quốc bắt buộc phải quay trở lại TP.Hà Tiên do không có tuyến vận tải hành khách và hàng hóa hiện hữu. Đây là điều gây khó khăn rất lớn cho doanh nghiệp cũng như người dân, khách du lịch.

“Dự thảo đề án đã nêu bật thay đổi quyết liệt và cơ bản trong phân cấp quản lý tuyến vận tải thủy từ bờ ra đảo. Tuy nhiên, đà phát triển kinh tế vượt bậc của đất nước trong những năm qua đã thúc đẩy nhu cầu vận tải thủy nội địa giữa các đảo và quần đảo của đất nước. Chúng tôi mong muốn việc sửa đổi Thông tư 16/2013/TT-BGTVT sắp tới cũng sẽ có hướng dẫn chi tiết phù hợp với sự phát triển không ngừng của xã hội.

Hiện nay dịch bệnh COVID-19 đang diễn biến phức tạp trên cả nước, Công ty TNHH Thạnh Thới luôn nghiêm chỉnh chấp hành lệnh phong tỏa hạn chế đi lại để đảm bảo chống dịch. Ảnh hưởng của dịch bệnh khiến công ty kiệt quệ về tài chính, tuy nhiên công ty vẫn quyết tâm duy trì hoạt động phục vụ nhu cầu vận chuyển hàng hóa thiết yếu cho người dân đảo Phú Quốc, là cầu nối duy nhất giữa đất liền với đảo Phú Quốc.

Trên tinh thần quyết tâm vượt khó, công ty mong muốn những đóng góp thiết thực của mình với dự thảo đề án được các cấp cơ quan lắng nghe, thấu hiểu và điều chỉnh nhằm đồng hành cùng doanh nghiệp phục vụ đời sống nhân dân”, ông nói.

Bài liên quan
Dự án chính quyền số TP.Hải Phòng: Gia tăng sự hài lòng của người dân, doanh nghiệp
UBND TP.Hải Phòng vừa khai trương Dự án Chính quyền số TP.Hải Phòng - một trong những dự án quan trọng trong phát triển kinh tế số, xã hội số.

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Thủ tướng: Cơ chế, chính sách phù hợp sẽ nhân đôi, nhân ba sức mạnh
7 giờ trước Sự kiện
Trong chương trình kỳ họp thứ 8, sáng 23.11, các đại biểu Quốc hội thảo luận tại tổ về dự án Luật Quản lý và đầu tư vốn Nhà nước tại doanh nghiệp và dự án Luật Công nghiệp công nghệ số. Thủ tướng Phạm Minh Chính tham gia thảo luận tại tổ 8, gồm đại biểu Quốc hội các địa phương Vĩnh Long, Điện Biên, Kon Tum, Cần Thơ.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Doanh nghiệp góp ý về dự thảo đề án Phân cấp quản lý vận tải