Ông Phạm Xuân Hòe nêu hiện tượng có những doanh nghiệp bất động sản vay trái phiếu đến 40 lần vốn chủ sở hữu. Điều này “quá rủi ro, không thể chấp nhận”.

Doanh nghiệp bất động sản vay trái phiếu gấp 40 lần vốn chủ sở hữu: Không thể chấp nhận!

Lam Thanh | 20/05/2022, 13:30

Ông Phạm Xuân Hòe nêu hiện tượng có những doanh nghiệp bất động sản vay trái phiếu đến 40 lần vốn chủ sở hữu. Điều này “quá rủi ro, không thể chấp nhận”.

Mập mờ đánh lận con đen

Phát biểu tại diễn đàn “Phát triển thị trường trái phiếu doanh nghiệp hiệu quả, bền vững", ông Phạm Xuân Hòe, nguyên Phó viện trưởng Viện Chiến lược (Ngân hàng Nhà nước) cho biết trong dự thảo sửa đổi, bổ sung Nghị định 153 có nói đến hạn mức vay nợ của doanh nghiệp không quá 3 lần so với vốn chủ sở hữu. Tuy nhiên, ông Hòe cho rằng cách tiếp cận đó là chưa tổng thể.

“Từ năm 1995, Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) hay Ngân hàng Thế giới (WB) đã khuyến nghị nên đưa ra hạn mức vay nợ tổng thể với doanh nghiệp, không riêng trái phiếu mà bao gồm cả vay của tổ chức tín dụng, vay của các tổ chức khác, công nợ, nhân viên..., mà mỗi loại hình doanh nghiệp sẽ có hệ số vay nợ khác nhau. Không phải doanh nghiệp nào vay nợ với hệ số 3 lần cũng là rủi ro”, ông Hòe nói.

Theo ông, cần phân tích đặc thù ngành nghề để giới hạn vay nợ, chứ không nên kéo bằng như nhau, sẽ không thể phát triển được thị trường trái phiếu.

Tuy nhiên, ông Hòe cũng nêu hiện tượng có những doanh nghiệp bất động sản vay trái phiếu gấp đến 40 lần vốn chủ sở hữu, "quá rủi ro, không thể chấp nhận được". Tuy nhiên, nếu rút về thái cực 3 lần thì 3 lần với ngành nghề nào? Cần làm rõ vấn đề này.

Ông Phạm Xuân Hòe cũng chia sẻ: "Rất nhiều chuyên gia đã lưu ý nhưng không hiểu vì sao thị trường trái phiếu doanh nghiệp vừa rồi bùng nổ, được hơn 700.000 tỉ. Nguyên nhân quan trọng nhất vẫn là phải thông qua ngân hàng thương mại và công ty chứng khoán".

“Công ty chứng khoán là của họ, ngân hàng thương mại, công ty con trong tập đoàn cũng là của họ. Cả một hệ sinh thái như vậy thì phát hành trái phiếu cho ai? Phát hành cho doanh nghiệp của “ông chủ” chứ còn ai nữa. Điều này rất rủi ro, vì không minh bạch”, ông Hòe nói.

hoe.jpg
Ông Phạm Xuân Hòe, nguyên Phó viện trưởng Viện Chiến lược (Ngân hàng Nhà nước)

Ông Hòe cho biết ông từng đến gửi tiền tiết kiệm ở một ngân hàng thương mại và nhân viên gợi ý ông mua trái phiếu doanh nghiệp, với lý do lãi suất tiền gửi thấp. Nhân viên này cho biết ngân hàng làm đại lý quản lý luôn tài sản bảo đảm.

“Nếu như khách hàng không phải người làm trong ngành tài chính như tôi thì sẽ thấy ngon lành, mua thôi. Do đó, mớ bòng bong thông tin “mập mờ đánh lận con đen” như vậy khiến nhà đầu tư cá nhân không biết đâu là rủi ro. Tính mập mờ là ở đó. Nếu không thông qua ngân hàng thương mại, công ty chứng khoán, công ty tư vấn mà doanh nghiệp đó đứng ra bán thử xem có ai mua không? Do đó, cần phải xem xét trách nhiệm của đại lý phát hành, nhưng hiện nay quy định pháp luật chưa cụ thể”, ông Hòe nói.

Tín dụng ngân hàng chảy vào sân sau bất động sản

Trên thực tế, chuyện các ông lớn bất động sản hiện diện tại các ngân hàng không phải là hiện tượng mới. Với đặc điểm tính thâm dụng vốn cao và vòng quay vốn dài của ngành bất động sản, sự hậu thuẫn từ nguồn vốn tín dụng là điều không thể thiếu.

Tuy nhiên, nhiều ý kiến cho rằng việc hàng loạt các nhà phát triển bất động sản lớn bất ngờ xuất hiện trong vai trò lãnh đạo ngân hàng làm gia tăng lo ngại về rủi ro cho vay, khi dòng vốn ngân hàng có thể bị điều tiết để cho các doanh nghiệp “sân sau” vay một các dễ dàng.

Một số ví dụ cho sự song hành của doanh nghiệp bất động sản và ngân hàng có thể kể đến như trường hợp ông Nguyễn Đức Thụy, nhà sáng lập Thaiholdings trở thành phó chủ tịch tại LienVietPostBank; ông Nguyễn Thanh Hùng là Phó chủ tịch HĐQT kiêm Phó tổng giám đốc Công ty cổ phần Bamboo Capital, đồng thời là Phó chủ tịch điều hành Công ty cổ phần Đầu tư phát triển công nghiệp và vận tải (Tracodi) hiện diện ở Eximbank…

Ngoài ra, còn nhiều mối quan hệ mật thiết giữa ngân hàng và doanh nghiệp bất động sản có thể kể đến như Ngân hàng TMCP Kỹ thương Việt Nam (Techcombank) và Tập đoàn Masterise, VPBank và MIK Group, SEABank và Tập đoàn BRG…

Trao đổi với phóng viên Một Thế Giới, chuyên gia kinh tế, PGS-TS Đinh Trọng Thịnh cho rằng Ngân hàng Nhà nước có quy định giới hạn cho vay vào bất động sản, tuy nhiên, nếu đó là chủ ngân hàng, thành viên hội đồng quản trị… thì họ sẽ có nhiều cách để cho doanh nghiệp sân sau được vay vốn.

Chẳng hạn, doanh nghiệp có thể phát hành trái phiếu và ngân hàng sẽ đứng ra mua. Đây cũng là một hình thức cho vay, song rủi ro cho vay đã bị che lấp. Điều này sẽ dẫn đến nhiều hệ lụy trong việc cho vay cũng như tạo sự mất bình đẳng giữa các doanh nghiệp.

dtt.jpeg
Chuyên gia kinh tế, PGS-TS Đinh Trọng Thịnh

Ông Thịnh cho rằng để hạn chế tình trạng tín dụng chảy vào các sân sau, các cơ quan quản lý cần tăng cường kiểm tra giám sát hoạt động cho vay bất động sản tại các ngân hàng có lãnh đạo liên quan đến doanh nghiệp bất động sản. Đồng thời, cần giám sát các hình thức cho vay khác nhau, kể cả việc mua bán trái phiếu, cho vay thông qua các lĩnh vực khác… để hướng dòng tín dụng của ngân hàng chảy vào các lĩnh vực sản xuất kinh doanh, phục vụ cả nền kinh tế.

Trước đó, TS Lê Xuân Nghĩa cũng cho rằng “số ngân hàng cho các tập đoàn sân sau vay lớn tới mức đáng báo động, chưa từng có trong lịch sử Việt Nam. Tuy nhiên, các con số công bố chính thức gần như vẫn đúng theo Luật Các tổ chức tín dụng và đây là điều rất đáng lo ngại”, ông Nghĩa nói và cho biết trái phiếu “buồn” vì vắng bóng các khu vực sản xuất, dịch vụ, thương mại…

Theo luật sư Trương Thanh Đức, doanh nghiệp có thể phát hành trái phiếu gấp nhiều lần vốn chủ sở hữu nhưng phải công khai thông tin này cho nhà đầu tư.

"Doanh nghiệp cũng có thể phát hành trái phiếu khi doanh nghiệp thua lỗ, nhưng phải thông báo cho nhà đầu tư đang lỗ bao nhiêu? Hay có thể phát hành trái phiếu để đảo nợ, miễn là công khai minh bạch", ông Đức nhấn mạnh.

Theo ông Đức, mấu chốt thông tin được rõ ràng, minh bạch mọi điều đều được chấp nhận khi công khai. Nếu áp dụng cả quy định cũ và mới, thì đa số các doanh nghiệp sẽ không thể phát hành trái phiếu doanh nghiệp.

Bài liên quan
Chấn chỉnh thị trường trái phiếu DN: Cái giá phải trả để có một thị trường quy củ
TS Nguyễn Trí Hiếu cho rằng việc siết chặt thi trường trái phiếu gần đây tạo ra những khó khăn nhưng sẽ tạo niềm tin cho thị trường. Đây cũng là cái giá phải trả để có môt thị trường quy củ và ổn định.

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Tạo nền tảng vững chắc cho sự phát triển mạnh mẽ, bền vững Việt Nam-Malaysia
8 giờ trước Sự kiện
Phó thủ tướng, Chủ tịch đảng UMNO, Dr. Ahmad Zahid Hamidimong muốn hai bên tiếp tục đẩy mạnh hơn nữa quan hệ trên cả kênh nhà nước và kênh đảng trong năm 2025 khi Malaysia là Chủ tịch ASEAN.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Doanh nghiệp bất động sản vay trái phiếu gấp 40 lần vốn chủ sở hữu: Không thể chấp nhận!