Lũ sớm bất ngờ kéo về vùng đầu nguồn của các tỉnh ĐBSCL, khiến nông dân không kịp trở tay. Hàng loạt cánh đồng lúa đã bị lũ sớm nhấn chìm, gây thiệt hại nặng nề đối với nông dân vùng biên giới… Và sự cố vỡ đập thủy điện ở Lào càng khiến họ lo hơn.

ĐBSCL: Nông dân lao đao vì lũ sớm, lại lo ảnh hưởng vụ vỡ đập thủy điện ở Lào

Huỳnh Lợi | 25/07/2018, 12:40

Lũ sớm bất ngờ kéo về vùng đầu nguồn của các tỉnh ĐBSCL, khiến nông dân không kịp trở tay. Hàng loạt cánh đồng lúa đã bị lũ sớm nhấn chìm, gây thiệt hại nặng nề đối với nông dân vùng biên giới… Và sự cố vỡ đập thủy điện ở Lào càng khiến họ lo hơn.

Khổ vì lũ sớm

Sáng 25.7, ông Phạm Thành Tâm, Phó Phòng NN&PTNT huyện đầu nguồn An Phú (An Giang) cho biết, vừa có thống kê tình hình lúa hè thu nằm ngoài đê bao bị lũ sớm ập đến gây ngập tràn lan. Ghi nhận bước đầu thì thiệt hại của nông dân trong đợt lũ sớm này là không nhỏ…

Chỉ cánh đồng lúa bị lũ sớm nhấn chìm, ông Hồ Văn Trung, ngụ xã Phú Hội, nói như mếu: “Vụ lúa hè thu này, gia đình tôi canh tác 1,6 héc-ta, suốt thời gian qua cả nhà vừa đầu tư vốn và công sức để chăm sóc ruộng lúa tươi tốt. Đến giữa tháng 7.2018 thì lúa đã chín đều và chờ ngày thu hoạch để bán cho thương lái.

Không ngờ cơn lũ sớm ùn ùn kéo đến làm ngập tràn lan. Ban đầu lúa ngập ít, nhưng sau đó nước cứ lên hoài và lúa bị nhấn chìm đến cổ bông. Thấy vậy, tôi chạy đôn chạy đáo thuê người cắt lúa bằng tay với giá 500.000 đồng/công. Song, chỉ thu hoạch được vỏn vẹn 0,2 héc-ta; còn lại 1,4 héc-ta bị nước lũ nhấn chìm, hư hết. Lỗ nặng…”.

Cũng thất thần vì lúa sắp tới “ăn” nhưng vẫn bị lũ gây thiệt hại, ông Nguyễn Văn Cường (xã Phú Hội) sản xuất 1 héc-ta lúa hè thu. Ông Cường cho biết, đây là nguồn thu nhập chính của cả nhà. Vậy mà lũ về sớm làm ngập toàn bộ diện tích lúa khiến gia đình ông không kịp thu hoạch hột nào. Hàng chục triệu đồng vốn đầu tư coi như không thu được gì.

Lúa hè thu ngoài đê bao ở H.An Phú - An Giang bị ngập lũ -Ảnh: Phương Uyên

Theo ông Nguyễn Văn Chí, Phó chủ tịch Hội Nông dân xã Phú Hội, toàn xã có 4 tiểu vùng được qui hoạch sản xuất lúa 2 vụ/năm với diện tích 748 héc-ta. Thời gian qua do ảnh hưởng mưa nhiều kết hợp triều cường và lũ về sớm khiến một số đoạn đê thấp bị nước tràn vào. Xã đã huy động lực lượng hỗ trợ bà con thu hoạch an toàn.

Riêng 750 héc-ta đất nằm ngoài đê bao thì chỉ chủ trương sản xuất 1 vụ lúa/năm. Tuy nhiên, do năm nay lúa được giá nên nông dân tự phát gieo sạ lúa hè thu ngoài đê bao khoảng 300 héc-ta. Do không có đê bao nên khi nước lũ về sớm đã gây ngập tràn lan; thế là người dân cùng lực lượng chức năng nhanh chóng thu hoạch kịp gần 270 héc-ta; hơn 30 héc-ta lúa còn lại bị ngập sâu đến cổ bông, trong đó mất trắng 24,5 héc-ta…”.

Nhiều nông dân ở xã Nhơn Hội (H.An Phú, tỉnh An Giang) cũng khốn đốn vì lũ sớm làm ngập lúa. UBND xã Nhơn Hội cho biết, những ngày qua có tới 154 héc-ta lúa hè thu bị ngập lũ. UBND H.An Phú đã khẩn trương huy động khoảng 70 chiến sĩ, lực lượng dân quân, biên phòng… hỗ trợ người dân thu hoạch được 122,5 héc-ta lúa; còn lại 16,5 héc-ta lúa ở giai đoạn 80 ngày tuổi bị thiệt hại 100% do ngập quá sâu, 15 héc-ta bị thiệt hại khoảng 50%...

Chỉ trong 4 ngày (từ 19 đến 22.7), lực lượng chức năng của H.An Phú đã tham gia hỗ trợ dân thu hoạch lúa với tổng cộng 385 ngày công. Sau đó, do mực nước lũ dâng lên quá lớn và lúa bị ngập trong nước lâu ngày đã bị thối, lên mầm… nên không thể thu hoạch được, đành chấp nhận mất trắng những diện tích này. Đây là điều đau lòng, nhưng cũng cần rút kinh nghiệm cho việc sản xuất tự phát ngoài đê bao.

Nhiều diện tích lúa chìm trong nước -Ảnh: Thanh Huỳnh

Tại các huyện đầu nguồn Tân Hưng và Vĩnh Hưng (Long An) nước lũ về sớm, cộng mưa và triều cường làm ngập nhiều cánh đồng lúa hè thu. Ông Võ Kim Thuần, Chánh văn phòng Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai - tìm kiếm cứu nạn (PCTT-TKCN) tỉnh Long An, thông báo: “Qua thống kê sơ bộ của các xã cho thấy có hơn 480 héc-ta lúa hè thu ở H.Tân Hưng bị ngập lũ. Ngay sau đó, nông dân và địa phương tổ chức gia cố đê bao bảo vệ, tổ chức bơm rút nước và thu hoạch nhanh những diện tích lúa đã chín…”.

Hiện tại, các huyện triển khai gia cố đê bao, bố trí máy bơm tháo nước; đồng thời yêu cầu các xã theo dõi chặt việc sản xuất lúa thu đông. Nếu nơi nào ngoài đê bao thì không nên sản xuất, bởi lúa thu đông gieo sạ ngay mùa lũ - trong khi Trung tâm Dự báo Khí tượng thủy văn Trung ương dự báo năm nay lũ ở ĐBSCL sẽ lớn.

Vỡ đập ở Lào, liệu có nguy cơ gì cho nông dân ĐBSCL?

Sáng 25.7, ông Trần Anh Thư - Giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh An Giang cho biết, địa phương đầu nguồn lũ ở ĐBSCL này không có gì bất ngờ hết vì kế hoạch đã có từ trước. “Không phải chờ đến khi vỡ đập thuỷ điện ở Lào mới lo mà trước đó tỉnh đã có kế hoạch dự phòng cho trường hợp lũ sớm bất thường và xả lũ ở các đập thuỷ điện phía thượng nguồn. Kế hoạch này trùng với trường hợp vỡ đập thuỷ điện nên không có gì bất ngờ và lo lắng gì hết. Hơn nữa, từ Lào về tới An Giang rất xa, phải qua nhiều nơi nên lượng nước nếu có đến địa phương cũng sẽ không nhiều”.

Ông Thư nói thêm: “Mình không có tính trước chuyện đập thuỷ điện bị vỡ mà tuyên lượng năm nay lũ về sớm hơn cùng kỳ năm trước từ 7-10 ngày và có mưa bão ở phía thượng nguồn Mekong làm cho mực nước ở tỉnh An Giang nói riêng và ĐSBCL nói chung sẽ dâng lên”.

Còn ông Nguyễn Văn Công - Giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Đồng Tháp thì cho hay, hiện mực nước tỉnh này vẫn chưa có gì biến động bất thường. “Theo thông tin tôi nắm được thì dung tích của đập thuỷ điện đang xây dựng ở Lào bị vỡ không phải là 5 tỉ m3 nước mà là 500 triệu m3. Với khoảng cách từ biên giới các tỉnh ĐBSCL với khu vực vỡ đập rất xa, nếu nước về tới cũng chỉ dâng lên từ 4-5cm thôi, không có ảnh hưởng gì”.

Theo Sở NN&PTNT tỉnh An Giang, đỉnh lũ năm 2018 này sẽ đạt trong khoảng thời gian từ ngày 15 đến 24.10. Trước thông tin vỡ đập thuỷ điện ở Lào, ngành nông nghiệp yêu cầu các địa phương thường xuyên theo dõi chặt chẽ diễn biến thời tiết, triều cường nhằm kịp thời thông báo cho dân biết để chủ động phòng tránh, có kế hoạch thu hoạch dứt điểm lúa và hoa màu tại các vùng trũng, vùng ngoài đê bao.

Thạc sĩ Nguyễn Hữu Thiện, chuyên gia nghiên cứu độc lập về sinh thái ĐBSCL và sông Mekong thông tin: “Có nhiều vấn đề cần phải quan tâm đến việc đập thuỷ điện bên Lào bị vỡ. Vấn đề cần quan tâm đầu tiên là dung tích thật sự là bao nhiêu, từ dung tích đó mới tính được lượng nước về ĐBSCL trong thời gian tới. Nếu nói lượng nước về ĐBSCL khoảng 5cm như các phương tiện thông tin truyền thông truyền tải từ hôm qua tới giờ thì không đáng lo ngại, thêm vài cm thì không chuyện gì lớn đến vùng này.

Qua quan sát thiệt hại về người trong vụ vỡ đập ở Lào thì đây là chuyện bất ngờ, không kịp trở tay. Rất đáng sợ! Không những vậy, phía truyền thông cho rằng đơn vị xây dựng đập nói không rõ nguyên do tại sao thì đây là thêm một sự lo lắng nữa bởi trước khi xây dựng đập thì các tình huống này phải được tính rất kỹ, theo đó các phương án ứng cứu phải được triển khai nhanh không để dẫn đến thiệt hại nặng như vậy.

Từ chuyện vỡ đập này có thể khẳng định từ trước đến giờ, chúng ta lo ngại về tính an toàn từ các đập thuỷ điện ở thượng nguồn là chính đáng”.

Nhóm PV
Bài liên quan
Tín dụng cho ngành hàng nông sản chủ lực ở ĐBSCL còn rất nhiều điểm nghẽn
Theo Chủ tịch UBND TP.Cần Thơ Trần Việt Trường, Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) rất nhiều tiềm năng, cần nguồn vốn đầu tư lớn trên đường phát triển, tuy nhiên tín dụng cho ngành hàng nông sản chủ lực ở ĐBSCL còn rất nhiều điểm khó khăn cần tháo gỡ.

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Thủ tướng: Cơ chế, chính sách phù hợp sẽ nhân đôi, nhân ba sức mạnh
7 giờ trước Sự kiện
Trong chương trình kỳ họp thứ 8, sáng 23.11, các đại biểu Quốc hội thảo luận tại tổ về dự án Luật Quản lý và đầu tư vốn Nhà nước tại doanh nghiệp và dự án Luật Công nghiệp công nghệ số. Thủ tướng Phạm Minh Chính tham gia thảo luận tại tổ 8, gồm đại biểu Quốc hội các địa phương Vĩnh Long, Điện Biên, Kon Tum, Cần Thơ.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
ĐBSCL: Nông dân lao đao vì lũ sớm, lại lo ảnh hưởng vụ vỡ đập thủy điện ở Lào