Từ đầu năm đến nay, thị trường tôm thẻ chân trắng ở vùng ĐBSCL duy trì ổn định, giá tăng so với cùng kỳ năm 2023. Đây là tín hiệu lạc quan, tạo sự phấn khởi cho nhiều người nuôi tôm.
Kinh tế - đầu tư - dự án

ĐBSCL: Giá tôm thẻ chân trắng tăng, người nuôi phấn khởi

Trần Khải 14/05/2024 21:50

Từ đầu năm đến nay, thị trường tôm thẻ chân trắng ở vùng ĐBSCL duy trì ổn định, giá tăng so với cùng kỳ năm 2023. Đây là tín hiệu lạc quan, tạo sự phấn khởi cho nhiều người nuôi tôm.

Tại các tỉnh ven biển vùng ĐBSCL như Sóc Trăng, Bạc Liêu, Cà Mau, thị trường giá tôm nguyên liệu có những tín hiệu khả quan, tăng từ 10.000 - 30.000 đồng/kg (tùy kích cỡ).

Nhiều hộ nuôi tôm ở tỉnh Bạc Liêu cho biết, kể từ tháng 4.2024, giá tôm thẻ chân trắng có xu hướng tăng nhẹ. Cụ thể, tôm thẻ nguyên liệu loại 30 - 40 con/kg được thu mua với giá 115.000 - 125.000 đồng/kg; loại 50 - 70 con/kg có giá từ 100.000 - 110.000 đồng/kg; loại 80 - 100 con/kg, từ 80.000 - 95.000 đồng/kg.

Tuy giá tôm thẻ chân trắng tăng, nhưng cùng thời điểm giá tôm sú lại giảm. Cụ thể, giá tôm sú loại 20 con/kg có giá dao động từ 215.000 - 220.000 đồng/kg, giảm 15.000 đồng/kg; tôm sú loại 30 con/kg từ 160.000 - 165.000 đồng/kg, giảm 5.000 đồng/kg.

t.jpg
Giá tôm thẻ nguyên liệu tăng, người nuôi rất phấn khởi

Ông Long Văn Nghĩa, người nuôi tôm ở phường Nhà Mát, TP.Bạc Liêu cho hay, gia đình ông vừa mới thu hoạch xong 3 ao nuôi công nghiệp với sản lượng hơn 10 tấn tôm thẻ chân trắng, thu về hơn 2,3 tỉ đồng. Trừ chi phí sản xuất, gia đình ông Nghĩa lãi khoảng 600 triệu đồng.

“Do bán tôm oxy (tôm sống) nên được thương lái thu mua giá cao hơn tôm ướp đá. Cụ thể, tôm thẻ chạy oxy loại 30 con/kg được thu mua 148.000 đồng/kg; tôm ướp đá là 133.000 đồng/kg”.

Ông Nghĩa chia sẻ, năm trước ở thời điểm này kéo dài đến khoảng tháng 7, giá tôm thường xuống thấp, nhưng hiện nay giá tôm vẫn đang ở mức ổn định, giúp người nuôi tôm có lợi nhuận. Sau vụ thu hoạch, ông Nghĩa tiếp tục cải tạo ao đầm, thả nuôi vụ mới nhằm ổn định nguồn nguyên liệu để phục vụ chế biến, xuất khẩu.

Bà Nguyễn Thanh Thủy, doanh nghiệp thu mua thủy sản ở huyện Đông Hải, tỉnh Bạc Liêu cho hay, hiện tại giá tôm đang ở mức khá. Đầu tháng 5, giá tôm tuy có sụt giảm so với tháng 4 nhưng không đáng kể. Từ đầu năm đến nay, đa số người nuôi tôm đều có lãi. Các hộ nuôi tôm trên địa bàn tiếp tục kỳ vọng trong năm nay tôm sú và tôm thẻ chân trắng sẽ giữ được giá ổn định.

Toàn tỉnh Bạc Liêu hiện có 140.000ha nuôi trồng thủy sản, sản lượng đạt trên 343.000 tấn/ năm, đứng thứ 2 cả nước. Nuôi trồng thủy sản chủ yếu là tôm sú và tôm thẻ được tỉnh Bạc Liêu xác định là ngành kinh tế mũi nhọn (chiếm 60% trong cơ cấu sản phẩm nông nghiệp, gần 28% trong cơ cấu kinh tế của tỉnh) với nhiều mô hình nuôi như: nuôi thâm canh, bán thâm canh, siêu thâm canh, tôm - lúa, tôm - rừng… Riêng với mô hình nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao tỉnh này hiện có 11 doanh nghiệp và 806 hộ dân chuyên nuôi tôm thẻ chân trắng siêu thâm canh hoặc nuôi theo hình thức 2, 3 giai đoạn với diện tích trên 2.130ha.

t1.jpg
Nông dân thu hoạch tôm thẻ chân trắng bán cho thương lái ở Bạc Liêu

Trong nuôi tôm thâm canh, chi phí thức ăn chiếm hơn 50% tổng giá thành sản xuất nên người nuôi đã chọn loại thức ăn có chất lượng tốt, phù hợp với kích cỡ tôm và cân đối lượng thức ăn phù hợp với số lượng tôm có trong ao nhằm tránh thừa thức ăn gây lãng phí. Đồng thời, người nuôi lựa chọn quy trình nuôi tôm nhiều giai đoạn (2-3 giai đoạn) với mật độ thích hợp để tiết kiệm chi phí.

Trong bối cảnh giá thức ăn, các loại thuốc thú y thủy sản phục vụ nghề nuôi tôm vẫn còn ở mức cao, để giảm thiểu rủi ro trong sản xuất, tiết kiệm chi phí và tối đa hóa lợi nhuận, người nuôi tôm luôn tuân thủ những khuyến cáo về lịch thời vụ thả tôm của ngành chuyên môn, áp dụng kỹ thuật mới vào sản xuất để đảm bảo vụ nuôi thắng lợi.

Ngành nông nghiệp tỉnh Bạc Liêu cũng tăng cường hướng dẫn người nuôi tôm cần tuân thủ đúng hướng dẫn của cơ quan chuyên môn như: thả nuôi với mật độ vừa phải; phối hợp với các cơ quan chức năng tăng cường kiểm tra điều kiện vệ sinh thú y thủy sản của các cơ sở sản xuất giống, thức ăn thủy sản trên địa bàn; kiểm soát chặt chẽ chất lượng giống thủy sản, thức ăn, thuốc thú y thủy sản, chế phẩm sinh học, các yếu tố đầu vào khác; kiểm soát chặt chẽ chất lượng nguồn nguyên liệu phục vụ chế biến, xuất khẩu.

Bài liên quan
Tín dụng cho ngành hàng nông sản chủ lực ở ĐBSCL còn rất nhiều điểm nghẽn
Theo Chủ tịch UBND TP.Cần Thơ Trần Việt Trường, Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) rất nhiều tiềm năng, cần nguồn vốn đầu tư lớn trên đường phát triển, tuy nhiên tín dụng cho ngành hàng nông sản chủ lực ở ĐBSCL còn rất nhiều điểm khó khăn cần tháo gỡ.

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Thủ tướng về tới Hà Nội, kết thúc chuyến công tác tại Brazil và Dominicana
một giờ trước Sự kiện
Chuyến công tác của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính tới Brazil và tham dự Hội nghị Thượng đỉnh G20, thăm chính thức nước Cộng hòa Dominicana đã thành công tốt đẹp.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
ĐBSCL: Giá tôm thẻ chân trắng tăng, người nuôi phấn khởi