Luật sư Đặng Văn Cường cho rằng nếu không quản lý được nhà đất chính chủ, còn hiện tượng đứng tên hộ, đứng tên giùm thì quy định mức thuế cao sẽ không phát huy tác dụng, thậm chí tạo ra sự bất bình đẳng, tăng nguy cơ ẩn danh, che giấu tài sản…

Đánh thuế cao người có nhiều nhà, đất: Còn việc đứng tên giùm thì đánh thuế khó phát huy tác dụng

Hoài Lam | 11/10/2022, 22:02

Luật sư Đặng Văn Cường cho rằng nếu không quản lý được nhà đất chính chủ, còn hiện tượng đứng tên hộ, đứng tên giùm thì quy định mức thuế cao sẽ không phát huy tác dụng, thậm chí tạo ra sự bất bình đẳng, tăng nguy cơ ẩn danh, che giấu tài sản…

Mới đây, Ban Chấp hành Trung ương Đảng ban hành Nghị quyết số 18 (tháng 6.2022) đề cập việc cần thiết có mức thuế cao hơn đối với người sử dụng nhiều diện tích đất, nhiều nhà ở, đầu cơ đất, chậm sử dụng đất, bỏ đất hoang…

Tiếp đến, trong Tờ trình tóm tắt về dự án Luật Đất đai (sửa đổi) được Chính phủ gửi lên Quốc hội đầu tháng 10.2022 có nội dung mới quy định mức thuế cao hơn đối với người có nhiều nhà, đất.

Trên thực tế, vấn đề đánh thuế nhà ở nhằm ngăn chặn đầu cơ và tình trạng người có nhà đất bỏ hoang, trong khi người dân có nhu cầu sở hữu nhà ở không có cơ hội để mua nhà là vấn đề đã nhiều lần được đề xuất nhưng chưa được thực hiện.

Năm 2021, TP.Hà Nội đã có đề xuất gửi Bộ Tài chính thực hiện phương án đánh thuế hoặc xử phạt đối với chủ sở hữu nhà bỏ hoang, không đưa vào sử dụng. Theo đề xuất của UBND TP.Hà Nội, với các bất động sản bỏ hoang 3 tháng có thể áp thuế khoảng 5% trên giá trị hợp đồng, còn sau một năm bất động sản vẫn bỏ hoang sẽ bị tính thuế 10% trên tổng giá trị.

Ngoài ra, Hà Nội còn đề xuất xử phạt hành chính chủ sở với mức phạt 10 - 20 triệu đồng/căn, đồng thời kiến nghị Chính phủ áp dụng thu thuế cao lũy tiến đối với người mua từ ngôi nhà thứ hai trở lên; hay tại Chiến lược phát triển nhà ở quốc gia giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2045, Thủ tướng giao Bộ Tài chính nghiên cứu đề xuất bổ sung thuế tài sản nhà ở nhằm ổn định thị trường, hạn chế đầu cơ.

Tuy nhiên, vì nhiều lý do, những đề xuất này đến nay chưa thể thực hiện.

bo-hoang.jpg
Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) quy định đánh thuế cao hơn với người sở hữu nhiều nhà đất, bỏ hoang đất

Trao đổi với phóng viên Một Thế Giới, TS-LS Đặng Văn Cường, Trưởng Văn phòng Luật sư Chính Pháp cho rằng quy định về đánh thuế cao đối với người sử dụng nhiều điện tích nhà đất, đầu cơ, chậm sử dụng phải bỏ hoang đã được áp dụng trên nhiều quốc gia trên thế giới để hướng đến mục tiêu hài hòa lợi ích, từ bất động sản và sử dụng có hiệu quả. Tuy nhiên, nếu mức thuế cao quá thì cũng có thể tạo ra sự bất bình đẳng và không kích thích được hoạt động lao động sản xuất để có nhiều tài sản.

Hơn nữa, theo ông Cường, việc đánh thuế với mức thuế cao đối với người sử dụng nhiều nhà đất, đầu cơ phải chậm sử dụng, bỏ hoang chỉ có ý nghĩa khi đã quản lý được đất chính chủ. Nếu không quản lý được đất chính chủ như hiện nay, hiện tượng đứng tên hộ, đứng tên giùm còn diễn ra phổ biến thì quy định này không thể phát huy được giá trị mà có thể tạo ra sự bất bình đẳng trong xã hội.

“Với người trung thực, lao động sản xuất chân chính để có được bất động sản thì lại phải chịu thuế cao. Còn với những người thu nhập bất chính, thậm chí tài sản do phạm tội mà có, nhờ người khác đứng tên để che giấu nguồn gốc tài sản thì lại không chịu tác động bởi quy định này”, ông Cường nói.

Chính vì vậy, ông Cường cho rằng chủ trương đánh thuế cao với người có nhiều tài sản, sử dụng tài sản không hiệu quả, không đưa vào sử dụng để phân phối lại sản phẩm xã hội, kích thích việc sử dụng đất đai có hiệu quả. Tuy nhiên nếu đánh thuế ở mức cao quá thì sẽ không kích thích được sản xuất, cá nhân, tổ chức sẽ không muốn sở hữu nhiều tài sản mà mất đi động lực phát triển.

Ngoài ra, nếu không quản lý được nhà đất chính chủ, còn hiện tượng đứng tên hộ, đứng tên giùm thì quy định mức thuế cao như thế này sẽ không phát huy tác dụng, thậm chí tạo ra sự bất bình đẳng, tăng nguy cơ ẩn danh, che giấu tài sản…

Theo ông Cường, thuế là công cụ điều tiết nền kinh tế, việc đánh thuế sẽ hướng đến nhiều mục đích khác nhau, có thể là tăng nguồn thu ngân sách, có thể là để hạn chế sở hữu, kinh doanh một loại hàng hoá, tài sản nào đó, cũng có thể làm để phân phối lại sản phẩm xã hội...

bo-hoang-2.jpg
TS-LS Đặng Văn Cường, Trưởng Văn phòng Luật sư Chính Pháp

Do đó, khi điều chỉnh chính sách thuế thì phải tính đến những hiệu ứng xã hội, những tác động từ việc thực hiện chính sách này sao cho không cản trở sự phát triển của cải xã hội, tạo ra sự bình đẳng, công bằng giữa các chủ thể, kích thích cá nhân doanh nghiệp lao động, sản xuất, tạo ra các của cải vật chất cho xã hội.

“Đối với Việt Nam giai đoạn hiện nay thì chỉ áp dụng đánh thuế như thế này nếu như giải quyết được vấn đề nhà đất chính chủ. Khi chưa giải quyết được vấn đề nhà đất chính chủ thì quy định này không mang lại tác dụng mà càng tạo ra sự bất bình đẳng và thúc đẩy các hoạt động che giấu nguồn gốc tài sản bất minh, trốn thuế”, ông Cường nêu.

GS Đặng Hùng Võ, nguyên Thứ trưởng Bộ TN-MT cho rằng thuế bất động sản thấp là nguyên nhân chính dẫn tới tệ nạn đầu cơ nhà đất, tích trữ tiền tiết kiệm vào nhà đất. Từ đây, các cơn sốt giá bất động sản hình thành, tích tụ bong bóng, tạo giá ảo làm giá nhà đất ngày càng cao. Nhà đất tại đô thị lớn ở Việt Nam thuộc nhóm cao nhất thế giới.

Theo đó, có 4 hệ lụy chính sẽ xảy ra: một là giá đất cao thì giá hàng hóa sản xuất ra sẽ cao, làm giảm năng lực cạnh tranh quốc gia, không thu hút được đầu tư; hai là lạm phát cao khi giá trị ảo của bất động sản tăng mạnh; ba là không thể giải quyết được nhà ở giá phù hợp cho dân; bốn là không thể tự điều chỉnh phân bổ dân cư làm cho các đô thị vượt ngưỡng hạ tầng.

Ông Võ cho rằng nhìn vào 4 hệ lụy này, có thể thấy việc xây dựng và ban hành luật thuế bất động sản phù hợp là tất yếu. Mặt khác, Việt Nam lại có đặc thù riêng là thu nhập của người lao động cũng như người dân quá thấp.

“Trong đồng lương anh không có phần chi phí cho chỗ ở nên cũng không thể đánh thuế cao vào người dân. Tuy nhiên, một nhóm nhỏ đầu cơ bất động sản lại có thu nhập rất cao, nếu không đánh thuế thì tình trạng đầu cơ tiếp tục xảy ra. Lộ trình áp dụng thuế bất động sản ở Việt Nam không đơn giản, chắc là khá dài”, ông Võ nêu.

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Thủ tướng: Cơ chế, chính sách phù hợp sẽ nhân đôi, nhân ba sức mạnh
3 giờ trước Sự kiện
Trong chương trình kỳ họp thứ 8, sáng 23.11, các đại biểu Quốc hội thảo luận tại tổ về dự án Luật Quản lý và đầu tư vốn Nhà nước tại doanh nghiệp và dự án Luật Công nghiệp công nghệ số. Thủ tướng Phạm Minh Chính tham gia thảo luận tại tổ 8, gồm đại biểu Quốc hội các địa phương Vĩnh Long, Điện Biên, Kon Tum, Cần Thơ.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Đánh thuế cao người có nhiều nhà, đất: Còn việc đứng tên giùm thì đánh thuế khó phát huy tác dụng