TS Nguyễn Văn Đính cho rằng một số phân khúc có điểm sáng, dư địa, tiềm năng vẫn còn lớn là bất động sản nghỉ dưỡng, công nghiệp, nhà ở xã hội, nhà ở cho người thu nhập thấp.

Phân khúc bất động sản nào có thể ấm lên vào cuối năm và đầu 2023?

Lam Thanh | 07/10/2022, 17:10

TS Nguyễn Văn Đính cho rằng một số phân khúc có điểm sáng, dư địa, tiềm năng vẫn còn lớn là bất động sản nghỉ dưỡng, công nghiệp, nhà ở xã hội, nhà ở cho người thu nhập thấp.

Tại hội thảo về chuyển đổi số ngành bất động sản, TS Nguyễn Văn Đính, Phó chủ tịch Hiệp hội Bất động sản Việt Nam, Chủ tịch Hội Môi giới bất động sản Việt Nam cho rằng 9 tháng vừa qua, nguồn cung mới của thị trường bất động sản chỉ bằng khoảng 20% so với cùng thời điểm năm trước.

Từ nay đến cuối năm, ông Nguyễn Văn Đính cho rằng một số phân khúc có điểm sáng, dư địa, tiềm năng vẫn còn lớn. Đó là bất động sản nghỉ dưỡng; bất động sản công nghiệp; nhà ở xã hội, nhà ở cho người thu nhập thấp. Nhu cầu đầu tư và nhu cầu thực tại các phân khúc này cũng tương đối lớn.

Ví dụ như phân khúc bất động sản công nghiệp đang có tỷ lệ lấp đầy tới 89%, kéo theo đó sẽ là nhu cầu về nhà ở, nghỉ dưỡng của giới chuyên gia, đội ngũ công nhân cũng rất cao. Do đó, các địa phương sẽ cần đẩy mạnh phát triển các phân khúc, sản phẩm dịch vụ ăn theo.

thinh-3.jpg
TS Nguyễn Văn Đính, Phó chủ tịch Hiệp hội Bất động sản Việt Nam

Ông Nguyễn Mạnh Hà, Phó chủ tịch thường trực Hiệp hội Bất động sản Việt Nam thì cho rằng về trung và dài hạn, thị trường bất động sản Việt Nam vẫn có xu hướng phát triển mạnh cả về số lượng và chất lượng.

Cũng theo ông Hà, với xu thế chuyển dịch các cơ sở công nghiệp của các tập đoàn đa quốc gia của thế giới, Việt Nam đang là điểm thu hút đầu tư nước ngoài, thị trường bất động sản công nghiệp cũng đang là điểm sáng của thị trường bất động sản.

Trao đổi với phóng viên Một Thế Giới, ông Nguyễn Anh Quê, Ủy viên Ban Chấp hành Hiệp hội Bất động sản Việt Nam, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn G6 cho hay vấn đề của thị trường bất động sản là dòng chảy của vốn chứ không phải vấn đề thiếu vốn. Vấn đề là "cục máu đông" chứ không phải vấn đề "thiếu máu".

Ông Nguyễn Anh Quê cũng nhìn nhận, sau sự kiện nới zoom tín dụng ngày 6.9.2022, bức tranh thị trường bất động sản có chút khởi sắc. Theo tổng hợp giao dịch của các sàn, thống kê từ các câu lạc bộ, hội, hiệp hội về bất động, lượng giao dịch đã xuất hiện ở hầu hết các phân khúc: Chung cư, đất nền, biệt thự - liền kề, nghỉ dưỡng...; xuất hiện ở tất cả vùng miền, nhất là khu vực miền nam.

Theo đó, những sản phẩm lựa chọn trong giai đoạn này ngoài chung cư là các sản phẩm bất động sản dòng tiền, ưu tiên các sản phẩm đang cho thuê, kinh doanh hiệu quả; kế tiếp đến đất nền giá trị nhỏ, vừa phải còn rẻ, tiềm năng tăng giá còn lớn; sau cùng là bất động sản nghỉ dưỡng tiềm năng vận hành cho thuê được thời gian dài trong năm.

Cũng theo ông Nguyễn Anh Quê, giai đoạn này bất động sản thổ cư cũng giảm tốc do giai đoạn trước đã tăng giá cao và việc tiếp cận vay ngân hàng không dễ dàng như trước. Giai đoạn tới phân khúc này là một ẩn số, dự đoán tăng nếu phê duyệt niên hạn sử dụng chung cư.

Dự báo giai đoạn sắp tới, ông Quê cho rằng dự kiến tháng 12 năm 2022 hoặc muộn nhất đầu năm 2023 zoom tín dụng 2023 được mở, đây sẽ là cú hích lớn - giải cơn khát vốn cho thị trường bất động sản. Các giao dịch bất động sản đầu tư hay giao dịch bất động sản lớn (đang bị hạn chế vay vốn hiện nay) sẽ được tiếp cận vốn; tháng 12 năm 2022 và 6 tháng đầu năm 2023 sẽ chứng kiến cơn sốt nhẹ, toàn thị trường sẽ có giao dịch tốt.

Nói với Một Thế Giới, PGS-TS Đinh Trọng Thịnh (Học viện Tài chính) cũng hy vọng cuối năm 2022 và đầu năm 2023 thị trường bất động sản sẽ có một chút “ấm lên” ở một số phân khúc. Lý do là sự ổn định của kinh tế Việt Nam và nhu cầu sở hữu bất động sản của người dân khá phổ biến nên bất động sản ở nhiều khu vực được hưởng lợi từ hạ tầng sẽ có lượng giao dịch tăng lên.

thinh.jpg
PGS-TS Đinh Trọng Thịnh (Học viện Tài chính)

Thêm vào đó, theo ông Thịnh, việc giải ngân vốn đầu tư công đang được thực hiện quyết liệt và thường tăng nhanh hơn vào cuối năm cũng là một yếu tố tác động tích cực tới thị trường bất động sản.

Đồng thời, Nghị định 65 về phát hành trái phiếu cũng tạo điều kiện cho các doanh nghiệp có thêm kênh huy động vốn. Đặc biệt, việc tiếp tục cho phép phát hành trái phiếu để đảo nợ cũng có ý nghĩa rất quan trọng đối với các doanh nghiệp bất động sản đang nợ trái phiếu thời gian qua.

“Nhu cầu bất động sản, đặc biệt là bất động sản nhà ở đang không ngừng tăng, với động lực chính đến từ cơ cấu dân số trẻ, tốc độ đô thị hóa mạnh mẽ. Nguồn cung bất động sản từ trước đến nay chưa đáp ứng được tốc độ tăng trưởng nhu cầu, do những ách tắc trong các thủ tục cấp phép dự án...”, ông Thịnh nói.

Trong khi đó, ông Nguyễn Quốc Anh, Phó tổng giám đốc của Batdongsan.com.vn vẫn giữ cái nhìn lạc quan với thị trường bất động sản và cho rằng trong trung và dài hạn, thị trường bất động sản Việt Nam vẫn sẽ được hỗ trợ bởi nhiều yếu tố cơ bản.

Cụ thể là GDP tiếp đà tăng trưởng bền vững khi GDP năm 2019 là 7%, dự kiến năm 2022 đạt 7,5%; giải ngân FDI ổn định qua các năm, từ năm 2019 đến hiện tại; tầng lớp trung lưu Việt Nam liên tục tăng mạnh qua các năm; tốc độ đô thị hóa đang tăng nhanh, từ 35% năm 2019 lên mức 37% năm 2021, dự kiến là 40% năm 2025…

Ông Nguyễn Quốc Anh cho rằng những khu vực có nội tại tốt sẽ có sự tăng giá bền vững. Ngoài ra, nguồn cung nhà ở xã hội được kỳ vọng sẽ đáp ứng kịp thời nhu cầu và cân bằng lại thị trường khi loạt các “ông lớn” đều công bố các kế hoạch làm nhà ở xã hội.

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Thủ tướng đề nghị Mỹ xem xét công nhận Việt Nam có nền kinh tế thị trường
Sáng 27.11, tại Hội nghị Thượng đỉnh Kinh doanh Việt Nam – Mỹ, Thủ tướng Phạm Minh Chính đề nghị doanh nghiệp Hoa Kỳ tiếp tục tăng cường hợp tác, đầu tư vào Việt Nam, đồng thời đề nghị phía Mỹ khẩn trương xem xét công nhận Việt Nam có nền kinh tế thị trường.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Phân khúc bất động sản nào có thể ấm lên vào cuối năm và đầu 2023?