Nhằm phát huy tiềm năng, lợi thế về tài nguyên bản địa của vùng Đồng Tháp Mười, huyện Tân Phước (tỉnh Tiền Giang) đã và đang nỗ lực thực hiện các giải pháp thu hút đầu tư để phát triển ngành du lịch mang tính đặc trưng riêng.

Đánh thức tiềm năng du lịch vùng Đồng Tháp Mười

Mỹ Tho | 18/03/2023, 20:07

Nhằm phát huy tiềm năng, lợi thế về tài nguyên bản địa của vùng Đồng Tháp Mười, huyện Tân Phước (tỉnh Tiền Giang) đã và đang nỗ lực thực hiện các giải pháp thu hút đầu tư để phát triển ngành du lịch mang tính đặc trưng riêng.

z4192377933327_2b49f898b07210e61e3706c418543734.jpg
Hội thảo về thu hút phát triển du lịch ở huyện Tân Phước - Ảnh: Mỹ Tho

Huyện Tân Phước, tỉnh Tiền Giang có 12 xã, thị trấn, dân số 67.000 người với diện tích tự nhiên 33.320ha. Từ vùng đất phèn chua, hoang hóa, qua gần 30 năm xây dựng, phát triển đến nay đã trở thành vùng chuyên canh vườn cây ăn trái đặc sản - như khóm, thanh long, mít - cùng với những cánh đồng lúa, khoai mỡ tươi tốt.

Là vùng Đồng Tháp Mười nên hệ sinh thái động, thực vật nơi đây rất phong phú đa dạng. Đặc biệt Khu bảo tồn sinh thái Đồng Tháp Mười có diện tích hiện tại 107ha, nơi lưu giữ hệ sinh thái nguyên sinh của vùng Đồng Tháp Mười ngày xưa. Đây là nơi lưu trú của khoảng 10 nghìn con chim thú, rất có tiềm năng và lợi thế để phát triển du lịch sinh thái, du lịch cộng đồng.

z4192379463752_b4e5c573d8256d5092ec6d9789086acc.jpg
Tân Phước có nhiều địa điểm thu hút khách tham quan - Ảnh: Mỹ Tho

Đặc biệt, Tân Phước có 09 di tích được công nhận, gồm 01 di tích cấp Quốc gia và 08 di tích cấp tỉnh có khả năng kết nối du lịch về nguồn gồm: Bến đò Phú Mỹ, Đình Phú Mỹ, Đình Dương Hòa, Miếu Bà Chúa Xứ Cống Tượng... Trên địa bàn còn có Chùa Phật Đá có kiến trúc độc đáo và lịch sử xây dựng hơn 100 năm. Thiền viện Trúc lâm Chánh Giác có quy hoạch tổng thể gồm 25 hạng mục, với quy mô 30ha, ngoài việc thiền tu còn làm phong phú thêm đời sống văn hóa tâm linh của người dân. Đây còn là điểm nhấn quan trọng vào những ngày lễ Phật,  mỗi ngày có hàng ngàn lượt du khách thập phương đến tham quan viếng chùa, du lịch.

Tuy nhiên, đến nay hoạt động khai thác các loại hình du lịch trên địa bàn huyện vẫn chưa phát triển mạnh, mặc dù lượng khách thập phương đến tham quan Khu bảo tồn, viếng chùa, thiền viện lễ phật hàng năm rất đông(trên 300.000 người/năm).

z4192379336657_429bc322fd577e5e20ea2f16198a0240.jpg
Du khách thích thú tìm hiểu những thảm thực vật đa dạng phong phú ở Đồng Tháp Mười - Ảnh: Mỹ Tho

Ông Trần Hoàng Phong, Chủ tịch UBND huyện Tân Phước chia sẻ: “Ở huyện Tân Phước chúng tôi có duyên may là có sự quan tâm, đầu tư của Thiền viện Trúc Lâm Chánh Giác. Được đầu tư xây dựng những kiến trúc rất độc đáo, thiền viện đã thu hút lượng khách rất lớn, tuy nhiên vẫn chưa kết nối được các điểm lớn, du khách đến rồi đi về. Lượng khách về đây chúng tôi xem như tiềm năng mà chưa khai thác được”.

z4192380203249_9c77ceb82b6e4da8338ee8895fb5b636.jpg
Những cánh đồng khóm ngút ngàn - Ảnh: Mỹ Tho

Thực hiện chủ trương của tỉnh về chiến lược phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế quan trọng, trong thời gian gần đây, mô hình kinh doanh du lịch ở vùng Đồng Tháp Mười này đã từng bước hình thành và phát triển. Hiện tại, huyện đang hình thành 02 điểm du lịch sinh thái do doanh nghiệp tư nhân đầu tư tại xã Thạnh Mỹ (Khu du lịch sinh thái Trung Kiên, Khu du lịch Tin Tin ở ấp Mỹ Hòa), gồm loại hình du lịch sinh thái, nghĩ dưỡng gia đình; tham quan vườn cây ăn trái kết hợp với câu cá, bơi xuồng, ẩm thực... Một số hộ dân cũng có nhu cầu làm du lịch theo mô hình du lịch cộng đồng tận dụng diện tích đất và vườn cây ăn trái.

z4192410735757_4dc774a2abe29f50cab4ceb2ad8b61e1.jpg
Khoai mỡ, đặc sản Đồng Tháp Mười - Ảnh: Mỹ Tho

Ban quản lý Khu bảo tồn sinh thái Đồng Tháp Mười (xã Thạnh Tân, huyện Tân Phước ) đã phối hợp với Công ty TNHH Du lịch Công đoàn tỉnh Tiền Giang tổ chức khai thác hoạt động đưa khách đến tham quan nơi đây; đồng thời tiếp tục kêu gọi nhà đầu tư liên kết trong hoạt động du lịch. Như vậy sau hơn 20 năm hoạt động, tiềm năng du lịch nơi đây sẽ được khai thác. Ông Nguyễn Văn Viên, Giám đốc Ban quản lý Khu bảo tồn sinh thái Đồng Tháp Mười cho biết thêm: “Hiện nay, đơn vị đã kêu gọi được một nhà đầu tư để phát triển du lịch. Khi liên kết vẫn giữ công tác bảo tồn, vẫn duy trì hoạt động quản lý bảo tồn. Còn hoạt động du lịch do công ty du lịch hay nhà đầu tư thực hiện. Du lịch là sản phẩm của bảo tồn, tổ chức hoạt động du lịch còn để quảng bá các sản phẩm, điều kiện sẵn có của khu bảo tồn nói riêng và huyện Tân Phước nói chung. Mục đích thứ hai là thông qua hoạt động du lịch để giới thiệu tiềm năng của huyện Tân Phước”.

z4192410735280_ce4eeb0a0cb17bcddcce7b5c47ca96df.jpg
Những sản phẩm của Đồng Tháp Mười - Ảnh: Mỹ Tho

Từ nguồn kinh phí của tỉnh, trung ương những năm qua, huyện Tân Phước đã được đầu tư phát triển hạ tầng, giao thông. Đặc biệt nhiều tuyến đường giao thông kết nối với đường cao tốc, tỉnh lộ, quốc lộ đã được xây dựng khang trang tạo điều kiện thúc đẩy phát triển ngành du lịch. Tại hội thảo giới thiệu tiềm năng và giải pháp phát triển du lịch huyện Tân Phước được tổ chức vào ngày 17.3, các chuyên gia kinh tế, công ty du lịch đã nêu ra các giải pháp, điều kiện cần được quan tâm để phát triển du lịch vùng Đồng Tháp Mười này.

z4192385163153_c2bec5de11f732c5c591aeb41d45cf9d.jpg
Khu du lịch sinh thái Đồng Tháp Mười - Ảnh: Mỹ Tho

Ông Trần Hoàng Phong, Chủ tịch UBND huyện Tân Phước cho biết thêm: “Chúng tôi đã tham mưu cho UBND tỉnh có chính sách về du lịch cộng đồng, có kết nối với Sở Văn hóa – Thể thao -Du lịch để hỗ trợ cho bà con. Trước mắt bà con cũng thực hiện mình ủng hộ thêm. Giải pháp là chúng tôi đầu tư quảng bá về du lịch, tổ chức hội thảo về du lịch để bà con biết thêm về huyện Tân Phước”.

Ngoài các cơ chế, chính sách, huyện Tân Phước, tỉnh Tiền Giang cần khai thác đa dạng các sản phẩm du lịch mang tính đặc trưng riêng như rừng tràm, ruộng khóm. Huyện cũng tăng cường công tác tác xúc tiến quảng bá du lịch, đầu tư phát triển hạ tầng du lịch, các cơ sở kinh doanh lưu trú, dịch vụ ăn uống, cơ sở mua sắm, vui chơi giải trí, các dịch vụ du lịch khác và liên kết các đơn vị du lịch trong vùng Đồng Tháp Mười... nhằm phục vụ tốt hơn cho nhu cầu của khách tham quan.

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Thủ tướng: Cơ chế, chính sách phù hợp sẽ nhân đôi, nhân ba sức mạnh
8 giờ trước Sự kiện
Trong chương trình kỳ họp thứ 8, sáng 23.11, các đại biểu Quốc hội thảo luận tại tổ về dự án Luật Quản lý và đầu tư vốn Nhà nước tại doanh nghiệp và dự án Luật Công nghiệp công nghệ số. Thủ tướng Phạm Minh Chính tham gia thảo luận tại tổ 8, gồm đại biểu Quốc hội các địa phương Vĩnh Long, Điện Biên, Kon Tum, Cần Thơ.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Đánh thức tiềm năng du lịch vùng Đồng Tháp Mười