Chủ tịch Quốc hội đề nghị các đại biểu quốc hội chuyên trách nghiên cứu kỹ lưỡng, trao đổi, tranh luận, phản biện với các cơ quan soạn thảo, thẩm tra nhằm đóng góp nhiều ý kiến chất lượng, sâu sắc cho các dự thảo luật.

Đại biểu quốc hội tranh luận với cơ quan soạn dự thảo luật

Hoài Lam | 05/04/2023, 11:24

Chủ tịch Quốc hội đề nghị các đại biểu quốc hội chuyên trách nghiên cứu kỹ lưỡng, trao đổi, tranh luận, phản biện với các cơ quan soạn thảo, thẩm tra nhằm đóng góp nhiều ý kiến chất lượng, sâu sắc cho các dự thảo luật.

Cho ý kiến nhiều dự thảo luật quan trọng

Sáng 5.4, tại Hội nghị đại biểu quốc hội chuyên trách thảo luận về một số dự án luật trình Quốc hội tại kỳ họp thứ 5, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cho biết hội nghị diễn ra trong 3 ngày để cho ý kiến về những nội dung trọng tâm của các dự thảo luật sẽ trình Quốc hội.

Chủ tịch Quốc hội cho hay, từ đầu nhiệm kỳ đến nay, Quốc hội khóa 15 đã xem xét thông qua 16 luật và 21 nghị quyết có chứa quy phạm pháp luật, với sự thống nhất và đồng thuận rất cao.

“Kỳ họp thứ 5 sắp tới công tác lập pháp là một nhiệm vụ trọng tâm với việc xem xét cho ý kiến và thông qua nhiều dự án lớn và quan trọng. Cho đến nay, số lượng dự án luật trình xem xét thông qua hoặc xem xét lần đầu dự kiến gấp đôi so với các kỳ họp khác. Về số lượng dự án luật do yêu cầu bức thiết của thực tiễn đưa vào dự kiến chương trình rất lớn”, Chủ tịch Quốc hội nêu.

qh.jpg
Hội nghị đại biểu quốc hội chuyên trách thảo luận một số dự án luật trình Quốc hội tại Kỳ họp thứ 5

Theo đó, hội nghị đại biểu quốc hội chuyên trách lần này tập trung vào 7 dự án luật. Trong đó có 6 dự án luật được xem xét thông qua tại kỳ họp thứ 5 và dự án Luật Đất đai (sửa đổi) dự kiến sẽ được thông qua tại kỳ họp thứ 6.

Các dự án luật được thảo luận tại hội nghị lần này sẽ trình Quốc hội xem xét thông qua tại kỳ họp thứ 5 gồm Luật Hợp tác xã (sửa đổi), Luật Đấu thầu (sửa đổi), Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng (sửa đổi), Luật Giá (sửa đổi), Luật Giao dịch điện tử (sửa đổi), Luật Phòng thủ dân sự.

Chủ tịch Quốc hội cho biết các dự án luật này, ngay sau khi được Quốc hội cho ý kiến tại kỳ họp thứ 4, cơ quan chủ trì soạn thảo và chủ trì thẩm tra đã làm việc rất tích cực, tổ chức rất nhiều hội nghị, hội thảo, tọa đàm, nghiên cứu chuyên sâu, lấy ý kiến thêm các đối tượng bị tác động.

“Hầu như không có sự phân biệt vai giữa cơ quan chủ trì với cơ quan thẩm tra, thực chất là “2 trong 1”, phối hợp rất chặt chẽ với các cơ quan trình, cơ quan chính phủ và các cơ quan hữu quan. Mặc dù các dự án luật đến giai đoạn thứ hai trong quy trình lập pháp với vai chủ trì là Ủy ban Thường vụ Quốc hội, là Quốc hội, nhưng thực tế vẫn là 2 trong 1. Với cách làm này, thực tế thời gian qua, các nội dung được xem xét thông qua với chất lượng cao, đồng thuận lớn”, Chủ tịch Quốc hội nêu rõ.

Trước đó, tại phiên họp lần thứ 20 và phiên họp thứ 21, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã cho ý kiến kỹ lưỡng đối với 6 dự án luật này, nhất là những vấn đề lớn quan trọng hoặc những vấn đề còn có ý kiến khác nhau.

“Cho đến nay về cơ bản như vấn đề lớn đã được cơ quan chủ trì soạn thảo và cơ quan thẩm tra cân nhắc kỹ lưỡng và đã thống nhất. Như đối với dự án Luật Hợp tác xã, lúc đầu còn nhiều ý kiến khác nhau nhiều nhưng sau khi Đảng đoàn Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội làm việc với Chính phủ, các bên nghiên cứu tiếp thu nhanh và những nội dung lớn cơ bản đã được thống nhất”, Chủ tịch Quốc hội dẫn chứng.

Cho ý kiến về dự án Luật Đất đai (sửa đổi): Thận trọng và cầu thị

Đối với dự án Luật Đất đai (sửa đổi) trình cho ý kiến lần thứ 2, Chủ tịch Quốc hội cho biết thời gian qua việc lấy ý kiến nhân dân đối với dự thảo luật đã được thực hiện nghiêm túc. Sơ bộ đến nay có khoảng 11,5 triệu lượt ý kiến góp ý. Trong đó nhiều cơ quan, tổ chức, học viện có tổ chức nghiên cứu rất bài bản, có đề xuất sửa đổi, bổ sung những vấn đề rất cụ thể, đi vào cả những điều khoản chi tiết với chất lượng tốt.

qh-2.jpg
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ phát biểu

Nhấn mạnh, với tinh thần thận trọng và cầu thị, Chủ tịch Quốc hội đề nghị các đại biểu quốc hội tiếp tục thảo luận, thể hiện rõ quan điểm vào các nhóm nội dung trọng tâm.

Cụ thể: Quyền và trách nhiệm của Nhà nước, của công dân đối với đất đai; Quyền và nghĩa vụ của người sử dụng đất, quy hoạch kế hoạch sử dụng đất; Vấn đề thu hồi đất, bồi thường, hỗ trợ, tái định cư, giao đất, cho thuê đất, chuyển mục đích sử dụng đất; Vấn đề đăng ký đất đai, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất.

Ngoài ra là vấn đề tài chính đất đai và giá đất, chế độ quản lý, sử dụng các loại đất quản lý, sử dụng các loại đất, vấn đề giải quyết các tranh chấp, khiếu nại về đất đai; nguyên tắc áp dụng pháp luật và sự đảm bảo thống nhất, đồng bộ giữa Luật Đất đai với các dự án luật có liên quan.

Nêu rõ, sơ bộ rà soát có 112 dự án luật có liên quan đến dự án Luật Đất đai, trong đó có 22 dự án luật liên quan trực tiếp, Chủ tịch Quốc hội lưu ý phải tính toán về việc áp dụng pháp luật và tính thống nhất, đồng bộ của hệ thống pháp luật.

Chủ tịch Quốc hội đề nghị các đại biểu quốc hội chuyên trách nêu cao tinh thần trách nhiệm, tham dự đầy đủ các phiên họp, thể hiện rõ vai trò cầu nối giữa lý luận với thực tiễn, tâm tư, nguyện vọng của cử tri, nhân dân với các quyết sách trình Quốc hội xem xét và thông qua.

“Nghiên cứu kỹ lưỡng, trao đổi, tranh luận, phản biện với các cơ quan soạn thảo, cơ quan thẩm tra nhằm đóng góp nhiều ý kiến chất lượng, sâu sắc về các dự thảo”, Chủ tịch Quốc hội nói.

Bài liên quan
Chủ tịch Quốc hội: Nhanh chóng tháo gỡ những điểm nghẽn cản trở sự phát triển
Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn cho biết Tổng Bí thư Tô Lâm nhiều lần nhắc nhở phải kịp thời tháo gỡ những khó khăn, ách tắc đang cản trở sự phát triển. Trung ương Đảng đã có Nghị quyết, Quốc hội phải thể chế hóa, cụ thể hóa để Chính phủ chỉ đạo, điều hành, khơi thông nguồn lực để phát triển.

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Thủ tướng: Cơ chế, chính sách phù hợp sẽ nhân đôi, nhân ba sức mạnh
3 giờ trước Sự kiện
Trong chương trình kỳ họp thứ 8, sáng 23.11, các đại biểu Quốc hội thảo luận tại tổ về dự án Luật Quản lý và đầu tư vốn Nhà nước tại doanh nghiệp và dự án Luật Công nghiệp công nghệ số. Thủ tướng Phạm Minh Chính tham gia thảo luận tại tổ 8, gồm đại biểu Quốc hội các địa phương Vĩnh Long, Điện Biên, Kon Tum, Cần Thơ.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Đại biểu quốc hội tranh luận với cơ quan soạn dự thảo luật