Họ bắc thang lấy ống tiêm loại lớn hút hết nước trong trái dừa ra rồi bơm sữa tươi vào. Sau đó giả vờ leo cây hái trái, chặt uống tại chỗ để quay phim lòe mọi người. Làm gì có loại dừa nào cho nước thơm ngon như sữa bò tươi”, anh Nam nói.

Đặc sản ‘dừa sữa Thái Lan’ và cú lừa ngoạn mục

17/07/2020, 11:42

Họ bắc thang lấy ống tiêm loại lớn hút hết nước trong trái dừa ra rồi bơm sữa tươi vào. Sau đó giả vờ leo cây hái trái, chặt uống tại chỗ để quay phim lòe mọi người. Làm gì có loại dừa nào cho nước thơm ngon như sữa bò tươi”, anh Nam nói.

Viện Nghiên cứu Cây ăn quả miền Nam khuyến cáo nhà vườn trồng dừa cảnh giác trước thông tin đặc sản ‘dừa sữa Thái Lan’ - Ảnh: Thanh Anh

Từ những lời quảng cáo “có cánh”…

Mấy tháng gần đây, nhà vườn các tỉnh Tiền Giang, Bến Tre, Vĩnh Long… lên cơn sốt trước thông tin trên thị trường xuất hiện 1 giống dừa đặc sản mới, có tên “dừa sữa Thái Lan”. Ông Nguyễn Văn Thành, nông dân ở H.Cái Bè (tỉnh Tiền Giang), kể: “Tuần nào tui cũng thấy có mấy người chạy xe gắn máy vào các đường giao thông nông thôn miệt vườn, phía sau chở theo cái giỏ đựng mấy cây dừa giống. Họ đi tới đâu thì tiếng loa phóng thanh rao inh ỏi tới đó: “Dừa sữa đặc sản Thái Lan đây bà con ơi, mua mau thì còn, mua chậm thì hết””.

Tò mò, ông Thành đón 1 người bán dừa giống lại hỏi: “Dừa sữa Thái Lan là cái cây gì?”. Lập tức người bán dừa giống thao thao bất tuyệt giới thiệu, đây là giống dừa đặc sản có xuất xứ từ Thái Lan, mới được nhập về Việt Nam nên rất hiếm. Trái dừa sữa Thái Lan nhìn bề ngoài chẳng khác gì trái dừa uống nước bình thường, nhưng điều đặc biệt là nước của nó không trong vắt như dừa Việt Nam, mà có màu trắng đục và vị thơm ngon chẳng khác… sữa bò tươi.

Nghe họ nói vậy, ông Thành lên tiếng cãi liền, vì bản thân ông trồng dừa cũng nhiều năm, từ trước đến nay chỉ nghe nói 2 loại dừa đặc sản nổi tiếng là dừa dứa Bến Tre nước có mùi thơm lá dứa và dừa sáp Cầu Kè Trà Vinh trong ruột có chất sền sệt dẻo như sáp, làm gì có loại dừa nào mà nước trắng đục thơm ngon như sữa bò tươi? Nghe ông Thành phản bác, người bán dừa giống chẳng buồn cãi lại, mà móc túi lấy ra chiếc điện thoại thông minh, bật ngay 1 kênh truyền hình trên mạng internet cho ông xem.

Xe bán dạo đặc sản “dừa sữa Thái Lan” xuất hiện ở nhiều tỉnh miền Tây Nam bộ - Ảnh: Thanh Anh

“Trong phim tui thấy 1 cậu thanh niên tự xưng là đang ở xứ dừa Bến Tre. Sau đó cậu thanh niên này bắc thang leo lên 1 cây dừa cao chừng 3 mét, chọn hái 1 trái dừa nhìn bề ngoài chẳng khác gì dừa bình thường. Nhưng điều kỳ lạ là khi cậu thanh niên lấy dao chặt trái dừa, đổ nước ra ly thì nước dừa có màu trắng đục như sữa tươi, sau đó cậu ta bưng uống ngon lành, uống xong nước dừa vẫn còn dính trên mép như… trẻ em uống sữa”, ông Thành nhớ lại.

Chứng kiến tận mắt đoạn phim uống dừa sữa, ông Thành nôn nao trong bụng, muốn mua ngay giống dừa kỳ lạ này về trồng. Nhưng khi hỏi giá, ông Thành bật ngửa vì người bán hét: cây lớn loại 4-5 lá giá 180.000 đồng, cây nhỏ mới 2-3 lá giá 150.000 đồng. Người bán dừa giống còn cam đoan: trồng 1 năm là có trái, thu hồi vốn ngay, nếu ươm cây giống bán thì… lời bể tay.

Nhưng nghe tới đó ông Thành liền cảnh giác, bởi với kinh nghiệm hàng chục năm trồng dừa thì ông biết chẳng có giống dừa nào trồng xuống đất chỉ sau 1 năm là cho trái. Bản thân ông cũng từng cay đắng khi mua giống dừa sáp Cầu Kè Trà Vinh nổi tiếng từ những người bán cây giống dạo về trồng, sau 5 năm cây cho trái nhưng… chẳng có trái nào trong ruột có sáp như lời quảng cáo.

“Từ kinh nghiệm xương máu đó, tui hỏi người bán giống dừa sữa nếu khi cây có trái mà không phải dừa sữa thì tính sao, biết chỗ nào mà bắt đền. Nghe vậy anh ta nói, ông mua thì trả tiền mang cây về trồng, không mua thì thôi, rồi vội vàng lên xe nổ máy bỏ đi mất”, ông Thành kể.

Ở Bến Tre, xứ trồng dừa nhiều nhất Việt Nam với hơn 70.000 héc-ta, sản lượng hơn 600 triệu trái/năm, nhiều nhà vườn cũng hết sức bất ngờ trước thông tin xuất hiện giống “dừa sữa đặc sản Thái Lan”. Anh Trần Văn Nam ở H.Châu Thành, người có thâm niên hơn 10 năm hành nghề mua dừa uống nước, nói: “Tui cũng có nghe thông tin dừa sữa đặc sản Thái Lan xuất hiện ở Bến Tre, nên thử tìm hiểu nó được trồng ở đâu, giá bán bao nhiêu 1 trái. Nhưng tui đi khắp vùng chuyên trồng dừa uống nước như Châu Thành, Giồng Trôm, TP.Bến Tre, các H.Mỏ Cày Nam, Mỏ Cày Bắc… mà không thể tìm ra cây dừa sữa Thái Lan nào, đừng nói đến cả vườn”.

Sự thật bất ngờ về món “đặc sản Thái Lan”

Theo anh Nam, từ chỗ không thể tìm ra cây “dừa sữa đặc sản Thái Lan”, anh đã bỏ công tìm hiểu và phát hiện ra chuyện động trời: phía sau “cây đặc sản” này là 1 cú lừa ngoạn mục của những kẻ chuyên làm ăn gian dối. Anh Nam kể, phải mất rất nhiều công sức và vận dụng tất cả các mối quan hệ của 1 người thu mua dừa uống nước lâu năm, mấy tay “sản xuất” ra món đặc sản “dừa sữa Thái Lan” mới chịu nói thật về tuyệt chiêu của họ.

“Họ kể, muốn làm ra trái dừa sữa Thái Lan chỉ cần bỏ tiền mua hộp sữa bò tươi. Sau đó chọn cây dừa thấp, trái không lớn lắm để dễ thuyết phục là dừa mới trồng vài năm. Chọn được trái dừa ưng ý, họ bắc thang leo lên, lấy ống tiêm và kim tiêm loại lớn đâm sâu vào phần vỏ mềm gần cuống trái dừa, rút hết nước dừa ra. Sau đó họ bơm sữa tươi vào rồi leo xuống, xách dao leo lên chặt trái dừa đem xuống đất, chặt ra, đổ nước “dừa sữa” vào ly, uống ngon lành. Toàn bộ công đoạn hái dừa, chặt dừa, uống dừa đều được đồng bọn quay phim chi tiết, tung lên mạng internet, nên nhiều người… tin sái cổ”, anh Nam kể.

Nhiều người kinh doanh giống cây trồng ở xứ dừa Bến Tre khẳng định “dừa sữa Thái Lan” chỉ là trò lừa - Ảnh: Thanh Anh

Còn ông Tư Sơn, 1 người chuyên sản xuất giống cây ăn trái ở H.Chợ Lách (Bến Tre), nơi được cho là xuất xứ của giống “dừa sữa đặc sản Thái Lan”, cười xòa, nói: “Tui làm nghề sản xuất, mua bán giống cây trồng mấy chục năm trời, nên nghe nói Chợ Lách xuất hiện giống dừa sữa Thái Lan kỳ lạ là tui lùng tìm ngay. Nhưng mấy tháng nay có tìm được cây nào, đúng là 1 cú lừa vô tiền khoáng hậu”. Theo ông Tư Sơn, đây là 1 kiểu làm ăn tán tận lương tâm, vì cây dừa phải trồng ít nhất 3 năm mới cho trái. Lúc đó, trái “dừa sữa” biến thành trái “dừa lừa”, nhà vườn chỉ còn biết ngậm đắng nuốt cay vì có tìm được người bán cây giống dạo ở chỗ nào mà bắt đền.

Ông Tư Sơn cho biết, trước khi xuất hiện đặc sản “dừa sữa Thái Lan”, thị trường giống cây ăn trái lên cơn sốt với sản phẩm “mít vỏ đỏ Mã Lai” bán dạo. Nhưng sau khi nhà vườn mua cây giống về trồng, đến khi có trái thì chỉ là… mít thường, kém chất lượng, bán 2.000 - 3.000 đồng/kg mà chẳng ai thèm mua. Lúc tìm hiểu, nhà vườn mới tá hỏa vì thương lái bán cây giống dạo lấy trái mít bình thường sơn đỏ toàn bộ phần vỏ rất tinh vi để đánh lừa người tiêu dùng

Theo tiến sĩ Võ Hữu Thoại, Phó viện trưởng Viện Nghiên cứu Cây ăn quả miền Nam, các nhà khoa học ở viện có nghe nhà vườn thông tin vụ “dừa sữa Thái Lan”, nhưng chưa thể xác định nguồn gốc xuất xứ, thật giả ra sao. Việc quản lý, kiểm tra chất lượng sản phẩm giống cây trồng thuộc thẩm quyền của Chi cục Trồng trọt và bảo vệ thực vật, Thanh tra nông nghiệp các tỉnh, nhưng hầu như các đơn vị này quản lý kiểm tra không xuể, nên lâu nay thị trường giống cây trồng hết sức hỗn loạn, thật giả khó lường.

“Trước tình trạng cây giống kém chất lượng tràn lan, thật giả khó lường như hiện nay, Viện Nghiên cứu Cây ăn quả miền Nam khuyến cáo nhà vườn nên tìm mua giống cây ăn trái ở những điểm kinh doanh có uy tín, chất lượng, thương hiệu lâu năm. Bởi lẽ, cây ăn trái trồng xuống phải mất thời gian vài năm mới cho trái. Lúc đó, nếu cả vườn cây đều kém chất lượng thì nhà vườn sẽ bị thiệt hại rất nặng nề”, tiến sĩ Thoại nói.

Theo 1 cán bộ ngành du lịch Tiền Giang nhiều lần đến Thái Lan, ông không tin chuyện “dừa sữa đặc sản Thái Lan” xuất hiện tại Việt Nam. “Tôi đi Thái Lan rất nhiều lần, chưa hề nghe nói đến “đặc sản dừa sữa”. Nếu đó là trái cây đặc sản chỉ duy nhất Thái Lan có thì họ không bao giờ xuất khẩu cây giống hoặc trái dừa khô để nhân giống. Còn muốn mang lậu trái “dừa sữa” từ Thái Lan về Việt Nam là chuyện… bất khả thi, vì trái dừa giống không thể đi qua máy soi chiếu hành lý và hải quan sân bay của Thái mà không bị phát hiện”, vị cán bộ nói.

Thanh Anh

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Thủ tướng: Cơ chế, chính sách phù hợp sẽ nhân đôi, nhân ba sức mạnh
10 giờ trước Sự kiện
Trong chương trình kỳ họp thứ 8, sáng 23.11, các đại biểu Quốc hội thảo luận tại tổ về dự án Luật Quản lý và đầu tư vốn Nhà nước tại doanh nghiệp và dự án Luật Công nghiệp công nghệ số. Thủ tướng Phạm Minh Chính tham gia thảo luận tại tổ 8, gồm đại biểu Quốc hội các địa phương Vĩnh Long, Điện Biên, Kon Tum, Cần Thơ.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Đặc sản ‘dừa sữa Thái Lan’ và cú lừa ngoạn mục