Trong lúc đang phẫu thuật tái tưới máu cơ tim thì bất ngờ bệnh nhân bị tụt huyết áp và ngưng tim. Các bác sĩ phát hiện tim bệnh nhân bị vỡ một đường khoảng 2,5cm, máu phun rất nhiều.
Thấy đau ngực dữ dội, ông B.S. (52 tuổi, ngụ tại Hóc Môn, TP.HCM) được người nhà chuyển đến cấp cứu tại Bệnh viện Nhân Dân Gia Định. Bệnh nhân được chụp mạch vành và chẩn đoán nhồi máu cơ tim do tắc hoàn toàn động mạch vành phải, hai nhánh chính còn lại hẹp khít từ 90-95%.
Bệnh nhân có chỉ định mổ bắc cầu nối động mạch chủ-vành và chuyển đến Khoa Phẫu thuật tim trong tình trạng đau ngực nhẹ, suy tim, tăng huyết áp, đái tháo đường, mắc bệnh thận mãn, gout và suy van tĩnh mạch chi dưới nhưng huyết động vẫn ổn trong quá trình làm xét nghiệm chuẩn bị phẫu thuật.
Nhận định đây là bệnh nhân nặng, tuy còn trẻ, nhưng hẹp và tắc nhiều nhánh chính động mạch vành, mắc một số bệnh nền và có thể nhồi máu cơ tim tái phát.
Do đó, bệnh nhân được điều trị suy tim tối ưu sau nhồi máu để có thể phẫu thuật tái tưới máu cơ tim càng sớm càng tốt.
Đến ngày 2.11 các bác sĩ tiến hành phẫu thuật cho bệnh nhân. Trong lúc ê kíp mổ đang thực hiện lấy một đoạn tĩnh mạch dưới chân để làm cầu nối thì đột nhiên bệnh nhân tụt huyết áp và ngưng tim.Các bác sĩ ở đây lập tức xoa bóp tim ngoài lồng ngực, và tiêm adrenalin nhưng tim không đáp ứng.
Trước tình hình trên, TS.BS Bùi Minh Thành – Trưởng khoa Phẫu thuật tim cho biết, các bác sĩ quyết định mở ngực ngay bằng cưa xương ức, mở màng ngoài tim để có thể xoa bóp tim trực tiếp, đồng thời thực hiện các mũi khâu trên động mạch chủ, và trên tim để khởi động tuần hoàn ngoài cơ thể nhanh nhất mới hy vọng có thể cứu vãn tình thế thiếu máu não, và các tạng trong cơ thể (thận, gan, ruột…).
Sau khi chạy tuần hoàn ngoài cơ thể, tim rung thất, sốc điện trực tiếp, tim đập về nhịp bộ nối chậm kèm rung nhĩ, đồng tử giãn 4mm không đáp ứng ánh sáng, hạ thân nhiệt và chườm lạnh đã được áp dụng.
“Tình thế nghìn cân treo sợi tóc, nhưng chúng tôi không từ bỏ nỗ lực cứu mạng bệnh nhân. Trong khi đang suy tính lấy động mạch ngực trong để bắt cầu nối rất khó thực hiện, chúng tôi quyết định quay lại lấy tĩnh mạch hiển để bắc cầu nối mạch vành” - bác sĩ Thành nói.
Lúc này ê kíp phẫu thuật nhận thấy máu vẫn dâng lên rất nhiều trong khoang màng ngoài tim. Kiểm tra mặt sau dưới thành tâm thất thì phát hiện tim bệnh nhân bị vỡ một đường khoảng 2,5cm, máu phun rất nhiều.
Các bác sĩ tiến hành khâu đóng chỗ vỡ tim (theo kỹ thuật Batista), đồng thời bắc 3 cầu nối chủ-vành trên các động mạch vành bị tắc và hẹp khít để tái tưới máu cơ tim.
Sau khi bắc cầu mạch vành, tim vẫn không đập lại, ê kíp mổ tiến hành dẫn nhịp tim bằng máy tạo nhịp, và xoa bóp tim liên tục kèm vận mạch liều cao. Khoảng 12 đến 15 phút sau đó tim đập trở lại, bệnh nhân tiếp tục được hỗ trợ tim trong hơn một giờ thì tình trạng huyết động ổn định dần và cai tuần hoàn ngoài cơ thể, tim tự đập hoàn toàn.
“Sau 16 tiếng hồi sức bệnh nhân tỉnh dần với các cơn co giật cục bộ ở mặt, ngực và tứ chi, đồng tử thu nhỏ dần, sau mổ 36 giờ bệnh nhân được rút nội khí quản, tự thở, vận động tay chân được và trí nhớ phục hồi dần” - bác sĩ Thành hồ hởi cho biết.
Theo các chuyên gia tim mạch, nhồi máu cơ tim gây biến chứng vỡ tim gặp từ 5 - 10% trường hợp nhồi máu cơ tim cấp, thường xảy ra trong khoảng hai tuần sau nhồi máu và thông thường gây đột tử. “Thật sự là tôi chưa nghĩ đến trường hợp vỡ tim này khi đã mở ngực và tiệm cận quả tim. Tình huống này xảy ra bất ngờ trong phòng mổ cũng là yếu tố may mắn mới có thể cứu mạng được bệnh nhân. Hy vọng sau khi bệnh nhân được bắc cầu mạch vành tái tưới máu toàn bộ tim, sẽ giúp giảm thiểu tối đa nguy cơ vỡ tim ở các vị trí nhồi máu đã có trước đây” - bác sĩ Thành chia sẻ và cho biết hiện tình trạng sức khỏe của bệnh nhân đã tạm ổn. Nếu không có gì thay đổi sau khi tiếp tục hồi sức, chăm sóc và điều trị tích cực bệnh nhân sẽ được xuất viện trong một vài ngày tới.