Eric Schmidt, cựu Giám đốc điều hành và Chủ tịch Google, cho biết làm việc từ xa đã làm giảm khả năng cạnh tranh của công ty này trong cuộc đua trí tuệ nhân tạo (AI).
Thế giới số

Cựu CEO nêu lý do Google đang thua OpenAI và Anthropic trong cuộc đua AI

Sơn Vân 14/08/2024 17:45

Eric Schmidt, cựu Giám đốc điều hành và Chủ tịch Google, cho biết làm việc từ xa đã làm giảm khả năng cạnh tranh của công ty này trong cuộc đua trí tuệ nhân tạo (AI).

Eric Schmidt nói chuyện với sinh viên tại Đại học Stanford (Mỹ) trong một bài giảng khi được hỏi về vị trí dẫn đầu hiện tại của các công ty khởi nghiệp như OpenAI và Anthropic so với Google trong lĩnh vực AI.

Một bản ghi âm bài giảng của Eric Schmidt đã được công bố trên kênh YouTube Stanford Online hôm 13.8.

"Google quyết định rằng sự cân bằng giữa công việc và cuộc sống, về nhà sớm và làm việc tại nhà quan trọng hơn chiến thắng. Lý do các công ty khởi nghiệp thành công là vì nhiều người làm việc rất chăm chỉ. Tôi rất tiếc khi phải nói thẳng như vậy, nhưng thực tế là nếu tất cả các bạn rời trường đại học và thành lập một công ty, các bạn sẽ không để nhân viên làm việc tại nhà và chỉ đến làm một ngày một tuần nếu muốn cạnh tranh với các công ty khởi nghiệp khác".

Đại diện của Google đã không trả lời ngay lập tức khi trang Insider đề nghị bình luận.

Eric Schmidt là Giám đốc điều hành kiêm Chủ tịch Google từ năm 2001 đến 2011 trước khi trao lại quyền điều hành cho người đồng sáng lập công ty là Larry Page.

Eric Schmidt tiếp tục giữ chức Chủ tịch điều hành và cố vấn kỹ thuật của Google trước khi rời công ty vào đầu năm 2020. Sau khi rời Google, doanh nhân người Mỹ sinh năm 1955 đã đầu tư vào nhiều công ty AI khác nhau, gồm cả Anthropic. Eric Schmidt cũng trở thành Chủ tịch Ủy ban Đổi mới của Bộ Quốc phòng Mỹ vào năm 2016 và Chủ tịch Ủy ban An ninh Quốc gia về AI trong ba năm.

Eric Schmidt hiện là người giàu thứ 51 trên thế giới với tài sản ròng 31,9 tỉ USD, theo Bloomberg Billionaires Index (bảng xếp hạng tỉ phú của Bloomberg).

cuu-ceo-eric-schmidt-neu-ly-do-google-dang-thua-openai-va-anthropic-trong-cuoc-dua-ai.jpg
Eric Schmidt cho biết làm việc từ xa đã làm giảm khả năng cạnh tranh của Google trong cuộc đua AI - Ảnh: Getty Images

Eric Schmidt không phải là doanh nhân công nghệ duy nhất cho rằng làm việc từ xa gây tổn hại đến doanh nghiệp. Jamie Dimon, Giám đốc điều hành hãng dịch vụ tài chính JPMorgan Chase, là một trong số những người ủng hộ mạnh mẽ việc nhân viên quay trở lại văn phòng.

"Mô hình làm việc từ xa không hiệu quả với những người trẻ tuổi trong các chương trình thực tập, không thực sự phù hợp với sự sáng tạo và sự ngẫu hứng, đồng thời không thực sự hiệu quả với việc quản lý nhân viên", Jamie Dimon nói với trang The Economist trong một cuộc phỏng vấn được phát sóng hồi tháng 7.2023.

Google đã giảm bớt việc làm việc từ xa hoàn toàn cho nhân viên kể từ năm 2022.

Nhân viên Google hiện làm việc theo mô hình kết hợp, trong đó dành "khoảng ba ngày ở văn phòng và hai ngày ở bất kỳ nơi nào họ làm việc tốt nhất dù đó là tại văn phòng hay ở nhà", theo Báo cáo đa dạng hàng năm 2022 của công ty.

Google cũng bắt đầu theo dõi việc ra vào văn phòng và sử dụng nó như một thước đo trong đánh giá hiệu suất, kênh CNBC đưa tin vào tháng 6.2023, trích dẫn các ghi nhớ nội bộ mà họ đã xem.

"Tất nhiên, không phải ai cũng tin vào 'những cuộc trò chuyện kỳ diệu ở hành lang', nhưng không còn nghi ngờ gì rằng, làm việc cùng nhau trong cùng một phòng tạo ra sự khác biệt tích cực", Fiona Cicconi - Giám đốc nhân sự của Google viết trong một email cho nhân viên.

Người tạo ra Gmail nêu lý do Google tụt hậu trong cuộc đua AI

Khi thành lập Google vào năm 1998, Larry Page và Sergey Brin đã hình dung nó là một công ty AI. Paul Buchheit, người tạo ra Gmail, tiết lộ điều này trong một tập gần đây của podcast Y Combinator Startup.

Trong suốt những năm qua, Google đã thu thập được các yếu tố cần thiết để làm được điều đó: Khối lượng dữ liệu khổng lồ, nhân tài cấp cao và tài nguyên tính toán. Thế nhưng, việc triển khai AI của Google không hề mang tính đột phá.

AI Overviews, tính năng tìm kiếm AI mới của công ty, hứa hẹn sẽ cung cấp các bản tóm tắt gọn gàng do AI tạo ra với kết quả tìm kiếm trên Google. Tuy nhiên, chỉ vài ngày sau khi được phát hành vào tháng 5, AI Overviews đã tạo ra những phản hồi kỳ lạ, chẳng hạn như bảo người dùng bôi keo lên bánh pizza. Google từng mất 100 tỉ USD vốn hóa thị trường chỉ trong một ngày vào tháng 2 khi chatbot Bard (hiện là Gemini) đưa ra câu trả lời sai trong một video quảng cáo.

Trong video quảng cáo, Bard trả lời các câu hỏi của người dùng, gồm cả câu hỏi về kính viễn vọng James Web Space Telescope. Tuy nhiên, một trong những câu trả lời của Bard không chính xác. Cụ thể hơn, Bard tuyên bố rằng James Web Space Telescope là kính viễn vọng đầu tiên tìm thấy một hành tinh ngoài hệ Mặt trời. Sự thật thì đây là một thành tựu thuộc về ESO (Đài thiên văn phía nam của châu Âu), nơi phát hiện ra hành tinh đó cách nay gần 20 năm bằng kính viễn vọng VLT của mình.

Nhà vật lý thiên văn Grant Tremblay (Mỹ) là người phát hiện ra lỗi kiến thức thiên văn của Bard.

Đây được xem là một ví dụ điển hình về những sai sót có thể xảy ra với các chatbot AI. Cụ thể, chúng có thể đưa ra các thông tin không chính xác nhưng giống như có căn cứ, dẫn đến việc nhiều người sẽ hiểu sai thông tin.

Ngay sau khi lỗi trên được phát hiện, Google nhanh chóng đưa ra tuyên bố về sai sót, cho biết sẽ sử dụng phản hồi từ chương trình thử nghiệm mới kết hợp với các thông tin khác để đảm bảo "câu trả lời của Bard đáp ứng tiêu chuẩn cao về chất lượng, an toàn và dựa vào căn cứ thông tin trong thế giới thực".

Bất chấp điều này, Alphabet phải trả giá đắt khi cổ phiếu giảm mạnh 10% không lâu sau đó, làm vốn hóa thị trường giảm 100 tỉ USD trong 1 ngày.

Đầu năm 2024, chatbot Gemini đã bị chỉ trích nặng nề vì tạo ra những bức ảnh đầy rẫy những sai sót lịch sử, chẳng hạn những nhà sáng lập của nước Mỹ là người da màu. Lãnh đạo Google đã xin lỗi, nói rằng tính năng AI của họ được sử dụng trên toàn thế giới nhưng đã tạo ra sản phẩm “không phù hợp” và công ty đang “cải thiện ngay lập tức những mô tả này”.

Paul Buchheit cho rằng Google có thể đã lạc lối khi tái tổ chức theo công ty mẹ Alphabet vào năm 2015 - Ảnh: Getty Images

Được ghi nhận đưa ra phương châm ban đầu của Google là "Đừng làm điều xấu", Paul Buchheit cho rằng Google có thể đã lạc lối khi tái tổ chức theo công ty mẹ Alphabet vào năm 2015. Những người đồng sáng lập Google đã lùi bước và Sundar Pichai nắm quyền điều hành công ty vào 10.8.2015. Paul Buchheit cho biết đó là lúc Google chuyển trọng tâm sang việc duy trì độc quyền tìm kiếm.

"Bạn biết đấy, tìm kiếm là lĩnh vực rất giá trị và quan trọng với Google, như một mỏ vàng. Trong khi đó, AI là công nghệ mang tính phá cách", Paul Buchheit nói.

Khi chatbot như ChatGPT của OpenAI có thể trực tiếp trả lời các truy vấn từ người dùng, điều đó làm giảm khả năng họ nhấp vào quảng cáo liên quan, Paul Buchheit giải thích. Điều này sẽ làm giảm doanh thu từ quảng cáo, thường kiếm tiền dựa trên việc người dùng nhấp vào chúng.

“Công ty tìm kiếm phải đối mặt với mâu thuẫn giữa việc duy trì lợi nhuận và cung cấp các câu trả lời chính xác cho người dùng. Có một sự cám dỗ để làm cho kết quả tìm kiếm ít hữu ích hơn, vì người dùng có thể phải nhấp vào nhiều quảng cáo hơn để tìm thông tin họ cần”, Paul Buchheit nói.

Đó không chỉ là phân tích của Paul Buchheit, mà là điều Larry Page và Sergey Brin ghi nhận trong bài viết quan trọng năm 1998 giới thiệu về Google. Họ nói rằng công nghệ công cụ tìm kiếm "phần lớn là nghệ thuật đen tối" và "hướng đến quảng cáo". Tuy nhiên, với Google, mục tiêu của công ty là "cung cấp kết quả tìm kiếm chất lượng cao trên World Wide Web (WWW) phát triển nhanh chóng".

nguoi-tao-ra-gmail-neu-ly-do-google-tut-hau-trong-cuoc-dua-ai-1.jpg
Paul Buchheit cho rằng Google có thể đã lạc lối khi tái tổ chức theo công ty mẹ Alphabet vào năm 2015 - Ảnh: Getty Images

Google đang phải đối mặt với mối đe dọa lớn hơn từ OpenAI nói riêng và AI nói chung khi chờ đợi quyết định về cách các cơ quan quản lý chống độc quyền ở Mỹ lên kế hoạch cân bằng sân chơi trong lĩnh vực tìm kiếm trên internet.

Hôm 5.8, Amit Mehta (thẩm phán liên bang Mỹ) ra phán quyết rằng Google đã vi phạm luật chống độc quyền, chi hàng tỉ USD để tạo ra thế độc quyền bất hợp pháp và trở thành công cụ tìm kiếm mặc định trên toàn thế giới. Đây là chiến thắng lớn đầu tiên của chính quyền liên bang Mỹ nhằm vào sự thống trị thị trường của các hãng công nghệ lớn.

Phán quyết này mở đường cho phiên tòa thứ hai để xác định các giải pháp khắc phục tiềm năng, có thể bao gồm việc chia tách khỏi Alphabet (công ty mẹ của Google), điều này sẽ thay đổi cảnh quan của thế giới quảng cáo trực tuyến mà Google đã thống trị trong nhiều năm.

Phán quyết trên cũng là tín hiệu đèn xanh cho các cơ quan thực thi luật chống độc quyền của Mỹ trong việc truy tố các hãng công nghệ lớn.

Bộ trưởng Tư pháp Mỹ - Merrick Garland gọi phán quyết này là "chiến thắng lịch sử cho người dân Mỹ", đồng thời nói thêm rằng "không có công ty nào, bất kể lớn hay có ảnh hưởng đến đâu, có thể đứng trên luật pháp".

Ngoài ra, số lượng ngày càng tăng những người sử dụng các công cụ AI, gồm cả chatbot ChatGPT đình đám từ OpenAI, đã làm xói mòn thị phần lĩnh lĩnh vực tìm kiếm của Google, theo các nguồn tin, nhà đầu tư và nhà phân tích.

"Tôi nghĩ Google hiện tại, AI là một vấn đề lớn hơn nhiều so với phán quyết đó. AI đang thay đổi cơ bản cách thức hoạt động của sản phẩm tìm kiếm", Arvind Jain, một cựu kỹ sư Google từng làm việc trên các sản phẩm gồm cả Google Search trong một thập kỷ, cho biết.

Đang điều hành một công ty tìm kiếm doanh nghiệp có tên Glean, Arvind Jain cho biết tác động của AI là ngay lập tức so với phán quyết này, vốn sẽ bị kháng cáo và mất nhiều thời gian để ảnh hưởng đến thị trường.

Google từ lâu đồng nghĩa với tìm kiếm, chiếm khoảng 90% thị phần toàn cầu và mang lại khoảng 175 tỉ USD doanh thu hàng năm thông qua hoạt động kinh doanh. Ngay cả Apple, vốn thích xây dựng tất cả phần mềm và phần lớn phần cứng đi kèm với các thiết bị của mình, đã cho phép Google trở thành công cụ tìm kiếm mặc định trên trình duyệt Safari với mức phí trên dưới 20 tỉ USD/năm.

Song, những ngày Google được đối xử ưu đãi đã kết thúc ngay cả trước khi hàng loạt vụ kiện chống độc quyền được giải quyết.

Bài liên quan
Chuyên gia về công cụ tìm kiếm nêu lý do Google nên lo ngại SearchGPT của OpenAI
Ra mắt SearchGPT gần đây, OpenAI đã định vị mình ở thế cạnh tranh với Google trên thị trường công cụ tìm kiếm.

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Cần có cơ sở pháp lý điều chỉnh về trí tuệ nhân tạo
2 giờ trước Nhịp đập khoa học
Ủy ban Khoa học -Công nghệ - Môi trường (KH-CN-MT) thấy rằng Việt Nam cần phải có cơ sở pháp lý nhằm điều chỉnh về trí tuệ nhân tạo (AI) để phát triển thế mạnh, hạn chế tác động bất lợi trong nghiên cứu, ứng dụng, phát triển công nghệ AI.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Cựu CEO nêu lý do Google đang thua OpenAI và Anthropic trong cuộc đua AI