Tại Anlong Veng, “thủ phủ” của quân Khmer Đỏ, những buổi gặp gỡ giữa các cựu binh của đội quân diệt chủng với sinh viên Campuchia đã được chính phủ tổ chức, trong nỗ lực hàn gắn vết thương chiến tranh do chế độ của Pol Pot gây ra.

Cựu binh Khmer Đỏ: 'Cả đời tôi đã bị lừa dối bởi những chính trị gia'

07/05/2016, 14:02

Tại Anlong Veng, “thủ phủ” của quân Khmer Đỏ, những buổi gặp gỡ giữa các cựu binh của đội quân diệt chủng với sinh viên Campuchia đã được chính phủ tổ chức, trong nỗ lực hàn gắn vết thương chiến tranh do chế độ của Pol Pot gây ra.

Thị trấn nghèo Anlong Veng nằm giữa vùng rừng núi phía bắc Campuchia. Đây từng là nơi ẩn náu của lực lượng Khmer Đỏ cùng thủ lĩnh Pol Pot sau khi bị quân đội Việt Nam đánh bại vào năm 1979. Tại đây, những cuộc đối thoại giữa cựu quân nhân Khmer Đỏ với sinh viên Campuchia được chính phủ tổ chức, trong khuôn khổ chương trình hàn gắn vết thương chiến tranh tại nước này.

Đứng bên cạnh những chiếc lồng trước đây được dùng để giam tù nhân chính trị, ông Tho Lon, người từng đầu quân cho Khmer Đỏ, kể cho sinh viên nghe về lịch sử đẫm máu của chế độ Pol Pot diệt chủng đã thảm sát khoảng một phần tư dân số Campuchia lúc bấy giờ. Người cựu binh Khmer Đỏ 57 tuổi bị mất một mắt và cánh tay phải do mìn trong lúc tham chiến, nói với các sinh viên: “Cả đời tôi đã bị lừa dối bởi những chính trị gia. Tôi đau lòng lắm”.

Tuy đã bị đánh bại vào năm 1979 nhưng phải cho tới năm 1998, lực lượng Khmer Đỏ ẩn trú tại Anlong Veng mới hoàn toàn bị triệt phá. Trong khoảng thời gian đó, tàn quân của chế độ diệt chủng tại đây đã liên tục tổ chức những cuộc tấn công du kích chống lại chính quyền Campuchia.

Hiện nay, Anlong Veng vẫn là một địa phương nghèo khó. Các chuyên gia và nhóm hỗ trợ xã hội hoạt động tại Campuchia vẫn chưa tìm ra giải pháp hữu hiệu để đưa địa phương này vào các chương trình hòa bình và hàn gắn sau chiến tranh.

Theo Tho Lon, ông cùng những binh sĩ khác trong lực lượng Khmer Đỏ lẫn trốn tại Anlong Veng từ 1979-1998 vẫn phải tiếp tục chiến đấu vì được tuyên truyền rằng sẽ bị “quân Việt Nam chặt đầu” nếu đầu hàng. Họ đã phải tin vào điều này vì: “Chúng tôi lúc đó sống giữa núi rừng hoang vu và hoàn toàn không có thông tin gì từ thế giới bên ngoài”.

Anlong Veng ngoài ra còn nổi tiếng là nơi có mộ của Pol Pot, lãnh đạo quân Khmer Đỏ, chết vào năm 1998.

Sinh viên Sang Thong 25 tuổi, đến từ Battambang và có nhiều người thân thiệt mạng dưới tay chế độ Pol Pot, nói: “Tôi cảm thấy vừa xúc động, vừa thương hại. Tôi không đến đây với lòng thù hận, mà chỉ để học hỏi và hiểu rõ hơn về chế độ Khmer Đỏ”.

Mục đích của những buổi gặp gỡ giữa sinh viên Campuchia với các cựu binh Khmer Đỏ tại Anlong Veng là nhằm “thúc đẩy sự cảm thông đối với những sự kiện lịch sử”, theo Ly Sok-Kheang, người đứng đầu chương trình hòa bình tại Anlong Veng. Tuy nhiên ông cho biết việc này không hề dễ dàng.

Sau khi cuộc nội chiến đẫm máu tại Campuchia chấm dứt cùng với sự thất thủ của tàn quân Khmer Đỏ tại Anlong Veng, hầu hết những nỗ lực hàn gắn vết thương chiến tranh đều được thực hiện xoay quanh việc tưởng niệm các nạn nhân của chế độ diệt chủng. Những chương trình này đặt trọng tâm vào các “cánh đồng chết” và trại tập trung tại Tuol Sleng, trong khi người dân vùng Anlong Veng vẫn phải tiếp tục đối mặt với cái nghèo.

Ông Ly Sok-Kheang cho rằng các chương trình hòa bình cần phải chú ý đến Anlong Veng nhiều hơn nữa, do đây là nơi chính phủ Campuchia đã thật sự đánh bại quân Khmer Đỏ. Theo ông, vùng núi rừng nghèo khó này là “nơi lý tưởng để có thể thảo luận về hòa bình tại Campuchia”.

Những buổi thảo luận giữa cựu chiến binh Khmer Đỏ với sinh viên Campuchia được tổ chức trên mảnh đất của một căn biệt thự cũ, từng được sở hữu bởi Ta Mok, có biệt danh Đồ Tể. Ta Mok là nhân vật quan trọng thứ 3 của chế độ Khmer Đỏ, chết vào năm 2006 mà không phải chịu bất cứ xét xử về tội ác chiến tranh nào.

Tuy từng là một nhân vật quan trọng trong Khmer Đỏ nhưng đến năm 1979, Ta Mok đã quay sang đối chọi với thủ lĩnh Pol Pot, do nổ ra xung đột trong nội bộ tàn quân tại Anlong Veng. Vào năm 1997, phe của Ta Mok đã bắt giữ và xét xử Pol Pot. Thủ lĩnh số 1 của Khmer Đỏ chết chỉ một thời gian ngắn sau đó.

Ngày nay, Ta Mok vẫn tiếp tục được cư dân trong vùng yêu mến, do đã thực hiện một số dự án thủy lợi, cũng như đã ban phát nhiều tiền bạc lẫn ân huệ cho dân chúng. “Ta Mok khi còn nắm quyền lực đã nhận được sự yêu mến từ cả người dân lẫn quân lính”, ông Tho Lon nói. Sieng Hok Heng, trưởng văn phòng du lịch Anlong Veng, cho biết thêm rằng đa số người dân tại đây lúc bấy giờ theo phe của Ta Mok do căm thù chế độ của Pol Pot, cũng như các thủ lĩnh Khmer Đỏ khác.

Ông Sieng Sok Heng hy vọng rằng sẽ có thêm nhiều du khách tìm đến Anlong Veng. Hiện nay, tại đây tiếp đón khoảng 2.000 khách du lịch Campuchia và 30 từ ngoại quốc hàng tháng. Chủ yếu du khách đến Anlong Veng để tham quan mộ của Pol Pot.

Cho tới nay, những lý do xoay quanh cái chết của thủ lĩnh số 1 Khmer Đỏ vẫn chưa được làm rõ. Sau khi chết, thi thể của Pol Pot đã vội vàng được hỏa táng bằng vỏ xe cao su trên một ngọn đồi gần Anlong Veng, nằm sát với biên giới Thái Lan. Ngày nay, ngôi mộ tồi tàn bị phủ bóng bởi một sòng bạc mới được xây dựng chỉ để chuyên phục vụ cho khách du lịch Thái Lan và Trung Quốc.

Đối với Chhoeun Chhay Lin, sinh viên 18 tuổi, sự hiện diện của ngôi mộ Pol Pot như là một lời cảnh báo cho người dân Campuchia. Cô nói: “Mặc dù Pol Pot đã chết, nhưng tôi vẫn còn thấy sợ ông ấy. Tôi cho rằng sinh viên Campuchia chúng tôi cần được biết rõ lịch sử của Khmer Đỏ, để không bao giờ phải đi theo chế độ đen tối này một lần nữa”.

Huỳnh Hy (theo Today)

Ảnh: Mộ của Pol Pot tại Anlong Veng

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Thủ tướng: Cơ chế, chính sách phù hợp sẽ nhân đôi, nhân ba sức mạnh
10 giờ trước Sự kiện
Trong chương trình kỳ họp thứ 8, sáng 23.11, các đại biểu Quốc hội thảo luận tại tổ về dự án Luật Quản lý và đầu tư vốn Nhà nước tại doanh nghiệp và dự án Luật Công nghiệp công nghệ số. Thủ tướng Phạm Minh Chính tham gia thảo luận tại tổ 8, gồm đại biểu Quốc hội các địa phương Vĩnh Long, Điện Biên, Kon Tum, Cần Thơ.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Cựu binh Khmer Đỏ: 'Cả đời tôi đã bị lừa dối bởi những chính trị gia'