Suốt tuần qua, câu chuyện Công ty CP Đầu tư Tân Đức - chủ đầu tư KCN Tân Đức (huyện Đức Hòa, Long An) dùng xe ben, xe chữa cháy, thậm chí đổ hàng chục tấn đất chặn cổng ra vào của công ty đối tác làm dư luận dậy sóng.

Công ty cho thuê đất hành xử như xã hội đen, doanh nghiệp kêu cứu

Một Thế Giới | 23/03/2016, 14:44

Suốt tuần qua, câu chuyện Công ty CP Đầu tư Tân Đức - chủ đầu tư KCN Tân Đức (huyện Đức Hòa, Long An) dùng xe ben, xe chữa cháy, thậm chí đổ hàng chục tấn đất chặn cổng ra vào của công ty đối tác làm dư luận dậy sóng.

Từ đầu năm 2016 đến nay, hơn 30 doanh nghiệp nước ngoài ở Khu Công nghiệp Tân Đức (thuộc sở hữu của bà Đặng Thị Hoàng Yến - nguyên đại biểu quốc hội bị bãi miễn) đứng ngồi không yên khi chủ đầu tư khu công nghiệp liên tục dùng “chiêu lạ” để buộc khách hàng thuê đất chi tiền duy tu cơ sở hạ tầng.

Phía Công ty CP Đầu tư Tân Đức, chủ đầu tư, yêu cầu các doanh nghiệp thuê đất nộp mức phí 10.018 đồng/m2, trong khi các doanh nghiệp đề nghị mức phí khoảng 8.500 đồng/m2.

Nói để dễ hiểu, bất cứ doanh nghiệp nào vào Tân Đức thuê đất, phải ngay trả tiền thuê đất hàng năm từ 70-120 USD/m2/50 năm. Khi thống nhất mới ký hợp đồng, trả tiền thuê rồi mới được xây dựng nhà xưởng.

Còn tiền duy tu cơ sở hạ tầng, nôm na là phí để tu bổ cây xanh, đường sá… bên ngoài khuôn viên nhà máy do Tân Đức chịu trách nhiệm làm. Ban đầu khi thuê đất, doanh nghiệp cũng được thông báo về khoản phí này, và thỏa thuận sẽ thu sau khi đã hoạt động và có sự thống nhất giữa 2 bên.

Nhưng giờ, Tân Đức đơn phương thông báo thu và đưa ra mức phí quá cao, nên khách hàng phản đối! Bởi cùng lúc, ở các khu công nghiệp khác, mức phí này chỉ khoảng 7.000-8.000 đồng/m2/năm, thấp hơn Tân Đức 2.000-3.000 đồng!

Khủng bố bằng đất sét, chặn đường vào công ty

Do chưa có sự thống nhất về mức phí nên các khách hàng không chịu đóng. Thế là Tân Đức đã đơn phương cắt nước, rào cổng, cho xe ben chở đất đổ bít cổng vào nhà máy, công ty của khách hàng. Tân Đức muốn ngăn cản hoạt động sản xuất nhằm tạo sức ép buộc doanh nghiệp sớm trả tiền theo mức mà họ đưa ra…

Suốt tuần qua, đại diện Công ty TNHH Tango Candy đã gửi đơn cầu cứu khắp nơi, vì Công ty Tân Đức đã cho người lắp barie chặn cổng ra vào - cả cổng chính, cổng phụ và cổng thoát hiểm, đào ống nước, triệt luôn nguồn nước của công ty này.
Cong ty Tan DucBít đường vào công ty

Tango Candy là công ty 100% vốn Nhật Bản với hơn 250 công nhân chuyên sản xuất bánh kẹo cao cấp xuất sang Mỹ và các nước châu Âu, hoạt động từ năm 2009 tại Long An. Do điện, nước bị chặn nên sản xuất bị đình trệ. Cổng của công ty cũng bị rào chắn nên hàng hóa cũng không  ra vào được, các đơn hàng bị chậm trễ và bị đối tác phạt nặng...

Chưa hết, sáng 20.3, một số xe ben chở đầy đất bất ngờ kéo tới cổng Công ty Tango Candy. Dù đại diện công ty đã ra nói chuyện nhưng các tài xế vẫn lùi xe vào cổng rồi trút hàng chục tấn đất xuống bịt luôn cổng ra vào.

Ông Tango Hirosuke (77 tuổi), Giám đốc Công ty Tango Candy cho biết, công ty ông có diện tích 10.000m. Nếu đóng phí duy tu cơ sở hạ tầng là 10.018 đồng/m2 như Tân Đức yêu cầu thì số tiền mỗi năm công ty phải đóng là 100,2 triệu đồng. Nhưng nếu đóng theo giá mà các doanh nghiệp nước ngoài yêu cầu là 8.500 đồng/m2 thì công ty ông chỉ sẽ đóng khoảng 85 triệu đồng - thấp hơn 15 triệu đồng so với giá Công ty Tân Đức đưa ra.

“Đình trệ sản xuất, mỗi ngày tôi thiệt hại khoảng 15.000 USD. Cả tuần qua tôi thiệt hại tiền tỷ, chưa tính tổn thất tinh thần, công nhân hoang mang. So sánh chênh lệch giữa 15 triệu đồng/năm và cả tỷ đồng/tuần thì chúng tôi như kẻ ngốc. Nhưng người Nhật cần chữ tín, cần sự minh bạch, cần thiết thì tôi chấp nhận ngừng sản xuất chứ không thể chi tiền sai dù chỉ một đồng. Chúng tôi đã làm việc với gần 20 doanh nghiệp nước ngoài (chủ yếu là Nhật và Mỹ) và họ cho biết cũng bị Tân Đức hành xử tương tự”, ông nói.

Sáng 22.3, Hiệp hội Doanh nghiệp Nhật Bản (gồm 8 công ty Nhật Bản) và một số doanh nghiệp nước ngoài đang hoạt động tại Khu Công nghiệp Tân Đức đã có buổi họp để xử lý vấn đề này. Cuộc họp thống nhất ý kiến sẽ không đóng mức phí như Tân Đức yêu cầu. Và ngay trong ngày 22.3, các doanh nghiệp Nhật Bản đã có đơn cầu cứu gửi Tổng Lãnh sự Nhật Bản tại TP.HCM nhờ xem xét, can thiệp.

Thậm chí, một doanh nghiệp nước ngoài đã đóng phí vẫn dự họp và ký tên để bày tỏ bức xúc vì cho rằng bị ép bằng “đòn bẩn”. Theo ông Chang Hoon Jung, Tổng Giám đốc Công ty KSA Polymer HCMC, liên tục trong nhiều ngày qua, các đối tượng làm thuê cho Công ty Tân Đức đem xe chữa cháy loại lớn và xe tải hạng nặng đậu chắn ngang cổng.

Đến khi một nhân viên đang mang thai trong Công ty KSA bị choáng, ngất, được đưa lên xe ô tô đi cấp cứu thì nhân viên Công ty Tân Đức vẫn chắn cổng không cho ra. Cuối cùng, người bệnh được dìu ra ngoài và phải sử dụng 1 chiếc xe khác để đưa đi cấp cứu.

“Quá lo sợ, tôi phải chấp nhận mức phí mà họ đưa ra nhưng tôi vẫn gửi kiến nghị của mình đến chính quyền và thể hiện sự không đồng tình”, ông Chang Hoon Jung nói.

Người Nhật ngang ngược hay người Việt xấu xí?

Liên quan đến toàn bộ vụ việc, phía Công ty Tân Đức đã phát thông cáo báo chí và ông Trần Dương, Giám đốc Truyền thông của Công ty Tân Đức cũng đã có buổi làm việc với phóng viên.
Theo đó, Khu Công nghiệp Tân Đức hoạt động từ năm 2005 và chưa thu phí sử dụng hạ tầng. Đến năm 2012, Tân Đức đã mời đơn vị kiểm toán độc lập và xác định mức phí là 12.254 đồng/m2/năm, dựa trên chi phí bình quân hằng năm mà công ty chi cho việc duy tu cơ sở hạ tầng giai đoạn 1.
Cong ty Tan Duc
Không trả phí thì ráng... chịu khó leo
“Chúng tôi đã chấp nhận bù lỗ 20%, áp dụng thu phí cơ sở hạ tầng từ năm 2013 với đơn giá 10.018 đồng/m2/năm. Chúng tôi cũng đã có văn bản xin được thu phí cơ sở hạ tầng và được Ban Quản lý Khu kinh tế Long An chấp thuận. Đơn giá được áp dụng bình đẳng cho toàn bộ doanh nghiệp đã thuê đất hoặc nhà xưởng trong Khu Công nghiệp Tân Đức.

Mức phí cao hơn so với các khu công nghiệp xung quanh vì nơi đây có môi trường, cơ sở hạ tầng tốt nhất hiện nay. Trong khi hầu hết các doanh nghiệp Việt Nam nghiêm túc thực hiện đóng phí duy tu cơ sở hạ tầng theo quy định thì một số doanh nghiệp nước ngoài cố tình không đóng.

Mặc khác, có doanh nghiệp còn ngang nhiên công kích, chống đối và lật lọng một cách trắng trợn, tiêu biểu là Công ty Tango Candy của Nhật Bản”, ông Dương khẳng định.

Cũng theo ông Dương, Công ty Tango Candy đã lợi dụng sự ưu ái của Chính phủ cũng như các cơ quan chức năng Việt Nam và sự nhún nhường của Công ty Tân Đức dành cho các doanh nghiệp nước ngoài đầu tư tại Việt Nam, ngang ngược đe dọa và dùng lời lẽ phản cảm để chống lại nhân viên của Công ty Tân Đức.

Họ cho người trực tiếp ngồi chặn trên khu vực thuộc quyền sở hữu của Tân Đức để ngăn cản cán bộ của Tân Đức thi hành nhiệm vụ. Trong thông cáo báo chí, Tân Đức nêu rõ: “Hành động này không chỉ vi phạm quy chế của Công ty Tân Đức đã được các cơ quan nhà nước phê duyệt mà còn vi phạm các quy định của pháp luật hiện hành, làm xấu đi mối quan hệ ngoại giao giữa 2 nước Việt - Nhật và làm mất đi hình ảnh đẹp của người Nhật trong suy nghĩ của người dân Việt Nam”...

Nhưng trao đổi với PV, ông Nguyễn Văn Được, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Long An cho biết, chính phía Tân Đức thực hiện các hành vi cản trở sản xuất làm ảnh hưởng môi trường đầu tư của tỉnh, làm xấu hình ảnh của chính Tân Đức.

“Công ty Tango Candy và Công ty Tân Đức không có ký hợp đồng về phí sử dụng hạ tầng. Bây giờ, nếu không đồng ý mức phí thì 2 bên phải tự thỏa thuận. Theo luật, chính quyền chỉ có thể vận động chứ không thể chế tài bên nào. Riêng hành vi cản trở hoạt động sản xuất của doanh nghiệp, Công an tỉnh Long An đã vào cuộc để có hướng xử lý”, ông Được nói.

Còn ông Nguyễn Văn Tiều, Trưởng Ban Quản lý Khu kinh tế tỉnh Long An, cho biết theo quy định, chủ đầu tư các KCN-KCX và khu kinh tế được định giá cho thuê, cho thuê lại đất đã xây dựng kết cấu hạ tầng kỹ thuật, các loại phí sử dụng hạ tầng liên quan khác.

Tuy nhiên, trong trường hợp 2 bên không thỏa thuận được sẽ xử lý như thế nào lại… chưa được quy định rõ. “Vụ việc lùm xùm tại Khu Công nghiệp Tân Đức là chưa có tiền lệ! Trong trường hợp này, 2 bên chưa ký được hợp đồng về mức phí hạ tầng nên khi xảy ra tranh chấp cũng không thể khởi kiện ra tòa án được.

Chúng tôi cũng đã gửi văn bản đề nghị Bộ KH&ĐT cho ý kiến nhưng chưa được phản hồi, nên rất lúng túng trong xử lý tranh chấp này”, ông Tiều nói.

TP.HCM vừa phải cử người xin lỗi du khách nước ngoài, vì để khách bị giật hết đồ đạc ngay trên đường phố, làm xấu đi hình ảnh Việt Nam. Còn Tân Đức, mời khách nước ngoài đến làm ăn, tạo công ăn việc làm cho người Việt Nam, nộp ngân sách cho Việt Nam… rồi ỷ thế “chủ nhà” o ép họ, ai sẽ xin lỗi bây giờ?

Long An

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Thủ tướng: Cơ chế, chính sách phù hợp sẽ nhân đôi, nhân ba sức mạnh
8 giờ trước Sự kiện
Trong chương trình kỳ họp thứ 8, sáng 23.11, các đại biểu Quốc hội thảo luận tại tổ về dự án Luật Quản lý và đầu tư vốn Nhà nước tại doanh nghiệp và dự án Luật Công nghiệp công nghệ số. Thủ tướng Phạm Minh Chính tham gia thảo luận tại tổ 8, gồm đại biểu Quốc hội các địa phương Vĩnh Long, Điện Biên, Kon Tum, Cần Thơ.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Công ty cho thuê đất hành xử như xã hội đen, doanh nghiệp kêu cứu