Ngay sau khi Tòa án Trọng tài Quốc tế tại The Hague (PCA) ra phán quyết có lợi cho phía Philippines trong vụ kiện "đường 9 đoạn", cộng đồng quốc tế đã ngay lập tức lên tiếng ủng hộ phán quyết của tòa, đồng thời đề nghị Trung Quốc tôn trọng phán quyết của PCA.

Cộng đồng Quốc tế đề nghị Trung Quốc tôn trọng phán quyết của PCA

Hà Ngọc Bách | 13/07/2016, 06:07

Ngay sau khi Tòa án Trọng tài Quốc tế tại The Hague (PCA) ra phán quyết có lợi cho phía Philippines trong vụ kiện "đường 9 đoạn", cộng đồng quốc tế đã ngay lập tức lên tiếng ủng hộ phán quyết của tòa, đồng thời đề nghị Trung Quốc tôn trọng phán quyết của PCA.

Mỹ, Nhật Bản, EU, Singapore, Thái Lan, Indonesia và Ấn Độ đều đã có những động thái lên tiếng sau khi PCA đưa ra phán quyết dài 501 trang của mình kết luận vụ kiện "đường 9 đoạn".

Trong một thông báo ngày 12.7, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ John Kirby nói: "Quyết định của PCA liên quan đến vụ kiện giữa Philippines và Trung Quốc là một đóng góp quan trọng cho việc giải quyết hòa bình các tranh chấp tại Biển Đông. Mỹ hối thúc tất cả các bên tôn trọng quyết định hợp pháp của tòa án và tránh những hành động làm gia tăng căng thẳng".

Đại sứ quán Mỹ tại Việt Nam cũng ra thông báo riêng của mình trong đó khẳng định: "Phán quyết ngày hôm nay của Tòa án trong việc phân xử Philippines -Trung Quốc là một đóng góp quan trọng vào mục tiêu chung về một giải pháp hòa bình cho các tranh chấp ở Biển Đông. Chúng tôi vẫn đang nghiên cứu các quyết định và không có bình luận về các giá trị của vụ kiện, nhưng một số nguyên tắc quan trọng đã được thể hiện rõ ràng ngay từ đầu vụ kiện này và có giá trị tái khẳng định.

Theo quy định trong Công ước, quyết định của Tòa án là cuối cùng và ràng buộc về mặt pháp lý đối với cả Trung Quốc và Philippines. Mỹbày tỏ hy vọng và kỳ vọng rằng cả hai bên sẽ tuân thủ các nghĩa vụ của mình.

Sau quyết định quan trọng này, chúng tôi kêu gọi tất cả các bên tuyên bố chủ quyền tránh các tuyên bố hoặc hành động khiêu khích. Quyết định này có thể và nên là một cơ hội mới để làm mới những nỗ lực nhằm giải quyết các tranh chấp hàng hải một cách hòa bình".

Cũng trong ngày 12.7, Chủ tịch Liên minh châu Âu (EU) ông Donald Tusk đã yêu cầu Trung Quốc tôn trọng hệ thống pháp luật quốc tế. Phát biểu tại Bắc Kinh trong phiên khai mạc hội nghị thượng đỉnh EU - Trung Quốc, ông Tusk đã kêu gọi nước này bảo vệ "trật tự quốc tế dựa trên luật pháp", đồng thời cho rằng nhiệm vụ này "có thể là thử thách lớn nhất phía trước chúng ta".

Theo chủ tịch Tusk, cơ chế pháp lý toàn cầu về luật pháp và quy định "có thể mang tới nhiều lợi ích cho các quốc gia". Ông nói: "Nếu có nhiều ý kiến cho rằng toàn cầu hóa và thương mại quốc tế diễn ra mà không có hoặc chống lại những quy định chung, vậy những nạn nhân đầu tiên sẽ là nền kinh tế Trung Quốc và châu Âu, không phải người dân ở các nước này".

Bình luận về phán quyết của PCA, Ngoại trưởng Nhật Bản Fumio Kishida cho rằng, phán quyết của PCA là “phán quyết cuối cùng mang tính ràng buộc pháp lý” và các bên liên quan trong trường hợp này cần phải tuân thủ.

Về phía Ấn Độ, trên trang web của mình, Bộ Ngoại giao nước này cho biết New Delhi đang nghiên cứu phán quyết của PCA một cách cẩn thận.Đã có 3 nước Đông Nam Á là Singapore, Thái Lan và Indonesia chính thức đưa ra bình luận về phán quyết của PCA. Cụ thể, Bộ Ngoại giao Singapore ra tuyên bố kêu gọi tất cả các bên tôn trọng đầy đủ các quy trình pháp lý và ngoại giao, kiềm chế và tránh tiến hành bất kỳ hoạt động có thể gây căng thẳng trong khu vực.

Thái Lan và Indonesia thì lên tiếng kêu gọi tất cả các bên liên quan đến vấn đề tranh chấp chủ quyền trên Biển Đông duy trì hòa bình và ổn định ở Biển Đông, ngay trước thời điểm PCA ra phán quyết vài tiếng.

Thông báo của Bộ Ngoại giao Thái Lan nhấn mạnh: "Chúng tôi tin tưởng rằng mục tiêu cuối cùng mang lại lợi ích cho người dân cũng cần dựa trên sự phát triển liên tục, ổn định và hòa bình của Biển Đông. Tình hình tại vùng biển này cần được giải quyết thông qua những nỗ lực cụ thể và bằng mọi biện pháp, dựa trên nguyên tắc tin tưởng và xây dựng lòng tin lẫn nhau, cũng như lợi ích bình đẳng, để phản ánh quan hệ tự nhiên lâu dài giữa ASEAN và Trung Quốc".

Còn Bộ Ngoại giao Indonesia thì hối thúc tất cả các bên liên quan đến vấn đề tranh chấp chủ quyền Biển Đông kiềm chế và không hành động theo hướng sẽ làm gia tăng căng thẳng. Bộ Ngoại giao Indonesia cũng kêu gọi tất cả các bên tiếp tục duy trì hòa bình và ổn định trong khu vực.

Về phía Trung Quốc, sau khi PCA ra phán quyết theo hướng có lợi cho Philippines, Bộ Ngoại giao nước này đã phát đi một thông cáo ngang nhiên cho rằng, Trung Quốc "có chủ quyền đối với các đảo" ở Biển Đông, bao gồm cả quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa.

Tuyên bố của Bộ Ngoại giao Trung Quốc có đoạn: “Chính phủ Trung Quốc nhắc lại rằng, Trung Quốc sẽ không chấp nhận bất kỳ một bên thứ ba nào tìm cách hòa giải tranh chấp hoặc áp đặt các biện pháp hòa giải lên Trung Quốc liên quan đến vấn đề chủ quyền lãnh thổ và phân giới lãnh hải ở Biển Đông”.

Không chỉ tuyên bố "có chủ quyền" trên Biển Đông, Bộ Ngoại giao Trung Quốc còn tự nhận nước này là nạn nhân của vụ kiện và hành động kiện Trung Quốc ra PCA của Philippines là "hành động xấu".

Mai Thảo
Bài liên quan
Siêu máy tính Trung Quốc đứng đầu danh sách hiệu suất điện toán AI toàn cầu
Do các nhà khoa học quân sự Trung Quốc chế tạo, siêu máy tính Tianhe một lần nữa đứng đầu trong cuộc thử nghiệm quốc tế về hiệu suất điện toán trí tuệ nhân tạo (AI).

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Vui buồn nghề muối Bạc Liêu - Bài 2: Ứng dụng kỹ thuật, công nghệ mới
Để làm giàu trên chính đồng muối của gia đình, nhiều diêm dân ở Bạc Liêu đã mạnh dạn đầu tư vật tư, thiết bị cơ giới hóa để sản xuất muối theo hướng công nghệ cao. Hướng đi mới đã khẳng định được hiệu quả, góp phần nâng cao sản lượng lẫn chất lượng hạt muối.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Cộng đồng Quốc tế đề nghị Trung Quốc tôn trọng phán quyết của PCA