Trong hầu hết các trường hợp, tuổi tác không liên quan đến tình huống hoặc quyết định hiện tại.
Văn hóa

‘Cởi trói’ định kiến tuổi tác trong xã hội

Thu Hiền 24/08/2024 14:36

Trong hầu hết các trường hợp, tuổi tác không liên quan đến tình huống hoặc quyết định hiện tại.

Định kiến về tuổi tác đang diễn ra hằng ngày trong xã hội Á Đông

Trong xã hội Á Đông từ xa xưa đã có các quan niệm như “trứng khôn hơn vịt”, “miệng còn hôi sữa” mang hàm ý “chê” người trẻ tuổi thiếu kinh nghiệm; hoặc “tre già khó uốn”, “ngựa già khó dạy”… để chỉ việc đào tạo những người lớn tuổi là rất khó.

Còn đối với phụ nữ lớn tuổi chưa lập gia đình, người ta cho rằng “quá lứa lỡ thì” hay “gái ế”… Tất cả những định kiến trên vẫn còn tồn tại trong xã hội, tạo nên áp lực vô hình cho mỗi người, gây ảnh hưởng lớn đến sức khỏe, tâm lý và công việc của nhiều người.

Trong công việc, quan niệm này còn tác động đến suy nghĩ của cả người trẻ và cả những người làm việc lâu năm.

Người quản lý cũng rất do dự khi bổ nhiệm, đề bạt người trẻ tuổi với quan niệm họ còn “non” kinh nghiệm, chưa trải quan nhiều thử thách trong cuộc sống và như vậy, không đáng tin cậy để đảm nhận những trách nhiệm lớn, hoặc đưa ra những quyết định quan trọng.

Ngược lại, đối với bản thân người trẻ, khi được đồng nghiệp, quản lý đánh giá cao, được cất nhắc, đề bạt lên chức vụ quản lý thì nghĩ rằng mình còn non trẻ, vị trí ấy cần một người có nhiều kinh nghiệm hơn nên họ không dám nhận nhiệm vụ.

Đối với người lớn tuổi đã và đang làm việc lâu năm ở một tổ chức hay công ty, khi môi trường làm việc không phù hợp nữa, họ cũng thấy không thoải mái và tự tin để chuyển đổi qua một đơn vị khác. Họ cho rằng mình quá già để bắt đầu công việc mới. Với định kiến tuổi tác như vậy, họ tự “nhốt mình trong chiếc lồng tuổi tác”, và rốt cuộc là trói buộc cuộc đời mình, không cho mình cơ hội để khám phá những công việc mới.

gettyimages-112238575-web79557-15723698675126133946-crop-15723698847741922357806.jpg
Định kiến về tuổi tác đang diễn ra hằng ngày trong xã hội. Ảnh mang tính minh họa - Nguồn: Internet

"Cởi trói" định kiến tuổi tác như thế nào?

Trong công việc, người trẻ cần trau dồi tri thức, tích lũy kinh nghiệm để nâng cấp năng lực của bản thân và chuẩn bị tâm lý sẵn sàng nhận nhiệm vụ mới, vị trí mới.

Bằng cách này, người trẻ sẽ vượt qua “rào chắn” về tuổi tác để dấn thân vượt qua thử thách, tạo cơ hội cho bản thân. Nếu nghĩ rằng “ai cũng từng trẻ tuổi”, “bất kỳ cây đại thụ nào cũng lớn lên từ một mầm non” và tuổi trẻ ai cũng phải trải qua nhiều chông gai, thử thách thì mới trưởng thành, mới trui rèn và có nhiều kinh nghiệm được thì họ mới sẵn sàng “đối mặt” với nhiệm vụ mới.

Để làm được điều này, bản thân mỗi người cũng cần loại bỏ thành kiến tuổi tác từ trong suy nghĩ, không đem vấn đề tuổi tác vào một tình huống hoặc quyết định cá nhân cũng như học cách nhận ra thành kiến tuổi tác.

Trong hầu hết các trường hợp, tuổi tác không liên quan đến tình huống hoặc quyết định hiện tại.

Người lớn tuổi cần cho mình một cơ hội để thay đổi, đừng để bản thân “chết chìm”, “hưu non” qua ngày đoạn tháng trong một công việc mà chính bản thân mình cũng cảm thấy nhàm chán.

Muốn thay đổi, bản thân mỗi người cũng cần không ngừng trau dồi kiến thức, trang bị các kỹ năng khác nhau; nhận diện các điểm mạnh của mình để có thể chuyển đổi một công việc khác đúng với sở trường của mình. Quan trọng hơn, họ cần mạnh dạn tạo ra “bước nhảy” và chuẩn bị sẵn sàng tâm lý, điều kiện cho việc thực hiện bước nhảy đó.

Hiện nay, một số phụ nữ độc thân và độc lập kinh tế có quan niệm: “Thà sống một mình còn hơn cưới vội một ai đó để có chồng, có vợ”, “đừng vì cô đơn quá lâu mà vội vàng nắm lấy một bàn tay”… Họ lo sợ và ngán ngẩm việc kết hôn chỉ để làm vừa lòng người khác.

Hơn ai hết, họ sống cho họ và chỉ sẵn sàng kết hôn khi đã chuẩn bị đầy đủ các yếu tố cho một cuộc hôn nhân như: công việc, thu nhập ổn định, có tâm lý vững vàng và tìm được một người bạn đời “phù hợp”. Cũng có người cho rằng thà cưới muộn mà hạnh phúc, còn hơn cưới vội mà ly hôn.

Thực tế cho thấy, có nhiều trường hộp lấy chồng sớm rồi ly hôn, người phụ nữ phải gửi con cái cho ông bà nuôi để đi làm xa hoặc đi bước nữa…

Vì vậy, để không rơi vào tình cảnh này, người phụ nữ trước hết phải chuẩn bị tâm lý sẵn sàng cho một cuộc hôn nhân. Một khi không có công việc ổn định và tài chính “bất ổn”, họ thường có nhiều nỗi lo và có tư tưởng dựa dẫm vào ai đó.

Do đó, phụ nữ cần có sự độc lập tài chính, nội tâm phong phú, có niềm vui riêng và mỗi ngày cần "nâng cấp" bản thân, trau dồi kiến thức để dựa vào chính mình.

Một khi đạt được điều như vậy thì việc kết hôn hay không kết hôn trở thành lựa chọn của chính họ, chứ không phải là sự “sốt ruột” của bản thân hoặc của bố mẹ, gia đình, dòng họ... Khi ấy, tuổi tác cũng không còn là “rào cản” của cuộc đời họ nữa.

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Vui buồn nghề muối Bạc Liêu - Bài 3: Hiến kế phát triển nghề
Để nghề sản xuất muối vượt qua khó khăn, làm tiền đề để nâng cao đời sống và có nhiều hơn những hộ khá giàu, bà con diêm dân đã mạnh dạn hiến kế để chính quyền địa phương xem xét, lựa chọn kế sách phù hợp, từng bước đưa nghề muối ở Bạc Liêu phát triển bền vững, diêm dân sống được với nghề vốn được xem là truyền thống.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
‘Cởi trói’ định kiến tuổi tác trong xã hội