Làng quê giờ đã khác trước, nhiều nhà tầng, đường sá rộng rãi khang trang hơn, nhưng chả hiểu sao tôi vẫn không quên những cây rơm. Nhiều đống rơm trông rất đẹp, như cây nấm khổng lồ, vàng óng, tạo nên hình ảnh đẹp đẽ, quen thuộc, thân thương của làng quê.

Chuyện vặt thời đã qua: Ổ rơm nhà nghèo

03/05/2017, 06:02

Làng quê giờ đã khác trước, nhiều nhà tầng, đường sá rộng rãi khang trang hơn, nhưng chả hiểu sao tôi vẫn không quên những cây rơm. Nhiều đống rơm trông rất đẹp, như cây nấm khổng lồ, vàng óng, tạo nên hình ảnh đẹp đẽ, quen thuộc, thân thương của làng quê.

Cây rơm, hình ảnh quen thuộc của làng quê ngày trước - Ảnh: Internet

Bây giờ, ở cả thành thị lẫn nông thôn người ta đã quen với sinh hoạt ăn uống 3 bữa. Sáng bữa phụ, trưa và chiều tối bữa chính. Nhưng hồi tôi còn bé, cho đến hết những năm 60, ở nhà quê (miền Bắc nói chung, vùng Hải Phòng quê tôi nói riêng) chỉ ăn 2 bữa thôi. Bữa sáng vào lúc 5 rưỡi hoặc 6 giờ, bữa chiều tầm 12 giờ rưỡi hoặc 1 giờ chiều. Tối nhịn.

Buổi sáng ngủ dậy, đánh răng rửa mặt xong, cả nhà xúm vào mâm cơm. Thường thì mùa hè cũng như mùa đông, thày bu tôi hoặc chị tôi dậy từ sớm tờ mờ nấu nướng. Sau này tôi hỏi thày, sao mình không bắt chước dân thành phố ăn vào tầm trưa và tối cho nó văn minh, đỡ vất vả, thày tôi cười, dân phố họ có thứ để ăn sáng nên họ mới ăn bữa chính vào buổi trưa, còn nông dân suốt sáng mà bụng đói thì chả hơi sức đâu cày bừa, gồng gánh. Phải chắc dạ mới làm được việc nặng. Nghe cũng có lý.

Người lớn sau buổi làm đồng sáng, trẻ con sau buổi học sáng thì tiếp tục ăn bữa cơm chiều. Ăn cho có sức đến tối. Rồi lại ra đồng, lại đi học. Tới tối, nếu nhà nào có củ khoai củ sắn luộc, hay còn chút cơm nguội (mà cơm nguội thì rất hiếm) chia nhau lót dạ, chờ đến bữa sáng mai.

Nhiều lúc ngẫm nghĩ, tay nào dùng chữ “lót dạ” lần đầu tiên quả là giỏi. Ăn mà có cảm giác chưa hề ăn, lót vào trong dạ dày một lớp dinh dưỡng mỏng mòng mong, suốt đêm cứ có cảm giác chống chếnh thế nào ấy. Lại khổ nỗi, khoai lang là chúa gây cào bụng, nhãi ruột, nhưng không nuốt nó chắc sẽ cồn cào hơn. Những nhà vườn rộng thì trồng gài thêm vào xung quanh góc vườn, bờ dậu vài khóm dong riềng, mình tinh, sắn dây, lâu lâu bới một rổ luộc ăn cũng đỡ. Gia đình nào cũng có chum khoai khô phòng lúc giáp hạt, tháng ba hoặc tháng tám (hai tháng này là lúc lương thực của mùa vụ cũ đã gần cạn nhưng lại chưa có thóc của mùa vụ mới, nên gọi là giáp hạt). Thích nhất có hôm chị tôi hoặc bu tôi chịu khó làm món khoai khô bung, nấu nhừ với đỗ đen, thêm tí đường vàng vào, cả nhà cứ vui như tết. Tôi có ông anh (con ông bác ruột) lấy vợ ngoài phố, cứ mỗi lần về quê đều cười bảo đừng có gà qué, tôm cá gì, chỉ cho cháu xin bát khoai khô bung thôi. Thèm lắm, nhớ lắm.

Buổi tối không phải lo chuyện ăn uống, không mất thời gian cho bữa ăn nên tuy đói, thì bù lại có nhiều thời gian để làm những việc khác. Mà quả thật sao hồi ấy lắm việc vặt vãnh thế. Chuyện lau bóng đèn dầu hỏa, châm dầu mỗi tối tôi đã kể rồi, nay kể tiếp những thứ “vớ vẩn” khác.

Một việc nữa bắt buộc bọn trẻ con phải làm khi xế chiều, tầm gà lên chuồng là rút rơm. Nhà nào nuôi trâu thì rút rơm bỏ vào chuồng cho trâu ăn đêm. Lũ trâu vất vả hơn người, ngày cày bừa, chỉ tranh thủ lúc giải lao được tha thẩn gặm cỏ bờ ruộng, chiều tối được tụi trẻ dắt ra bãi Mả Đò hoặc sau chùa Trà gặm vội thêm chút cỏ nữa, còn suốt đêm chỉ trệu trạo nhai rơm. Nhà tôi không nuôi trâu, đỡ được khoản rơm trâu ấy nhưng vẫn phải rút rơm bỏ đầy thùng trấu trong bếp để hằng ngày nấu nướng. Có những hôm lười, cốt làm nhanh để kịp ra ngoài đình chơi trận giả hoặc lên sân kho hợp tác xem phim mà đội chiếu bóng lưu động mỗi tháng chỉ về một lần, nên làm kiểu dối trá, rút ít gọi là, chỉ loắng hoắng vài ôm, bỏ lồng khồng vào thùng trấu cho có vẻ đầy. Chẳng may đêm ấy hoặc ngày hôm sau mưa rả rích sẽ không đủ rơm khô để nấu cơm nấu cám, thế nào thày bu cũng trách. Ra cây rơm rút thêm nhưng rơm bị ẩm nấu nướng vất vả lắm, không bắt lửa, khói quẩn đặc cả gian bếp. Đến khi lớn rồi, có những hôm phải ngồi bếp phù mồm thổi lửa, khói bốc mù mới thấy ân hận, thương thày bu khổ bởi con cái không chịu nghe lời.

Bây giờ, dù nông thôn đã có máy cày, có nhiều loại chất đốt, nhà thường lợp bằng ngói nhưng nhiều nơi vẫn còn những cây rơm quen thuộc - Ảnh: Internet

Rút rơm phải khéo, rút từ dưới lên, rút đều xung quanh. Hầu như nhà nào cũng có đống rơm (cây rơm) được đánh rất tròn rất khéo, chặt chẽ chắc nình nịch. Có thế mới chất được nhiều, để dùng suốt vụ, chờ rơm vụ sau. Nhiều đống rơm trông rất đẹp, như cây nấm khổng lồ, vàng óng, tạo nên hình ảnh đẹp đẽ, quen thuộc, thân thương của làng quê. Rơm là nguồn chất đốt chính, mãi về sau, hồi đầu thập niên 70 nhà nước bán cho tí than Quảng Ninh, đem trộn với bùn nặn thành bánh phơi khô để đốt lò, nông dân nấu nướng mới đỡ vất vả.

Mùa đông, cái thùng trấu chứa rơm được anh em tôi biến thành chiếc ổ, ngủ trong đám rơm tuy hơi rặm, ngứa ngáy nhưng phải nói ấm vô cùng, chả cần nhiều chăn như ngủ trên nhà. Bây giờ ngồi nhớ chuyện này, lại loáng thoáng câu thơ của thi sĩ Nguyễn Duy trong bài Hơi ấm ổ rơmTrong cái ấm hơn nhiều chăn nệm/Của những cọng rơm xơ xác gầy gò”. Ngủ thùng rơm cũng chẳng cần phải rửa chân. Mùa đông mà người nhớn cứ bắt bọn trẻ con phải đi rửa chân trước khi ngủ, như ông anh tôi cằn nhằn chả khác gì bị hành tội (chuyện rửa chân tôi sẽ tách riêng ra thành một bài khác). Sau này, cái nhà bếp cũ có thùng trấu bị phá đi, sửa thành nhà dưới, còn bếp chuyển về sát bờ giếng và bể nước mưa cho tiện, tôi cứ tiếc mãi chiếc ổ rơm tuổi thơ nghèo mà đầm ấm ấy. (còn tiếp)

Nguyễn Thông

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Thủ tướng về tới Hà Nội, kết thúc chuyến công tác tại Brazil và Dominicana
4 giờ trước Sự kiện
Chuyến công tác của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính tới Brazil và tham dự Hội nghị Thượng đỉnh G20, thăm chính thức nước Cộng hòa Dominicana đã thành công tốt đẹp.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Chuyện vặt thời đã qua: Ổ rơm nhà nghèo