Các đình thần thời Minh Mạng đã soi chân tơ kẽ tóc nhưng chẳng hề có cái chuyện nào là việc Lê Văn Duyệt tự tiện chém trọng thần Hoàng Công Lý mà không báo cho Minh Mạng biết. Như vậy là đủ biết giai thoại Lê công kỳ án mang sặc màu sắc hư cấu, xa rời lịch sử.
Phó tổng trấn Gia Định là sủng thần thời Gia Long bị Minh Mạng xử chết vì tham nhũng
Không có chuyện vua Minh Mạng xử tử cha vợ là Phó tổng trấn Gia Định
Sự phi lý trong giai thoại Lê Văn Duyệt chém đầu cha vợ Minh Mạng
Cuốn Ký ức lịch sử về Gia Định và các vùng phụ cận của Trương Vĩnh Ký (1885) chỉ để ghi chép về các giai thoại mang màu sắc lịch sử ở Gia Định. Trong đó, giai thoại về Lê Văn Duyệt qua mặt Minh Mạng chém lén Hoàng Công Lý chỉ được nêu bởi lý do Phó tổng trấn Hoàng (hay Huỳnh) Công Lý trêu ghẹo các bà vợ của Tả quân.
Giai thoại này quá bôi bác Lê Văn Duyệt nên những người kính trọng Tả quân không thấy thoải mái. Thời gian sau, biến thể giai thoại xuất hiện trong dân gian diễn giải khác vụ việc bằng cách trộn một ít giai thoại được Trương Vĩnh Ký ghi và các chi tiết được chính sử của nhà Nguyễn ghi trong Đại Nam thực lục.
Câu chuyện biến thể thành: Hoàng Công Lý có con gái được Minh Mạng sủng ái phong là Huệ phi. Cậy thế "cha vợ" của vua, Hoàng Công Lý tham nhũng ở Gia Định. Lê Văn Duyệt biết chuyện tâu lên rồi sợ Minh Mạng có ý bênh "cha vợ" nên dùng thượng phương bảo kiếm chém đầu Hoàng Công Lý. Sau đó, Minh Mạng căm giận Lê Văn Duyệt chém cha vợ nhưng lại... đuổi Huệ phi ra khỏi cung.
Giai thoại này so với ghi chép của Trương Vĩnh Ký đã có sự "tiến hóa" hơn rất nhiều. Chuyện Lê Văn Duyệt chém Hoàng Công Lý vì ghen tuông đã bị gạt ra ngoài không còn dấu tích. Lê Văn Duyệt trong giai thoại mới chấp pháp không còn vì lòng ghen tuông nhỏ nhen nữa mà đã hóa thân thành một vị thanh quan kiểu Bao Công bên Tàu, không sợ cường quyền, tiền trảm hậu tấu.
Giai thoại vốn được sáng tác ngẫu hứng và từ dân gian mà ra nên khó biết cụ thể ai sáng tác hay chính xác vào thời điểm nào. Tuy nhiên, có thể tin giai thoại với màu sắc đậm chất "kỳ án" này dễ đến từ các vở hát bội trong miền Nam hay từ các tiểu thuyết dã sử nở rộ khoảng nửa đầu thế kỷ 20. Cá nhân người viết bài này thì thấy giai thoại biến thể mang màu sắc sân khấu nhiều hơn.
Sinh thời, Lê Văn Duyệt được biết đến như một người rất mê hát bội (trong Đại nam thực lục đệ nhị kỷ - quyển XCIX có chép: Vua ra lệnh cho Binh bộ truyền dụ các Tướng quân và Tham tán các đạo ở Nam Kỳ rằng... trong con hát phường trò của Lê Văn Duyệt, trước đây nhiều kẻ theo giặc, quấy rối cướp bóc dân gian, nay nếu trốn ở chỗ nào, nhất thiết bắt cả để trị tội). Các nghệ sĩ hát bội miền Nam sau đó dựng vở Lê công kỳ án để khắc họa hình tượng, ca ngợi công trạng viên tổng trấn Gia Định họ Lê. Bản thân cái tên Lê công kỳ án nghe đã khá giống với Bao Công kỳ án vốn bắt đầu được lưu truyền khá phổ biến ở miền Nam khi ấy. Rất nhiều chi tiết từ Bao Công kỳ án trong vụ xử án được chuyển hóa vào Lê công kỳ án như việc dùng thượng phương bảo kiếm chém đầu người nhà một bà phi được vua sủng ái. Thượng phương bảo kiếm có tồn tại trong lịch sử hay không là vấn đề cần xem lại.
Vở Lê công kỳ án sẽ không thể có chất kịch ăn khách nếu cứ tả đúng trong lịch sử là Lê Văn Duyệt chém đầu Hoàng Công Lý về tội Lý tham nhũng. Thay vào đó, vở kịch này có những điểm được đẩy lên cao trào, tạo sự hấp dẫn bằng cách lồng ghép chi tiết Hoàng Công Lý có con gái được vua Minh Mạng sủng ái. Và có lẽ vì vở kịch quá hay, quá thành công nên nó đã đóng đinh trong tâm trí nhiều người về giai thoại Lê công chém đầu cha vợ Minh Mạng không khác gì chuyện Bao Công xử trảm phò mã Trần Thế Mỹ, hay Bao Công có thượng phương bảo kiếm nên không sợ Bàng thái sư. Trên thực tế, những vụ kể trên của Bao Công đều là xạo cả nhưng dân gian vẫn tin vì trót ngấm kịch trong đầu. Lịch sử được chế biến trên sân khấu vốn là chuyện bình thường nhưng tuyệt đối hóa kịch để tin là lịch sử thì lại là chuyện khác.
Tuy nhiên, giai thoại đầy tính kịch này lại bộc lộ những chi tiết vô cùng phi lý. Người tạo ra nhân vật Huệ phi đã không biết vào thời điểm năm 1821 (Hoàng Công Lý bị chấp pháp) thì vua Minh Mạng chưa lập chức Huệ phi mà mãi đến năm 1836 mới lập tước này trong hậu cung. Trong những năm tháng trị vì, Minh Mạng cũng không phong ai là Huệ phi mà chỉ có Huệ tần mang họ Trần chứ không phải họ Hoàng.
Và ngay trong chính giai thoại tạm gọi là Lê công kỳ án thì tự bản thân nó cũng tồn tại mâu thuẫn về chi tiết Huệ phi. Nếu Minh Mạng vì sủng ái Huệ phi có ý bênh vị cha vợ thì sau khi Lê Văn Duyệt bị chém trộm, ông vua sẽ cư xử với Huệ phi thế nào? Theo logic thì sẽ càng yêu thương bù đắp Huệ phi chứ không thể đuổi ra khỏi cung vì lỗi của người cha. Còn nếu Minh Mạng nén đau, đuổi Huệ phi để trừng phạt vì tội của người cha thì đó là một hành động vì đại nghĩa, chính sử nhà Nguyễn càng phải ghi chép nêu cao gương sáng. Nhưng trên thực tế, Đại Nam thực lục hay Minh Mạng chính yếu đều không có dòng nào nói về hành động này. Không lẽ chính sử nhà Nguyễn lại tự "đục" đi chi tiết "ghi điểm" của Minh Mạng với hậu thế.
Từ giai thoại kiểu Lê công kỳ án này về sau đã xuất hiện các bài phân tích sử liệu cho rằng Minh Mạng để bụng chuyện Lê Văn Duyệt xử trảm cha vợ nên sau vụ án Lê Văn Khôi, Minh Mạng đã trả thù Lê Văn Duyệt. Thực tế thì Minh Mạng cũng chẳng tiếc thương gì Hoàng Công Lý nên mỗi dịp ra dụ là lại quở trách viên quan bị kết tội tham nhũng hết lời. Thậm chí, có lần vua ra dụ phê vụ Lê Văn Khôi làm loạn đã thóa mạ cả Lý lẫn Duyệt: "Gia Định là nơi dấy nghiệp vương, nhân dân vốn có tiếng là trung nghĩa. Đức Thế tổ Cao hoàng đế ta từ khi gây dựng cơ sở, đến khi có cả nước Đại Việt, hợp nhất bức dư đồ, đều là nhờ ở lòng dân Gia Định. Sau khi đại định, vỗ về gìn giữ cho dân được yên ổn hàng hơn 30 năm, trông nhờ đức hóa của triều đình kể đã sâu và dày. Vậy mà bọn Trấn thủ Gia Định cũ là Hoàng Công Lý và Lê Văn Duyệt không có hay tuyên dương đức hóa để cho quân và dân được hòa vui, đến nỗi xảy việc phản trắc chẳng yên, là vì nguyên do đã từ lâu rồi" (trích đệ nhị kỷ - quyển XCVI).
Hơn nữa, việc truy tội của Lê Văn Duyệt cũng được ghi rất rõ trong sử. Đệ nhị kỷ, quyển CLXII chép vào năm Minh Mạng thứ 16 (1835) kể lúc truy luận về tội của nguyên Tổng trấn thành Gia Định là Lê Văn Duyệt, vua Minh Mạng có cho đình thần nghị tội.
"Khi lời đình nghị dâng lên, Duyệt vì lời nói và việc làm bội nghịch, có 7 tội đáng chém:
1. Sai người riêng của mình sang Diến Điện, kết ngoại giao ngầm.
2. Xin đưa thuyền Anh Cát Lợi đến thành Gia Định để tỏ mình có quyền.
3. Xin giết Thị vệ Trần Văn Tình để khóa miệng người khác.
4. Dâng sớ chống lại mệnh vua, cố xin cho viên quan đã bổ thụ đi nơi khác được lưu lại và điều một viên quan đi làm việc khác khi đã có chiếu chỉ tuyên triệu (chỉ việc Trần Nhật Vĩnh và Lê Đại Cương).
5. Kết bè đảng, xin cho Lê Chất được thêm tuổi thọ.
6. Dấu riêng những giấy đóng sẵn ấn ngự bảo.
7. Gọi mộ tiên nhân là “lăng”; đối với người tự xưng là “cô“
Có 2 tội đáng xử, thắt cổ chết (cố xin dung nạp sứ giả Diến Điện để hòng bào chữa điều mình đã sai trái đó là một. Nói với người ta về việc xin được thơ tiên giáng bút có câu “Trần Kiều” và “Hoàng Bào”. Đó là hai);
Có 1 tội đáng phải sung quân (tự tiện bắt biền binh đóng thuyền riêng).
Duy sự biến loạn ở Phiên An, thực Duyệt là người đứng đầu gây vạ, chiếu theo luật mưu phản, nên khép tội lăng trì. Song Duyệt đã trước chịu tội âm rồi, thì xin truy đoạt bằng sắc, và bổ áo quan, phanh thây ra để tỏ sự răn dạy rõ ràng. Còn những cáo sắc phong tặng cho đời cụ, đời ông và bố mẹ của Duyệt đều thu lại cả. Các mồ mả tiên nhân có chỗ nào tiến lạm trái phép thì đều hủy bỏ đi. Các con em và vợ cả vợ lẽ của Duyệt đều xử tội có phân biệt, tài sản đều tịch thu".
Có thể thấy các đình thần thời Minh Mạng đã soi chân tơ kẽ tóc nhưng chẳng hề có cái chuyện nào là việc Lê Văn Duyệt tự tiện chém trọng thần Hoàng Công Lý mà không báo cho Minh Mạng biết. Như vậy là đủ biết giai thoại Lê công kỳ án mang đặc màu sắc hư cấu, xa rời lịch sử không khác mấy Bao Công kỳ án.
Nhưng giai thoại về câu chuyện này không dừng lại ở đây mà tiếp tục tiến hóa, biến thể thành phân tích, nhận định khác vẫn bám vào tiên đề không có bằng chứng lịch sử: "Minh Mạng là cha vợ của Hoàng Công Lý". Chúng ta sẽ bàn tiếp điều này cũng như chuyện so sánh tính nặng nhẹ của chính sử và dã sử trong kỳ sau.
Anh Tú