Hương đất hương cây thoang thoảng trên bao nấm mồ những người lính nông dân chất phác hiền lành. Đọc từng hàng tên tuổi khắc vào tấm bia danh sách liệt sĩ, tự dưng cứ tới mỗi tên người thì trong đầu tôi lại hình dung rõ mồn một những khuôn mặt mình đã từng gặp hồi xưa.

Chuyện nghĩa trang

14/07/2017, 06:05

Hương đất hương cây thoang thoảng trên bao nấm mồ những người lính nông dân chất phác hiền lành. Đọc từng hàng tên tuổi khắc vào tấm bia danh sách liệt sĩ, tự dưng cứ tới mỗi tên người thì trong đầu tôi lại hình dung rõ mồn một những khuôn mặt mình đã từng gặp hồi xưa.

Nghĩa trang liệt sĩ xã Thụy Hương (Hải Phòng) quê tôi, nơi yên nghỉ của hơn một trăm liệt sĩ - Ảnh: N.T

Tháng 7 ngày 27 tây hằng năm, theo lịch lễ lạt mới ở xứ ta, là ngày Thương binh liệt sĩ. Có lẽ trong vô vàn lễ mới được chế độ hiện thời xác lập, đây là ngày lễ được lòng người nhất bởi có nhiều lý do:

Vấn đề tâm linh. Ở một nước mà lòng tin, niềm tin của con người vào những điều tâm linh huyền bí còn sâu nặng thì lễ như thế này dễ được số đông ủng hộ.

Đạo lý. Người xứ ta trọng cái tình cái nghĩa, “uống nước nhớ nguồn”, “ăn quả nhớ kẻ trồng cây”, biết ơn người đã ngã xuống cho đất nước là việc không bao giờ thừa.

Ảnh hưởng của lịch sử. Một đất nước suốt hơn nửa thế kỷ giặc giã chiến tranh, đánh nhau liên miên, thù trong giặc ngoài, hàng mấy triệu người lính bỏ mạng trên chiến trường, cũng không ít hơn số đó bị thương tật, tàn phế, ngoài ra vô vàn thanh niên xung phong, dân công hỏa tuyến, lái xe, chèo đò… ngã xuống, vậy thì có một ngày như thế là cần thiết.

Cứ đến ngày 27.7, dân chúng và đại diện chính quyền đều đến nghĩa trang liệt sĩ để thắp hương viếng, tưởng niệm liệt sĩ, những người đã chết cho đất nước và dân tộc. Vòng hoa, hương khói, đồ cúng bái tạo một không khí tâm linh dày đặc trên khắp nước. Hầu như ai cũng thầm cầu mong liệt sĩ phù hộ, độ trì cho người còn sống, người được sống, người đang sống được yên vui, hạnh phúc hơn. Trong tâm thức bao người, liệt sĩ chính là những vị phúc thần bảo hộ cho họ, cho cộng đồng.

Trên khắp nước, hầu như xã huyện tỉnh thành nào cũng có nghĩa trang liệt sĩ - Ảnh: N.T

Ở nước ta, miền Bắc cũng như miền Nam gần như xã nào cũng có nghĩa trang liệt sĩ. Ngoài nghĩa trang chung cho mọi người bình thường qua đời, thì nghĩa trang liệt sĩ chỉ dành riêng cho những người đã hy sinh, được chọn đặt ở những nơi cao ráo, rộng rãi, ở cuộc đất đẹp nhất. Nghĩa trang được xây cất cẩn thận, có tường rào bao quanh, có đài liệt sĩ sừng sững uy nghi làm trung tâm, xung quanh là mộ liệt sĩ châu về quần tụ. Xã nào, phường nào cũng có nghĩa trang liệt sĩ. Có những xã, số liệt sĩ lên đến hàng trăm người, mộ hàng ngang hàng dọc ken dày, nghĩa trang như một thế giới mênh mang của linh hồn. Rồi quận huyện nào cũng có, nghĩa trang đương nhiên còn lớn hơn. Cấp tỉnh, thành phố lại lớn hơn nữa, hoành tráng bề thế hơn. Và cuối cùng là cấp quốc gia. Một nước đánh nhau nhiều như thế, không thể không có nghĩa trang quốc gia. Nghĩa trang Trường Sơn, nghĩa trang Đường 9 (cùng ở tỉnh Quảng Trị), nghĩa trang Vị Xuyên (tỉnh Hà Giang) là những nghĩa trang quốc gia. Ở Hà Nội chỗ gần nhà quốc hội, góc quảng trường Ba Đình còn có một đài tưởng niệm quốc gia các anh hùng liệt sĩ, tuy nhỏ nhưng hầu như vị lãnh đạo nào lên cầm quyền cũng phải thường xuyên ra đó khấn để các liệt sĩ phù hộ cho đất nước. Những nghĩa trang lừng danh khác như Ngã ba Đồng Lộc (Hà Tĩnh), nghĩa trang Điện Biên, nghĩa trang Truông Bồn ở Nghệ An, nghĩa trang liệt sĩ Tám cô ở Quảng Bình, nghĩa trang Hàng Dương ở Côn Đảo…

Lại nhớ chuyện tôi được nghe kể lại. Năm xửa năm xưa, một vị tứ trụ quốc gia khi về thăm và làm việc tại tỉnh Quảng Trị, lâu nay cứ quen miệng đi đến đâu cũng nói nơi đó là địa phương có tầm quan trọng chiến lược, giàu cái này giàu cái kia, nói chán chê rồi thì yêu cầu, chỉ đạo tỉnh ta hãy phát huy tiềm năng và thế mạnh (bất cứ tỉnh nào vị ấy cũng chỉ một "bài" tiềm năng và thế mạnh). Đợi mọi người vỗ tay rào rào xong, ông đứng đầu tỉnh, vốn người địa phương, đứng lên phát biểu, đại loại, thưa đồng chí kính mến, Quảng Trị là tỉnh nghèo, nghèo nhất nước, đảng bộ, chính quyền và dân chúng đang nỗ lực phấn đấu nhưng còn nhiều khó khăn lắm, chả biết bao giờ mới thoát được nghèo. Thế mạnh của Quảng Trị hiện giờ chỉ là nghĩa trang liệt sĩ, tiềm năng là…hài cốt liệt sĩ (nói đến đó, ông ấy ngừng lại chắp tay thành kính xin vong linh các liệt sĩ tha thứ), không biết có phát huy được chăng. Cấp trên nghe vậy sầm mặt, cuộc họp tan. Sau nghe đâu ông quan tỉnh phải về hưu sớm.

Quê tôi, xã Thụy Hương huyện Kiến Thụy (Hải Phòng) cũng có nghĩa trang liệt sĩ. Bắt chước câu thơ của thi sĩ Nguyễn Khoa Điềm, thì khi ta lớn lên nghĩa trang đã có rồi, lúc tôi còn bé tí đã thấy nghĩa trang liệt sĩ xã mình. Đó là gò đất cao nho nhỏ góc ngay sát chùa Trà Phương được xếp hạng di sản quốc gia, cạnh đường liên thôn. Nghĩa trang chỉ có mấy chục ngôi mộ, phần lớn là liệt sĩ hy sinh thời chống Pháp, nho nhỏ nhưng trang nghiêm. Ngay cổng vào, hai bên là đôi câu đối, hầu như đứa học trò nào lứa tuổi tôi cũng thuộc (bởi hằng ngày đi học ngang qua): “Liệt sĩ hy sinh vì chính nghĩa/Toàn dân ghi tạc nhớ công ơn”, chữ quốc ngữ nhưng đắp cách điệu theo kiểu chữ triện Hán. Tại đây có mộ 17 chiến sĩ công an vũ trang của đội công an xung phong tỉnh Kiến An hy sinh ngày 10.2.1947 ngay tại làng tôi do bị quân Pháp tập kích. Tôi còn nghe kể, khi anh em đang quây quần ăn cơm ở sân nhà ông Mỹ xóm Bến thì bị Pháp bao vây. Nó kéo đến đột ngột quá, anh em trở tay không kịp, nhiều người chạy ra trốn ở ruộng khoai cánh Bến vẫn bị chúng đuổi theo bắn chết. Khi hòa bình, phần mộ liệt sĩ được quy tập về nghĩa trang này. Các anh ấy thiêng lắm. Tôi cũng nghe nhiều người kể thỉnh thoảng, nhất là vào đêm rằm hoặc đêm giao thừa, lại thấy các anh ấy đi từng đoàn, hành quân suốt đoạn đường từ ngã ba ông Viên tới nghĩa trang. Đi có đội ngũ súng ống hẳn hoi, trò chuyện rì rào, chỉ đến khi gần sáng, sương trắng và hơi nước từ dưới đầm bốc lên mờ mờ ảo ảo thì các anh mới biến mất.

Cũng tại nghĩa trang này, năm 1966 bổ sung một liệt sĩ người Bình Định là thiếu úy Trần Phúc Cán, sĩ quan ra đa ở trận địa tên lửa Mả Đò. Anh Cán hy sinh bởi máy bay Mỹ phóng tên lửa Shrike mò theo sóng chỉ dẫn tên lửa SAM1 của ta, trúng ngay buồng điều khiển. Sau này hòa bình, mộ liệt sĩ Cán được thân nhân đưa về quê hương. Năm 2005, có một số chuyện gia quân sự Liên Xô đăng trên báo Quân đội nhân dân tìm đồng đội cũ là sĩ quan tên lửa Tran Phuc Can, tôi đọc được tin ấy, đoan chắc đó là anh Cán hy sinh ở làng tôi, liền viết một bài trên blog kể về đám tang anh. Có người từng đi học sĩ quan ở Liên Xô đọc bài đó bèn mách cho mấy chuyên gia kia, họ mới biết là anh Cán đã hy sinh, sau đó họ vào Bình Định thắp hương cho anh.

Cách nay hơn chục năm, gia tộc Nguyễn nhà tôi nhờ có các nhà ngoại cảm giúp đỡ, và nhất là nhờ những người con của bà “địa chủ” Nguyễn Thị Năm (người bị cách mạng xử lý, giết oan thời cải cách ruộng đất) tận tình hướng dẫn nên đã tìm được mộ của ông chú ruột tôi hy sinh chôn tại khu vực đồn điền của bà Năm trên vùng Đồng Bẩm, tỉnh Thái Nguyên. Và cuối cùng, sau hơn nửa thế kỷ nương tạm quê người, ông chú liệt sĩ Nguyễn Văn Liễn của tôi đã trở về quê nhà, đăng ký hộ khẩu chính thức tại nghĩa trang liệt sĩ xã Thụy Hương.

Sáng 6.7.2017 vừa qua, tôi lên nghĩa trang để thắp hương chú tôi và các liệt sĩ dù còn những hơn 20 ngày nữa mới tới ngày lễ trọng bởi tôi chỉ có ít ngày ở quê. Nghĩa trang mới không nép bên góc chùa nữa mà gần núi Trà, rộng rãi, khang trang ven đường trục chính. Nhiều mộ hơn, gấp đôi hồi nghĩa trang cũ. Gió thổi lồng lộng, hương đất hương cây thoang thoảng trên bao nấm mồ những người lính nông dân chất phác hiền lành. Đọc từng hàng tên tuổi khắc vào tấm bia danh sách liệt sĩ, tự dưng cứ tới mỗi tên người thì trong đầu tôi lại hình dung rõ mồn một những khuôn mặt mình đã từng gặp hồi xưa. Anh Chuyện, anh Trò (hai anh em ruột, cùng con bà cụ Hiếm mẹ Việt Nam anh hùng) hy sinh cách nhau có một năm; anh Loa, anh Mạnh, anh Vo, Sửu, Cư, Ưởng, Duyên, Sùng, Loa, Vạm, Tịnh, Ao, Luật, Nhậy, Minh, Hữu, Hiển… các anh ấy tôi đều quen biết cả, có mấy người là anh họ; đặc biệt là anh Hữu và anh Hiển cùng tuổi với tôi, đều người nhà bên ngoại, học chung hết cấp 2 rồi các anh đi bộ đội, giờ về yên nghỉ nơi đây. Anh Hữu (con bác Tư) to khỏe, còn anh Hiển (con bác Vình) thấp nhỏ, khi khám sức khỏe không đủ cân nhưng sau năm 1968 thiếu lính nên người ta vẫn lấy đi. Tôi cảm giác dường như hai anh đang quẩn quanh đâu đó, khuôn mặt rõ lắm, hệt như khi chúng tôi còn đi học, đánh dậm, câu cá, tát nước, đập lúa… với nhau. Tôi khấn các liệt sĩ, khấn hai anh rồi xin phép về, lòng man mác buồn dù bao nhiêu năm sau chiến tranh đã trôi qua.

Cũng chuyện nghĩa trang, nhiều lúc nghĩ cám cảnh cho những người bên kia chiến tuyến bị chết trận. Họ không được gọi là hy sinh, đương nhiên không thể là liệt sĩ. Bị lãng quên. Thân phận con người, ngay cả sau khi chết vẫn khác nhau một trời một vực trong cõi tạm này. Liệu những linh hồn có hóa giải hận thù, bắt tay nhau hòa hợp ở thế giới bên kia?

Nguyễn Thông

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Thủ tướng: Khởi nghiệp sáng tạo có khả năng tạo ra những thay đổi đột phá
9 giờ trước Khoa học - công nghệ
Thủ tướng Phạm Minh Chính cho biết khởi nghiệp sáng tạo góp phần nâng cao năng suất, chất lượng… và cũng có khả năng tạo ra những thay đổi đột phá.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Chuyện nghĩa trang