Có nhiều thú chơi nghệ thuật nhưng có lẽ chơi tranh thuộc hạng đắt giá và khó nhất. Những tác phẩm nổi tiếng của các danh họa trong nước hiện không còn nhiều và bị sao chép lan tràn. Nếu không có kinh nghiệm cùng kiến thức hiểu biết thì chắc chắn kẻ sưu tập đã "sa trận" vào địa đồ hư hồ tranh giả...

Sưu tập tranh quý: Nghề chơi cũng lắm công phu

11/07/2017, 15:31

Có nhiều thú chơi nghệ thuật nhưng có lẽ chơi tranh thuộc hạng đắt giá và khó nhất. Những tác phẩm nổi tiếng của các danh họa trong nước hiện không còn nhiều và bị sao chép lan tràn. Nếu không có kinh nghiệm cùng kiến thức hiểu biết thì chắc chắn kẻ sưu tập đã "sa trận" vào địa đồ hư hồ tranh giả...

Mèo, tranh của danh họa Nguyễn Sáng

*Từ câu chuyện phiêu lưu của "Mèo Paris" về Sài Gòn...

Một bức sơn mài của họa sĩ Nguyễn Sáng từ Paris, Pháp bí mật đáp xuống sân bay Tân Sơn Nhất để thuộc về sưu tập riêng của một người yêu tranh.

Chưa bao giờ nhận mình là một nhà sưu tập, tuy đã từng mở cà phê gallery tranh đầu năm 1988 trên đường Võ Văn Tần – Quận 3, TP.HCM và hiện nay, bộ sưu tập cá nhân có khá nhiều tranh, bút tích, tư liệu quý của các danh họa, nghệ sĩ nổi tiếng như nhà thơ Hoàng Cầm, Hoàng Lập Ngôn, Lưu Công Nhân, Nguyễn Tấn Cương, Đỗ Hoàng Tường… nhưng chủ nhân - anh Nguyễn Trường Sơn (giới thạo tranh thường biết dưới cái tên Sơn Bê), vẫn chỉ nhận mình là một người yêu tranh, yêu cái đẹp nghệ thuật hội họa.

Và anh đã không tránh khỏi hồi hộp khi kể về phi vụ kéo dài cả chục năm trời ròng rã khi theo đuổi mua bằng được bức tranh sơn mài vẽ Mèo của họa sĩ Nguyễn Sáng đang ở tận…Paris (!). Thật ly kỳ khi biết rằng, “Mèo” đã từng theo chủ nhân nó đi khắp thế giới từ Paris, qua Úc, trở lại Pháp và cuối cùng lại về Việt Nam.

Anh Bê nói: “Khi đang thương lượng những bước cuối cùng, tôi mất ngủ mấy đêm liền. Phần lo tiền, phần hồi hộp khi hình dung đường về của bức tranh. Lúc được tin “Mèo” đã xuống Sài Gòn, tôi lao ra sân bay ngay…”. Anh mường tượng để kể lại đích xác tâm trạng sung sướng lúc đó: “Bức sơn mài gồm 4 tấm vóc (tên gọi chất liệu, ở đây là gỗ thực hiện bức tranh) ghép lại với nhau. Mỗi tấm được tháo rời và chủ nhân nó bọc trong một tấm khăn lụa vuông. Chỉ cần mở một tấm khăn, nhìn màu sơn, nét vẽ, chứng kiến cái đuôi mèo ngúc lên trời quen thuộc. Đúng là tranh Nguyễn Sáng không thể lẫn vào đâu được. Tôi quyết định không cần kiểm tra tiếp nữa mà đưa ngay tranh về nhà…”.

Mèo là đề tài độc đáo của Nguyễn Sáng. Sinh thời, hoạ sĩ đã có nhiều thể nghiệm, sáng tạo vẽ Mèo.

Trong mỹ thuật việc quá tin vào một bức tranh, thiếu sự thẩm định chuyên nghiệp và sáng suốt đôi khi phải trả giá rất đắt. Nhưng với anh Bê, người đã dày công hàng chục năm trời để đeo đuổi một bức tranh thì như “nhập hồn”, thuộc lòng từng đường nét. Anh cho biết từ năm 1983, cùng thời gian thực hiện bức tranh “Mèo” này, họa sĩ Nguyễn Sáng đã phải dùng dao “xả” bỏ một bức cùng chủ đề khi đã thực hiện sắp xong bởi phát hiện ra một tấm vóc bị mối mọt ăn thủng. Vì thế trên thị trường tranh hiện nay có giai thoại đang tồn tại đến hai bức “Mèo” của Nguyễn Sáng. Tuy nhiên, anh cũng cung cấp cho tôi xem xác nhận từ Vựng tập Nguyễn Sáng đặc biệt của Hội Nghệ sĩ tạo hình và Bảo tàng Mỹ thuật VN. Vựng tập này được phát hành nhân triển lãm của họa sĩ năm 1984: Xác nhận Ban tổ chức có mượn bức sơn mài chủ đề “Mèo” thuộc sở hữu của ông Phạm Ngọc Tây. Và chính ông Tây (nay đã mất) từ Paris chuyển nhượng lại trở về VN cho anh.

Giặc đốt làng tôi - Hoạ sĩ Nguyễn Sáng vẽ năm 1954.

Nhân nói về “Mèo”, có lẽ nên tìm hiểu đôi nét về phong cách đặc biệt của Nguyễn Sáng. Cuộc đời sóng gió và tài năng vượt trội của ông là điều không còn bàn cãi. Những tác phẩm nổi tiếng Giặc đốt làng tôi, Tình quân dân, Thanh niên Thành đồng, Thiếu nữ và hoa sen… đã khẳng định đẳng cấp tối thượng của ông trong lịch sử phát triển của mỹ thuật Việt. Với những tuyên ngôn quyết liệt, mang tính dấn thân đến cùng cho nghệ thuật thực tiễn đã khai sinh và bùng nổ thế giới riêng của Nguyễn Sáng. Với “Mèo” điều đó lại càng chứng nghiệm. Trước hết, bức tranh thoát khỏi những đề tài thường thấy trong tác phẩm của họa sĩ từ trước đến giờ. “Mèo” đi thẳng vào nội dung tình yêu, cụ thể là ẩn ức tính dục mà nhà phân tâm học Sigmund Freud gọi là “thượng tầng tiềm thức”. Với những nghệ sĩ lớn, từ trường và xung năng của họ khá đặc biệt. Trên tác phẩm, họ giải quyết được một năng lượng đáng kể. Bức sơn mài vẽ hai con mèo vờn nhau, “động tình” (hay hứng tình?) chuẩn bị giao hoan. Con mèo đực to, đuôi quất lên trời trong khi con mèo cái nhỏ hơn thế nằm thu gọn, chờ đợi khá vững chãi. “Chưa chắc mèo nào cắn mỉu nào”. Lý thuyết hay cái duyên ngầm của tình yêu bao giờ cũng thâm thúy như thế!

Chân dung tự hoạ ."Tôi chẳng có gì ngoài tấm lòng và hai bàn tay trắng" (Nguyễn Sáng)

Để “săn” được bức tranh giá trị, tiêu biểu nhất của Nguyễn Sáng về nghệ thuật sơn mài từ Pháp về VN, theo anh Bê còn là cơ duyên. Phạm Ngọc Tây vốn là một kỹ sư làm việc ở Tổng cục bưu điện Hà Nội. Cũng như nhiều người, ông Tây mê “tranh Sáng” quê ăn quên ngủ. Qua một người bạn thân của họa sĩ giới thiệu, ông mới có dịp tiếp cận được khi họa sĩ mới bắt đầu vẽ. Năm 1984, ông Tây cùng gia đình ra nước ngoài đưa cả bức tranh theo. Từ Pháp, qua Úc theo bước chân thăng trầm của chủ nhân và “Mèo” đã hơn một lần có dịp về VN khi anh Bê ngỏ ý muốn được chuyển nhượng “Mèo” nhưng đã có thay đổi vào giờ chót từ phía ông Tây. Cho đến khi ông qua đời người mê tranh mới kết thúc vụ “săn” tranh kéo dài gần 30 năm.

Mèo - Tranh của danh họa Nguyễn Tư Nghiêm

*Đến thử xác định lại thị phần tranh Việt trên bản đồ nghệ thuật thế giới

“Mèo” chỉ là một câu chuyện có thật trong rất nhiều giai thoại khi các nhà sưu tập “truy tầm”, “trì chí” đeo đuổi tranh quý. Một thời gian dài, hội họa VN chưa được đánh giá đúng mức, rất nhiều tranh đỉnh của các danh họa như Nguyễn Phan Chánh, Tô Ngọc Vân, Nguyễn Sáng, Dương Bích Liên… và nhiều tên tuổi khác đã bị đưa ra nước ngoài với giá “rẻ như cho”, sao cũng được”, “báo đổ bán tháo”. Gần đây nhiều nhà sưu tập có ý thức hơn với công việc này.

Trở về từ Art Singapore, hội chợ mỹ thuật lớn nhất Đông Nam Á, nhà sưu tập Đỗ Huy Bắc cho hay ông cảm thấy rất tiếc khi chứng kiến bức tranh của họa sĩ Lê Phổ đã thuộc về nhà sưu tập người Hàn với giá hơn 35 ngàn USD. “Với bức tranh của họa sĩ Lê Phổ tôi nghĩ đây là một cái giá không đắt. Nhưng còn khá nhiều thủ tục rườm rà từ việc định giá để thiết lập mua một bức tranh đến khi chuyển về nước đó là một lực cản khiến chúng tôi chưa thể quyết định ngay được…”.

Tranh họa sĩ Lưu Công Nhân

Nhà sưu tập Lưu Quốc Bình cho biết tranh của bố ông, cố họa sĩ Lưu Công Nhân, đã từng được niêm yết với giá khá cao, trên 50 ngàn USD, tại hội chợ triển lãm này. Gần đây nhất là dư luận tranh họa sĩ Bùi Xuân Phái giả đã xuất hiện trong triển lãm Sotheby’s, hãng đấu giá hàng đầu và nổi tiếng thế giới, có lịch sử thành lập vào giữa thế kỷ 18 tại Hồng Kông cách đây mấy năm gây ồn ào thực hư chưa dứt. Nhưng tất cả đã cho thấy tranh của các họa sĩ VN bắt đầu có thị phần, có tiếng nói riêng trên thị trường nghệ thuật thế giới. Đó là những dấu hiệu tốt và đáng mừng cho cuộc phục hưng lập lại các giá trị đích thực cho tranh Việt…

Đông Dương

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Thúc đẩy hợp tác Nghị viện giữa Việt Nam và Nhật Bản đi vào thực chất
3 giờ trước Theo dòng thời sự
"Chuyến thăm chính thức Nhật Bản của Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn có ý nghĩa đặc biệt quan trọng, nhằm hiện thực hóa đường lối, chính sách đối ngoại của Việt Nam, thúc đẩy quan hệ hợp tác trên kênh nghị viện giữa Quốc hội Việt Nam với Thượng viện và Hạ viện Nhật Bản đi vào thực chất và bền vững".
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Sưu tập tranh quý: Nghề chơi cũng lắm công phu