Chiều nay (1.3), tại buổi họp báo thường kỳ tháng 2 của Chính phủ, Phó tổng Thanh tra Chính phủ Bùi Ngọc Lam đã thông tin cho báo chí liên quan đến việc xử lý sau thanh tra dự án mở rộng sản xuất giai đoạn 2 - Công ty Gang thép Thái Nguyên (TISCO).

Chuyển hồ sơ sai phạm tại Gang thép Thái Nguyên sang Bộ Công an

01/03/2019, 21:45

Chiều nay (1.3), tại buổi họp báo thường kỳ tháng 2 của Chính phủ, Phó tổng Thanh tra Chính phủ Bùi Ngọc Lam đã thông tin cho báo chí liên quan đến việc xử lý sau thanh tra dự án mở rộng sản xuất giai đoạn 2 - Công ty Gang thép Thái Nguyên (TISCO).

Công ty Gang thép Thái Nguyên mắc nhiều sai phạm - Ảnh: VnEconomy

Phó tổng Thanh tra Chính phủ Bùi Ngọc Lam cho hay, đối với dự án cải tạo của Công ty CP Gang thép Thái Nguyên giai đoạn 2, Thanh tra Chính phủ đã có Thông báo 199 ngày 20.2.2019.

Trong đó có nhiều nội dung liên quan đến kết quả thanh tra, giải pháp tháo gỡ khắc phục, cụ thể như kiến nghị với Thủ tướng Chính phủ phải tiếp tục thực hiện các giải pháp, biện pháp xử lý đối với dự án đã được Thủ tướng Chính phủ có ý kiến chỉ đạo tại Quyết định số 1468 ngày 29.9.2017, nằm chung trong tổng thể 12 dự án yếu kém của Bộ Công Thương.

Đồng thời, giao cho các bộ ngành liên quan chỉ đạo Công ty Gang thép Thái Nguyên, VNSteel (đại diện chủ sở hữu phần vốn nhà nước tại Tisco) rà soát lại tổng thể, những nội dung nào cần thiết phải khởi kiện. Thanh tra Chính phủ cũng đã phối hợp với Bộ Công an, chuyển hồ sơ này sang Bộ Công an xem xét, xử lý.

Trước đó, Phó thủ tướng Thường trực Trương Hòa Bình yêu cầu các đơn vị, cá nhân liên quan thực hiện theo kết luận thanh tra của Thanh tra Chính phủ về dự án mở rộng sản xuất giai đoạn 2 - Công ty Gang thép Thái Nguyên.

Dự án cải tạo mở rộng sản xuất giai đoạn 2 - Công ty Gang thép Thái Nguyên có tổng mức đầu tư là 3.843 tỉ đồng được Chính phủ giao Tổng công ty Thép Việt Nam (VNS) tổ chức thẩm định, xem xét phê duyệt, còn Công ty Gang thép Thái Nguyên (TISCO) là chủ đầu tư.

Dự án gồm 2 gói thầu chính là gói thầu mỏ sắt Tiến Bộ đã hoàn thành đưa vào sử dụng với giá trị thanh toán là 442 tỉ đồng và gói thầu thiết kế, cung cấp thiết bị công nghệ và thi công xây dựng công trình (gọi tắt là EPC) dây chuyền công nghệ luyện kim trị giá 160,9 triệu USD đấu thầu rộng rãi. Đơn vị trúng thầu là Tập đoàn xây lắp luyện kim Trung Quốc (MCC).

Thanh tra Chính phủ kết luận chủ trương đầu tư dự án là phù hợp với yêu cầu thực tế. Tuy nhiên, quá trình thực hiện dự án, các đơn vị và cá nhân liên quan trong đó có TISCO, MCC, VNS và Bộ Công Thương đã có những khuyết điểm, sai phạm.

Đến thời điểm thanh tra, tổng giá trị TISCO đã thanh toán cho dự án là 4.421 tỉ đồng; tổng dư nợ gốc, lãi vay ngân hàng phải trả là 3.896 tỉ đồng (hiện lãi vay phải trả trên 40 tỉ đồng/tháng), trong đó thanh toán cho MCC trên 92% giá trị hợp đồng nhưng các hạng mục của dự án đều chưa hoàn thành.

Ngoài ra, TISCO đã thanh toán thay MCC tiền thuế 11,6 triệu USD, thanh toán chi phí xếp dỡ, bảo quản thiết bị 4,7 tỉ đồng vượt giá trị hợp đồng. Trong khi đó MCC chưa chuyển đủ thiết bị, cung cấp nhiều máy móc thiết bị sai khác về xuất xứ, thông số kỹ thuật, không phù hợp với quy chuẩn Việt Nam với giá trị xác định bước đầu là 38,8 triệu USD. Hiện một số thiết bị đã rỉ sét, hư hỏng, ảnh hưởng nghiêm trọng đến tiến độ, chất lượng dự án, thiệt hại vốn đầu tư.

Thanh tra Chính phủ kết luận TISCO đã lập báo nghiên cứu tiền khả thi chưa đủ cơ sở trình VNS, Bộ Công Thương và Thủ tướng. Ngoài ra, đơn vị này thành lập Ban QLDA không đủ năng lực, ký hợp đồng EPC với MCC có một số nội dung không chặt chẽ, không kiểm soát chặt chẽ tiến độ tổng thể của dự án.

Sau 18 tháng kể từ ngày hợp đồng có hiệu lực, MCC không thực hiện nhưng TISCO không áp dụng điều khoản phạt hợp đồng đã ký, không báo cáo cấp có thẩm quyền xem xét hủy đấu thầu lại khi MCC đề nghị điều chỉnh hợp đồng đưa ra nhiều hạng mục không hợp lý, không có căn cứ.

Đặc biệt, TISCO đã điều chỉnh tổng mức đầu tư dự án lên 8.100 tỉ đồng không đúng quy định. Khi các bộ ngành cho rằng không có cơ sở điều chỉnh nhưng TISCO vẫn làm là cố ý vi phạm các quy định pháp luật về đầu tư.

Những vi phạm trên của TISCO có dấu hiệu cố ý làm trái các quy định của pháp luật, buông lỏng quản lý, gây thất thoát vốn đầu tư.

Còn Tổng công ty Thép Việt Nam (VNS) - đại diện chủ sở hữu vốn tại TISCO - đã chấp thuận nội dung báo cáo nghiên cứu tiền khả thi chưa đủ cơ sở do TISCO lập để trình Bộ Công Thương và Thủ tướng.

Bên cạnh đó, VNS còn thẩm định phê duyệt tổng mức đầu tư thiếu cơ sở, thiếu kiểm tra, giám sát dẫn đến việc TISCO thương thảo, ký kết hợp đồng, phụ lục hợp đồng và các hợp đồng thầu phụ thiếu chặt chẽ, không đúng quy định.

Trong những sai phạm được chỉ ra, có việc VNS không chỉ đạo TISCO phạt MCC vi phạm hợp đồng và báo cáo cấp có thẩm quyền xem xét để hủy đấu thầu lại theo quy định khi nhà thầu đề xuất điều chỉnh hợp đồng không có căn cứ pháp lý.

Sau đó, VNS còn đề nghị Thủ tướng điều chỉnh chi phí xây dựng phần C, đề nghị Bộ Công Thương trình Thủ tướng điều chỉnh tăng tổng mức đầu tư vi phạm các quy định của pháp luật.

Còn nhà thầu MCC, sau 18 tháng kể từ khi ký hợp đồng với TISCO, đơn vị này không thực hiện các điều khoản đã cam kết, chậm bàn giao thiết bị.

Ngoài ra, công ty này thỏa thuận với TISCO chuyển phần việc của cung cấp thiết bị sang thi công xây dựng để hưởng phí quản lý không đúng quy định; cùng TISCO ký hợp đồng với các nhà thầu phụ Việt Nam thực hiện thi công xây dựng vi phạm Điều 22 Nghị định số 209/2004/NĐ-CP; cung cấp nhiều máy móc, thiết bị có giá trị nhưng sai khác về quy cách chủng loại, xuất xứ so với hợp đồng.

Lam Thanh

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Thủ tướng đề nghị Mỹ xem xét công nhận Việt Nam có nền kinh tế thị trường
Sáng 27.11, tại Hội nghị Thượng đỉnh Kinh doanh Việt Nam – Mỹ, Thủ tướng Phạm Minh Chính đề nghị doanh nghiệp Hoa Kỳ tiếp tục tăng cường hợp tác, đầu tư vào Việt Nam, đồng thời đề nghị phía Mỹ khẩn trương xem xét công nhận Việt Nam có nền kinh tế thị trường.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Chuyển hồ sơ sai phạm tại Gang thép Thái Nguyên sang Bộ Công an