Trong báo cáo gửi Thủ tướng ngày 5.3, Bộ Y tế đề xuất cho F0 và F1 đi làm trong thời gian cách ly. Đề xuất này đã nhận được nhiều ý kiến từ các chuyên gia.

Chuyên gia nói gì về đề xuất cho F0, F1 đi làm trong thời gian cách ly?

Dạ Thảo | 07/03/2022, 18:05

Trong báo cáo gửi Thủ tướng ngày 5.3, Bộ Y tế đề xuất cho F0 và F1 đi làm trong thời gian cách ly. Đề xuất này đã nhận được nhiều ý kiến từ các chuyên gia.

Trao đổi với báo chí, PGS.TS Trần Đắc Phu nhấn mạnh, các F0, F1 đi làm trong thời gian cách ly vẫn phải thực hiện nghiêm các biện pháp phòng chống dịch bệnh, đặc biệt tuân thủ 5K để hạn chế tối đa sự lây nhiễm trong cộng đồng.

Hiện nay chủng Omicron với tốc độ lây lan nhanh đang chiếm ưu thế, dần thay thế chủng Delta nên số ca mắc tăng cao thời gian qua. Chủng này tuy triệu chứng nhẹ, nhưng ông Phu khuyến cáo phải hạn chế sự lây lan nếu không dễ dẫn đến quá tải hệ thống y tế, nhiều người tử vong và diễn biến nặng.

"Với một cơ quan, đơn vị, xí nghiệp cần có phương án, kịch bản như người nào giữ vị trí trọng yếu, người nào ở bộ phận nào được sắp xếp cho hợp lý để vừa có nhân lực phục vụ sản xuất, vừa vẫn phải phòng chống được dịch bệnh. Chúng ta phải chấp nhận cho sự lây lan để phục hồi nền kinh tế nhưng vẫn kiểm soát được dịch bệnh. Nếu các cơ quan, xí nghiệp, địa phương không thực hiện tốt các biện pháp phòng bệnh sẽ tiềm ẩn nguy cơ cả công ty thành F0, không còn ai đi làm", ông Phu cho hay.

covid-10.jpg
Dù các F0 hay F1 được đi làm cũng không nên chủ quan và phải thực hiện tốt các biện pháp 5K để tránh lây lan dịch bệnh

Đưa ra ý kiến của mình, PGS.TS Nguyễn Huy Nga, nguyên Cục trưởng Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) cho biết F0 không triệu chứng có thể đi làm nhưng phải đảm bảo tránh lây nhiễm cho người khác. Theo ông Nga, nguyên tắc khi F0 đi làm cần tuân thủ nghiêm 5K, hoặc phải có các điều kiện khác để tránh lây nhiễm như không tiếp xúc những người xung quanh, có phòng riêng... hoặc có thể làm online tại nhà nếu sức khỏe ổn định.

"Người bị F0 cần thông báo cho cơ quan chức năng và đơn vị hành chính nơi mình ở và thông tin cho công ty hoặc đơn vị làm việc của mình để mọi người có biện pháp phòng ngừa. Hiện nay, người dân đa số đã tiêm đủ 2 mũi vắc xin, thậm chí gần phủ hết vắc xin mũi 3 nên việc quay trở lại làm việc ở môi trường bình thường đang là điều hết sức khuyến khích tại các đơn vị hành chính".

Ông Nga cho rằng các nhóm F0 và F1 vẫn cần tuân thủ 5K, xét nghiệm sau 5-7 ngày theo quy định của Bộ Y tế. Hiện nay, ý thức tự giác của F1 là rất quan trọng trong việc bảo vệ cộng đồng.

Còn bác sĩ Trần Văn Phúc - Bệnh viện Đa khoa Xanh Pôn Hà Nội cho rằng bệnh COVID-19 chính là một loại bệnh truyền nhiễm nhóm A nguy hiểm, do vậy các cơ quan nhà nước phải kiểm soát chặt, cách ly các ca F0, F1.

Trong khi biến chủng Omicron hiện nay là chủ đạo, có tốc độ lây nhiễm gấp 540 lần chủng Delta, dẫn tới số ca F0, F1 tăng cao trong cộng đồng. Điều này kéo theo thực trạng thiếu hụt nguồn lao động. Hiện nay có đến 95% số ca mắc COVID-19 là không triệu chứng hoặc triệu chứng nhẹ và hàng triệu F1 đang bị cách ly. Như vậy, chúng ta đang lãng phí nguồn nhân lực rất lớn mà những người đó vẫn đang làm việc được.

"Tuy nhiên, chúng ta phải căn cứ vào yếu tố khoa học, đang chống dịch vậy không để người lao động tham gia lây lan dịch được. Thực tế, người nhiễm COVID-19 nếu tuân thủ biện pháp phòng bệnh cho cá nhân vẫn an toàn với bản thân họ và người xung quanh bằng việc sử dụng khẩu trang, khoảng cách, khử khuẩn. Những người bị F0, F1 thì nếu đi làm theo từng ngành nghề thì cần thực hiện tốt các biện pháp tránh lây lan dịch bệnh. Việc để các F0, F1 đi làm là mặt tích cực, tuy nhiên phải phụ thuộc từng ngành nghề chứ không phải ngành nghề nào cũng được đi làm", ông Phúc cho biết.

Bác sĩ Phúc đưa ví dụ tại khoa Tim mạch trẻ em, nếu nhân viên y tế mắc COVID-19 bắt buộc phải nghỉ theo quy định. Tại đây, trẻ em mắc bệnh tim mạch, tim bẩm sinh, yếu ớt, nếu không may bị lây COVID-19 từ người lớn sẽ rất nguy hiểm. Do đó, có 2 điều kiện cơ bản để F0 đi làm bình thường là đủ sức khỏe và 5K. Tương tự, nếu cứng nhắc để F1 nghỉ như trước đây sẽ càng thiếu hụt lao động nghiêm trọng và không cần thiết. Trong bối cảnh F0 tràn lan như hiện nay, ai cũng có thể là F1. Nhất là các F1 nguy cơ thấp, không tiếp xúc gần và lâu với F0, hoàn toàn có thể đi làm trực tiếp. Yêu cầu quan trọng là từng cơ quan, công sở, doanh nghiệp phải có hướng dẫn cụ thể cho người lao động áp dụng.

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Cần có cơ sở pháp lý điều chỉnh về trí tuệ nhân tạo
một giờ trước Nhịp đập khoa học
Ủy ban Khoa học -Công nghệ - Môi trường (KH-CN-MT) thấy rằng Việt Nam cần phải có cơ sở pháp lý nhằm điều chỉnh về trí tuệ nhân tạo (AI) để phát triển thế mạnh, hạn chế tác động bất lợi trong nghiên cứu, ứng dụng, phát triển công nghệ AI.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Chuyên gia nói gì về đề xuất cho F0, F1 đi làm trong thời gian cách ly?