Cựu cố vấn chính trị cho Lực lượng Thủy quân Lục chiến Mỹ tại Nhật Bản - Robert D. Eldridge cảnh báo Trung Quốc đang khuyến khích phong trào đòi độc lập ở Okinawa.

Chuyên gia Mỹ: Trung Quốc kích động phong trào đòi độc lập ở Okinawa của Nhật

Hoàng Vũ | 01/04/2021, 08:55

Cựu cố vấn chính trị cho Lực lượng Thủy quân Lục chiến Mỹ tại Nhật Bản - Robert D. Eldridge cảnh báo Trung Quốc đang khuyến khích phong trào đòi độc lập ở Okinawa.

Theo tờ Bưu điện Hoa Nam buổi sáng (SCMP), ông Robert D. Eldridge cho biết phương tiện truyền thông địa phương tại tỉnh Okinawa đang được sử dụng để quảng bá và xây dựng một nền độc lập phản đối sự hiện diện quân sự của Mỹ tại đây.

Ông Eldridge nói thêm rằng việc phong tỏa các sân bay và cơ sở cảng sẽ là hoạt động tương đối đơn giản với lực lượng Trung Quốc nếu được hỗ trợ bởi lực lượng ly khai địa phương trong trường hợp xung đột nổ ra, có thể hạn chế các phản ứng quân sự của Nhật và Mỹ.

Ông Eldridge cũng cảnh báo rằng Nhật Bản và Mỹ cần xem xét tất cả các kịch bản tiềm năng xung quanh quần đảo Senkaku (do Nhật kiểm soát, thuộc tỉnh Okinawa) mà Trung Quốc tuyên bố chủ quyền và gọi là Điếu Ngư.

“Trung Quốc hy vọng sử dụng một tình huống bất ngờ trong khu vực, chẳng hạn như vùng lãnh thổ tranh chấp, để thúc đẩy hơn nữa nền độc lập cho Okinawa”, ông nói.

Khi được tờ This Week in Asia liên hệ, ông Eldridge từ chối trả lời các câu hỏi cụ thể, bao gồm bằng chứng cho tuyên bố của ông về việc triển khai các điệp viên Trung Quốc ở Okinawa; các chiến thuật mà Bắc Kinh có thể sử dụng để chinh phục Senkaku; phản ứng quân sự từ Mỹ hoặc Nhật Bản.

2e71452d-f450-4320-b910-9ca167f24e88-30countries-bought-countries-senkaku.jpeg
Quần đảo Senkaku - Ảnh: Internet

Satoru Nakamura, người đứng đầu diễn đàn Nghiên cứu Chính sách Okinawa, cũng đồng tình rằng phong trào đòi độc lập địa phương sẽ sử dụng tình huống xung quanh đảo Senkaku để “ly khai khỏi Nhật Bản” hoặc gieo rắc bất đồng giữa Tokyo và Washington.

Ông Eldridge cũng nói rằng số lượng công dân Trung Quốc sống ở Okinawa có thể gấp đôi con số được báo cáo là 2.000 và không bao gồm những người đã nhập quốc tịch Nhật Bản, trong khi nhấn mạnh thêm rằng an ninh lỏng lẻo có thể tạo điều kiện cho du khách Trung Quốc mang tiền mặt để hỗ trợ phong trào độc lập cùng với “vũ khí hoặc hàng lậu khác”.

“Có thể dễ dàng tưởng tượng những vũ khí này được sử dụng bởi hàng ngàn người Trung Quốc đại lục, những người đã hiện diện sẵn trên các đảo với tư cách là khách du lịch, trong khi 'tàu quân sự mang vỏ bọc tàu cá' của Trung Quốc ở ngoài khơi sẽ cung cấp chức năng chỉ huy và kiểm soát và thâm nhập vào lực lượng bán quân sự để tấn công các mục tiêu như cơ sở thông tin liên lạc và sân bay”, ông Eldridge nhận định.

Viện Nghiên cứu Quốc phòng Quốc gia Nhật Bản tuần này đã công bố Đánh giá Chiến lược Đông Á hàng năm, trong đó cảnh báo rằng Trung Quốc có thể đẩy mạnh việc triển khai các đơn vị quân đội hoặc tuần duyên vào vùng biển xung quanh đảo Senkaku và khiêu khích các đơn vị Nhật Bản trong khu vực.

Một trong những tác giả của nghiên cứu nói với This Week in Asia rằng, dù ông ấy bi quan về tình hình xung quanh các hòn đảo và lo sợ rằng “một cuộc đụng độ hoặc sự cố ngoài ý muốn” có thể nhanh chóng leo thang, nhưng không đặt lo ngại về kịch bản mà chuyên gia Eldridge nêu ra.

“Có thể tìm thấy kiểu thảo luận này trên các phương tiện truyền thông Trung Quốc và một số giới học thuật, nhưng đó không phải là quan điểm chủ đạo của các nhà chiến lược hay Chính phủ Trung Quốc. Tôi tin rằng Chính phủ Trung Quốc về cơ bản là thực tế về những gì đang diễn ra trong mối quan hệ Nhật-Mỹ với Okinawa.

Chúng tôi thấy Trung Quốc tỏ ra khá hung hăng với Đài Loan, Biển Đông, biên giới với Ấn Độ và những nơi khác, nhưng tôi tin rằng đó là vì đại hội tiếp theo của đảng Cộng sản Trung Quốc sắp diễn ra và Chủ tịch Tập Cận Bình muốn chứng tỏ sự mạnh mẽ của mình. Ông ấy muốn kiểm soát tất cả các thành phần của xã hội Trung Quốc, bao gồm đảng, quân đội và tất cả các nhóm sắc tộc trong nước”, người này cho biết.

Trong khi đó, Liu Qingbin, Phó giáo sư tại Đại học Quốc gia Yokohama (Nhật Bản), bác bỏ các tuyên bố của Eldridge.

“Những ý tưởng này thật lố bịch. Nói Trung Quốc tài trợ cho phong trào đòi độc lập ở Okinawa giống như một trò đùa dở khóc dở cười”, ông nói.

Liu Qingbin khẳng định rằng Trung Quốc “không có sự hiện diện kinh tế” trong tỉnh Okinawa và chỉ ra rằng những câu chuyện về những kẻ xâm nhập đã bắt đầu lan truyền trên mạng cách đây một thập kỷ.

“Trong khi Trung Quốc thực sự có thể muốn các lực lượng Mỹ rời khỏi Okinawa. Bắc Kinh đủ thực dụng để nhận ra rằng quá nhiều công việc địa phương phụ thuộc vào sự hiện diện của quân đội Mỹ để họ được yêu cầu rời đi”, Liu Qingbin nói.

Được biết, trước thời kỳ hiện đại, quần đảo Okinawa ngày nay là vương quốc Ryukyu (phiên âm Hán Việt: Lưu Cầu), một quốc đảo nhỏ, có quan hệ triều cống với cả Trung Quốc (từ năm 1372) và Nhật Bản (từ năm 1609). Nhật Bản chiếm Ryukyu và biến nó thành tỉnh Okinawa vào năm 1879.

Chính phủ Nhật sau đó thực hiện chính sách đồng hóa văn hóa cưỡng bức, bắt buộc người Ryukyu hấp thụ nền giáo dục Nhật, nói tiếng Nhật và tự nhận mình là người Nhật. 

Sau khi vương quốc Ryukyu hoàn toàn bị Nhật Bản xóa sổ năm 1879, phong trào “khôi phục vương quốc Ryukyu” ra đời. Một số thành viên quý tộc Ryukyu tị nạn chính trị sang Trung Quốc cầu viện nhà Thanh nhưng bị từ chối do chính nhà Thanh cũng đang phải bất lực trước làn sóng xâm lược của các nước tư bản phát triển trong đó có Nhật Bản.

Tại Ryukyu, hình thành hai phái, một phái chống Nhật, chủ trương dựa vào nhà Thanh đòi độc lập và khôi phụ lại cựu quốc, một phái cho rằng cần canh tân đất nước, khai hóa văn minh phương Tây và do đó chủ trương nương tựa vào chính Nhật Bản. Sau khi nhà Thanh đại bại trước Nhật trong chiến tranh Nhật - Trung, phái phục quốc gần như tuyệt vọng.

Năm 1945, Nhật Bản thua trận và đầu hàng Mỹ, quần đảo Okinawa được đặt dưới sự kiểm soát của Mỹ về mặt hành chính. Đến năm 1972, Mỹ trả Okinawa cho Nhật. Vốn đã hình thành từ cuối thế kỷ 19, cuộc vận động đòi độc lập cho Okinawa phát triển mạnh sau năm 1945 trong bối cảnh quần đảo này bị Mỹ chiếm đóng và tiếp tục nhen nhóm cho tới ngày nay.

Bài liên quan
Siêu máy tính Trung Quốc đứng đầu danh sách hiệu suất điện toán AI toàn cầu
Do các nhà khoa học quân sự Trung Quốc chế tạo, siêu máy tính Tianhe một lần nữa đứng đầu trong cuộc thử nghiệm quốc tế về hiệu suất điện toán trí tuệ nhân tạo (AI).

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Thủ tướng: Cơ chế, chính sách phù hợp sẽ nhân đôi, nhân ba sức mạnh
6 giờ trước Sự kiện
Trong chương trình kỳ họp thứ 8, sáng 23.11, các đại biểu Quốc hội thảo luận tại tổ về dự án Luật Quản lý và đầu tư vốn Nhà nước tại doanh nghiệp và dự án Luật Công nghiệp công nghệ số. Thủ tướng Phạm Minh Chính tham gia thảo luận tại tổ 8, gồm đại biểu Quốc hội các địa phương Vĩnh Long, Điện Biên, Kon Tum, Cần Thơ.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Chuyên gia Mỹ: Trung Quốc kích động phong trào đòi độc lập ở Okinawa của Nhật