PGS-TS Vũ Thanh Ca cho biết, ông rất lo lắng vì những tác động xấu tới cảnh quan môi trường và sức hấp dẫn du lịch của bãi biển Dốc Lết do công trình kè bảo vệ bờ biển tạo ra.

Chuyên gia kiến nghị Khánh Hòa dừng xây dựng kè bảo vệ tại bãi biển Dốc Lết

Lam Thanh | 07/11/2021, 15:04

PGS-TS Vũ Thanh Ca cho biết, ông rất lo lắng vì những tác động xấu tới cảnh quan môi trường và sức hấp dẫn du lịch của bãi biển Dốc Lết do công trình kè bảo vệ bờ biển tạo ra.

Gần đây, báo chí phản ánh bãi biển Dốc Lết tại Ninh Hòa, Khánh Hòa trở nên tang hoang vì một công trình kè chắn sóng đang thi công.

Liên quan đến việc này, trao đổi với phóng viên Một Thế Giới, PGS-TS Vũ Thanh Ca, Giảng viên cao cấp Trường Đại học Tài nguyên và Môi trường Hà Nội cho biết, ông rất lo lắng vì những tác động xấu tới cảnh quan môi trường và sức hấp dẫn du lịch của bãi biển Dốc Lết do công trình kè bảo vệ bờ biển này tạo ra. Do vậy, ông Ca đề nghị xem xét, ngay lập tức dừng thực hiện công trình nêu trên để thực hiện các nghiên cứu khoa học cần thiết, và cung cấp đầy đủ những bằng chứng khoa học trước khi triển khai thực hiện những công việc tiếp theo.

Ông Vũ Thanh Ca cũng là chuyên gia Hội đồng cấp cao thế giới về một nền kinh tế đại dương bền vững. Ông đã gửi thư kiến nghị đến lãnh đạo tỉnh Khánh Hòa về vấn đề này.

vtv.jpeg
PGS-TS Vũ Thanh Ca, Giảng viên cao cấp Trường Đại học Tài nguyên và Môi trường Hà Nội

Trong thư ông viết: “Không cần nói các đồng chí cũng biết rõ bãi biển Dốc Lết với làn nước trong xanh, bãi cát trắng, độ dốc bãi nhỏ, điều kiện sóng rất phù hợp cho tắm biển. Cảnh quan xung quanh tuyệt đẹp là một kiệt tác, một tài sản vô giá mà thiên nhiên ban tặng cho nhân dân tỉnh Khánh Hòa nói riêng và nhân dân cả nước Việt Nam nói chung. Không chỉ lãnh đạo, người dân tỉnh Khánh Hòa mà người dân cả nước Việt Nam cần chung tay bảo vệ tài sản vô giá này”, ông Ca nói.

Theo chuyên gia này, bãi biển Dốc Lết trên bờ biển vịnh Vân Phong, chịu ảnh hưởng của một phần sóng truyền trực tiếp từ ngoài vào, một phần sóng khúc xạ, nhiễu xạ. Về mặt hình thái, đây là một bãi biển được hình thành giữa hai mỏm đá, có dạng uốn cong như hình mặt trăng nên thuật ngữ quốc tế gọi bãi này là "bãi biển nửa vầng trăng".

“Đối với các bãi này, sóng biển truyền từ ngoài khơi vào qua cửa vịnh Vân Phong sẽ lại bị điều khiển bởi hai mỏm đá ở hai đầu bãi nên truyền vào bờ theo hướng gần như vuông góc với hướng đường bờ biển tại mọi vị trí trên bãi. Sóng có hướng truyền này không gây ra vận chuyển cát dọc theo bãi. Do vậy, không làm mất cát ở bãi biển một cách liên tục theo thời gian”, ông Ca nêu.

Theo ông Ca, thông thường, với các bãi biển như bãi biển Dốc Lết, sóng truyền theo hướng vuông góc với bờ sẽ chỉ gây biến động bãi biển theo mùa. Vào mùa đông, sóng lớn tạo nước dâng do sóng kết hợp với triều cường sẽ nạo vét cát gần bờ, gây xói bãi. Cát do sóng nạo vét gần bờ sẽ được sóng đưa ra bên ngoài, lắng đọng và tạo thành các doi cát song song với bờ. Vào mùa hè, sóng lừng từ ngoài khơi truyền vào sẽ bồi lại bãi.

Trong báo cáo dự thảo danh mục các khu vực phải thiết lập hành lang bảo vệ bờ biển của tỉnh Khánh Hòa do Viện Nghiên cứu biển và hải đảo thực hiện năm 2018 cũng cho thấy, các bãi của tỉnh Khánh Hòa bị xói lở vào mùa đông sẽ bồi lại rất nhanh vào mùa hè, thậm chí chỉ trong 2 đến 3 ngày.

Theo ông Ca, hiện nay, bờ biển Việt Nam có nhiều đoạn bị xói lở nghiêm trọng. Ngoài tác động (cho đến nay là chưa lớn) của biến đổi khí hậu, xói lở bờ biển ở Việt Nam hiện nay chủ yếu là do các đập thủy điện, thủy lợi thượng nguồn chặn bùn cát chảy ra biển và việc xây dựng các công trình mà không tính toán tới hậu quả cho các vùng xung quanh. Điều này gây thiếu hụt bùn cát cục bộ dẫn tới xói lở bờ biển.

Khu vực vịnh Vân Phong không có sông lớn nào chảy ra nên tác động của thượng nguồn (do xây các hồ thủy điện, thủy lợi) không có. Vì vậy, biến động về bùn cát tải ra biển hầu như không có và rủi ro xói lở trong tương lai là rất nhỏ, nếu không muốn nói là hầu như không có.

Trong thư, ông Ca cũng nêu rằng các kết quả nghiên cứu trên thế giới cho thấy tùy vào cấp hạt cát ở bãi, các bãi cát có thể tiêu tán từ từ 80% đến 95% năng lượng sóng. Cát ở bãi Dốc Lết khá mịn nên có khả năng tiêu tán năng lượng sóng tới hơn 90%. Trong khi đó, công trình kè biển thường chỉ tiêu tán được khoảng 20% đến 50% năng lượng sóng.

“Nếu xây dựng công trình kè biển, khi sóng tới công trình nó sẽ bị phản xạ và sóng phản xạ kết hợp với sóng tới sẽ tạo ra trường sóng rất mạnh trước công trình, làm hạ thấp bãi, phá hoại bãi cát và trong tương lai sẽ gây xói lở mạnh hơn”, ông Vũ Thanh Ca nhấn mạnh.

Vị chuyên gia cho rằng, với lý do các kè phản xạ sóng và làm gia tăng xói lở, các công trình bảo vệ bờ biển trên thế giới từ 30 năm trước cho tới nay đều tập trung vào bảo vệ bãi cát (bảo vệ mặt) thay cho làm kè (bảo vệ đường).

“Tôi cho rằng việc đầu tư xây dựng kè biển tại bãi Dốc Lết khó có khả năng làm gia tăng xói lở, do sóng ở đây không mạnh và truyền vào bờ theo hướng vuông góc với đường bờ; nhưng việc xây dựng kè biển sẽ làm mất tính chất tự nhiên của bãi. Do vậy làm giảm giá trị của một bãi cát phục vụ tắm biển đi rất nhiều. Ngoài ra, xây dựng kè biển sẽ không có giá trị gì để ngăn xói lở bãi biển tại Dốc Lết. Nói cách khác, xây kè tại bãi Dốc Lết vừa tốn tiền, vừa làm giảm giá trị của bãi và giảm sức hấp dẫn du lịch của bãi”, ông Ca nêu.

doc-let.jpg
Công trình kè bảo vệ đang được triển khai tại bãi biển Dốc Lết, Khánh Hòa - Ảnh: Báo Pháp luật TP.HCM

Dịch bệnh hiện nay sẽ nhanh chóng qua đi và bãi biển Dốc Lết cũng như các bãi biển khác của Khánh Hòa sẽ trở thành những tài sản vô giá trong tương lai, ông Ca cũng nêu.

Đồng thời, vị chuyên gia này đề nghị các cơ quan liên quan nghiên cứu về các quá trình động lực, vận chuyển bùn cát, xói lở và bồi tụ bờ biển tại bãi biển Dốc Lết nhằm tìm ra giải pháp tốt nhất để bảo vệ bãi biển này cho các thế hệ con cháu.

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Thủ tướng: Cơ chế, chính sách phù hợp sẽ nhân đôi, nhân ba sức mạnh
7 giờ trước Sự kiện
Trong chương trình kỳ họp thứ 8, sáng 23.11, các đại biểu Quốc hội thảo luận tại tổ về dự án Luật Quản lý và đầu tư vốn Nhà nước tại doanh nghiệp và dự án Luật Công nghiệp công nghệ số. Thủ tướng Phạm Minh Chính tham gia thảo luận tại tổ 8, gồm đại biểu Quốc hội các địa phương Vĩnh Long, Điện Biên, Kon Tum, Cần Thơ.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Chuyên gia kiến nghị Khánh Hòa dừng xây dựng kè bảo vệ tại bãi biển Dốc Lết