Hoạt động xuất nhập khẩu của nước ta đang phục hồi rõ rệt khi tình hình dịch bệnh COVID-19 trong nước đã được kiểm soát.
Xuất nhập khẩu phục hồi nhanh
Xuất khẩu tháng 10 của cả nước đã phục hồi với kim ngạch đạt khoảng 27,3 tỉ USD. Tính chung 10 tháng, kim ngạch xuất khẩu ước tính đạt 267,93 tỉ USD, tăng 16,6% so với cùng kỳ năm trước.
Trong đó, xuất khẩu của khu vực kinh tế trong nước ước tính đạt 69,77 tỉ USD, tăng 7,7% và chiếm 26,04% tổng kim ngạch xuất khẩu của cả nước; khu vực kinh tế nước ngoài (kể cả dầu thô) ước tính đạt 198,16 tỉ USD, tăng 20,1% và chiếm tỷ trọng 73,96% tổng kim ngạch xuất khẩu của cả nước. Khu vực kinh tế nước ngoài tiếp tục chiếm tỷ trọng cao trong kim ngạch xuất khẩu của cả nước.
Đáng chú ý, nhiều mặt hàng có kim ngạch xuất khẩu tăng tương đối cao. Cụ thể, nhóm hàng công nghiệp chế biến tiếp tục đóng vai trò quan trọng, đóng góp chính vào tăng trưởng xuất khẩu chung của cả nước khi chiếm tỷ trọng 86,1% tổng kim ngạch xuất khẩu của cả nước. Trong 10 tháng qua, kim ngạch xuất khẩu nhóm hàng này ước tính đạt 230,69 tỉ USD, tăng 18,1% so với cùng kỳ năm trước.
Ngoài ra, các mặt hàng trong nhóm ngành chế biến chế tạo có đóng góp lớn vào mức tăng trưởng kim ngạch xuất khẩu là: sắt thép các loại, với kim ngạch xuất khẩu ước đạt 9,65 tỉ USD, tăng 132% so với cùng kỳ năm trước (tăng 40,1% về lượng); máy móc thiết bị dụng cụ phụ tùng khác ước đạt 29,57 tỉ USD, tăng 39,7% (tăng 13,1% về lượng); gỗ và sản phẩm gỗ, ước đạt 11,89 tỉ USD, tăng 21,4%...
Đáng nói, thế giới còn đối mặt với dịch COVID-19 hoành hành khiến việc đi lại, giao thương khó khăn nhưng tình hình xuất khẩu của nước ta sang các thị trường vẫn chứng kiến sự tăng trưởng mạnh, trong đó có những thị trường quan trọng chủ chốt như Mỹ, EU, ASEAN, Trung Quốc... Điều đó cho thấy nỗ lực cùng với chính sách nhất quán xuyên suốt trong điều hành của hệ thống Chính phủ Việt Nam.
Mỹ tiếp tục là thị trường xuất khẩu lớn nhất của nước ta khi chiếm tỷ trọng 28,37% tổng kim ngạch xuất khẩu của cả nước, với kim ngạch ước tính đạt 76,02 tỉ USD, tăng 21,9% so với cùng kỳ năm trước. Tiếp đến là thị trường Trung Quốc với kim ngạch xuất khẩu ước tính đạt 44,68 tỉ USD, tăng 18% so với cùng kỳ năm trước và chiếm tỷ trọng 16,67% tổng kim ngạch xuất khẩu của cả nước; thị trường EU ước tính đạt 31,7 tỉ USD, tăng 8,9% và chiếm tỷ trọng 11,83% xuất khẩu của cả nước; thị trường ASEAN ước đạt 23,03 tỉ USD, tăng 21,2%, chiếm 8,6% xuất khẩu cả nước....
Ở chiều ngược lại, kim ngạch nhập khẩu hàng hóa 10 tháng ước tính đạt 269,38 tỉ USD, tăng 28,2% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, khu vực kinh tế trong nước đạt 92,5 tỉ USD, tăng 22,7%; khu vực có vốn đầu tư nước ngoài đạt 176,88 tỉ USD, tăng 31,3%.
Đẩy mạnh cơ chế "một cửa" cho xuất khẩu tăng tốc
Có thể thấy, hoạt động xuất khẩu của Việt Nam đang có những thuận lợi khi các doanh nghiệp đã khai thác hiệu quả các hiệp định thương mại tự do (FTA), nhu cầu thị trường toàn cầu lại đang tăng vào dịp cuối năm, đặc biệt là nhóm hàng ta có lợi thế như thủy sản, nông sản, máy móc, giày dép... Hơn nữa, hoạt động kinh tế trong nước đã phục hồi khi dịch bệnh được kiểm soát, đảm bảo chuỗi cung ứng sản xuất được diễn ra thông suốt. Đó chính là động lực cho các doanh nghiệp phục hồi sản xuất cho các đơn hàng cuối năm.
Từ nay đến cuối năm để thúc đẩy xuất khẩu, Bộ Công Thương cần củng cố và mở rộng thị trường xuất khẩu, tận dụng tối đa lợi thế từ các FTA đã có hiệu lực như CPTPP, EVFTA, UKVFTA..., hướng dẫn doanh nghiệp chú trọng vào các thị trường nhỏ và thị trường ngách. Đồng thời, cần tăng cường quản lý xuất khẩu, nhập khẩu một số mặt hàng chiến lược.
Trung Quốc là một trong những đối tác xuất khẩu lớn của nước ta. Vì vậy, "khơi thông dòng chảy" hàng hóa sang thị trường này là điều cần thiết. Cơ quan quản lý Việt Nam cần làm việc với phía Trung Quốc, đề nghị tạo thuận lợi cho hoạt động thông quan, xuất khẩu hàng hóa Việt Nam qua cửa khẩu biên giới phía bắc.
Bên cạnh đó, cần phải tiếp tục đổi mới, tổ chức các chương trình xúc tiến thương mại, kết nối cung cầu cả trong và ngoài nước trên môi trường trực tuyến và dựa trên những nền tảng mới.
Để tăng cường xuất khẩu bền vững, việc đơn giản hóa thủ tục hành chính trong nước được xem là khâu hỗ trợ tốt nhất cho doanh nghiệp, đặc biệt là trong bối cảnh dịch bệnh hiện nay, điều doanh nghiệp cần chính là tiết kiệm chi phí, rút ngắn thời gian thông quan, hạn chế tiếp xúc... Lúc này, đẩy mạnh công tác đơn giản hóa thủ tục hành chính là vô cùng quan trọng.
Trong đó, cơ quan quản lý là Bộ Công Thương, Bộ Tài chính, Tổng cục Hải quan... cần tập trung triển khai các thủ tục hành chính về lĩnh vực xuất nhập khẩu theo cơ chế một cửa quốc gia, một cửa ASEAN… để tạo thuận lợi cho hiệp hội và doanh nghiệp tham gia hoạt động xuất nhập khẩu.
"Bài tuyên truyền thực hiện Nghị quyết 84/NQ-CP ngày 29/5/2020 của Chính phủ"